Nghị định quy định rõ về nguyên tắc xử lý kỷ luật. Theo đó, xử lý kỷ luật phải đảm bảo khách quan, công bằng; công khai, minh bạch; nghiêm minh, đúng pháp luật. Không tách riêng từng nội dung vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức để xử lý kỷ luật nhiều lần với các hình thức kỷ luật khác nhau; Trường hợp công chức đã bị xử lý kỷ luật đảng thì hình thức kỷ luật hành chính phải bảo đảm ở mức độ tương xứng với kỷ luật đảng.
Ảnh minh họa- Nguồn inter net
Các trường hợp chưa xem xét xử lý kỷ luật
Bổ sung thêm trường hợp “cán bộ, công chức, viên chức là nam giới (trong trường hợp vợ chết hoặc vì lý do khách quan, bất khả kháng khác) đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi” và “cán bộ, công chức đang bị khởi tố” thì chưa xem xét xử lý kỷ luật.
Các trường hợp được miễn trách nhiệm kỷ luật
Bổ sung thêm trường hợp “Cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm đến mức bị xử lý kỷ luật nhưng đã qua đời” thì được miễn trách nhiệm kỷ luật.
Thời hiệu, thời hạn xử lý kỷ luật
Bổ sung thêm quy định về thời gian không tính vào thời hạn xử lý kỷ luật gồm:
- Thời gian chưa xem xét xử lý kỷ luật đối với các trường hợp quy định tại Điều 3 Nghị định này;
- Thời gian điều tra, truy tố, xét xử theo thủ tục tố tụng hình sự (nếu có);
- Thời gian thực hiện khiếu nại hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án về quyết định xử lý kỷ luật cho đến khi ra quyết định xử lý kỷ luật thay thế theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
Các hành vi bị xử lý kỷ luật
Bổ sung thêm nội dung về xác định mức độ của hành vi vi phạm như sau:
- Vi phạm gây hậu quả ít nghiêm trọng là vi phạm có tính chất, mức độ tác hại không lớn, tác động trong phạm vi nội bộ, làm ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan, tổ chức, đơn vị công tác.
- Vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng là vi phạm có tính chất, mức độ, tác hại lớn, tác động ngoài phạm vi nội bộ, gây dư luận xấu trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân, làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, đơn vị công tác.
- Vi phạm gây hậu quả rất nghiêm trọng là vi phạm có tính chất, mức độ, tác hại rất lớn, phạm vi tác động đến toàn xã hội, gây dư luận rất bức xúc trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân, làm mất uy tín của cơ quan, tổ chức, đơn vị công tác.
- Vi phạm gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng là vi phạm có tính chất, mức độ, tác hại đặc biệt lớn, phạm vi tác động sâu rộng đến toàn xã hội, gây dư luận đặc biệt bức xúc trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân, làm mất uy tín của cơ quan, tổ chức, đơn vị công tác.
Các hình thức xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức
- Nghị định bổ sung đối tượng áp dụng là Cán bộ gồm có 4 hình thức xử lý kỷ luật gồm: Khiển trách, cảnh cáo, cách chức, bãi nhiệm.
- Đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý bỏ hình thức xử lý kỷ luật “Hạ bậc lương”.
Ngoài ra, Nghị định số 112/2020/NĐ-CP còn bổ sung thêm quy định về Thẩm quyền và trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật đối với người đã nghỉ việc, nghỉ hưu.
Trên đây là một số điểm mới về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức của Nghị định số 112/2020/NĐ-CP quy định về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức có hiệu lực thi hành từ ngày 20/9/2020./.
Tác giả: Nguyễn Thị Liên
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn