banner

Giáo dục Điện Biên - 60 năm một chặng đường

Thứ ba - 19/11/2019 02:09
Dienbien.edu.vn - Giáo dục tỉnh Điện Biên được đặt nền móng tương đối muộn. Trong thời kỳ Pháp thuộc, nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên không được hưởng bất kỳ một hình thức giáo dục chính quy nào.
Sau năm 1945, hưởng ứng lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch về thực hiện phong trào “Bình dân học vụ”, tại địa phương phong trào bình dân học vụ được hưởng ứng và triển khai. Nhưng phải đến sau khi Điện Biên được giải phóng năm 1954, cùng với công cuộc xây dựng Miền Bắc XHCN, ngành Giáo dục Điện Biên (trước đây là Lai Châu) mới thực sự hình thành trong muôn vàn khó khăn thiếu thốn, từ cơ sở vật chất đến đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên; người dân chưa nhận thức được nhu cầu học tập của bản thân và của con em mình; 99% đồng bào các dân tộc Tây Bắc còn mù chữ, các hủ tục lạc hậu, tệ nạn xã hội do chế độ cũ để lại rất nặng nề.
Năm 1959, với chủ trương lên xây dựng vùng kinh tế mới còn nhiều khó khăn, hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng và Bác Hồ, 860 giáo viên đã tình nguyện lên phục vụ giáo dục miền núi, với mục tiêu khắc phục tình trạng chậm tiến về kinh tế và văn hóa ở miền núi, đưa miền núi tiến lên cùng miền xuôi, xây dựng chủ nghĩa xã hội tại miền Bắc, làm cơ sở vững chắc cho cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà.

Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tặng hoa các nhà giáo trong đoàn giáo viên năm 1959 trong Chương trình gặp mặt 60 năm Đoàn giáo viên miền xuôi lên công tác tại các tỉnh miền núi (1959-2019), tại Điện Biên ngày 18/11/2019.

Trước khi tỏa về các vùng miền núi khó khăn, các thầy cô giáo tình nguyện đã vinh dự được Bác Hồ đến thăm, nói chuyện tại lớp bồi dưỡng chính trị ngày 22/9/1959, Bác ân tình căn dặn: Công tác ở miền núi có nhiều khó khăn, các cô, các chú xung phong gánh lấy những khó khăn để làm công tác giáo dục ở miền núi, thế là tốt, là vẻ vang. Nhưng các cô chú cần xung phong đến nơi đến chốn. Cần có tinh thần bền bỉ, quyết tâm khắc phục mọi khó khăn, làm tròn nhiệm vụ.
Thực hiện lời dạy của Bác, bước qua nỗi ám ảnh về một vùng “ma thiêng, nước độc”, cùng khí thế hừng hực của tuổi trẻ, đoàn giáo viên năm 1959 đã hành quân lên Tây Bắc xa xôi; nay là các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, đem theo cái chữ vượt dốc, băng đèo, đem ánh sáng văn hóa thắp sáng bản mường, mở ra một trang sử mới trong sự nghiệp giáo dục Tây Bắc.
Những ngày đầu, các thầy cô tự tay dựng trường; thầy trò vừa học, vừa lao động để xây dựng lớp học, nơi ở. Các thầy cô lặn lội đến từng bản, có khi đi bộ cả mấy ngày trời, đối mặt với bao khó khăn: thời tiết bất thường với mưa rừng, nước lũ; với muỗi, vắt, thú dữ rình rập; dân cư thưa thớt, đời sống tự cấp, tự túc; bất đồng ngôn ngữ, chưa quen với phong tục tập quán của người dân… Khó khăn là thế song các thầy cô luôn tìm cách khắc phục mà không kêu ca than phiền, không đòi hỏi chế độ. Các thầy cô miền xuôi khi ấy đã coi miền núi là quê hương thứ hai, coi đồng bào các dân tộc thiểu số như người thân ruột thịt, thực hiện “3 cùng” với nhân dân, sáng lên lớp, lúc rảnh rỗi lại cùng bà con lên nương, lên rẫy trồng khoai, sắn; vận động nhân dân diệt giặc dốt, xóa bỏ hủ tục, xây dựng đời sống văn hóa mới, tạo nên một khí thế giáo dục vô cùng sôi động. Sau một thời gian ngắn, nơi các thầy cô đến phong trào giáo dục đã bắt đầu có kết quả và ngày càng tốt hơn. Thầy dạy trò chữ quốc ngữ, trò dạy lại thầy tiếng của dân tộc mình. Một thời gian sau, các lớp học đã dần hình thành, ổn định và ngày càng phát triển.
Và năm sau, những năm sau nữa, mảnh đất Lai Châu - Điện Biên hôm nay lại tiếp tục được đón các thầy, các cô đem ánh sáng văn hóa về thắp sáng bản mường, tiếp nối thế hệ trước đem tâm huyết của mình cho sự phát triển giáo dục Tây Bắc. Rất nhiều tấm gương của các thầy cô giáo trong Đoàn giáo viên năm 1959 đã cống hiến sức trẻ, tuổi thanh xuân của mình trên vùng cao Tây Bắc như các thầy: Nguyễn Văn Bôn - Anh hùng lao động, người đã đặt nền móng cho giáo dục Mường Tè - Lai Châu; thầy Lê Thúc Kỷ - một trong những giáo viên cấp 2 đầu tiên lên Lai Châu ngày đó, có rất nhiều đóng góp xây dựng phong trào giáo dục tại huyện Điện Biên; thầy Lô Kam Y Hiệp - người có công xây dựng trường sư phạm cấp I đầu tiên của tỉnh, đào tạo nhiều thế hệ giáo viên cho giáo dục Lai Châu (Điện Biên hôm nay); thầy Vũ Kim Thuần nhiều năm gắn bó vì sự phát triển của giáo dục huyện Điện Biên; thầy Phan Vũ Lân hết lòng vì sự nghiệp giáo dục vùng cao Sìn Hồ; thầy Mai Đình Phong gắn bó với giáo dục Tuần Giáo, thầy Nguyễn Minh Tranh có nhiều đóng góp cho giáo dục Mường Tè… và còn nhiều, rất nhiều nữa những tấm gương các thầy cô luôn tận tụy hết lòng vì học sinh thân yêu.

Tổng kết công đoàn Văn phòng Ty Giáo dục, tháng 12/1964 tại Văn phòng ty ở Đồi Cao - Lai Châu
         Các thầy cô đã truyền lửa cho các thế hệ học trò phấn đấu học tập, tu dưỡng, rèn luyện và trưởng thành; nhiều học trò đã tiếp nối sự nghiệp giáo dục của thầy cô trở thành những nhà giáo, lãnh đạo ngành giáo dục, lãnh đạo chủ chốt của tỉnh, đóng góp quan trọng cho sự phát triển giáo dục tỉnh nhà như đồng chí Cầm Kim, Hoàng Văn Binh, Hà Quý Minh, Lỳ Khai Phà,… và nhiều thầy cô giáo nữa.
         Ngày 01/6/1963, Ty Giáo dục Lai Châu được thành lập đã tạo nên một bước chuyển mình rất lớn cho ngành Giáo dục Đào tạo Lai Châu. Cũng trong năm 1963, trường Sư phạm cấp I của tỉnh được thành lập góp phần không nhỏ trong việc đào tạo đội ngũ giáo viên cho tỉnh.
 Lễ phát thẻ đoàn viên Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam, Chi đoàn Văn phòng Ty Giáo dục Lai Châu năm 1964
Những năm chiến tranh leo thang, Mỹ đánh bom phá hoại miền Bắc, nhiều trường học đã bị đánh phá và phải chuyển đến nơi sơ tán, đã có những thầy cô và học trò bị thương, có thầy giáo đã hy sinh… Khó khăn chồng chất, thầy và trò vừa xây dựng trường lớp vừa tổ chức giảng dạy, học tập và quyết tâm không vì khó khăn mà ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục. Quy mô trường lớp vẫn tăng, số lượng học sinh tăng hàng năm, chất lượng được khẳng định, nhiều thầy cô giáo trở thành chiến sĩ thi đua, nhà giáo ưu tú, ngành Giáo dục tỉnh được tặng cờ thi đua. Với chủ trương: "Thầy tìm trò, trường gần dân, quy mô nhỏ, Nhà nước và nhân dân cùng phối hợp", đến hết năm 1970 Giáo dục Lai Châu đã phát triển khá mạnh và ngành Giáo dục đã xóa xong mù chữ cho cán bộ, Đảng viên, thanh niên vùng cao, nhân dân vùng thấp.
Sau khi đất nước thống nhất, thực hiện Chỉ thị số 30 của Bộ Giáo dục, Ủy ban hành chính tỉnh đã ra Chỉ thị số 33-CT/GD về việc tiến hành chiến dịch "Ánh sáng văn hóa". Có hơn 600 cán bộ, giáo viên được phân công lên 14 xã vùng cao của 7 huyện, thị trong tỉnh; trên 1.000 cán bộ, bộ đội, công an, học sinh tình nguyện lên các xã vùng cao thực hiện nhiệm vụ xóa mù chữ cho nhân dân.
Từ năm 1977 đến hết năm 1979, có 36.151/47.264 người được xóa mù chữ, 97/153 xã, thị trấn được công nhận xóa xong nạn mù chữ. Những năm sau đó, quy mô mạng lưới trường lớp tiếp tục được mở rộng, chất lượng giáo dục từng bước được nâng lên.

Hình ảnh kỷ niệm của Chi đoàn Văn phòng Ty Giáo dục Lai Châu tại nơi sơ tán Pa Ham huyện Mường Lay, chụp bên bờ sông Nậm Mức tháng 5/1966
Vậy là đã 60 năm kể từ mùa thu năm 1959, khi những thanh niên trí thức miền xuôi đang ở lứa tuổi thanh xuân phơi phới đã chia tay gia đình, bạn bè lên đường tình nguyện phục vụ miền núi. Hết thế hệ này tới thế hệ khác, những người giáo viên ấy đã bám bản, bám dân, vừa nỗ lực đưa cái chữ về cho hàng vạn đồng bào dân tộc thiểu số, vừa là người cán bộ quần chúng giúp đồng bào giác ngộ chính trị. Các Thầy đã mang "Ngọn cờ đỏ của Ðảng để cắm lên những ngọn núi cao nhất" (Lời của nhà thơ Tố Hữu), làm trọn nhiệm vụ vẻ vang của người thanh niên và người giáo viên yêu nước. Các thầy đã tạo nên sức bật mới cho giáo dục miền núi trong suốt những năm tháng ấy cho đến tận sau này.
Phát huy truyền thống của các thế hệ nhà giáo Việt Nam qua các thời kỳ, được sự quan tâm của các cấp, Bộ, ngành từ trung ương đến địa phương, sự ủng hộ của nhân dân các dân tộc, đặc biệt với sự tâm huyết vượt qua muôn vàn khó khăn của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, bức tranh về sự phát triển giáo dục tỉnh ta ngày càng có nhiều đổi thay rõ nét, có nhiều mảng màu tươi sáng hơn, rực rỡ hơn.
Mạng lưới trường, lớp các cấp học tăng nhanh, được phủ kín tới khắp các bản làng xa xôi nhất của tỉnh. Năm học 2019-2020, toàn tỉnh có 529 trường/trung tâm gồm: 177 trường mầm non, 173 trường tiểu học, 128 trường THCS, 33 trường THPT, 01 TT GDTX tỉnh, 09 TT GDTX-GDNN; 01 Trung tâm NN-TH, 04 trung tâm ngoại ngữ ngoài công lập; 01 Trung tâm Hỗ trợ phát triển GD hòa nhập; 01 Trường Cao đẳng Sư phạm; với 7.187 lớp và 195.844 học sinh, sinh viên. Quy mô học sinh ổn định ở các cấp học phổ thông và phát triển nhanh ở cấp học mầm non. Tỷ lệ huy động dân số trong độ tuổi đến trường các cấp học liên tục tăng, năm sau cao hơn năm trước. Trường chuyên, trường chất lượng cao, trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú được phát triển và củng cố. Các trường phổ thông DTNT cấp huyện đều được nâng cấp lên THPT, được đầu tư, cải tạo, mở rộng quy mô; hệ thống trường PTDTBT tiếp tục phát triển; toàn tỉnh có 09 trường phổ thông DTNT THPT và 140 trường PTDTBT (Tiểu học 75 trường, THCS 65 trường).
Năm 2000, tỉnh Điện Biên được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục Tiểu học và xóa mù chữ; năm 2008 được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục Trung học cơ sở; năm 2009 đạt chuẩn phổ cập giáo dục Tiểu học đúng độ tuổi mức độ 1; năm 2014 đạt chuẩn phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi; năm 2015 đạt chuẩn phổ cập giáo dục Tiểu học đúng độ tuổi mức độ 2. Kết thúc năm học 2019-2020 đề nghị Bộ GDĐT công nhận tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 2 và chuẩn XMC mức độ 2.
Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tăng nhanh; ngành GDĐT quản lý 15.916 công chức, viên chức và người lao động, trong đó có 7.114 đảng viên  (chiếm 44,7%); không có cơ sở giáo dục trắng về đảng viên. Các tổ chức cơ sở đảng trong các cơ quan quản lý giáo dục, các đơn vị trường học đã phát huy vai trò hạt nhân chính trị trong lãnh đạo, chỉ đạo các nhiệm vụ phát triển giáo dục và đào tạo. Qua đó khẳng định được vị thế, vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng đối với sự nghiệp giáo dục và đào tạo của tỉnh.
Cơ sở vật chất, thiết bị dạy và học tiếp tục được đầu tư, nâng cấp và ngày càng khang trang, cơ bản đáp ứng nhu cầu dạy và học. Toàn ngành có 8.985 phòng học với 62,9% số phòng kiên cố; còn lại là phòng bán kiên cố và phòng đáp ứng tiêu chí "Ba cứng", không còn phòng học tạm bằng tranh tre nứa lá; 3.223 phòng nội trú; 2.443 phòng công vụ. Các trường học được xây dựng ngày càng xanh- sạch- đẹp, an toàn và thân thiện. Ứng dụng CNTT trong trường học được đẩy mạnh, 100% trường học được kết nối internet.
Xác định xây dựng trường chuẩn Quốc gia vừa là mục tiêu, vừa là giải pháp để từng bước nâng cao chất lượng giáo dục, trước năm 2004, toàn tỉnh có 20 trường đạt chuẩn quốc gia (chiếm 5,2%) đến nay đã có 326 trường đạt chuẩn quốc gia chiếm 65,5%.
Chất lượng giáo dục từng bước được nâng lên. Toàn tỉnh có 100% trẻ mầm non học 2 buổi/ngày; trên 98% trẻ được ăn bán trú tại trường; tỉ lệ suy dinh dưỡng thấp còi và nhẹ cân trong trường học dưới 10%. Tỷ lệ học sinh hoàn thành lớp học và hoàn thành chương trình tiểu học đạt trên 99%. Tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THCS đạt trên 99%, tốt nghiệp THPT đạt trên 92%.
Công tác bồi dưỡng học sinh năng khiếu, học sinh giỏi, hoạt động nghiên cứu khoa học gặt hái được nhiều kết quả. Số học sinh tham gia kỳ thi học sinh giỏi quốc gia hằng năm tăng, chất lượng giải được xếp ở tốp giữa so với cả nước (năm 2015 đạt 23 giải trong đó 01 giải Nhất, 05 giải Nhì, 08 giải Ba và 09 giải KK; năm 2018, 2019 mỗi năm đạt 17 giải). Tham gia cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia cho học sinh trung học năm 2018 có 05 lượt dự án đạt giải; năm 2019 có 02 dự án đạt giải. Tham gia cuộc thi sáng tạo Thanh thiếu nhi đồng toàn quốc năm 2019 được 01 giải Nhất trong tổng số 5 giải Nhất của cả nước. Các cuộc thi qua mạng khác dành cho học sinh Tiểu học, THCS, THPT, … Điện Biên luôn có đội tuyển tham gia và đạt nhiều giải cao.
Cùng với các hoạt động chuyên môn, ngành GDĐT Điện Biên luôn là lá cờ đầu trong việc tham gia các hoạt động phong trào văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao trong giáo viên và học sinh, góp phần quan trọng vào sự phát triển phong trào văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao của tỉnh nhà. Ngành đã tổ chức các hoạt động phong trào chất lượng cao như Hội khỏe Phù Đổng, các giải thể thao truyền thống hàng năm của ngành, hội thi “Cô giáo tài năng, duyên dáng”, hội thi - liên hoan “Tiếng hát người giáo viên”, hội thi tiếng hát học sinh “Giai điệu tuổi hồng”,... Tham gia tích cực, đạt kết quả cao trong các hội thi văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao do tỉnh và Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức. HKPĐ toàn quốc lần thứ IX, khu vực I tại tỉnh Phú Thọ, đoàn Điện Biên đứng thứ 4/13 đơn vị tham gia, xếp thứ 31/63 tỉnh thành, được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng cờ thi đua là đơn vị miền núi có thành tích xuất sắc; giải Nhì hội thi “Cô giáo tài năng, duyên dáng” toàn quốc năm 2017; đạt giải Nhất toàn đoàn, đoạt cúp vô địch giải cầu lông Người giáo viên nhân dân toàn quốc tranh cúp 3 sao năm 2019; đạt giải Nhất toàn đoàn trong nhiều giải đấu và hội thi văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao của tỉnh.
Với sự nỗ lực cố gắng không ngừng nghỉ, ngành Giáo dục và Đào tạo luôn phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Năm 2016, ngành đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất. Năm học 2018-2019, Điện Biên là 1 trong 7 tỉnh thành cả nước được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Cờ thi đua có thành tích tiêu biểu xuất sắc dẫn đầu phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”. Nhiều đơn vị được tặng thưởng các danh hiệu cao quý: Tập thể Anh hùng Lao động thời kì đổi mới: Trường Tiểu học số 1 thị trấn Tuần Giáo, trường Phổ thông DTNT tỉnh; Huân chương Lao động hạng Nhất: Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, trường Phổ thông DTNT tỉnh, trường Mầm non 20/10 - Thành phố Điện Biên Phủ; Huân chương Lao động hạng Nhì: THPT Phan Đình Giót, Tiểu học Bế Văn Đàn, Tiểu học Him Lam - TP. Điện Biên Phủ; THCS Thanh Xương, Mầm non Thanh Hưng - huyện Điện Biên; Mầm non Thị trấn Tuần Giáo... Nhiều trường được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba; 25 nhà giáo được phong tặng Nhà giáo ưu tú; nhiều thầy cô được tặng Huân chương Lao động hạng Nhì, hạng Ba; Cờ thi đua và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của Bộ Giáo dục - Đào tạo cùng nhiều danh hiệu cao quý khác.
  Trường mầm non xã Nà Tấu, huyện Điện Biên
Những thành tựu của giáo dục Điện Biên hôm nay là minh chứng cho sự sáng suốt trong đường lối phát triển giáo dục miền núi với khởi đầu là cuộc vận động đoàn giáo viên năm 1959 ngày ấy của Đảng và Chính phủ. Các thầy cô chính là những người đã đặt nền móng vững chắc cho sự phát triển của giáo dục miền núi từ những ngày đầu gian khó cho đến tận bây giờ và mãi mai sau. Công lao của các thầy cô rất lớn, sự hy sinh cho sự nghiệp của các thầy cô rất nhiều. Ngành Giáo dục, nhân dân các dân tộc Tây Bắc trong đó có tỉnh Điện Biên hôm nay, mãi ghi dấu ấn và tri ân đối với công lao to lớn của các thầy cô cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Tiếp nối các thầy cô là biết bao thế hệ cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên trong ngành đã không quản khó khăn vất vả, tận tâm tận lực cho sự phát triển của Giáo dục tỉnh nhà.
Đã hơn 60 năm kể từ mùa thu năm 1959 - hơn nửa thế kỷ đã trôi qua - 60 năm là chặng đường in dấu ấn của một giai đoạn lịch sử đầy biến động trong hành trình dựng xây, bảo vệ và phát triển. Chúng ta không bao giờ quên những người thầy trong Đoàn giáo viên năm 1959 - những người thầy đã bám bản, bám dân, vừa nỗ lực đưa chữ đến cho hàng vạn đồng bào dân tộc thiểu số, vừa là những người cán bộ tiên phong, giúp đồng bào giác ngộ chính trị, làm trọn nhiệm vụ vẻ vang của người thanh niên và người giáo viên yêu nước. Chính các thầy đã tạo nên sức bật cho giáo dục miền núi trong suốt những năm tháng khởi đầu, để đến hôm nay, sự nghiệp giáo dục - đào tạo ở tỉnh đã không ngừng phát triển, đào tạo những công dân có tri thức, góp sức xây dựng tỉnh vững bước trên con đường đổi mới và hội nhập. Chặng đường ấy không chỉ có mồ hôi công sức, mà có cả máu, nước mắt và nhiều quãng đời thanh xuân nơi rừng sâu, núi thẳm của các thế hệ "đưa đò" thầm lặng ở vùng cao Tây Bắc. Giờ đây mỗi tên đất tên trường đều trở nên gần gũi thân thương với các thế hệ người Điện Biên, trở thành gạch nối thiêng liêng giữa quá khứ và hiện tại.
Chúng ta tin tưởng rằng, trên cơ sở kế thừa, phát huy truyền thống cao quý của những người giáo viên "xung phong" ngày ấy, mỗi "chuyến đò" của ngày hôm nay và trong tương lai sẽ đều là những chuyến "đò đầy" chở những yêu thương, chắp cánh ước mơ cho các thế hệ học trò vùng cao đến với chân trời tri thức./.

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập1,180
  • Thành viên online2
  • Máy chủ tìm kiếm23
  • Khách viếng thăm1,155
  • Hôm nay16,301
  • Tháng hiện tại661,386
  • Tổng lượt truy cập135,139,679
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi