banner

Lịch sử 75 năm xây dựng và phát triển ngành Thanh tra

Thứ hai - 16/11/2020 21:50
Ngày 23/11/1945 với Sắc lệnh số 64/SL của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc thành lập Ban Thanh tra Đặc biệt- tổ chức tiền thân của ngành Thanh tra Việt Nam, ngành Thanh tra Việt nam đã trải qua 75 năm xây dựng và phát triển với những tên gọi khác nhau:

1. Ban Thanh tra đặc biệt (từ tháng 11 năm 1945 đến tháng 12 năm 1949)
Tại phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 4 tháng 10 năm 1945, Chính phủ đã yêu cầu  Bộ Nội vụ lập một Ủy ban Thanh tra hành chính để đi điều tra công việc hành chính ở các địa phương, làm nhiệm vụ tiếp nhận và xử lý các thư từ, đơn kiện hoặc gặp gỡ trực tiếp bày tỏ nguyện vọng cần sớm chấm dứt các hiện tượng, việc làm sai trái của một số nhân viên trong bộ máy chính quyền các cấp, nhất là ở các địa phương.
Ngày 13 tháng 11 năm 1945, Hội đồng Chính phủ giao cho ông Phạm Ngọc Thạch dự thảo một đề án về tổ chức và hoạt động của Ban Thanh tra của Chính phủ, đồng thời quyết định thành lập ở mỗi bộ một Ban Thanh tra đặt dưới quyền viên Thanh tra hành chính do Bộ Nội vụ cử. Một ngày sau, ngày 14 tháng 11, Hội đồng Chính phủ đã họp và thông qua quyết định thành lập một Ban Thanh tra đặc biệt của Chính phủ. Ngày 23 tháng 11 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 64-SL thành lập Ban Thanh tra đặc biệt. Đây chính là tổ chức tiền thân của Thanh tra Chính phủ sau này và ngày 23 tháng 11 trở thành ngày truyền thống của ngành Thanh tra Việt Nam.
Tiếp theo đó, ngày 31 tháng 12 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 80-SL cử các ông Bùi Bằng Đoàn và Cù Huy Cận vào Ban Thanh tra đặc biệt. Ông Bùi Bằng Đoàn được cử giữ chức Trưởng ban Thanh tra đặc biệt, trở thành vị Tổng thanh tra đầu tiên của Việt Nam.
2. Ban Thanh tra Chính phủ (từ tháng 12 năm 1949 đến tháng 3 năm 1956)
Giữa tháng 12 năm 1949, Hội đồng Chính phủ ra quyết nghị giải thể Ban Thanh tra Đặc biệt và thành lập Ban Thanh tra Chính phủ. Ngày 18 tháng 12 năm1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 138 B-SL thành lập Ban Thanh tra Chính phủ, ông Hồ Tùng Mậu được cử làm Tổng Thanh tra.
Do điều kiện chiến tranh và đặc điểm lãnh đạo, nên mặc dù đã được thành lập và có một văn phòng riêng, nhưng Ban Thanh tra Chính phủ vẫn gần như là một cơ quan chung với Ban Kiểm tra Trung ương Đảng. ÔngTrần Đăng Ninh, Trưởng ban kiểm tra Trung ương Đảng, đồng thời kiêm giữ chức Tổng Thanh tra phó. Nhiều cán bộ trong Ban kiểm tra Trung ương đều được Chính phủ bổ nhiệm làm phái viên của Ban Thanh tra Chính phủ.
3. Ban Thanh tra Trung ương của Chính phủ (từ tháng 3 năm 1956 đến tháng 9 năm 1961)
Sau khi kiểm soát được miền Bắc, ngày 28 tháng 3 năm1956, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Sắc lệnh số 261/SL thành lập Ban Thanh tra Trung ương của Chính phủ. Ông Nguyễn Lương Bằng được cử làm Tổng Thanh tra, các ông Nguyễn Côn và Trần Tử Bình làm Phó Tổng Thanh tra.
4. Ủy ban Thanh tra của Chính phủ (từ tháng 9 năm 1961 đến tháng 2 năm 1984)
Ngày 29 tháng 9 năm1961, Hội đồng Chính phủ ban hành Nghị định số 136/CP quyết định thành lập Ủy ban Thanh tra của Chính phủ thay cho Ban Thanh tra Trung ương của Chính phủ và quy định nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của cơ quan này. Ông Nguyễn Lương Bằng được cử giữ chức Tổng Thanh tra, ông Trần Mạnh Quỳ làm Phó Tổng Thanh tra và các ông Nguyễn Cáo, Đặng Văn Quang giữ chức Ủy viên thanh tra.
Sau 4 năm hoạt động, ngày 11 tháng 10 năm 1965, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn việc giải thể Ủy ban Thanh tra của Chính phủ. Do đó, trong 4 năm (1965-1968), hệ thống Thanh tra Nhà nước từ Trung ương đến cấp khu, tỉnh, thành phố bị giải thể, chỉ còn các Ban Thanh tra của các Bộ, ngành hoạt động. Các Ban Thanh tra ngành do nhiều nguyên nhân đã không hoạt động đúng chức năng thanh tra mà chỉ dừng lại ở việc xét khiếu tố, và trong công tác này cũng còn nhiều hạn chế.
Mãi đến ngày 11 tháng 8 năm 1969 Ủy ban Thường vụ Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mới ra Nghị quyết số 780/NQ-TVQH, tái thành lập Ủy ban Thanh tra của Chính phủ. Ông Nguyễn Thanh Bình được cử giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban, các ông Trần Mạnh Quỳ và Nguyễn Thừa Kế được bổ nhiệm làm Phó Chủ nhiệm Ủy ban Thanh tra của Chính phủ.
Sau khi thống nhất đất nước năm 1975, cơ cấu tổ chức ngành Thanh tra cũng thống nhất trên toàn quốc. Ông Trần Nam Trung được bầu làm Chủ nhiệm đầu tiên của Ủy ban Thanh tra của Chính phủ thống nhất.
5. Ủy ban Thanh tra Nhà nước (từ tháng 2 năm 1984 đến tháng 4 năm 2005)
Ngày 15 tháng 2 năm 1984, Hội đồng Bộ trưởng ra Nghị quyết số 26/HĐBT, trong đó còn đổi tên gọi chính thức của hệ thống thanh tra là Ủy ban Thanh tra Nhà nước. Ông Bùi Quang Tạo, Chủ nhiệm Ủy ban Thanh tra của Chính phủ, giữ chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban Thanh tra Nhà nước.
6. Thanh tra Nhà nước
Ngày 1 tháng 4 năm 1990, Pháp lệnh Thanh tra được ban hành. Ủy ban Thanh tra Nhà nước được chuyển đổi thành một cơ cấu ngành dọc với tên gọi Thanh tra Nhà nước. Ông Nguyễn Kỳ Cẩm, Chủ nhiệm Ủy ban Thanh tra Nhà nước, giữ chức vụ Tổng Thanh tra Nhà nước.
7. Thanh tra Chính phủ (từ tháng 4 năm 2005 đến nay)
Ngày 25 tháng 4 năm 2005, Nghị định 55/2005/NĐ-CP ban hành, thay thế Nghị định 46/2003/NĐ-CP ngày 9 tháng 5 năm 2003. Theo đó, ngành Thanh tra Nhà nước đổi tên thành Thanh tra Chính phủ và chức vụ Tổng Thanh tra Nhà nước cũng được đổi thành Tổng Thanh tra Chính phủ./.

Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 3 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập215
  • Máy chủ tìm kiếm34
  • Khách viếng thăm181
  • Hôm nay29,186
  • Tháng hiện tại838,180
  • Tổng lượt truy cập135,316,473
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi