Trường Mầm non Thị trấn Tủa Chùa đã tích cực triển khai chuyên đề "Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm" giai đoạn 2021-2025 với nhiều giải pháp cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

Tổ chức tập huấn Chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”
Thực hiện văn bản số 1440/BGDĐT-GDMN ngày 06/4/2017 và Kế hoạch số 1669/KH-SGDĐT ngày 19/7/2021 của Sở Giáo dục và Đào tạo; Kế hoạch số 45/KH-PGDĐT ngày 22/7/2021 của Phòng Giáo duc và Đào tạo huyện Tủa Chùa về triển khai kế hoạch “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” giai đoạn 2021-2025. Trường Mầm non Thị trấn Tủa Chùa đã triển khai Kế hoạch số 11/KH-MNTTr ngày 20/8/2021 về việc thực hiện chuyên đề "Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm" giai đoạn 2021-2025, nhằm tạo môi trường học tập thân thiện, phát huy tính tích cực, chủ động và sáng tạo của trẻ, đồng thời đảm bảo sự phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần theo quan điểm giáo dục lấy trẻ làm trung tâm. Nhà trường xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác giáo dục mầm non. Đồng thời, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên và phụ huynh trong việc nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ. Sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và xã hội được xem là yếu tố then chốt để thực hiện hiệu quả chuyên đề.

Tổ chức hoạt động ứng dụng phương pháp giáo dục STEAM
Để thực hiện tốt chuyên đề nhà trường đã thực hiện các giải pháp sau:
Thứ nhất: Tuyên truyền và bồi dưỡng chuyên môn cho cán bộ giáo viên. Ban giám hiệu tổ chức tuyên truyền sâu rộng về nội dung, mục tiêu và ý nghĩa của chuyên đề. Giáo viên được tham gia các buổi tập huấn, sinh hoạt chuyên môn nhằm nâng cao năng lực và kỹ năng sư phạm phù hợp với định hướng giáo dục lấy trẻ làm trung tâm.
Thứ hai: Xây dựng môi trường giáo dục phù hợp; không gian lớp học và khu vui chơi ngoài trời được bố trí khoa học, linh hoạt theo độ tuổi, nhu cầu và sở thích của trẻ. Các góc hoạt động được thiết kế mở, đa dạng nguyên vật liệu để trẻ chủ động lựa chọn và trải nghiệm.
Thứ ba: Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất; đẩy mạnh công tác xã hội hóa để huy động nguồn lực đầu tư trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi. Tích cực ứng dụng phương pháp giáo dục STEAM vào chương trình, tạo điều kiện cho trẻ học qua trải nghiệm và khám phá.
Thứ tư: Ứng dụng công nghệ trong dạy học và quản lý; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số vào các hoạt động quản lý và giảng dạy.
Thứ năm: Đổi mới phương pháp giảng dạy. Giáo viên khuyến khích trẻ tham gia chủ động vào các hoạt động học tập. Các hoạt động được tổ chức linh hoạt, phát huy tính sáng tạo, không áp đặt. Tích hợp phương pháp STEAM vào các dự án học tập và góc hoạt động.
Thứ sáu: Nhà trường chủ động xây dựng mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với phụ huynh thông qua các buổi họp, hội thảo, hoạt động ngoại khóa, giúp phụ huynh hiểu và cùng đồng hành trong định hướng giáo dục lấy trẻ làm trung tâm. Tăng cường thông tin hai chiều giữa giáo viên và phụ huynh, thường xuyên cập nhật tình hình học tập và phát triển của trẻ. Khuyến khích phụ huynh tham gia các hoạt động giáo dục tại trường, tạo môi trường tương tác tích cực giữa gia đình và nhà trường. Phối hợp hiệu quả với chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể để hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và trẻ cá biệt, đảm bảo cơ hội phát triển công bằng cho mọi trẻ.
Phối hợp với cha mẹ tổ chức hoạt động trải nghiệm “Gói bánh trưng”
Qua quá trình triển khai chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm tại Trường Mầm non Thị trấn Tủa Chùa” đã ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực, cụ thể:
Tỷ lệ trẻ đến lớp chuyên cần và đúng giờ tăng lên rõ rệt; trẻ mạnh dạn, tự tin hơn trong giao tiếp, tích cực tham gia vào các hoạt động học tập, vui chơi; Các kỹ năng sống cơ bản của trẻ được hình thành và phát triển tốt hơn; Giáo viên chủ động đổi mới phương pháp giảng dạy, biết lắng nghe và tôn trọng ý kiến của trẻ; Môi trường lớp học và khuôn viên trường được cải tạo khang trang, thân thiện, có tính thẩm mỹ cao và phù hợp với trẻ nhỏ; Sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường ngày càng chặt chẽ, phụ huynh tích cực tham gia các hoạt động giáo dục tại lớp, tại trường;
Việc triển khai thành công chuyên đề "Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm" không chỉ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho trẻ mà còn tạo ra những chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của đội ngũ giáo viên, phụ huynh và toàn xã hội về vai trò, vị trí của trẻ trong quá trình giáo dục. Chuyên đề đã giúp hình thành môi trường giáo dục thân thiện, tôn trọng sự khác biệt, phát huy tối đa tiềm năng của từng cá nhân trẻ. Đồng thời, góp phần xây dựng hình ảnh nhà trường hiện đại, gần gũi và đáng tin cậy trong lòng phụ huynh và cộng đồng địa phương.