Câu hỏi 1. Người lao động đủ 50 tuổi, có đủ 15 năm đóng Bảo hiểm ở nơi có hệ số khu vực khu vực 0,7 có được tiếp tục công tác nữa không?
Theo quy định tại Điểm b, khoản 1, Điều 50 Luật Bảo hiểm xã hội số 71/2006/QH11 ngày 29/6/2006 của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định về điều kiện hưởng lương hưu như sau:
“Nam từ đủ năm mươi lăm tuổi đến đủ sáu mươi tuổi, nữ từ đủ năm mươi tuổi đến đủ năm mươi lăm tuổi và có đủ mười lăm năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế ban hành hoặc có đủ mười lăm năm làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên. Tuổi đời được hưởng lương hưu trong một số trường hợp đặc biệt khác do Chính phủ quy định”.
Theo quy định trên, công chức, viên chức, người lao động đã đủ điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội ở vùng có hệ số phụ cấp khu vực 0,7 (từ đủ 15 năm trở lên) và có đủ điều kiện về tuổi đời ( từ 50 tuổi đến 55 tuổi đối với nữ; từ 55 tuổi đến 60 tuổi đối với nam), nếu người lao động có nhu cầu nghỉ việc hưởng chế độ hưu trí thì cơ quan quản lý làm thủ tục nghỉ hưu cho công chức, viên chức, người lao động theo quy định hiện hành.
Tuy nhiên, cũng theo quy định ở trên thì không bắt buộc công chức, viên chức, người lao động là nữ phải nghỉ hưu ở tuổi 50 (năm mươi) mà có thể nghỉ hưu hưởng chế độ bảo hiểm trong khoảng “đủ năm mươi tuổi đến đủ năm mươi lăm tuổi”. Vì vậy, nếu người lao động chưa có nhu cầu nghỉ hưu mà muốn được tiếp tục công tác ở địa bàn có hệ số khu vực 0,7 trở lên thì đơn vị vẫn bố trí công việc cho người lao động (nếu đơn vị có nhu cầu về vị trí việc làm theo quy định).
Câu hỏi 2. Đơn vị sử dụng cần làm những thủ tục gì cho người lao động tiếp tục làm việc đối với đối tượng trên?
Để đảm đảm quyền lợi cho người lao động và đúng quy định về quản lý viên chức, trong trường hợp người lao động có nhu cầu được tiếp tục công tác người lao động và cơ quan quản lý trực tiếp cần làm những thủ tục sau:
- Đối với người lao động:
+ Đơn đề nghị được tiếp tục công tác;
+ Giấy chứng nhận sức khỏe còn giá trị sử dụng do cơ quan y tế đủ điều kiện được khám sức khỏe chứng nhận theo quy định tại Thông tư số 14/2013/TT-BYT ngày 06/5/2013 của Bộ Y tế về việc hướng dẫn khám sức khỏe (Giấy KSK có giá trị trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày ký kết luận sức khỏe);
- Đối với cơ quan, đơn vị quản lý trực tiếp:
+ Tiếp nhận đơn và Giấy khám sức khỏe của người lao động.
+ Trên cơ sở rà soát vị trí việc làm, căn cứ nhu cầu thực tế của đơn vị, bố trí công việc cho người lao động (nếu có nhu cầu).
+ Trong trường hợp đơn vị không có nhu cầu sử dụng lao động (vì không có vị trí việc làm phù hợp hoặc dôi dư do bố trí, sắp xếp), Thủ trưởng đơn vị phải trả lời bằng văn bản gửi tới người lao động và làm các thủ tục cần thiết trình Sở Giáo dục và Đào tạo ban hành thông báo nghỉ hưu, Quyết định nghỉ hưu theo quy định./.