banner

Một số Giải pháp nâng cao chất lượng dạy học lớp ghép trong trường Tiểu học vùng dân tộc thiểu số, miền núi

Chủ nhật - 30/08/2020 23:53
dienbien.edu.vn - Thực hiện hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo về quản lý và tổ chức dạy học lớp ghép cấp tiểu học. Trong những năm qua Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các phòng Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn các trường tiểu học trên địa bàn tổ chức rà soát, xây dựng kế hoạch phát triển sự nghiệp giáo dục, xây dựng kế hoạch mở lớp ghép 2,3 trình độ tại các điểm trường có số lượng học sinh ít, không đủ điều kiện để mở lớp đơn đề nghị phòng Giáo dục và Đào tạo ban hành quyết định phân công giáo viên dạy lớp ghép; xây dựng kế hoạch dạy lớp ghép, hướng dẫn và tổ chức tập huấn cho đội ngũ giáo viên về phương pháp dạy lớp ghép.
Năm học 2019-2020, cấp Tiểu học có 93/165 trường tổ chức dạy lớp ghép với 308 lớp, 4.918 học sinh; số học sinh lớp ghép 2 trình độ 4.869/4.918 học sinh, chiếm tỉ lệ 99% (trong đó số lớp ghép 1+2 là 3.995 học sinh; lớp ghép 2+3 94 học sinh; lớp ghép 2+3 204 học sinh; lớp ghép 4+5 là 233 học sinh); có 2 lớp ghép 3 trình độ với 49 học sinh. Cấp Tiểu học có 76/165 trường PTDTBT, 1.392 lớp, 33.050 học sinh; số học sinh ở nội trú cả tuần tại trường là 21.111 (tỷ lệ 29,7%).
Chất lượng dạy học lớp ghép của các trường trong những năm học qua có nhiều chuyển biến tích cực, tỷ lệ học sinh được đánh giá về học tập đều ở mức Hoàn thành Tốt ngày càng được nâng lên. Chất lượng hai môn Toán, Tiếng Việt cuối năm học 2019-2020 như sau: Môn Tiếng Việt: Tổng số học sinh lớp ghép 4.918, Hoàn thành Tốt 1.051 tỷ lệ 21,4%; Hoàn thành 3.734, tỷ lệ 75,7%, Chưa hoàn thành 144 tỷ lệ 2,9%; môn Toán Hoàn thành Tốt 946 tỷ lệ 19,2%; Hoàn thành 3.730 tỷ lệ 75,9%; Chưa hoàn thành 242; tỷ lệ 4,9%. So với chất lượng chung của cấp học: Tỷ lệ hs lớp ghép Chưa hoàn thành môn Tiếng Việt, Toán cao hơn lần lượt là 2,35%, 4,37%.

Tọa đàm Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng dạy học lớp ghép
do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức tại Điện Biên
Toàn tỉnh Điện Biên có 316 giáo viên dạy lớp ghép, trong đó: Số giáo viên nữ dạy lớp ghép 97 người, số giáo viên người dân tộc thiểu số 241 người, tỷ lệ 76,2%; 306/306 giáo viên có trình độ đào tạo trên chuẩn, tỷ lệ 100%. Giáo viên tham gia giảng dạy lớp ghép được tập huấn, bồi dưỡng về phương pháp dạy học lớp ghép. Năm học 2019-2020 có 308 giáo viên dạy lớp ghép tham gia tập huấn về đổi mới phương pháp dạy học lớp ghép. Phần lớn giáo viên dạy lớp ghép là người dân tộc bản địa nên thuận lợi trong giao tiếp tiếng mẹ đẻ, hiểu được phong tục tập quán địa phương. Việc bố trí giáo viên và cán bộ phụ trách: Vào đầu năm học, các trường phân công 01 đồng chí Ban giám hiệu phụ trách và trực tiếp chỉ đạo chuyên môn lớp ghép; căn cứ vào tình hình thực tế trường đề xuất những giáo viên có năng lực, trình độ chuyên môn và kinh nghiệm giảng dạy để dạy lớp ghép.
Việc dự giờ, tổ chức sinh hoạt chuyên môn của tổ giáo viên lớp ghép: Sinh hoạt chuyên môn 3 lần/tháng (01 buổi sinh hoạt chuyên môn trường, 02 buổi sinh hoạt chuyên môn tổ). Nội dung sinh hoạt chuyên môn tập trung vào: các giải pháp nâng cao chất lượng, dạy học theo nhóm trình độ, đổi mới đánh giá học sinh tiểu học, tổ chức hoạt động GDNGLL, phương pháp và kĩ thuật dạy học tích cực,… Công tác bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên dạy học lớp ghép được quan tâm thường xuyên, nội dung bồi dưỡng tập trung vào đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức, cách xây dựng kế hoạch dạy học. Giáo viên dạy lớp ghép được bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ qua các đợt bồi dưỡng tập trung hè, các buổi sinh hoạt chuyên môn của các cụm trường, trường, tổ. Bên cạnh đó, giáo viên còn tự học tự bồi dưỡng qua các cổng thông tin điện tử, báo đài,... Giáo viên dạy lớp ghép được chi trả phụ cấp hàng tháng theo Quyết định 15/2010/QĐ-TTg ngày 03/3/2010 của Thủ tướng Chính phủ ban hành về phụ cấp dạy lớp ghép đối với giáo viên trực tiếp giảng dạy học sinh tiểu học trong các cơ sở giáo dục công lập.  

Học sinh học lớp ghép tại Trường PTDTBT Tiểu học Bản Bua, Mường Ảng
Tuy nhiên biên cạnh đó, việc dạy học lớp ghép còn gặp nhiều khó khăn: Nhiều trường tiểu học cách xa trung tâm huyện, các điểm trường lẻ có lớp ghép cách xa trung tâm xã, địa hình đồi núi, đi lại khó khăn, một số điểm trường lẻ ít học sinh nên khó khăn trong công tác quản lý, xây dựng kế hoạch mở lớp ghép và nâng cao chất lượng giáo dục tại các lớp ghép. Có một số điểm trường bắt buộc phải bố trí lớp ghép có 2 trình độ không liền kề nên khó khăn khi tổ chức các môn học chung như: môn Đạo đức, Mĩ thuật, Âm nhạc, Tự nhiên và xã hội,… Cơ sở vật chất trường lớp, trang thiết bị dạy học, nhà ở giáo viên, bếp ăn, các công trình phục vụ sinh hoạt cho học sinh mặc dù được đầu tư nâng cấp song vẫn còn nhiều khó khăn, một số điểm trường lớp học lớp ghép còn là nhà tạm.  Phần lớn học sinh lớp ghép đạt theo chuẩn kiến thức kĩ năng song số lượng và chất lượng học sinh mũi nhọn, học sinh năng khiếu còn ít so với mặt bằng chung của các trường. Việc tổ chức các môn học (trừ Toán và Tiếng Việt) theo hình thức dạy học chung cho các nhóm trình độ khác nhau trong đó lựa chọn nội dung chương trình của nhóm trình độ thấp làm cơ sở nên khi học sinh lên lớp trên phần nào thiếu hụt kiến thức ở lớp dưới, khó khăn trong việc hình thành kiến thức mới.  Nhận thức của một số giáo viên về đổi mới phương pháp dạy học lớp ghép chưa đầy đủ nên việc áp dụng phương pháp dạy học tích cực vào các môn học còn hạn chế. Một số cán bộ quản lý chưa quyết liệt, chưa sáng tạo, linh hoạt trong công tác chỉ đạo chuyên môn và các hoạt động của nhà trường.

Đoàn công tác của Vụ Giáo dục Dân tộc - Bộ Giáo dục và Đào tạo kiểm tra công tác dạy học lớp ghép tại Trường TH Pom Lót, huyện Điện Biên

Nhằm tạo điều kiện cho học sinh lớp ghép có cơ hội được học tập trong điều kiện thuận lợi nhất, Sở Giáo dục và Đào tạo đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dạy học lớp ghép trong tại các trường phổ thông dân tộc bán trú:
1. Chỉ đạo các phòng Giáo dục và Đào tạo tham mưu với cấp có thẩm quyền đầu tư về cơ sở vật chất (lớp học, nhà nội trú, nhà ăn, nhà bếp, trang thiết bị dạy học, đồ dùng thiết bị phục vụ cho việc học sinh ăn nghỉ bán trú); tạo điều kiện thuận lợi để các trường huy động học sinh tại các điểm trường lẻ về trung tâm học bán trú. Chỉ tổ chức dạy học lớp ghép tại các điểm trường cách xa trung tâm trường, đường xá đi lại khó khăn không thể huy động học sinh về trung tâm.
2. Tham mưu UBND tỉnh Điện Biên ban hành Quyết định số 1454/QĐ-UBND ngày 17/11/2016 về việc phê duyệt Kế hoạch thực hiện Đề án tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số tỉnh Điện Biên giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025. Để nâng cao hiệu quả thực hiện Đề án, Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp tăng cường tiếng Việt cho học sinh vùng dân tộc thiểu số. Trong đó tập trung tuyên truyền, phổ biến trong các cấp ủy Đảng, chính quyền, cộng đồng, cha mẹ trẻ, giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục và học sinh về mục đích, ý nghĩa và sự cần thiết của việc tăng cường tiếng Việt cho học sinh tiểu học tại các lớp ghép. Huy động sự vào cuộc của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, các lực lượng xã hội khác như: trưởng bản/tổ dân cư, Hội Khuyến học, Hội phụ nữ,... vận động các gia đình người dân tộc thiểu số cho con em trong độ tuổi đến trường và đi học chuyên cần; tuyên truyền, hỗ trợ các bậc cha, mẹ trong việc tăng cường tiếng Việt cho học sinh. Tổ chức bồi dưỡng, tập huấn về tiếng Việt cho cha, mẹ học sinh là người dân tộc thiểu số, cộng đồng vùng đồng bào dân tộc thiểu số để xây dựng môi trường tiếng Việt tại gia đình và cộng đồng.
3. Tổ chức dạy học 2 buổi/ngày ở tất cả các trường, các khối lớp; nâng cao hiệu lực công tác chỉ đạo, quản lý đối với các đơn vị trường có lớp ghép và giáo viên dạy lớp ghép; chỉ đạo các đơn vị trường xây dựng kế hoạch, phân công những giáo viên nhiệt tình, có chuyên môn, kinh nghiệm, tâm huyết để dạy lớp ghép, đảm bảo biên chế 1,5 giáo viên/lớp đối với lớp ghép.
4. Chỉ đạo các trường tích cực bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ giáo viên dạy học lớp ghép. Tăng cường công tác sinh hoạt chuyên môn cấp cụm trường nhằm trao đổi, thảo luận, nâng cao năng lực dạy học lớp ghép, tháo gỡ khó khăn cho giáo viên. Hướng dẫn các trường tổ chức sinh hoạt chuyên đề cụm, chuyên đề trường,…về phương pháp, hình thức tổ chức dạy học lớp ghép để phát triển toàn diện học sinh; chỉ đạo các trường xây dựng kế hoạch định kỳ hàng tuần, tháng, quý kiểm tra, đôn đốc nhất là tại các điểm bản xa trung tâm, đảm bảo hiệu quả trong công tác dạy học lớp ghép tại các nhà trường.
5. Bổ sung, thay thế, cung cấp thiết bị dạy học, đồ dùng đồ chơi, học liệu phần mềm dạy học phù hợp. Đặc biệt quan tâm đến học sinh lớp ghép các điểm trường tại xã đặc biệt khó khăn. Tiếp tục phát động phong trào tự làm đồ dùng dạy học, đồ chơi trẻ em trong đội ngũ cán bộ giáo viên, học sinh, phụ huynh và nhân dân trên địa bàn. Chú trọng tái sử dụng các nguyên vật liệu sẵn có tại địa phương.
6. Triển khai thực hiện Đổi mới phương pháp dạy học theo Mô hình trường học mới (VNEN). Đến năm học 2019-2020, toàn tỉnh Điện Biên có 165/165 trường tiểu học có sử dụng tài liệu dạy học theo Mô hình trường học mới hoặc áp dụng những thành tố tích cực của Mô hình trường trường học mới. Phòng Giáo dục Tiểu học đã chỉ đạo các trường dạy học phân loại đối tượng học sinh, vận dụng các kiến thức kỹ năng đã học vào việc giải quyết các vấn đề thực tiễn nhằm phát triển năng lực phẩm chất học sinh.
7. Chỉ đạo triển khai xây dựng môi trường tiếng Việt trong lớp học, trường có lớp ghép và tại gia đình; tăng cường xây dựng và tổ chức các hoạt động thư viện như: Triển lãm sách, giới thiệu sách, trưng bày các sản phẩm viết vẽ của học sinh,... Tổ chức các hoạt động giao lưu tiếng Việt; xây dựng các hoạt động mở rộng vốn từ cho học sinh trong đó có việc xây dựng cây từ vựng tiếng Việt theo chủ đề chủ điểm; chỉ đạo triển khai việc ra đề mở đối với phân môn Tập làm văn cho học sinh tiểu học. Làm tốt công tác xây dựng kế hoạch, chỉ đạo các trường tổ chức xây dựng kế hoạch hoạt động ngoài giờ lên lớp phù hợp với tình hình thực tế của nhà trường, địa phương.
8. Đối với học sinh lớp 1 người DTTS còn hạn chế về vốn tiếng Việt, thực hiện luân chuyển, sắp xếp đội ngũ giáo viên theo hướng ưu tiên bố trí giáo viên cùng dân tộc thiểu số với học sinh. Quan tâm đến yếu tố thành phần và phân bố dân cư người dân tộc thiểu số của địa phương; quy mô phát triển, số lượng học sinh các DTTS của mỗi xã đến trường; từ đó có định hướng, chỉ đạo trong công tác tuyển dụng, hợp đồng, bố trí công tác đối với cán bộ quản lý, giáo viên cho phù hợp.
9. Tăng cường công tác kiểm tra, dự giờ, tư vấn kịp thời cho giáo viên dạy lớp ghép để nâng cao chất lượng dạy học lớp ghép
10. Chỉ đạo các trường tiếp tục xây dựng mối liên hệ mật thiết với nhân dân các dân tộc trên địa bàn, huy động duy trì sĩ số học sinh, tạo điều kiện thuận lợi cho con em đến trường, đến lớp đúng thời gian quy định. Tăng cường các hoạt động tập thể sân trường nhằm thu hút trẻ đến trường, đến lớp, tạo các sân chơi lành mạnh để các em vui tươi, phấn khởi, mạnh dạn, tự tin trong giao tiếp và học tập.
Tin rằng với những giải pháp đã triển khai, chất lượng giáo dục tại các trường tiểu học có triển khai dạy lớp ghép sẽ ngày càng được nâng cao./.

Tác giả: Phan Bá Hiền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập89
  • Máy chủ tìm kiếm29
  • Khách viếng thăm60
  • Hôm nay20,092
  • Tháng hiện tại225,877
  • Tổng lượt truy cập136,577,690
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi