banner

Xóa mù chữ cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Điện Biên

Chủ nhật - 04/08/2019 22:45
Xóa mù chữ cho đồng bào dân tộc thiểu số là một trong những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 05/12/2011 của Bộ Chính trị “về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, củng cố kết quả phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở, tăng cường phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và xóa mù chữ cho người lớn”; Nghị định số 20/2014/NĐ-CP ngày 24/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ về về phổ cập giáo dục, xóa mù chữ; Quyết định số 692/QĐ-TTg ngày 04/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án Xóa mù chữ đến năm 2020”, trong những năm qua tỉnh Điện Biên đã kiên trì thực hiện xóa mù chữ cho đồng bào dân tộc thiểu số và đã đạt được những kết quả tích cực.
Trong những năm qua, được sự quan tâm của Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương, sự nghiệp giáo dục tỉnh Điện Biên đã có bước phát triển mới cả về quy mô và chất lượng giáo dục. Mạng lưới trường, lớp được xây dựng hoàn chỉnh, cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân; quy mô học sinh khá ổn định, chất lượng giáo dục từng bước được nâng lên. Đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục được kiện toàn và nâng cao chất lượng. Giáo dục vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm; các mục tiêu về phát triển giáo dục đào tạo và phổ cập giáo dục - xóa mù chữ đạt và vượt so với kế hoạch đề ra. Năm 2000, tỉnh Điện Biên được công nhận đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục - xoá mù chữ (PCGD-XMC); năm 2008 được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS; năm 2010 được công nhận đạt chuẩn phổ cập GDTH đúng độ tuổi mức độ 1; năm 2014 được công nhận đạt chuẩn phổ giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; năm 2015 được công nhận đạt chuẩn phổ cập GDTH đúng độ tuổi mức độ 2.
Nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của công tác PCGD-XMC, đặc biệt là đối với các tỉnh miền núi, biên giới, tỉnh Điện Biên đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành chủ trương, giải pháp thực hiện mục tiêu PCGD – XMC trên địa bàn tỉnh: Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 31-CT/TU ngày 09/10/2017 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về công tác PCGD - XMC và phân luồng học sinh sau THCS trên địa bàn tỉnh; ngày 01/11/2016, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 3404/KH-UBND về kế hoạch PCGD - XMC, giai đoạn 2016-2020, định hướng đến 2025 tỉnh Điện Biên; Kiện toàn Ban Chỉ đạo PCGD - XMC tỉnh, chỉ đạo kiện toàn Ban Chỉ đạo PCGD - XMC cấp huyện, cấp xã; xây dựng kế hoạch thực hiện PCGD-XMC giai đoạn 2016-2025 phù hợp với thực tế của địa phương. Ban Chỉ đạo PCGD-XMC cấp xã phân công cán bộ chủ chốt, các tổ chức, đoàn thể thành viên Ban chỉ đạo phụ trách các thôn, bản chịu trách nhiệm huy động người mù chữ ra lớp học. Các trưởng thôn, bản phụ trách đến từng hộ gia đình, từng người dân để tuyên truyền, vận động và duy trì sĩ số; xây dựng và thực hiện hương ước thôn, bản về trách nhiệm cho con em đi học, không bỏ học giữa chừng. 
Các Sở, ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh theo chức năng nhiệm vụ đã tích cực phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện quy hoạch phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo và kế hoạch PCGD-XMC của tỉnh. Cấp ủy, chính quyền, Ban chỉ đạo PCGD-XMC cấp huyện đã ban hành các Chỉ thị, Nghị quyết và kế hoạch thực hiện PCGD-XMC từng năm và theo giai đoạn với hệ thống các giải pháp cụ thể trong chỉ đạo, quản lý để củng cố và nâng cao các tiêu chí đạt chuẩn PCGD-XMC. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh chỉ đạo các cơ quan tích cực tuyên truyền vận động đoàn viên, hội viên, tập hợp lực lượng phát động phong trào toàn dân thực hiện công tác xã hội hóa giáo dục; vận động thanh, thiếu niên, người mù chữ trong độ tuổi đến lớp và đi học chuyên cần; đưa nội dung xóa mù chữ vào chương trình hoạt động của cơ quan, đơn vị  như: lồng ghép nội dung xóa mù chữ vào phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xóa mù chữ cho hội viên Hội phụ nữ, đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài.
Ngành giáo dục và đào tạo tích cực, chủ động tham mưu với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và phối hợp với cấp uỷ, chính quyền các địa phương xây dựng, quy hoạch phát triển mạng lưới trường học trong toàn tỉnh nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân và thực hiện mục tiêu PCGD xóa mù chữ. Tham mưu, huy động các nguồn lực, đầu tư kinh phí xây dựng cơ sở vật chất và tích cực triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp để thực hiện kế hoạch phổ cập giáo dục xóa mù chữ của tỉnh, đặc biệt quan tâm các xã vùng đặc biệt khó khăn, các xã có chí đạt chuẩn PCGD-XMC còn ở mức thấp, thiếu tính bền vững.
Ngành Giáo dục và Đào tạo thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện chương trình, quy chế chuyên môn, tình hình huy động và duy trì số lượng học sinh đi học chuyên cần của các đơn vị. Ưu tiên bố trí giáo viên, cán bộ quản lý đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng cho nhiệm vụ xóa mù chữ ở các xã vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn. Tổ chức bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, giáo viên trong và ngoài ngành Giáo dục tham gia dạy xóa mù chữ. Năm 2018, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức tập huấn cho toàn bộ giáo viên trực tiếp dạy xóa mù chữ về phương pháp dạy xóa mù chữ gắn với phát triển cộng đồng. Đội ngũ giáo viên tiểu học của tỉnh tham gia công tác xóa mù chữ đảm bảo về số lượng, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tinh thần trách nhiệm cao, am hiểu phong tục tập quán của địa phương, đáp ứng được yêu cầu tổ chức giảng dạy các lớp xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ. Tại các xã biên giới, ngoài việc phối hợp vận động học sinh, học viên ra lớp, hỗ trợ tu sửa các trường học, cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng còn tham gia trực tiếp giảng dạy xóa mù chữ, gảng dạy các lớp chuyên đề tại các trung tâm học tập cộng đồng, góp phần chống tái mù, nâng cao nhận thức cho nhân dân các dân tộc khu vực biên giới.
Ảnh 2 HV điem trưong Ca Dinh Nhe Trường PTDTBT TH Huổi Lèng
Lớp xóa mù chữ tại huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên
Tổ chức các lớp học xóa mù chữ linh hoạt về thời gian và địa điểm phù hợp với tập quán sinh hoạt của đồng bào dân tộc thiểu số tạo điều kiện thuận lợi cho học viên theo học đảm bảo số lượng và chất lượng. Vận dụng kết hợp giữa dạy xóa mù chữ với dạy tiếng dân tộc Mông, Thái; củng cố kết quả biết chữ, hạn chế tình trạng tái mù chữ qua việc tăng cường tổ chức các lớp học chuyên đề, các lớp học nghề cho người mới biết chữ tại các trung tâm học tập cộng đồng, tăng cường thực hiện thiết chế văn hóa cơ sở. Năm 2019, Sở Giáo dục và Đào tạo đã phê duyệt mở 70 lớp xóa mù chữ, giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ cho 1.537 học viên. Năm học 2018-2019 đã mở 75 lớp, 2001 học viên, trong đó: 03 lớp với 53 học viên học chương trình xóa mù chữ, 72 lớp với 1.948 học viên học chương trình giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ.
Ngành Giáo dục và Đào tạo đã thực hiện có hiệu quả các Chương trình phối hợp: số 446/CTPH-SGDĐT-HLHPN-ĐTNCSHCM ngày 14/3/2017 của Sở Giáo dục và Đào tạo, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, Tỉnh Đoàn TNCS Hồ Chí Minh về thực hiện tăng cường các giải pháp huy động trẻ ra lớp, thực hiện xóa mù chữ giai đoạn 2017-2020; kí kết và triển khai Kế hoạch thực hiện chương trình phối hợp “Đẩy mạnh công tác xây dựng xã hội học tập” ở địa bàn biên giới tỉnh Điện Biên, giai đoạn 2018 - 2025” với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh; Chương trình phối hợp hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2017-2020 với Hội Khuyến học tỉnh.
Để huy động thanh, thiếu niên trong độ tuổi chưa học xong tiểu học tiếp tục học theo chương trình giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ và thực hiện nhiệm vụ củng cố kết quả PCGD- XMC, ngành Giáo dục và Đào tạo Điện Biên chỉ đạo triển khai thực hiện tại các trường phổ thông một hội đồng hai nhiệm vụ (vừa dạy các lớp phổ thông, vừa dạy các lớp xóa mù chữ cho đối tượng học viên có hoàn cảnh khó khăn được huy động đến trường), duy trì nhiệm vụ điều tra, nắm tình hình phổ cập trên địa bàn, xây dựng kế hoạch và tổ chức mở lớp.
Sau nhiều năm kiên trì thực hiện mục tiêu xóa mù chữ, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác xóa mù chữ của tỉnh đã thu được những kết quả tích cực, góp phần nâng cao dân trí, đảm bảo an sinh xã hội. Kết quả các tiêu chí đạt chuẩn xóa mù chữ của tỉnh: Tỷ lệ người trong độ tuổi 15-60 được công nhận đạt chuẩn biết chữ mức độ 1 đạt 94,5%; Tỷ lệ người độ tuổi từ 15-35 được công nhận đạt chuẩn biết chữ mức độ 1 đạt 97,82. Tỷ lệ người độ tuổi 15-60 được công nhận đạt chuẩn biết chữ mức độ 2 đạt 80.49%, độ tuổi từ 15 - 35 được công nhận đạt chuẩn biết chữ mức độ 2 đạt 92.55%. Toàn tỉnh có 130/130 đơn vị cấp xã đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1, tỉ lệ 100%. Trong đó 97/130 đơn vị cấp xã đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2, tỉ lệ 74,61%, tăng 25 xã, phường, thị trấn so với năm 2017, vượt chỉ tiêu kế hoạch UBND tỉnh giao 09 xã. Số huyện đạt chuẩn xóa mức độ 1: 06/10 huyện, tỉ lệ 60%. Số huyện đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2: 04/10 huyện, thị, thành phố, tỉ lệ 40%. Tỉnh duy trì đạt chuẩn XMC mức độ 1. Năm 2018, 01 tập thể và 01 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác xóa mù chữ giai đoạn 2008-2018 được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Bằng khen.
Anh 1 Lop hoc XMC tai Tua Chua
Học viên lớp giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ tại học điểm trường Ca Dính Nhè -Trường PTDTBT TH Huổi Lèng, huyện Mường Chà
Tuy nhiên, công tác xóa mù chữ còn gặp không ít khó khăn, hạn chế như: Tỷ lệ người mù chữ còn cao, nhất là độ tuổi 26-35 và 36 tuổi trở lên; tỷ lệ người được công nhận đạt chuẩn biết chữ mức độ 2 của các xã vùng đặc biệt khó khăn còn thấp; địa bàn của tỉnh rộng, giao thông đi lại khó khăn, khoảng cách giữa điểm trường chính và điểm bản xa nhau; tỉ lệ hộ nghèo còn cao, đời sống nhân dân còn ở mức thấp. Hiện tượng tảo hôn, di dịch cư tự do ảnh hưởng trực tiếp đến việc huy động và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; việc huy động người mù chữ ra lớp và duy trì sĩ số học viên còn hạn chế do người học là nhân lực lao động chính trong gia đình; nhận thức và nhu cầu đi học để biết chữ của một bộ phận người dân còn hạn chế, đặc biệt là nhóm cao tuổi, trẻ em gái của một số dân tộc và phụ nữ. Các thiết chế văn hoá cơ sở còn yếu, người dân hạn chế trong giao lưu phát triển kinh tế, thương mại, bởi vậy một bộ phận học viên sau khi hoàn thành chương trình xóa mù chữ do ít sử dụng nên đã tái mù chữ. Việc huy động được kinh phí từ các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân và cộng đồng cho công tác xóa mù chữ còn hạn chế.
 
Ảnh 3 học viên thi hết chương trình điểm trường Huổi Mí 1
Ảnh 4 Thi hết chương trình điểm trường Sa Lông 1
Ảnh học viên thi hết chương trình tại điểm trường Huổi Mí 1-Trường PTDTBT TH Huổi Mí, điểm trường Sa Lông 1 - Trường TH Sa Lông, huyện Mường Chà
Năm học 2019 -2020 là năm học cuối cùng thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết tỉnh Đảng bộ lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2015-2020 đã đề ra: Phấn đấu đến năm 2020, tỉnh đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2. Để thực hiện thành công mục tiêu ấy, cần có sự quan tâm thường xuyên, hiệu quả của các cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể các cấp. Toàn bộ hệ thống chính trị theo chức năng, nhiệm vụ cùng tham gia vào công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Ngành Giáo dục và Đào tạo phát huy vai trò cơ quan thường trực, nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ xóa mù chữ; tăng cường đầu tư kinh phí từ các chương trình, đề án; có giải pháp hữu hiệu trong việc duy trì vững chắc và nâng cao các chỉ số, tiêu chí đạt chuẩn xóa mù chữ ở 130/130 đơn vị cấp xã, 10/10 đơn vị cấp huyện; phấn đấu thực hiện đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 theo lộ trình kế hoạch số 3404/KH-UBND ngày 01/11/2016 của UBND tỉnh.
  Xóa mù chữ cho đồng bào dân tộc thiểu số được xác định là nhiệm vụ quan trọng, lâu dài, phải thực hiện thưởng xuyên góp phần nâng cao dân trí, xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện công bằng trong giáo dục và xây dựng xã hội học tập trên địa bàn tỉnh Điện Biên./.

Tác giả: Nguyễn Thị Thúy

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập119
  • Máy chủ tìm kiếm9
  • Khách viếng thăm110
  • Hôm nay38,980
  • Tháng hiện tại712,447
  • Tổng lượt truy cập135,190,740
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi