Việc treo cờ Tổ Quốc là thể hiện lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, là ý thức trách nhiệm của mỗi người dân. Treo cờ Tổ Quốc trang trọng trong những ngày lễ lớn, ngày Tết đã trở thành nghi lễ quen thuộc, thể hiện lòng yêu nước và tự hào của mỗi công dân Việt Nam, biểu tượng của tinh thần đoàn kết, chung sức, chung lòng xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phồn vinh, và là nét đẹp văn hóa của dân tộc. Từ xưa tới nay, việc treo cờ Tổ Quốc tại trụ sở các cơ quan, đơn vị, các hộ dân, địa điểm công cộng,.. nhân dịp các ngày Tết, ngày Lễ kỷ niệm trọng đại của Đất Nước, được thực hiện khá nghiêm túc, đúng quy định. Tuy nhiên, vẫn còn một số cơ quan, đơn vị, hộ gia đình chưa quan tâm thực hiện đúng quy định việc treo cờ Tổ quốc, dẫn đến việc thiếu nghiêm túc, gây mất mỹ quan đô thị như: Treo cờ quá cũ, treo cờ ở vị trí thiếu trang trọng, cờ bạc màu, rách nhưng không được thay thế kịp thời, gây phản cảm, vẫn còn nhiều hộ gia đình không treo cờ Tổ quốc do quên hoặc do không có nhà vào dịp Lễ, Tết.
Xuất phát từ những vấn đề trên, hai em học sinh Nguyễn Ngọc Khánh Linh và Trần Phương Anh đã nảy ra ý tưởng và tìm đến thày giáo Trần Văn Long – giáo viên trường THPT Tuần Giáo nhờ thầy hướng dẫn để hiện thực hoá ý tưởng ấp ủ của mình: nghiên cứu hệ thống “Cờ Tổ quốc tự động”. Trải qua 6 công đoạn: Vẽ sơ đồ nguyên lí của mạch; Thiết kế cơ khí, chuẩn bị bản vẽ các chi tiết; gia công các chi tiết, lắp ráp hoàn thiện cơ khí; Lựa chọn các linh kiện thiết bị điện, thiết bị chọn phải phù hợp; Liên kết app điều khiển IoT với các linh kiện mạch điện; Lắp ráp, hàn các linh kiện tạo thành sản phẩm, tiến hành cho hoạt động thử, điều chỉnh các thông số cho phù hợp với điều kiện thực tế, thầy và trò đã chế tạo và thử nghiệm thành công sản phẩm “Cờ Tổ quốc tự động” đạt tiêu chí mà thầy và trò hướng tới là: mọi cơ quan, đơn vị, nhà dân sử dụng cờ nâng hạ có cấu tạo đơn giản, giúp tiết kiệm thời gian, công việc. Cụ thể, sản phẩm “Cờ Tổ quốc tự động” được điều khiển trực tiếp qua app Blynk IoT thông qua điện thoại di động di động rất dễ sử dụng và được thiết lập theo lịch trình: Tự động treo cờ: Đến thời điểm cài đặt (ví dụ, vào lúc 6:00 sáng trong các ngày lễ), bộ điều khiển trung tâm sẽ hoạt động; Khi cờ đạt đến vị trí đỉnh cao, cảm biến vị trí ở đỉnh cao sẽ phát tín hiệu để dừng động cơ. Tự động hạ và lưu trữ cờ: Đến thời điểm hạ cờ (ví dụ, 6:00 chiều), bộ điều khiển trung tâm kích hoạt cơ chế ngược chiều; Khi cờ đạt đến vị trí thấp nhất, cảm biến ở bên dưới sẽ phát ra tín hiệu dừng động cơ, sau đó kích hoạt cơ chế cuộn để cuộn gọn lá cờ. Tính năng bảo vệ và an toàn: Hệ thống có thể được tích hợp chức năng giám sát và cảnh báo khi gặp sự cố như cơ sở quá tải, cảm biến bị lỗi hoặc nguồn điện không ổn định; Tự động ngừng hoạt động khi tiết lộ xấu (nếu phân tích thích hợp các biến thể) để bảo vệ cờ và đảm bảo an toàn.
Với mong muốn khuyến khích và động viên các em học sinh có niềm đam mê, tò mò với khoa học kỹ thuật, giúp các em có cơ hội thực hiện những ý tưởng sáng tạo của mình, đồng thời rèn luyện kỹ năng nghiên cứu khoa học, giao lưu kết nối với bạn bè đam mê cùng lĩnh vực, đóng góp vào sự phát triển của ngành khoa học kỹ thuật từ cấp trường lên đến cấp quốc gia, trong suốt quá trình nghiên cứu và chế tạo sản phẩm, dự án luôn nhận được sự ủng hộ, động viên, quan tâm sát sao của thầy giáo Bùi Trung Thành – Bí thư Đảng bộ, Hiệu trưởng nhà trường, cũng như các thầy cô giáo trong Ban Giám hiệu và cán bộ, giáo viên nhà trường. Nhận thấy, sản phẩm “Cờ Tổ quốc tự động” của thầy và trò có tính ứng dụng cao và thiết thực với tình hình thực tế nên nhà trường đã quyết định gửi sản phẩm đi tham dự Cuộc thi KHKT học sinh trung học cấp tỉnh, năm học 2024-2025 và rất vinh dự sản phẩm đã xuất sắc đạt giải Ba (Lĩnh vực Kỹ thuật cơ khí).
Sở GDĐT tỉnh Điện Biên đã tổ chức cuộc thi tạo một sân chơi lành mạnh, bổ ích, giúp các em học sinh thoả sức đam mê sáng tạo với môn Khoa học Kỹ thuật. Đây là cơ hội để các em học sinh có thể thể hiện và tìm hiểu sâu hơn về các lĩnh vực khoa học kỹ thuật đang phát triển./.