banner

Phê duyệt Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030”

Thứ bảy - 31/07/2021 05:05
Ngày 30/7, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1373/QĐ-TTg, phê duyệt Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030”.

Quan điểm chỉ đạo của Đề án: Tiếp tục xây dựng xã hội học tập dựa trên nền tảng phát triển đồng thời, gắn kết và liên thông giữa giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên, liên thông giữa các cấp học, trình độ đào tạo; vận dụng mọi hình thức giáo dục, đào tạo tiên tiến, hiệu quả, phù hợp với mục tiêu giáo dục. Ứng dụng công nghệ số và dạy học trực tuyến trong tổ chức các hoạt động giảng dạy và học tập góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục và đào tạo đáp ứng nhu cầu học tập của xã hội. Mọi công dân có trách nhiệm và quyền lợi được học tập thường xuyên, học suốt đời, tận dụng mọi cơ hội học tập để trở thành công dân số, công dân học tập toàn cầu. Duy trì và phát huy truyền thống hiếu học của gia đình, dòng họ và cộng đồng; xây dựng môi trường học tập suốt đời tại nơi làm việc đáp ứng các yêu cầu về năng suất, hiệu quả, chuẩn mực đạo đức và tác phong văn hóa nghề nghiệp. Các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội, kinh tế, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, cộng đồng dân cư và dòng họ, gia đình có trách nhiệm tạo các cơ hội học tập công bằng và điều kiện thuận lợi để mọi người được tham gia học tập, nhất là các đối tượng chính sách, người dân tộc thiểu số và miền núi, người bị thiệt thòi, yếu thế trong xã hội.

Theo Đề án, mọi người dân đều có cơ hội bình đẳng trong việc tiếp cận hệ thống giáo dục mở, đa dạng, linh hoạt, liên thông, hiện đại với nhiều mô hình, phương thức và trình độ đào tạo, góp phần đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế.

Xóa mù chữ và phổ cập giáo dục

Đề án đặt ra mục tiêu đến năm 2025, 70% các tỉnh, thành đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2; 70% các tỉnh hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo; 50% các tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3; 100% các tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 2, trong đó có 20% các tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 3. Đến năm 2030, 90% các tỉnh đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2; phấn đấu 100% các tỉnh hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo; 70% các tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3; 40% các tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 3.

Đoan kiem tra PCGD XMC

Đoàn kiểm tra công nhận đạt chuẩn PCGD, xóa mù chữ của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại tỉnh Điện Biên

Về năng lực cơ bản và trình độ của người dân

Đề án phấn đấu đến năm 2025, 50% số người trong độ tuổi lao động được trang bị năng lực thông tin; 50% số người trong độ tuổi lao động được trang bị kỹ năng sống; Khoảng 23% dân số từ 15 tuổi trở lên được đào tạo trình độ chuyên môn kỹ thuật, trong đó 12% dân số có trình độ đại học trở lên. Đến năm 2030, 70% người trong độ tuổi lao động được trang bị năng lực thông tin; 70% người trong độ tuổi lao động được trang bị kỹ năng sống; 30% dân số từ 15 tuổi trở lên được đào tạo trình độ chuyên môn kỹ thuật, trong đó 15% dân số có trình độ đại học trở lên.

Về hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục

Phấn đấu đến năm 2025, 70% các trường đại học có triển khai đại học số và xây dựng học liệu số; 60% các cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ sở giáo dục khác triển khai hoạt động quản lý, giảng dạy và học tập trên môi trường số; 70% các trung tâm học tập cộng đồng ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, tổ chức hoạt động giáo dục. Phấn đấu đến năm 2030, 90% các trường đại học có triển khai đại học số và xây dựng học liệu số; 80% các cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ sở giáo dục khác triển khai hoạt động quản lý, giảng dạy và học tập trên môi trường số; 90% các trung tâm học tập cộng đồng ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, tổ chức hoạt động giáo dục.

Xây dựng các mô hình học tập trong xã hội

Đến năm 2025, 40% công dân đạt danh hiệu công dân học tập; 25% các huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh được công nhận danh hiệu huyện học tập; 15% các tỉnh được công nhận danh hiệu tỉnh học tập theo tiêu chí do cơ quan có thẩm quyền ban hành. Phấn đấu đến năm 2030, 60% công dân đạt danh hiệu công dân học tập; 50% các huyện được công nhận danh hiệu huyện học tập; 35% các tỉnh được công nhận danh hiệu tỉnh học tập.

Để đạt được mục tiêu trên, nhiệm vụ và giải pháp Đề án đặt ra là tăng cường tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về xây dựng xã hội học tập; nghiên cứu, đề xuất xây dựng dự án Luật học tập suốt đời; rà soát, xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ các trung tâm học tập cộng đồng, nhất là các trung tâm học tập cộng đồng ở các xã biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho công nhân, người lao động được đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp; chính sách hỗ trợ những người hết tuổi lao động, người nội trợ, người khuyết tật có điều kiện thuận lợi để học tập suốt đời. Đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số và ứng dụng CNTT trong tổ chức các hoạt động học tập suốt đời; đẩy mạnh hoạt động của trung tâm học tập cộng đồng; tổ chức các phong trào, cuộc vận động để thúc đẩy học tập suốt đời; tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập và phát triển công nghệ đào tạo mở và từ xa.

Đề án giao Bộ GDĐT là cơ quan chủ trì, điều phối thực hiện Đề án, có trách nhiệm phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Đề án. Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ cũng được giao các nội dung công việc liên quan; đề nghị Ban Tuyên giáo Trung ương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp và tổ chức xã hội ở trung ương liên quan, Hội Khuyến học Việt Nam,Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Người cao tuổi Việt Nam, Hội Cựu giáo chức Việt Nam, Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và Nghề công tác xã hội Việt Nam cùng phối hợp thực hiện.

UBND các tỉnh, thành trực thuộc trung ương xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án hằng năm và từng giai đoạn phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; kiện toàn bộ phận chỉ đạo xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030 các cấp ở địa phương; xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cấp, các ngành, các tổ chức, doanh nghiệp trong quá trình xây dựng xã hội học tập. Cân đối, bố trí ngân sách địa phương và huy động các nguồn kinh phí hợp pháp khác để bảo đảm cho việc triển khai thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ trong Đề án. Xây dựng và phát triển các mô hình học tập, ngành nghề đào tạo, các nghề đặc thù cần học tập suốt đời đáp ứng nhu cầu xã hội và phù hợp quy hoạch của từng tỉnh đến năm 2030./.

Tác giả: Nguyễn Thị Thúy – Phòng GDTX&CN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập143
  • Máy chủ tìm kiếm4
  • Khách viếng thăm139
  • Hôm nay31,107
  • Tháng hiện tại945,294
  • Tổng lượt truy cập135,423,587
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi