banner

CHVH - NGHĨ TỪ ĐÀI TƯỞNG NIỆM CÁC CHIẾN SĨ TÂY TIẾN

Thứ bảy - 18/11/2017 02:55
Năm 2016, trên đất Mộc Châu của miền Tây Bắc nước ta đã dựng nên một công trình lịch sử đầy ý nghĩa: Đài tưởng niệm các chiến sĩ trong đoàn quân Tây tiến thời kỳ kháng chiến chống Pháp
Đoàn binh không mọc tóc, quân xanh màu lá dữ oai hùm đã chiến đấu và hy sinh trên đất ta và cả trên đất bạn Lào, coi đất Lào như quê hương thứ hai yêu dấu của mình, để dù “Rải rác biên cương mồ viễn xứ”“Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi”.
         
Đồng chí Cayxỏn Phômvihản, trên cương vị Tổng Bí thư Đảng nhân dân Cách mạng Lào, đã từng phát biểu đầy xúc động:
         
“Các chiến sĩ quốc tế đặc biệt Việt Nam chấp hành chỉ thị của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu cao tinh thần quốc tế vô sản trong sáng, yêu nhân dân Lào như cha mẹ, anh em ruột thịt của mình, đồng cam cộng khổ, hạt muối cắn đôi, cọng rau bẻ nửa, nhận khó khăn về mình, dành thuận lợi cho chúng tôi, kề vai sát cánh chiến đấu, sống chết bên nhau với quân đội và nhân dân chúng tôi trong từng chiến hào, trên khắp các chiến trường trong cả nước với tinh thần anh dũng tuyệt vời.
         
Trên mỗi chiến trường của Tổ quốc thân yêu chúng tôi đều có xương máu của các chiến sĩ quốc tế Việt Nam hòa lẫn với xương máu của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Lào chúng tôi”.


Từ khi được Thường vụ Trung ương phân công chỉ đạo giúp cách mạng Lào, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã chú ý tìm những thanh niên người Lào để đào tạo thành cán bộ giúp nước bạn và cũng là để hình thành thế trận liên hoàn của chiến trường Đông Dương thống nhất.

Đồng chí Cayxỏn Phômvihản, từng học ở trường Bưởi Hà Nội, đỗ tú tài toàn phần rồi trở thành sinh viên khoa Luật, trường Đại học Đông Dương, nguyên là bạn với đồng chí Võ Nguyên Giáp, người được Đảng ta giao nhiệm vụ giúp đỡ đồng chí Cayxỏn xây dựng một đội quân giải phóng Lào, như đồng chí Võ Nguyên Giáp đã làm ở Việt Nam đối với đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân.

 Từ giữa năm 1948, đích thân đồng chí Võ Nguyên Giáp đã thân chinh đến Văn Lãng (thuộc huyện Đại Từ, Thái Nguyên) để gặp đồng chí Cayxỏn Phômvihản. Cuộc gặp đã đặt dấu ấn sâu sắc trong ký ức của Đại tướng Võ Nguyên Giáp:

 “Người sinh viên trẻ tuổi đã để lại trong tôi ấn tượng chân thành, thông minh và nghị lực. Anh bày tỏ nguyện vọng muốn bộ đội Việt Nam giúp đỡ để trở về Tổ Quốc. Anh tin rằng về nước, sẽ tìm được những người cùng chí hướng để tập hợp thành đội ngũ chiến đấu.

Tôi nói: bộ đội Việt Nam đang chuẩn bị mở một con đường xuyên qua Tây Bắc đến biên giới Việt Lào… Sau đó, tôi cử cán bộ đưa anh đến đơn vị của Bế Sơn Cương ở hướng Mộc Châu đang mở đường về Sầm Nưa và khuyên anh chú ý vùng Xiềng Khọ.

Một thời gian sau, anh Cayxỏn và anh Thao Ma lãnh đạo một đội vũ trang tuyên truyền gồm mấy chục chiến sĩ người Lào từ Tây Bắc Việt Nam vào Thượng Lào hoạt động và lập đơn vị vũ trang Latxavông.
         
Bước sang năm 1949, cuộc kháng chiến của nhân dân Lào có nhiều biến chuyển. Ngày 20.11, tại đơn vị Latxavông ở Xiềng Khọ (Sầm Nưa), anh Cayxỏn tuyên bố thành lập quân đội Lào Itxala, tiền thân của Quân giải phóng nhân dân Lào.

         
Sau này, tôi còn nhiều dịp được tiếp xúc cộng tác chặt chẽ và thân thiết với anh Cayxỏn Phômvihản ở Sầm Nưa, Việt Bắc, Hà Nội, Viêng Chăn, lúc anh làm Bộ trưởng Quốc phòng trong chính phủ kháng chiến Pathet Lào, cũng như lúc anh làm Tổng Bí thư Đảng nhân dân Cách mạng Lào, Chủ tịch nước và Thủ tướng nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào. Giữa chúng tôi có nhiều kỷ niệm sâu sắc về tình bạn chiến đấu, tình đồng chí thân thiết, trong sáng, thủy chung”.


Tháng 3.1949, Khu giải phóng Hạ Lào thành lập, ngay sau đó Ủy ban Kháng chiến tỉnh Viêng Chăn cũng ra đời. Bộ đội Lào và bộ đội tình nguyện Việt Nam đoàn kết chặt chẽ, phối hợp hoạt động, thu nhiều thắng lợi.
         
Thế trận liên hoàn của một chiến trường Đông Dương thống nhất chống kẻ thù chung bắt đầu được xây nền đắp móng chính từ những ngày sơ thủy của mối tình đoàn kết chiến đấu gắn bó giữa đồng chí Võ Nguyên Giáp với người lãnh tụ trẻ tuổi và năng động của dân tộc Lào.
         
Ngay từ những ngày đầu năm 1946, ở Tây Bắc, ta đã lập ra Trung đoàn Sơn La. Từ tháng 1 đến giữa hè năm 1947, ta lập thêm Trung đoàn Tây tiến. Tầm quan trọng của Tây Bắc đã sớm được Bộ Quốc phòng - Tổng Chỉ huy ta xác định trong thư của đồng chí Võ Nguyên Giáp gửi các chiến sĩ bộ đội Tây tiến, đề ngày 1.2.1947: “Bảo vệ được lãnh thổ và nhân dân miền Tây, tức là gián tiếp bảo vệ được địa phương của chúng ta, góp một phần quan trọng vào thắng lợi cuối cùng”.

Khoảng giữa năm 1948, sau khi làm việc với các lãnh đạo Liên khu 10, Đại tướng Võ nguyên Giáp đã đi thẳng đến huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) để gặp các cán bộ, chiến sĩ thanh niên thuộc các ban Tuyên truyền xung phong Tây tiến chuẩn bị tiến vào bốn tỉnh Tây Bắc để xây dựng cơ sở, lập căn cứ đứng chân ở vùng đồng bào thiểu số và mở đường sang Lào kết hợp với đơn vị vũ trang của đồng chí Cayxỏn Phômvihản tại căn cứ Hủa Phăn (Lào).

Nhìn những cán bộ chiến sĩ trẻ măng đang hăng hái sẵn sàng xuất phát, trong buổi chia tay tiễn anh em vào nơi khó khăn, gian khổ, Đại tướng vô cùng xúc động, ứng khẩu thành thơ tặng anh em:
                                      Sông Đà, sông Mã uốn dòng
                             Ghềnh rêu, thác bạc ghi công anh hào
                                      Con vàn* tung cánh bay cao
                             Ngọn cờ chỉ hướng, ngôi sao dẫn đường.
          Bài thơ ngắn, chỉ bốn câu nhưng hàm súc nhiều ý nghĩa.

Sông Đà, sông Mã là hình ảnh miền Tây Bắc của Tổ Quốc.  Cả hai con sông cùng chảy chung trên lãnh thổ của hai nước Việt - Lào. Những chiến sĩ Tây tiến ra đi vào nơi khó khăn gian khổ nhưng chính là đến với Tổ Quốc thân yêu ở nơi xa xôi nhất và thực hiện nhiệm vụ quốc tế cao cả. Non sông thì đẹp đẽ, còn người ra đi thì đúng là những "anh hào". Hình ảnh hai con sông miền Tây "uốn dòng" với "ghềnh rêu, thác bạc" gợi lên vẻ đẹp núi sông hùng vĩ nơi biên cương núi liền núi, sông liền sông của hai nước Việt - Lào, tôn lên vẻ đẹp của tư thế hiên ngang, chí khí mạnh mẽ và quyết tâm ra đi làm nhiệm vụ của những người trai Tây tiến anh hùng.

Những người đầu tiên ấy ra đi, giữa đất trời bao la của Tổ quốc, như loài chim vạc núi tung đôi cánh bay lên giữa bầu trời cao rộng. Hình ảnh người ra đi đã được ví với một hình ảnh tuyệt đẹp "Con vàn tung cánh bay cao". Và còn đẹp hơn nữa bởi cuộc ra đi vào nơi gian khổ, ngàn dặm xa xôi ấy là cuộc đi có "Ngọn cờ chỉ hướng, ngôi sao dẫn đường".

Ngọn cờ là hình ảnh Tổ Quốc, ngôi sao là lý tưởng cách mạng. Tổ Quốc là ngọn cờ hồng chỉ hướng ta đi, Lý Tưởng là ngôi sao sáng dẫn đường để người ra đi vượt mọi gian lao đi tới đích. Người chiến sĩ Tây tiến bước chân ra đi với sức mạnh của Tổ QuốcLý Tưởng trong lòng.

Nằm trong hình tượng đẹp đẽ của lá cờ, ngôi sao là những nội dung cách mạng rất cụ thể xuất phát từ những cái có thực: mục tiêu chiến đấu, đường lối xây dựng cơ sở, việc kết hợp với bạn Lào để trên cả hai chiến trường cùng phối hợp chiến đấu để đánh và thắng thực dân Pháp xâm lược. Những chữ “chỉ hướng”, “dẫn đường” cũng không phải chỉ là những hình tượng nghệ thuật mà chính là những nội dung mà Đại tướng Tổng Chỉ huy đã giải thích cụ thể, cặn kẽ cho cán bộ chiến sĩ Tây tiến về đường lối quân sự của Đảng, về mục tiêu chiến đấu của cách mạng, như phương châm Bác Hồ đã nói: "Giúp bạn là tự giúp mình".

Tác động của bốn câu thơ tiễn biệt là sự truyền lửa trong trái tim người ra đi. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhóm lên ngọn lửa trong lòng các chiến sĩ của mình để họ thấy sáng ngời lên mục tiêu cách mạng, lý tưởng cách mạng và hoài bão mà họ cần phải có để khắc phục mọi gian lao, chiến thắng mọi thách thức.

Đọc bài thơ ta thấy người ra đi không cô đơn, vì người chỉ huy cao nhất đã thổi vào tâm hồn họ một ý chí kiên cường, truyền cho họ một lòng tin ở nhiệm vụ cao cả. Họ ra đi trong tình yêu thương, niềm tin tưởng, và sự chăm sóc chu đáo về ý chí - tinh thần mà người Anh Cả của quân đội nhân dân Việt Nam đã dành cho các chiến sĩ thân yêu của mình.

Bài thơ tiễn vì thế không có nỗi buồn li biệt, mà là sự san sẻ niềm tin với anh em, tin rằng cuộc đi tới nơi xa nghìn dặm là cuộc đi được soi đường, chỉ lối, đi vào lòng dân để giành lấy thắng lợi cuối cùng.
         
Rất tiếc rằng bài thơ ngắn nhưng cô đọng hàm súc đó chưa được khắc trên đá của đài Tưởng niệm mới xây, dù nó vẫn còn nguyên trong tâm khảm của một số ít chiến sĩ Tây tiến đến nay còn sống. Bởi chính bài thơ cũng là một Tượng Đài truyền giá trị lịch sử cho muôn đời sau.

 
 Chú thích: * Con vàn: một loài chim ở miền núi, giống như con vạc ở đồng bằng.
(Theo Trần Thái Bình – Võ Nguyên Giáp, Hào khí trăm năm – NXB Trẻ Thành Phố  Hồ Chí Minh)         
 
 

Tác giả: Phạm Thị Xuân Châu giáo viên Trường THPT TP Điện Biên Phủ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập255
  • Thành viên online1
  • Máy chủ tìm kiếm32
  • Khách viếng thăm222
  • Hôm nay28,546
  • Tháng hiện tại673,993
  • Tổng lượt truy cập136,126,362
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi