Theo thống kê từ Cục cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, trong tháng 11 năm 2024, toàn quốc xảy ra 293 vụ cháy, làm chết 06 người, làm bị thương 12 người, thiệt hại về tài sản ước tính 35,3 tỷ đồng và 29,36 ha rừng. Xảy ra 5 vụ nổ, làm chết 02 người, làm bị thường 04 người, thiệt hại về tài sản ước tính 292 triệu đồng. Trước tình hình đó, việc nâng cao kiến thức, kỹ năng thực hành về phòng cháy, chữa cháy và tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ càng được chú trọng, nhất là đối với các em học sinh.
Các vụ cháy nổ xảy ra có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, khi xảy ra hỏa hoạn chúng ta cần bình tĩnh xử trí, nhanh chóng ngắt cầu dao điện. Nếu đám cháy nhỏ, trong khả năng xử lý, có thể tìm cách dập lửa bằng những vật dụng tìm được xung quanh: bình bột, bình khí CO2, cát, chăn ướt…Khi gặp đám cháy lớn, phải báo động cho những người xung quanh và báo cáo Ban giám hiệu, Thầy cô hoặc đội PCCC nhà trường và gọi đến số 114 (đường dây nóng của lực lượng cứu hỏa) để được ứng cứu. Chúng ta nên di chuyển đến nơi thoáng khí, tuyệt đối không trốn ở những nơi kín như trong tủ, nhà vệ sinh…Cách di chuyển phù hợp là khom lưng, ngồi hoặc bò sát dưới sàn nhà, đồng thời tẩm khăn, vải ướt, che mũi, miệng để có thể hạn chế tối đa lượng khí độc vào phổi.
Trong buổi tập huấn, các em học sinh và cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường được thực hành thực tế sử dụng bình chữa cháy, hệ thống máy bơm chữa cháy và diễn tập cách xử lí trong một số tình huống giả định.
Thông qua buổi tập huấn nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng về công tác phòng cháy, chữa cháy và tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ cho cán bộ giáo viên, nhân viên và toàn thể các em học sinh trong nhà trường. Từ đó, tạo tâm thế chủ động trong ứng phó với các tình huống khẩn cấp; loại trừ, hạn chế các nguy cơ cháy nổ, hỏa hoạn tại đơn vị và địa phương nơi cư trú./.