banner

CHVH-THI PHÁP CỦA BÁC HỒ TRONG SÁNG TÁC THƠ ĐƯỜNG LUẬT

Thứ hai - 09/01/2017 19:51
Trong Hội thảo dịp kỷ niệm 125 năm ngày sinh Chủ Tịch Hồ Chí Minh về chủ đề "Bác Hồ với thơ Đường luật Việt Nam" tổ chức ngày 23 tháng 10 năm 2015 tại Hà Nội đã có hơn 200 đại biểu từ các tỉnh và Chủ tịch Hội đồng lí luận - Phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương đã đến dự. Trong Hội thảo, công trình nghiên cứu của tiến sĩ Phạm Thị Xuân Châu được chọn trình bày đầu tiên. Do khuôn khổ trang báo nên chúng tôi trích đăng phần 1 của công trình này
Vài nét về thơ Đường luật

Ở Trung Quốc, thơ Đường luật là thể thơ được chính thức đặt ra từ đời Đường, cho đến nay còn lại trong Toàn Đường thi còn hơn 2 vạn bài, có cấu trúc chặt chẽ nên còn được gọi là thơ luật, lối diễn ý có thứ tự, lớp lang đề, thực, luận, kết đối với thể bát cú và khai, thừa, chuyển, hợp đối với thể tứ tuyệt. Vậy nên giọng điệu có phần gò bó, thanh âm lại không phong phú, thơ chỉ thuận đọc, nhưng khó ngâm. Các nhà nghiên cứu phương Tây đã nhận xét là đơn điệu (monotone).

Ở Việt Nam, thơ Đường luật có từ thời Lý Trần, với sáng tác của các vị vua, các tướng lĩnh, văn nhân, các nhà ngoại giao, các bậc tu hành, viết bằng cả chữ Hán và chữ Nôm, phát triển trong suốt 10 thế kỷ trung đại, cho đến nay còn giữ được đến hàng chục nghìn bài.

Thơ Đường luật ở Việt Nam là sự tiếp biến, có cải biên, có phá cách, cho nên có sáng tạo như các thể yết hậu, thủ vĩ ngâm, thất ngôn chen lục ngôn... thường gặp ở thơ Nôm Nguyễn Trãi, thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm, thơ Hồ Chí Minh... Bởi vậy, thơ Đường luật ở Việt Nam có những đặc điểm riêng, không phải là sự sao chép thể thơ Đường luật của Trung Quốc.

Thơ Đường luật ở Việt Nam phát huy được bản sắc của 6 thanh trong tiếng Việt, lại thêm các vần chân hết sức hài hòa, uyển chuyển, nên tạo được nhạc điệu trầm bổng, du dương. Mỗi bài thơ là một sự hòa âm đầy nhạc tính. Cho nên thơ Đường luật Việt Nam không những là thơ viết để đọc, mà còn là thơ viết để ngâm. Chính bởi vậy, các nhà thơ cùng các nghệ nhân ngâm thơ điêu luyện đã sáng tạo ra những thể loại trình diễn đặc sắc như hát nói (ca trù).

Sự khác biệt giữa thơ Đường luật Việt Nam so với thơ Đường luật Trung Quốc là do sự khác nhau về đặc điểm thanh điệu. Tiếng Hán chỉ có 4 thanh bình, thượng, khứ, nhập (Hán ngữ hiện đại gọi là các thanh 1, 2, 3, 4). Còn tiếng Việt có tới 6 thanh, chưa kể thanh sắc, thanh nặng. Theo các kết quả nghiên cứu lại có hai mức độ âm vực rất khác nhau: trong thanh sắc: phù khứ thanh đọc nhẹ hơn phù nhập thanh (ví dụ như NƯỚNG đọc nhẹ hơn NƯỚC); Thanh nặng: trầm khứ thanh đọc nhẹ hơn trầm nhập thanh (ví dụ như LƯỢNG đọc nhẹ hơn LƯỢC). Nếu tính cả sự khác nhau về mức độ âm vực như trên thì tiếng Việt có tới 8 thanh chứ không phải chỉ 6 thanh. Điều đó lý giải vì sao, tiếng Việt giàu tính nhạc và thơ tiếng Việt giàu nhạc tính hơn hẳn so với thơ tiếng Trung.

Thí dụ bài Lương Châu từ của Vương Hàn, bản phiên âm tiếng Việt:

Bồ đào mĩ tửu dạ quang bôi
Dục ẩm tì bà mã thượng thôi
Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu
Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi
 
Câu cuối bài thơ, nếu phân tích theo ngữ âm học, thì có âm điệu rất du dương, trầm bổng, bởi có sự cân đối hài hòa của 4 thanh bằng, 3 thanh trắc, kết thúc lại là vần bằng:Cổ lai chinh chiến kỉ nhân hồi, nên có sự lan tỏa và âm vang.
 t    b    b          t     t    b      b         

 Nếu phát âm theo tiếng Trung thì âm điệu câu thơ sẽ là:

Gu lai zheng zhan ji ren hui (Thanh 3, 2, 1, 4, 3, 2, 2)

Câu thơ tiếng Trung chỉ có chữ thứ 3 (zheng) là thanh bằng, 6 chữ còn lại đều là thanh trắc, kết thúc cũng là vần trắc (hui), nên âm điệu nặng nề, không cân đối, không có tính nhạc.

Rõ ràng xét theo góc độ ngữ âm, câu thơ tiếng Trung không có giá trị nhạc tính hài hòa, biểu cảm du dương như câu thơ tiếng Việt.

Chính đặc điểm thanh điệu đã mang tới cho thơ Đường luật Việt Nam những đặc điểm về niêm, luật mà thơ Trung Quốc không có, như quy tắc bằng - trắc, quy tắc nhất tam ngũ bất luận, nhị tứ lục phân minh. Ngay cả ở luật đối, trong Đường luật tiếng Việt có cả đối thanhđối ý, trong khi Đường luật Trung Quốc chỉ đối ý chứ không đối thanh được.

Nhìn lại và so sánh, chúng ta thấy rõ bản sắc khác nhau giữa hai loại Đường luật xuất phát từ cơ sở bản sắc ngôn ngữ dân tộc của hai nước không giống nhau.

Sự giao lưu văn hóa đã đưa tới một sự tiếp biến đầy sáng tạo của các nhà thơ Việt. Bác Hồ của chúng ta khi chọn viết thơ chữ Hán cũng đã  làm phong phú cho di sản thơ ca Việt Nam bằng những phá cách, đổi mới trong bút pháp, làm mới mẻ, sống động một thể loại thơ ca cổ điển.

Thi pháp của Bác Hồ trong sáng tác thơ Đường luật

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Bác Hồ viết khá nhiều thơ Đường luật. Theo thống kê của tôi: Nhật ký trong tù có 133 bài; Thơ chữ Hán ngoài Nhật ký trong tù: 35 bài;  Thơ Đường luật tiếng Việt: 35 bài. Như vậy, thơ Đường luật của Bác tổng cộng trên 200 bài. Trong đó có 178 bài tứ tuyệt, 20 bài bát cú, 5 bài trường thiên. Bên cạnh những bài viết theo đúng luật thơ cổ, Bác đã dùng Đường luật cải biên thành nhiều thể loại phong phú để biểu đạt những tư tưởng lớn, những tình cảm sâu sắc tinh tế đó là viết về Tổ quốc và Nhân dân; viết về cách mạng; viết về con người

Về Tổ quốc và Nhân dân, thơ Đường luật của Bác giống như những dòng nhật ký hàm súc, trữ tình, ghi lại suy nghĩ, tâm hồn, lý tưởng của Bác trên bước đường cứu nước. Chiến khu Việt Bắc, chiếc nôi cách mạng buổi ban đầu luôn hiện lên trong thơ Bác, còn in dấu ấn những tháng năm xưa Bác đã ở nơi đây nhóm lên ngọn lửa cách mạng sáng đến mai sau:

Non xa xa, nước xa xa/ Nào phải thênh thang mới gọi là/       Đây suối Lênin, kia núi Mác/ Hai tay xây dựng một sơn hà. (Pác Bó hùng vĩ)

Câu đầu bài thơ chỉ có sáu tiếng. Bác đã sáng tạo một bài tứ tuyệt với các câu thất ngôn chen lục ngôn. Sự phá cách này khiến lời thơ trở nên trữ tình, mềm mại, tự nhiên, dường như chỉ là Bác đang ghi lại hình ảnh núi rừng Pác Bó đầy chất thơ đang trải rộng ra trước mắt mình: Non xa xa, nước xa xa 

Câu thơ sáu tiếng cho thấy sự linh hoạt của Bác trong bút pháp thi ca. Câu thơ đi ra ngoài công thức thất ngôn, gợi ra cái nên thơ, trữ tình của cảnh vật và sự khoáng đạt, bao la, dung dị của hồn người trong cảnh. Bác gắn bó với thiên nhiên không phải như một nhà ẩn dật mà là một người chiến sĩ cách mạng luôn một lòng vững vàng, kiên định sự nghiệp lớn: Hai tay xây dựng một sơn hà.

Đọc thơ Đường luật của Bác, dù là nhật ký viết trong tù hay những bài thơ sau này trước và sau cách mạng, trong kháng chiến, ta luôn thấy hiển hiện lên một tấm lòng yêu nước thiết tha, một ý chí báo quốc sắt đá, một tấm lòng thủy chung, kiên định, sắt son hướng về Tổ quốc, nhân dân, đồng chí, đồng bào, như tấm lòng của Nguyễn Trãi khi xưa trong Quốc âm thi tập:     
     
Bui một tấm lòng ưu ái cũ
Đêm ngày cuồn cuộn nước triều đông.
Bác Hồ cũng vậy, bóng hình Tổ quốc trằn trọc trong giấc ngủ:
Nhất canh... nhị canh... hựu tam canh
Triển chuyển bồi hồi thụy bất thành
Tứ ngũ canh thời tài hợp nhãn
Mộng hồn hoàn nhiễu ngũ tiêm tinh.
Thụy bất trước - Không ngủ được).
 
(Dịch thơ: Một canh... hai canh... lại ba canh.../ Trằn trọc, băn khoăn, giấc chẳng thành/ Canh bốn, canh năm vừa chợp mắt/ Sao vàng năm cánh mộng hồn quanh).

Ngày nay đọc lại Nhật ký trong tù, chúng ta không khỏi xúc động, và càng thêm hiểu, thêm thương, thêm cảm phục tấm lòng của Bác đối với Tổ quốc, nhân dân dẫu Người đang trong cảnh đọa đày.

Có nỗi đau khổ, đắng cay trong cảnh ốm đau nơi tù ngục, lại là nơi đất khách quê người, nhưng vẫn trăn trở không nguôi niềm cố quốc:
 
"Ngoại cảm" Hoa thiên tân lãnh nhiệt
Nội thương Việt địa cựu sơn hà.
Ngục trung hại bệnh chân tân khổ
Bản ưng thống khốc khước cuồng ca.         (Bệnh trọng - Ốm nặng)
 
(Dịch thơ: Ngoại cảm trời Hoa cơn nóng lạnh/ Nội thương đất Việt cảnh lầm than/ Trong tù mắc bệnh càng đau khổ/ Đáng khóc mà ta cứ hát tràn).

Có nỗi nhớ nước, thương nhà suốt bao tháng ngày khắc khoải, hóa thành lệ rơi trên những dòng thơ:
 
Tâm hoài cố quốc thiên đường lộ,
Mộng nhiễu tân sầu, vạn lũ ti.
Vô tội nhi tù dĩ nhất tải
Lão phu hòa lệ tả tù thi.          (Thu dạ - Đêm thu)
 
 (Nghìn dặm bâng khuâng hồn nước cũ/ Muôn tơ vương vấn mộng sầu nay/ Ở tù năm trọn thân vô tội/ Hòa lệ thành thơ tả nỗi này)

Ở những bài thơ này, Bác giữ nguyên đặc điểm cổ kính của thơ tứ tuyệt luật Đường, ngõ hầu diễn tả trọn vẹn chiều sâu của nỗi niềm khắc khoải: cựu sơn hà, hoài cố quốc, ức cố nhân... nhất là trong hoàn cảnh: Tổ quốc chung niên vô tín tức/ Cố hương mỗi nhật vọng hồi âm (Dịch thơ: Năm tròn cố quốc tăm hơi vắng/ Tin tức bên nhà bữa bữa trông) (Tức cảnh).

Chất trữ tình trong thơ có sự quyện hòa của cả chất tình và chất thép. Màu sắc trữ tình thể hiện qua chính tâm trạng của Bác, cho người đọc thêm hiểu, thêm thương Bác mười bốn trăng tê tái gông cùm, từ đó càng thêm cảm phục ý chí kiên cường của Người trong gian khổ và tấm lòng thủy chung vô hạn của Người với Tổ quốc, nhân dân, như tấm lòng của Ức Trai xưa trong bài Thuật hứng XXIV:

Bui có một lòng trung lẫn hiếu,
Mài chăng khuyết, nhuộm chăng đen.
 
Về cách mạng, không chỉ vận dụng thơ Đường luật để nói những tư tưởng lớn, những tình cảm sâu sắc về Tổ quốc và nhân dân, mà thông qua thể thơ này, Bác còn đặt ra những vấn đề quan trọng của đấu tranh cách mạng.

Bác đã vận dụng tính hàm súc, ngắn gọn của thơ luật Đường để đúc kết quan điểm cách mạng của mình trong bài thơ chữ Hán Học dịch kỳ (Học đánh cờ). Bên ngoài chỉ là chuyện chơi cờ:

Nhàn rỗi đem cờ học đánh chơi/ Thiên binh, vạn mã đuổi nhau hoài

Nhưng bên trong lại là vấn đề tư duy cách mạng, chiến lược đấu tranh cách mạng, chủ động, sáng tạo và quyết đoán:

Tấn công, thoái thủ nên thần tốc/ Chân lẹ, tài cao ắt thắng người.

Bên ngoài là tư duy đánh cờ, nhưng bên trong lại là tư duy chiến lược sắc bén, là tư tưởng tiến công cách mạng một cách khoa học và kiên quyết, giành thế chủ động trong đấu tranh:

Phải nhìn cho rộng, suy cho kỹ/ Kiên quyết không ngừng thế tiến công

Ý chí và trí tuệ của một nhà chiến lược cách mạng, với chiến thuật cách mạng biết thời, biết thế, đón thời, tạo thế được Bác diễn tả hết sức rõ ràng, sinh động trong nội hàm ẩn dụ của thể thơ tứ tuyệt luật Đường:

Lỡ nước hai xe đành bỏ phí/ Gặp thời một tốt cũng thành công.

Bài học nắm bắt thời cơ của Cách mạng Tháng Tám là minh chứng cho chiến thuật cách mạng sắc sảo, đầy trí tuệ của Bác.

Từ việc chơi cờ Bác đặt ra vấn đề quan trọng là tương quan giữa thếlực, tấn côngphòng thủ, để đi đến kết luận về thế trận cách mạng trên bàn cờ đấu tranh: Vốn trước hai bên ngang thế lực/ Mà sau thắng lợi một bên giành/ Tấn công phòng thủ không sơ hở/ Đại tướng anh hùng mới xứng danh.

Một thể thơ, vốn mang đậm tính khuôn mẫu, cổ điển, nhưng trong tay Bác, lại trở thành phương tiện ngôn ngữ linh hoạt, sắc bén, đúc kết triết lý đấu tranh cách mạng, mang tính thời đại, tính chính trị sâu sắc.

Ngày 11-11 - 1942, kỷ niệm kết thúc Đại chiến Thế giới lần thứ nhất (1914 - 1918), Bác viết bài Song thập nhất (Ngày 11-11), nêu lên nhận định của mình về vai trò của các nước châu Á trong công cuộc kháng chiến chống chủ nghĩa phát xít:
 
Kháng Nhật tinh kỳ mãn Á châu
Tinh kỳ đại, tiểu mãn sai thù
Tinh kỳ đại đích cố tu hữu
Tiểu đích tinh kỳ hữu khả vô.
 
(Dịch thơ: Kháng Nhật cờ bay khắp Á châu/ Cờ to, cờ nhỏ chẳng đều nhau/ Cờ to ắt hẳn là nên có/ Cờ nhỏ dù sao, thiếu được đâu)

Bài thơ không triển khai theo mạch khai, thừa, chuyển, hợp của thơ tứ tuyệt mà phát triển theo hình tượng lá cờ (tinh kỳ), biểu tượng của phong trào kháng Nhật ở mỗi nước. Hai chữ "tinh kỳ" lặp đi lặp lại bốn lần trong suốt cả 4 dòng thơ, gợi không khí kháng Nhật sục sôi khắp châu Á.

Bác dùng hình ảnh lá cờ để khái quát cao trào chống Nhật đồng thời nêu lên một quan điểm đầy tự chủ và sắc sảo không chỉ về  tình hình Việt Nam mà cả tình hình thế giới, không chỉ vai trò của các nước lớn, mà còn vai trò của nước nhỏ, để khẳng định vai trò không thể thiếu của mỗi quốc gia trong sự nghiệp chung: Cờ to ắt hẳn là nên có (Nước lớn có vai trò của nước lớn); Cờ nhỏ dù sao, thiếu được đâu (Nước nhỏ cũng có vai trò của nước nhỏ), không thể bỏ qua, xem nhẹ, coi thường.

Bác đã khẳng định chủ quyền của mọi dân tộc, dù là dân tộc nhỏ, cũng chính là phê phán chủ nghĩa sô-vanh (nước lớn), hòng áp đặt bá quyền đối với những nước vẫn bị coi là nhược tiểu. Quan điểm dân tộc của Bác mang tính quốc tế rộng lớn, đòi hỏi trên toàn thế giới là phải có sự tôn trọng lẫn nhau và phải có sự bình đẳng giữa các dân tộc.

Tư duy cách mạng rộng lớn của Bác chứa đựng trong một bài thơ rất nhỏ. Bác dùng bài tứ tuyệt luật Đường cải biên để khẳng định sự thật và chân lý chính trị một cách ngắn gọn, chính xác, dễ hiểu.

Trong thơ của Bác không chỉ có trí tuệ cách mạng mà còn có những tình cảm cách mạng giữa những người đồng chí, đồng đội. Đáng nhớ nhất là những bài thơ Bác viết về các bậc nhân sĩ yêu nước, những con người đạo cao đức trọng đã vì chính nghĩa dân tộc mà tự nguyện từ bỏ tất cả để đi theo kháng chiến, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân như cụ Bùi Bằng Đoàn, cụ Võ Liêm Sơn, cụ Huỳnh Thúc Kháng…

Cụ Bùi Bằng Đoàn nguyên là quan Thượng thư của triều đình cũ. Cụ nổi tiếng liêm khiết, Bác Hồ vô cùng quý trọng. Bài thơ tứ tuyệt chữ Hán của Bác viết tặng cụ tỏa một tình tri kỷ đằm thắm sáng trong:

Khán thư sơn điểu thê song hãn
Phê trát xuân hoa chiếu nghiễn trì
Tiệp báo tần lai lao dịch mã
Tư công tức cảnh tặng tân thi.
 (Tặng Bùi công/ Tặng cụ Bùi Bằng Đoàn) 
 
 (Dịch thơ: Xem sách chim rừng vào cửa đậu/ Phê văn hoa núi ghé nghiên soi/ Tin vui thắng trận dồn chân ngựa/ Nhớ cụ thơ xuân tặng một bài).

Có thể thấy, dù là thể thất ngôn hay ngũ ngôn, tứ tuyệt hay bát cú, thơ chữ Hán hay thơ tiếng Việt, nguyên thể hay phá cách, thì mỗi bài thơ Bác viết đều biểu hiện sống động, chân thực tình cảm cách mạng cao đẹp của Bác.

Tác giả: TS Phạm Thị Xuân Châu

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập266
  • Thành viên online1
  • Máy chủ tìm kiếm17
  • Khách viếng thăm248
  • Hôm nay34,126
  • Tháng hiện tại673,032
  • Tổng lượt truy cập137,024,845
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi