banner

VP- Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) mới và lộ trình triển khai thưc hiện chương trình

Thứ ba - 16/05/2017 19:58
Dienbien.edu,vn- Năm học 2018-2019, chương trình giáo dục phổ thông tổng thể sẽ được triển khai đại trà cho các lớp 1 và thực nghiệp ở lớp 2, 6 và 10.


I. NHỮNG ĐIỂM MỚI CỦA CHƯƠNG TRÌNH

Chương trình GDPT mới được xây dựng theo định hướng tiếp cận năng lực (NL), phù hợp với xu hướng phát triển chương trình của các nước tiên tiến, nhằm thực hiện yêu cầu của Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội "tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng và hiệu quả giáo dục phổ thông; kết hợp dạy chữ, dạy người và định hướng nghề nghiệp; góp phần chuyển nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức sang nền giáo dục phát triển toàn diện cả về phẩm chất và năng lực, hài hòa đức, trí, thể, mỹ và phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi học sinh". Định hướng tiếp cận năng lực của chương trình thể hiện ở những điểm sau:

1. Chương trình được xây dựng theo phương pháp phù hợp với định hướng tiếp cận năng lực

Khác với chương trình theo định hướng tiếp cận nội dung (thiên về truyền thụ kiến thức), quy trình xây dựng chương trình theo định hướng tiếp cận NL không bắt đầu bằng việc xác định nội dung dạy học mà bằng việc xác định những yêu cầu cần đạt về phẩm chất, NL của học sinh (HS), tức là chuẩn đầu ra của chương trình. Căn cứ chuẩn đầu ra, chương trình mới xác định các lĩnh vực giáo dục, các môn học và hoạt động giáo dục (HĐGD), phương pháp giáo dục và phương pháp đánh giá kết quả giáo dục phù hợp.

Trong giáo dục, phương pháp xây dựng chương trình như trên được gọi là phương pháp sơ đồ ngược (back-mapping).

2. Chương trình đã xác định được các phẩm chất chủ yếu và năng lực cốt lõi cần hình thành, phát triển cho HS.

2.1. Chương trình GDPT mới xác định mục tiêu hình thành, phát triển cho HS các phẩm chất chủ yếu sau: yêu đất nước, yêu con người, chăm học, chăm làm, trung thực, trách nhiệm.

Căn cứ để xác định các phẩm chất chủ yếu nói trên là những đức tính của người Việt Nam được nêu ra trong các nghị quyết của Đảng CSVN về xây dựng văn hoá, con người Việt Nam, đặc biệt là Năm điều Bác Hồ dạy HS và yêu cầu giáo dục đạo đức, lối sống cho HS hiện nay.

2.2. Chương trình GDPT hình thành, phát triển cho HS các NL cốt lõi sau:

a) Những năng lực chung được tất cả các môn học và HĐGD góp phần hình thành, phát triển: năng lực tự chủ và tự học, năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo;

b) Những năng lực chuyên môn được hình thành, phát triển chủ yếu thông qua một số môn học nhất định: năng lực ngôn ngữ, năng lực tính toán, năng lực tìm hiểu tự nhiên và xã hội, năng lực công nghệ, năng lực tin học, năng lực thẩm mỹ, năng lực thể chất.

Các NL nói trên là những NL mà ai cũng cần có để sống, làm việc trong xã hội hiện đại. Các NL đó đã được xác định trong nhiều chương trình và tài liệu giáo dục nước ngoài, đặc biệt là các tài liệu Xác định và lựa chọn các năng lực cốt lõi của OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế) năm 2005, Các năng lực cốt lõi để học tập suốt đời – Khung tham chiếu châu Âu của EU (Liên minh Châu Âu) năm 2006 và Tầm nhìn mới về giáo dục – Mở khóa tiềm năng về công nghệ của WEF (Diễn đàn Kinh tế Thế giới) năm 2015.

Bên cạnh việc hình thành, phát triển các NL cốt lõi, chương trình GDPT còn góp phần phát hiện, bồi dưỡng năng lực đặc biệt (năng khiếu) của HS.

3. Chương trình thiết kế nội dung và kế hoạch giáo dục phù hợp với định hướng tiếp cận năng lực.

3.1. Chương trình GDPT mới mang tính mở, bảo đảm quyền lựa chọn của HS, quyền chủ động sắp xếp kế hoạch giáo dục của cơ sở.

Hệ thống các môn học của chương trình giáo dục phổ thông được chia thành các môn học bắt buộc, môn học bắt buộc có phân hóa, môn học tự chọn và môn học tự chọn bắt buộc.

Môn học bắt buộc là môn học mà mọi HS đều phải học. Môn học bắt buộc có phân hóa là môn học mà nội dung được thiết kế thành các chủ đề hoặc học phần (môđun), trong đó một số chủ đề hoặc học phần là bắt buộc đối với tất cả HS, một số chủ đề hoặc học phần được tự chọn tùy theo nguyện vọng của HS và điều kiện đáp ứng của cơ sở giáo dục. Môn học tự chọn là môn học không băt buộc, được HS tự nguyện lựa chọn, phù hợp với nguyện vọng, sở trường và định hướng nghề nghiệp của học sinh. Môn học tự chọn bắt buộc là môn học mà HS bắt buộc phải lựa chọn trong số các môn học định hướng nghề nghiệp ở lớp 11, lớp 12 theo quy định của chương trình.

Chương trình GDPT ở cả ba cấp học được thực hiện trong thời gian tương đương 37 tuần, gồm: 35 tuần thực học dành cho các môn học bắt buộc, môn học bắt buộc có phân hoá và môn học tự chọn bắt buộc; 2 tuần thực học dành cho các môn học tự chọn và nội dung giáo dục của địa phương.

Chương trình chỉ quy định thời lượng học (số tiết) dành cho mỗi môn học hoặc HĐGD trong một năm. Việc phân bổ thời lượng học từng tuần do cơ sở giáo dục quyết định phù hợp với điều kiện thực tế.

3.2. Chương trình thực hiện giáo dục toàn diện và tích hợp ở Tiểu học, THCS; giáo dục phân hóa và tự chọn ở THPT.

3.2.1. Ở cấp tiểu học và cấp THCS

Cấp tiểu học có 8 môn học bắt buộc, 5 môn học và HĐGD bắt buộc có phân hóa và 1 môn học tự chọn.

Cấp THCS có 6 môn học bắt buộc, 5 môn học và HĐGD bắt buộc có phân hóa và 2 môn học tự chọn.

Về thời lượng giáo dục, theo số liệu của OECD (The Learning Environment and Organisation of Schools, 2009), trong độ tuổi từ 7 đến 15, tương đương từ lớp 1 đến lớp 9, trung bình mỗi HS ở các nước thuộc OECD học 7.390 giờ (60 phút/giờ). Còn theo dự thảo chương trình tổng thể của Việt Nam, từ lớp 1 đến lớp 9, mỗi HS học nhiều nhất 6.957 giờ, kể cả thời gian tự học dành cho HS tiểu học và thời gian học các môn tự chọn.

3.2.2. Ở cấp THPT

Theo dự thảo chương trình tổng thể, lớp 10 có 13 môn học và 2 HĐGD; lớp 11 và lớp 12 có 9 môn học và HĐGD.

Trong các môn học và HĐGD, môn Giáo dục thể chất được tổ chức dưới hình thức câu lạc bộ thể thao tự chọn; Hoạt động trải nghiệm sáng tạo, môn Giáo dục quốc phòng và an ninh chủ yếu là thực hành, luyện tập. Thực chất, chỉ có 6 môn có lý thuyết và thực hành là Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ và 3 môn định hướng nghề nghiệp tự chọn.

So sánh với chương trình nước ngoài, có thể thấy: chương trình tú tài quốc tế (IB), chương trình của Vương quốc Anh có 6 môn học bắt buộc; chương trình Australia, Đức, Pháp có từ 5 đến 6 môn bắt buộc; chương trình của Mỹ có 4 môn bắt buộc toàn quốc và một số môn bắt buộc khác tùy theo từng bang; chương trình Malaysia bắt buộc học 10 môn; chương trình Trung Quốc có 12 môn bắt buộc hoặc tự chọn có giới hạn,...

4. Chương trình áp dụng phương pháp giáo dục và đánh giá kết quả giáo dục giáo dục phù hợp với định hướng tiếp cận năng lực.

4.1. Các môn học và HĐGD trong nhà trường áp dụng các phương pháp tích cực hoá hoạt động của người học, trong đó giáo viên đóng vai trò tổ chức, hướng dẫn hoạt động cho HS, tạo môi trường học tập thân thiện và những tình huống có vấn đề để khuyến khích HS tích cực tham gia vào các hoạt động học tập, tự phát hiện năng lực, nguyện vọng của bản thân, rèn luyện thói quen và khả năng tự học, phát huy tiềm năng và những kiến thức, kỹ năng đã tích lũy được để phát triển.

Các hoạt động học tập của học sinh bao gồm hoạt động khám phá vấn đề, hoạt động luyện tập và hoạt động thực hành (ứng dụng những điều đã học để phát hiện và giải quyết những vấn đề có thực trong đời sống), được thực hiện với sự hỗ trợ của đồ dùng học tập và công cụ khác, đặc biệt là công cụ tin học và các hệ thống tự động hóa của kỹ thuật số.

Các hoạt động học tập nói trên được tổ chức trong và ngoài khuôn viên nhà trường thông qua một số hình thức chủ yếu sau: học lý thuyết; thực hiện bài tập, thí nghiệm, trò chơi, đóng vai, dự án nghiên cứu; tham gia xêmina, tham quan, cắm trại, đọc sách; sinh hoạt tập thể, hoạt động phục vụ cộng đồng.

Tùy theo mục tiêu cụ thể và mức độ phức tạp của hoạt động, học sinh được tổ chức làm việc độc lập, làm việc theo nhóm hoặc làm việc chung cả lớp. Tuy nhiên, dù làm việc độc lập, theo nhóm hay theo đơn vị lớp, mỗi học sinh đều phải được tạo điều kiện để tự mình thực hiện nhiệm vụ học tập và trải nghiệm thực tế.

4.2. Kết quả giáo dục được đánh giá bằng các hình thức định tính và định lượng thông qua đánh giá thường xuyên, định kỳ ở cơ sở giáo dục, các kỳ đánh giá trên diện rộng ở cấp quốc gia, cấp địa phương và các kỳ đánh giá quốc tế. Kết quả các môn học tự chọn được sử dụng cho đánh giá kết quả học tập chung của học sinh trong từng năm học và trong cả quá trình học tập.

Việc đánh giá thường xuyên do giáo viên phụ trách môn học tổ chức, dựa trên kết quả đánh giá của giáo viên, của phụ huynh học sinh, của bản thân học sinh được đánh giá và của các học sinh khác trong tổ, trong lớp.

Việc đánh giá định kỳ do cơ sở giáo dục tổ chức. Học sinh hoàn thành các môn học, tích lũy đủ kết quả đánh giá theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo được cấp bằng tốt nghiệp trung học phổ thông. Học sinh hoàn thành chương trình Tiếng dân tộc thiểu số được cấp Chứng chỉ Tiếng dân tộc thiểu số theo quy định.

Việc đánh giá trên diện rộng ở cấp quốc gia, cấp địa phương do tổ chức kiểm định chất lượng cấp quốc gia hoặc cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chứcđể phục vụ công tác quản lý các hoạt động dạy học, phát triển chương trình và nâng cao chất lượng giáo dục.

II. LỘ TRÌNH TRIỂN KHAI CHƯƠNG TRÌNH GDPT MỚI

1. Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội quy định: "Từ năm học 2018 - 2019, bắt đầu triển khai áp dụng chương trình GDPT và SGK mới theo hình thức cuốn chiếu đối với mỗi cấp tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông." Theo quy định này thì đến năm học 2022 – 2023, chương trình GDPT mới sẽ được áp dụng cho toàn bộ 12 lớp phổ thông.

2. Tiếp thu ý kiến của nhiều chuyên gia, cán bộ giáo dục, giáo viên và người dân, để bảo đảm triển khai thành công chương trình GDPT mới, Ban Phát triển chương trình GDPT đã kiến nghị Bộ thực hiện lộ trình triển khai như sau:

Trước năm học 2018 -2019 tiến hành thực nghiệm ở Lớp 1

Năm học 2018-2019 thực nghiệp ở Lớp 2 và lớp 6; bắt đầu áp dụng ở lớp 1.

Năm học 2019-2020 thực nghiệm ở Lớp 3, lớp 7 và lớp 10; áp dụng ở Lớp 2 và lớp 6.

Năm học 2020-2021 thực nghiệm ở Lớp 4, lớp 8 và lớp 11; áp dụng ở  Lớp 3, lớp 7 và lớp 10.

Năm học 2021-2022 thực nghiệm ở Lớp 5, lớp 9 và lớp 12; áp dụng ở  Lớp 4, lớp 8 và lớp 11.

Năm học 2022-2023 áp dụng ở Lớp 5, lớp 9 và lớp 12.

Tác giả: Đoàn Trần Hiệp

Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 3 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập110
  • Máy chủ tìm kiếm25
  • Khách viếng thăm85
  • Hôm nay69,862
  • Tháng hiện tại476,182
  • Tổng lượt truy cập136,827,995
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi