Dienbien.edu.vn - Nghề giáo - nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý. Ðó là chân lý từ lâu và tôn sư, trọng đạo là truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam. Ði cùng chiều dài lịch sử, lớp lớp các thế hệ nhà giáo Ðiện Biên đã không chỉ hoàn thành sứ mệnh “gieo” chữ trên rẻo cao mà còn “gieo” cả tình yêu thương, ước mơ, hoài bão cho bao thế hệ học trò... Hôm nay, trong thời đại 4.0, nhưng tại nhiều bản vùng cao, vùng sâu, vùng xa của tỉnh, cơ sở vật chất, kỹ thuật còn nhiều khó khăn, hạn chế; đó là thiệt thòi với cả thầy và trò trong tiếp thu, ứng dụng khoa học công nghệ vào dạy và học. Song chỉ cần có thể tiếp cận, thì các thầy cô giáo bằng tình yêu nghề, ý thức gương mẫu sẽ nỗ lực tiếp thu, sử dụng nó như phấn trắng, như bảng đen để dạy chữ rèn người... Ðó là một góc rất nhỏ thôi về nhà giáo hôm nay mà chúng tôi muốn sẻ chia.
Giờ hoạt động giáo dục tập thể của học sinh Trường THCS Him Lam, TP. Ðiện Biên Phủ. Ảnh: C.T.V Trong chợ Noong Bua (TP. Ðiện Biên Phủ), có một câu chuyện tôi nghe và ấn tượng từ đầu năm học. Ðó là câu chuyện xoay quanh cái zalo của cô chủ nhiệm. Chị N. T. Ðượm bán rau, nói vẻ như vui lắm: Phụ huynh của cả lớp đều có số điện thoại của cô giáo chủ nhiệm, cô cũng có số của phụ huynh, vì thế cô lập nhóm lớp để trao đổi tình hình chung, việc gì cần trao đổi riêng thì nhắn tin riêng qua zalo, nên thuận tiện lắm: Việc chung cô nhắn một tin là tất cả cùng biết, không tốn tiền và cũng chẳng mất nhiều thời gian. Liên quan đến từng học sinh cô nhắn cho từng phụ huynh nên cũng rất kịp thời. Trên nhóm, cũng có những cha mẹ chia sẻ về hoạt động của con mình ở nhà, cô giáo chia sẻ về hoạt động ngoại khóa của lớp... Trao đổi ở nhóm trên zalo thấy cô giáo, nhà trường và phụ huynh học sinh gần gũi, cởi mở hơn...
Khi chúng tôi hỏi em Lò Thị T., Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh nghĩ gì về mạng xã hội thì nhận được lời chia sẻ khá thú vị. T. nói: Em có điện thoại cảm ứng mấy năm rồi. Vừa mới lập facebook cá nhân là được cô chủ nhiệm mời kết bạn luôn; mà bạn nào trong lớp cũng được cô mời kết bạn. Thế nên, tán chuyện gì cô cũng biết, nhiều khi check - in ở đâu cô cũng rõ luôn. Lúc đầu thấy không thích lắm, nhưng lâu dần thành quen và thấy hay hơn vì thầy cô chia sẻ nhiều bài hay; bình luận thì gần gũi và vui lắm. Có những chủ đề về tình bạn, tình yêu, về sức khỏe sinh sản, nghề nghiệp... cả thầy cô, các bạn trong lớp, trong trường và cả cộng đồng mạng tranh luận; em thấy cô giáo rất “xì tin” khi chia sẻ suy nghĩ của mình; quan điểm, cũng thuyết phục nữa...
Ngày 19/10/2018, con gái chị N. T. N. Hoa, học ở Trường THCS Him Lam (TP. Ðiện Biên Phủ) đi học về nói với mẹ rằng, chúng con có một món quà tặng mẹ vào ngày mai, mẹ vào trang facebook của trường con nhé. Sáng hôm sau, chị Hoa đã thực sự bất ngờ khi thấy trên trang của trường có clip con cùng các bạn trong lớp hát tặng bài “Mẹ yêu ơi” cùng lời nhắn của các con. Chị chia sẻ: Cháu là người ít nói và cũng chẳng mấy khi hát và nói lời âu yếm, tình cảm nên khi thấy con không những hát hay mà còn có cả lời nhắn riêng cho mẹ, chị xúc động rất nhiều. Không có món quà nào chị thấy vui bằng món quà đã nhận ngày 20/10 năm nay...
Món quà mà tập thể lớp dành tặng cho những người mẹ trong ngày 20/10 ấy không thể có được, nếu người thầy không dành thời gian, tâm huyết để dạy dỗ, thuyết phục, cổ vũ động viên và xắn tay cùng các em thực hiện. Bằng việc giúp cho các em biết nhớ đến công ơn của mẹ, biết bằng hành động chân thành bày tỏ, mạnh dạn vượt qua những e dè, nhút nhát để nói trước ống kính... giáo viên đã trao cho các em và cả phụ huynh nhiều hơn thế... Ðã có nhiều bình luận dưới bài hát, bày tỏ xúc động của cha mẹ học sinh với tình cảm của con; biết ơn sự chu đáo của giáo viên, của nhà trường và cả chút chạnh lòng, thầy cô đã nỗ lực, tâm huyết bao nhiêu để các con biết thương yêu cha mẹ, còn phụ huynh đã làm gì để con thật sự biết cách “tôn sư, trọng đạo”?.
Hiện nay không khó để tìm được những trang thông tin điện tử của trường, facebook của lớp, nhóm, câu lạc bộ (văn nghệ, thể thao, thời trang, ẩm thực...). Ở đó, có bóng dáng của những thầy, cô giáo với nỗ lực không ngừng học hỏi, tiếp thu khoa học công nghệ; dành tâm huyết, thời gian để gần hơn với học trò, sẵn sàng lắng nghe, chia sẻ và sát cánh cùng các em trên những bước trưởng thành... Sẽ là không thể, nếu chúng tôi muốn nói tất cả về cách mà các thầy giáo, cô giáo thời đại 4.0 của chúng ta đang làm. Song có một điều chắc chắn, đó chính là hành động thể hiện sự gương mẫu trong học tập của mỗi giáo viên mà chỉ có những nhà giáo thực sự yêu nghề mới sẵn sàng nỗ lực, sẵn sàng hy sinh... Những tâm huyết, nỗ lực của mỗi thầy cô đều mang bóng dáng của sự yêu thương tha thiết với học trò, với nghề cao quý.