banner

Những vấn đề cơ bản về nội dung giáo dục địa phương cấp tiểu học tỉnh Điện Biên đáp ứng yêu cầu chương trình giáo dục phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 32/TT-BGDĐT ngày 26/12/20218 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Thứ ba - 05/10/2021 22:56
Dienbien.edu.vn - Nội dung Giáo dục Địa phương (GDĐP) tỉnh Điện Biên nhằm cung cấp cho học sinh những hiểu biết cơ bản về nơi mình sinh sống, từ đó, bồi dưỡng cho các em tình yêu quê hương, có ý thức tìm hiểu và biết vận dụng những điều đã học để góp phần giải quyết các vấn đề thực tiễn của địa phương.
Cụ thể Nội dung GDĐP nhằm cung cấp cho học sinh những hiểu biết cơ bản về văn hoá, lịch sử truyền thống, các vấn đề về địa lí – kinh tế, hướng nghiệp, chính trị – xã hội và môi trường của tỉnh Điện Biên. Thông qua đó, hình thành và bồi dưỡng cho học sinh tình yêu quê hương, đất nước, có mong muốn tìm hiểu và biết vận dụng những điều đã học vào việc làm thực tế để góp phần bảo tồn những giá trị văn hoá của địa phương, đồng thời, xây dựng và phát triển văn hoá, kinh tế – xã hội Điện Biên ngày càng giàu đẹp.
Nội dung GDĐP tỉnh Điện Biên cùng với các môn học khác trong Chương trình Giáo dục Phổ thông 2018 sẽ tạo điều kiện để học sinh được phát triển hài hoà về cả thể chất và tinh thần; bên cạnh đó cũng giúp hình thành các năng lực cốt lõi và các phẩm chất mà học sinh cần đạt, được quy định trong Chương trình Giáo dục Phổ thông 2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đó là: năng lực tự chủ và tự học, năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo; các phẩm chất: yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm. Ngoài ra còn chú trọng phát triển cho học sinh năng lực thích ứng với cuộc sống; năng lực thiết kế và tổ chức hoạt động; năng lực định hướng nghề nghiệp; năng lực tìm hiểu tự nhiên và xã hội, vận dụng kiến thức (tự nhiên, văn hoá, xã hội) vào thực tiễn, ứng xử với tự nhiên phù hợp với yêu cầu phát triển bền vững và bảo vệ môi trường tại địa phương.
Nội dung GDĐP cấp tiểu học nói riêng được thiết kế thành các chủ đề trải nghiệm với mục tiêu nhằm nâng cao hiểu biết và kinh nghiệm sống của các em trong các lĩnh vực lịch sử, văn hoá, địa lí, kinh tế, môi trường địa phương... để giúp các em có cơ hội vận dụng kiến thức đã học vào giải quyết những vấn đề trong thực tiễn đời sống hàng ngày mà các em có thể gặp ở địa phương. Chương trình được thiết kế theo nguyên tắc vòng tròn đồng tâm khuếch tán. Học sinh sẽ được trải nghiệm với những vấn đề đang tồn tại, nảy sinh xung quanh mình và ngày càng mở rộng, phức tạp hơn, thể hiện trong mối quan hệ giữa con người với con người, giữa con người với tự nhiên ở địa phương, giữa con người với văn hoá xã hội ở địa phương. Học sinh được trải nghiệm các chủ đề mang tính trực quan sinh động đến các chủ đề mang tính tư duy trừu tượng. Ở đây người học sẽ có cơ hội huy động tối đa các giác quan trong việc tiếp nhận, chuyển hoá thông tin và biểu đạt chúng dưới các dạng thức khác nhau, qua đó sẽ giáo dục phẩm chất, kĩ năng cho người học.
Mạch nội dung giáo dục địa phương cấp Tiểu học bao gồm các lĩnh vực: lịch sử, văn hóa, địa lý, kinh tế, môi trường, hướng nghiệp và chính trị xã hội.
Định hướng biên soạn tài liệu Giáo dục Địa phương Điện Biên cấp tiểu học
Tài liệu được biên soạn bám sát khung chương trình giáo dục địa phương Điện Biên đã được phê duyệt theo Quyết định số: 2391/QĐ-SGDĐT ngày 13/05/2020 của Sở GD&ĐT tỉnh Điện Biên và Chương trình Giáo dục Phổ thông 2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Tài liệu giáo dục địa phương cấp tiểu học được biên soạn theo các chủ đề : Nơi em sống, người hàng xóm của em, ngôi trường của em, khu chợ nhà em, cảnh đẹp quê em (lớp 1). Người dân quê em, thiên nhiên quê em, thời tiết quê em, con đường đến trường của em, người có công với quê hương em (lớp 2). Trò chơi dân gian trên quê hương Điện Biên, nghệ thuật trình diễn dân gian các dân tộc ở Điện Biên, ngày tết cổ truyền trên quê hương em, kể truyện danh nhân, nghệ nhân Điện Biên, tìm hiểu về các dân tộc trên quê hương Điện Biên, di tích danh lam thắng cảnh trên quê hương em, di tích lịch sử văn hóa trên quê hương Điện Biên (lớp 3). Lễ hội truyền thống trên quê hương em, tìm hiểu về các nghề truyền thống ở Điện Biên, cuộc sống lao động sản xuất trên quê hương Điện Biên, tìm hiểu về tổ chức bản làng, xã trên quê hương em, kể chuyện về những anh hùng liệt sĩ trên quê hương Điện Biên, ứng phó với biến đổi thời tiết, thiên tai trên quê hương Điện Biên, chào mừng bạn đến với bản, mường,xã, phường, thị trấn quê mình(lớp 4). Tìm hiểu về truyền thống bảo vệ quê hương em, tìm hiểu về truyền thống giáo dục quê hương em, tìm hiểu phong tục tập quán ở địa phương em, đặc sản quê hương Điện Biên, tìm hiểu về cơ quan nhà nước ở địa phương em, môi trường và sự phát triển bền vững trên quê hương em, chào mừng bạn đến với Điện Biên(lớp 5).
Tài liệu được biên soạn đảm bảo tính sư phạm, tính vừa sức, tính phù hợp với các đặc điểm tâm, sinh lí cũng như trình độ phát triển nhận thức của học sinh, không gây quá tải.
 Các hoạt động được thiết kế sao cho tạo cơ hội để học sinh được sử dụng các giác quan để học, thông qua các hoạt động cụ thể như: nhìn – quan sát, ngửi, sờ – tác nghiệp, nói (tường thuật, kể), vẽ – tạo hình...
Học sinh có cơ hội được tiếp xúc trực tiếp với đối tượng cần tìm hiểu, có cơ hội được sử dụng các phương tiện để tìm hiểu đối tượng đó, cũng như tìm kiếm, khai thác, tái cơ cấu và biểu đạt thông tin thu nhận được dưới nhiều dạng thức khác nhau: tranh, ảnh, bài viết, tập san, bài báo, áp phích, kịch, triển lãm...
Học sinh có cơ hội được học tập ở nhiều không gian khác nhau. Không gian học tập không chỉ giới hạn trong lớp học, trường học mà có thể được mở rộng ra ở các không gian khác như: bảo tàng, thư viện, di tích lịch sử, thắng cảnh, công viên, đường phố, hay ngay tạ̣i gia đình các em.
Học sinh cũng có cơ hội được học hỏi, hợp tác và trao đổi thông tin với nhiều người khác nhau thay vì chỉ với thầy cô và bạn bè cùng lớp. Đó có thể là các cán bộ nhân viên trong trường, phụ huynh học sinh, những người dân, các công chức, viên chức ở địa phương, nhân viên bảo tàng, hướng dẫn viên du lịch hoặc các nhà chuyên môn, các chuyên gia ở những lĩnh vực cụ thể...
Tổ chức dạy học nội dung Giáo dục Địa phương
Giáo viên cần nghiên cứu chương trình, nội dung hoạt động trải nghiệm và các môn học khác, từ đó so sánh, đối chiếu với khung chương trình giáo dục địa phương của tỉnh để xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường nói chung và kế hoạch giảng dạy nội dung GDĐP của giáo viên sao cho phù hợp.
Để đảm bảo hiệu quả giáo dục, một số chủ đề giáo viên cần phổ biến trước cho học sinh và những người có liên quan (Ban Giám hiệu nhà trường, những người cộng tác, phụ huynh...) về nội dung và kế hoạch tổ chức hoạt động.
Căn dặn học sinh những điểm cần đặc biệt chú ý khi tiến hành hoạt động trải nghiệm như: các quy tắc an toàn, không làm những việc không liên quan hoặc gây phiền hà cho những người khác...
Trong khi thực hiện nội dung GDĐP, giáo viên cần lưu ý một số điều sau:
Tuy tiến hành theo kế hoạch đã đề ra nhưng trong quá trình thực hiện, giáo viên cần phải điều chỉnh linh hoạt cho phù hợp với tình hình thực tế và những tình huống phát sinh ngoài dự kiến.
Cần tận dụng tối đa sự hợp tác từ những người ở xung quanh như các tổ chức trong trường học (Đội, các câu lạc bộ), các giáo viên cùng trường, khác trường, người dân địa phương và các nhà chuyên môn.
Cần lắng nghe, tiếp thu và lưu lại những ý kiến phản hồi của học sinh, cũng như những người cộng tác khi thực hiện kế hoạch giáo dục nội dung GD ĐP để phục vụ việc điều chỉnh kế hoạch cho năm sau.
Đánh giá học sinh
Giáo dục Địa phương ở cấp tiểu học được tích hợp vào Hoạt động trải nghiệm, vì vậy, việc đánh giá học sinh cũng cần tuân thủ theo định hướng đánh giá trong nội dung Hoạt động trải nghiệm. Hoạt động đánh giá học sinh có vai trò quan trọng – nó vừa giúp giáo viên biết được thông qua quá trình trải nghiệm các nội dung địa phương, học sinh đã đạt được mục tiêu đề ra ở mức độ nào; vừa giúp đem lại cho giáo viên những thông tin, kinh nghiệm cần thiết để điều chỉnh hoạt động tổ chức, hướng dẫn cho các nội dung sau, năm học sau.
Tuy nhiên, hoạt động trải nghiệm địa phương trong thực tế là hoạt động có tính thực tiễn cao và rất đa dạng, vì vậy, giáo viên không nên đánh giá học sinh theo cách thức đánh giá thông thường là dựa vào việc kiểm tra tri thức của học sinh thông qua hỏi (kiểm tra miệng) và viết (trắc nghiệm hoặc tự luận). Để đánh giá mức độ đạt được mục tiêu ở học sinh trong hoạt động trải nghiệm các nội dung GDĐP, giáo viên có thể áp dụng các phương pháp đánh giá sau:
Quan sát – lập hồ sơ đánh giá
Trong quá trình tổ chức thực hiện Hoạt động trải nghiệm, giáo viên cần quan sát kĩ học sinh xem các em có hứng thú, quan tâm tới hoạt động trải nghiệm không và quan tâm ở mức độ nào? Được thể hiện bằng thái độ, hành động nào? Có tò mò khám phá cái mới không? Giáo viên cũng quan sát để xem học sinh có tích cực tham gia vào hoạt động và hợp tác cùng bạn bè không? Có tìm đến giáo viên để hỏi và tìm hiểu các vấn đề bản thân chưa rõ hay muốn biết thêm không? Trong quá trình tham gia hoạt động trải nghiệm, học sinh có ghi chép thông tin và thể hiện sự tập trung cao không?...
Giáo viên cần ghi chép lại thật cụ thể những gì quan sát được ở học sinh và lập hồ sơ để đánh giá từng học sinh dưới dạng nhật kí.
Phỏng vấn
Giáo viên có thể thiết lập một “bảng hỏi” dựa trên các mức độ đạt được mục tiêu học tập của học sinh (giả định trước) và những điều muốn biết, muốn đánh giá ở học sinh để hỏi các em. Căn cứ vào các câu trả lời được học sinh đưa ra, giáo viên có thể đánh giá mức độ đạt được mục tiêu ở các em.
Đánh giá sản phẩm
Trong Hoạt động trải nghiệm, các sản phẩm mà học sinh tạo ra rất phong phú. Nó không chỉ là các dòng ghi chép trong vở, các bài tập, bài kiểm tra giống như trong học tập thông thường mà các sản phẩm này được thể hiện dưới rất nhiều hình thức khác nhau như: áp phích (poster), thư từ – kiến nghị (gửi tới nhà trường, cơ quan hành chính), tranh vẽ, triển lãm, tập san, kịch, các tác phẩm văn học (thơ, truyện...), các sản phẩm do học sinh tự chế tạo khác... Giáo viên có thể thu thập các sản phẩm này để đánh giá mức độ đạt được mục tiêu của học sinh.
Trong khi đánh giá, giáo viên có thể sử dụng độc lập một trong các phương pháp đánh giá ở trên hoặc sử dụng kết hợp tất cả các phương pháp đó. Tuy nhiên, giáo viên phải luôn nhớ rằng, cho dù là phương pháp nào thì mục đích cuối cùng của đánh giá là đo được một cách tương đối mức độ đạt được mục tiêu học tập của từng học sinh để tìm ra biện pháp hỗ trợ, điều chỉnh hay động viên, khuyến khích để các em nỗ lực tốt hơn, đạt kết quả tốt hơn trong việc học tập trải nghiệm. Như vậy, trong đánh giá, cần tránh các hành động, lời nói làm tổn thương hoặc ảnh hưởng tiêu cực đến cảm hứng, động cơ học tập của các em.
Nội dung GDĐP cấp tiểu học được Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai thực hiện từ học kì 2 năm học 2020-2021 đối với lớp 1 và các năm học tiếp theo đối với lớp 2,3,4,5.
1 1

Tài liệu giáo dục địa phương tỉnh Điện Biên (lớp 1) được phê duyệt tại Quyết định số: 947/QĐ-UBND ngày 17/9/2020 của UBND tỉnh Điện Biên.
Tài liệu giáo dục địa phương tỉnh Điện Biên (lớp 2) được phê duyệt tại Quyết định số: 2990/QĐ-BGDĐT ngày 27/9/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Tác giả: Đào Thái Lai

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập151
  • Máy chủ tìm kiếm15
  • Khách viếng thăm136
  • Hôm nay37,404
  • Tháng hiện tại916,083
  • Tổng lượt truy cập135,394,376
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi