banner

Mùa giáo viên tìm trò

Thứ hai - 06/09/2021 04:44
Dienbien.edu.vn - Khi số báo này phát hành, học sinh các cấp trên địa bàn tỉnh đã nô nức tựu trường, khai giảng năm học mới. Để có những ngày đầu năm học mới đông đủ, các thầy cô giáo đã dành nhiều ngày liền lên từng bản, từng nhà “tìm” học sinh…
1
Con đường đến điểm bản Gia Phú A vận động học sinh của giáo viên Trường Mầm non số 2 Na Tông (huyện Điện Biên). Ảnh: C.T.V
Theo lịch hàng năm, ngày 1/8, giáo viên các trường trả phép để bắt đầu nhận nhiệm vụ năm học mới. Giáo viên sẽ mất khoảng 1 tuần để tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, chính trị… Thời gian còn lại tập trung tu sửa, dọn dẹp trường lớp và đi “chiêu sinh” cho năm học mới. Giáo viên trực tiếp đến từng gia đình rà soát, tuyên truyền, vận động phụ huynh cho con em ra lớp. Đây là phần việc vất vả, khó khăn nhất của giáo viên sau mỗi kỳ nghỉ dài. Bởi lẽ, học sinh miền núi thường lên nương, đi rừng với bố mẹ cả ngày hoặc cả tuần, nhiều khi thầy cô đến không gặp, phải chờ, phải tìm hoặc quay lại vài lần mới gặp.
Thầy Lò Văn Công, Điểm trường Huổi Hạ, Trường Tiểu học số 1 Na Sang (huyện Mường Chà) chia sẻ: “Điểm trường có lớp 1 và lớp 2, với hơn 30 học sinh nhưng đầu năm học, chúng tôi phải mất hơn 1 tuần để đi được hết các nhà trong bản “chiêu sinh”. Bởi bản Huổi Hạ được chia thành 3 cụm dân cư cách nhau từ 1 - 4km, điểm trường nằm ở trung tâm bản. Có những gia đình, phải đi 3 - 4 lần mới vận động được phụ huynh cho con em ra lớp. Mùa này, nhiều em theo bố mẹ lên nương không về, chúng tôi còn phải lên tận nương đón xuống”.
Đó chỉ là một phần khó khăn của công tác chiêu sinh, con đường để đến được bản, được nhà của học sinh mới lắm nhọc nhằn, nguy hiểm. Những ngày tháng 8, khi giáo viên vào “mùa” đi tìm trò thì cũng là mùa mưa nơi vùng cao. Con đường vốn đã khó nay càng thêm gian nan. Thầy Cà Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Huổi Mí (huyện Mường Chà) cho biết: “Cung đường gần 30km từ trung tâm xã Huổi Mí ngược lên 5 điểm trường, điểm bản: Pa Xoan 1, 2; Huổi Ít A, B và Pa Ít có hàng chục con dốc, với một bên vách đá, còn bên kia là vực thẳm. Những đoạn này thường chỉ đủ 2 xe máy lách nhau. Nhưng cứ mưa là lại có điểm sạt xuống, đường chỉ còn vừa 1 bánh xe. Phía trên thì vách đá, dưới lại là vực sâu. Chỉ cần tâm lý không vững, hoặc đi không cẩn thận, trật bánh chút thôi là xe rơi xuống vực. Khó khăn là thế nhưng nếu thầy cô không đi vận động, nhiều em không ra lớp”.
Thầy Hà Văn Ngoan là giáo viên Trường PTDTBT Tiểu học Huổi Mí, phụ trách điểm trường Pa Ít. Hành trang mang theo để lên với học sinh của thầy Ngoan không bao giờ thiếu bộ xích lắp bánh xe, chiếc kìm, cuộn dây thừng, bộ đồ nghề vá săm... Đây đều là dụng cụ vô cùng cần thiết, hỗ trợ thầy vượt qua con đường đến Pa Ít trong những cơn mưa cuối hạ. Thầy Ngoan tâm sự: “Cuối tháng 8, lúc tôi đi lên bản vận động thì trời nắng đẹp, về lại gặp mưa. Đường trơn, qua 1 điểm dốc xe bị trật bánh, trượt xuống. Để bảo toàn tính mạng, không còn cách nào khác, đành nhảy ra, đứng nhìn xe và đồ rơi xuống vực. May mắn, cả xe và đồ trôi xuống khoảng hơn chục mét thì mắc vào thân cây lớn. Tôi được các giáo viên khác đi cùng đoàn hỗ trợ, dùng dây thừng ròng xuống kéo xe lên. Nhưng đồ thì rơi mất, xe cũng hư hỏng”. Với nỗ lực vượt khó của cán bộ, giáo viên như thầy Ngoan, năm học 2021 - 2022, nhà trường đã đón được hầu hết học sinh bán trú xuống trường trung tâm từ ngày 31/8, bước vào năm học mới với sĩ số trên 90% học sinh.
Giáo viên Trường Mầm non số 2 Na Tông (huyện Điện Biên) cũng trải qua nhiều khó khăn như vậy. Đến được trường trung tâm đã khó, đến các điểm bản, rồi từng nhà học sinh càng khó bội phần. Năm nay, cô giáo Nguyễn Thị Hồng được phân công phụ trách điểm trường mầm non Gia Phú A. “Giữa tháng 8, tôi với các cô giáo khác lên bản vừa kiểm tra cơ sở vật chất điểm trường, vừa vận động phụ huynh cho con em ra lớp vào đầu năm học mới. Hôm đó trời mưa nên đường trơn, lầy, bùn đất bám chặt bánh xe. Chúng tôi phải mất 6 tiếng đồng hồ mới tới nơi (quãng đường khoảng 20km). Có những đoạn hẹp do đất đá sạt lở, chúng tôi phải dừng xe, cùng nhau đẩy đá xuống vực để mở đường. Vừa đói, vừa mệt nên thỉnh thoảng phải dừng, nằm luôn bên đường nghỉ tạm” - cô Hồng kể lại.
Đó chỉ là một vài câu chuyện trong vô vàn khó khăn mà giáo viên vùng cao trên địa bàn tỉnh ta trải qua để chuẩn bị cho năm học mới 2021 - 2022 với mục tiêu “Học sinh đều được đến trường”. Từ ngày 1 - 3/9, các cấp học trên địa bàn tổ chức tựu trường, trên 200.000 học sinh nhận lớp, làm quen thầy cô, bạn bè. Với những học sinh vẫn còn vắng, thầy cô lại tiếp tục đến từng nhà nắm bắt tình hình, đón các em đến trường. Dù vất vả nhưng lớp đủ học sinh là niềm vui của mỗi nhà giáo, là thành công bước đầu của năm học mới.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập77
  • Thành viên online1
  • Máy chủ tìm kiếm27
  • Khách viếng thăm49
  • Hôm nay15,211
  • Tháng hiện tại220,996
  • Tổng lượt truy cập136,572,809
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi