banner

VP - Văn học nhà trường số 20: Truyện ngắn Kỷ niệm Sư Lư

Thứ năm - 22/05/2014 20:51
Dienbien.edu.vn - Điện Biên với trên 15 nghìn cán bộ, nhà giáo và gần 120 nghìn học sinh phổ thông, sinh viên các trường chuyên nghiệp, trong đó có nhiều nhà giáo, học sinh, sinh viên yêu văn học nghệ thuật và có năng lực sáng tác với nhiều tác phẩm đoạt giải, đăng tải trên các báo và tạp chí trong và ngoài tỉnh, nhiều tác phẩm đã được xuất bản và nhận được sự mến mộ của công chúng.
Trang văn học nhà trường đăng tải các bài viết, những sáng tác của thầy trò các nhà trường gồm các thể loại: Thơ, tản văn, văn xuôi, nhạc, họa …mỗi tháng có từ một đến hai số. Trân trọng giới thiệu và mong nhận được sự cộng tác của các nhà giáo, các em học sinh sinh viên cùng bạn đọc. Cảm ơn các tác giả đã gửi bài về chuyên mục.

Trang văn học nhà trường số 20, Ban biên tập xin gửi tới bạn đọc những cảm nhận về những ngày dạy hè đầy vất vả nhưng tràn đầy kỷ niệm khó quên của các thầy cô trên mảnh đất Sư Lư.

KỶ NIỆM SƯ LƯ
 
Hoa Thông Điệp
 
Mưa khoảng 30 phút. Dứt cơn chúng tôi bắt đầu lên đường vào Sư Lư để dạy hè. Sau cơn mưa, đường trơn như đổ mỡ. Những người cầm lái trong nhóm được mệnh danh là "tay lái lụa" vẫn bị "đánh võng" ngoài ý muốn từ bờ bên này sang bờ bên kia. Đồng hành cùng chúng tôi hôm đó còn có anh lái lợn, mỗi lần xe trượt gần mép vực anh lại quát to con vật đang bị trói giơ bốn chân lên trời, thở hồng hộc, kêu eng éc đằng sau: "Im ngay, mày còn giãy nữa là mày hóa kiếp luôn cho cả tao đấy."


Giáo viên đến trường
(minh họa từ Internet)

Quãng đường khoảng 50 km mà phải mất hơn ba giờ  chúng tôi mới đến được. Sư Lư đây sao? Thị trấn hiện ra trước mắt chúng tôi là vài dãy nhà nằm sát đường. Đẩy những chiếc xe máy bê bết đất, ai đó trong nhóm kêu lên: "Phạ ôi, mệt quá!".

Cây cầu treo vắt vẻo qua dòng suối Lư. Nó rộng hơn 1m, chòng chành. Tôi run rẩy bò dần qua, chao đảo có cảm giác như mình sắp rơi xuống suối. Mấy đứa trẻ nhìn thấy tôi bò qua cầu thì reo lên: "Ê ê…To pụ" (con cua) rồi chúng đẩy nhau chạy rầm rầm qua. Tôi vừa ngượng vừa phục chúng nó sát đất. Sang được bên kia, những đồng nghiệp đi cùng đón tôi bằng câu nói hài hước: "Đồng chí này vừa học bò sau bao nhiêu năm biết chạy".

Đêm xuống. Chúng tôi được sắp xếp ở lại dãy phòng của huyện ủy cũ. Tìm mãi mới có một ống dẫn nước của người dân để rửa mặt. Ánh điện của thị trấn miền núi không đủ làm sáng lên một khoảng không gian mênh mông thăm thẳm màu đen huyền hoặc. Mọi người đã ngủ say, tôi quay ngang quay ngửa mà chẳng thể chợp mắt. Lũ bọ chó đáng ghét! Chúng bất chấp cả nửa lọ dầu gió tôi bôi vẫn thi nhau cắn. Ngứa không ngủ được. Tôi bật dậy mở toang cửa sổ, sương đêm trong lành khiến tôi thoải mái. Tôi tự hỏi: "Ngày mai mình sẽ bắt đầu buổi dạy như thế nào nhỉ?".

Bảy giờ sáng. Con dốc cao cao như mỉa mai đôi dép cao gót dưới chân. Tôi bước vào. Cô trò nhìn nhau ngỡ ngàng. Học viên của tôi có những người mới 16 tuổi nhưng không ít ở tuổi 50, giữ chức ông bà rồi. Suốt buổi dạy, tôi phải nén cười vì cách xưng hô, cách nói của "các bác" học viên: "Thưa cô, Trái Lất có hình quả táo." "Làm sao mà Trái Lất lại quay được? "chú chưa nhìn thấy nó quay bao giờ, cô giáo à".


Huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên (minh họa từ Internet)

Chiều. Cả lớp rủ tôi đi chơi suối. Hoàng hôn buông xuống dòng suối Lư lấp lánh như trải ngàn sao trên mặt nước, đẹp đến ngây người. Tôi đang chuẩn bị tinh thần vượt cầu lần thứ hai thì ai đó hét lên: "Rau về bản, bà con ơi". Phút chốc quanh tôi chẳng còn ai, nhanh như gió họ đã chạy vây quanh xe rau mới từ thành phố vào. Phút chốc lại trở về bên tôi: "Cô ạ, rau này 3.000 một mớ, không nhanh bị mua đắt hơn " (Ở Điện Biên rau này 1.000 được ba mớ).  Tôi gật đầu. Xếp một đống rau trên bờ, họ đưa tôi đi tìm chỗ lội qua suối. Dòng Lư dịu dàng như một thiếu nữ nhưng cũng ẩn chứa đầy nguy hiểm đằng sau sắc đẹp của giai nhân. Những tảng đá to nhỏ nằm im lìm dưới dòng nước, trơn nhẫy. Lội được một đoạn tôi thấy lảo đảo. Cậu lớp phó tiến lại gần: "Cô nhìn xuôi dòng ấy, nhìn ngược dòng chóng mặt lắm". Làm theo lời cậu ta, tôi thấm thía câu nói của A.EINSTEIN: "Kiến thức chỉ có được qua tư duy của con người".

Oạch, oạch! Những cú trượt ngã liên tiếp của mấy học viên. Tiếng cười ré lên. Nước bắn tung. Không còn khoảng cách cô - trò - tuổi, chúng tôi thành hai phe nam, nữ hất nước té nhau. Tiếng cười vang lên đánh thức cả không gian trầm mặc của núi rừng. Hãy vui đi nhé, "không ai tắm hai lần trên một dòng sông". Cuộc vui của chúng ta sẽ đi theo dòng suối Lư đi về nơi xa mãi.

Trở về nhà khi trên người không còn một chỗ nào khô, tôi thay vội quần áo rồi theo chân một đồng nghiệp lên thăm trường dân tộc nội trú của huyện. Tôi bước vào căn phòng lụp sụp. Ba đứa trẻ quây quanh một xoong cơm, một bát nước trắng có pha ít muối để bên cạnh. Không thịt, cá, rau, dưa, bát, đũa. Mỗi đứa một thìa cơm, một thìa nước trắng pha muối, cứ như thế chúng ăn ngon lành. Lòng tôi chùng xuống. Ở căn phòng nền đất, vách nứa, mái gianh, phản ghép những đứa trẻ này vẫn vượt khó để học chữ, trong khi ở nhiều nơi được coi là hiện đại bao cậu ấm, cô chiêu chỉ biết chơi bời phá phách.


Lớp học vùng cao
(minh họa từ Internet)

Ngày thứ ba. Nắng xiên vai. K - Cậu học viên ít tuổi nhất lớp biết tôi thích tìm hiểu đã vui vẻ cùng tôi đi tìm cây lá ngón. Men theo sườn núi, đi mệt bở hơi tai mà không tìm thấy cây nào. K nói mấy năm gần đây sợ trẻ con không biết, sợ người lớn buồn tình tìm ăn nên tất cả những cây ngón gần bản đều bị chặt. Thời gian như ngắn lại sau những câu chuyện của chúng tôi:

- Em đi dạy có vất vả không?

- Vất vả nhưng vui cô ạ. Mùa hè thì kem túi, mùa đông thì cá khô. Em mang theo vào trường để đi dụ học sinh học. Vậy mà kem chưa bay hết hơi thì chúng đã bốc hơi. Dạy thì hỏi gì cũng không biết, nhưng buổi tối em đưa bạn gái lên đồi đã thấy chúng nó từng đôi ngồi đấy. Thấy em, chúng nó ù té chạy nhưng không đi xa mà cứ luẩn quẩn xung quanh làm em không làm gì được. Hì…

Sau bữa tối, tôi về phòng đã thấy K đứng đợi: "Cô à, cây lá ngón đây, có đủ rễ, lá, hoa nhé. Em tặng cô". Trời ạ, có ai được tặng cây lá ngón giống tôi không?. Tôi đưa tay bứt một chiếc lá nhấm thử, cảm giác tê tê lan dần đầu lưỡi. Thế là đủ biết, tôi quay ra toét miệng cười còn nhìn thấy ánh mắt hoảng hốt của đồng nghiệp.

Sáng sau khi bước vào, tôi thấy cả lớp vỗ tay ầm ĩ. Không hiểu lí do, tôi gạ hỏi. Cậu lớp phó thật thà:  "Tại hôm nay 3 tiết đầu không thấy cô lên lớp, thằng K lại kể hôm qua tặng cô một cây lá ngón lên bọn em tưởng… Khổ thân, nó vừa bị chúng em tẩn cho một trận vì tội ngu." Tôi cười nói: "Tôi sợ chết lắm, nếu có ý định tôi sẽ báo cho cả lớp biết trước".

Thật khó quên buổi thực hành đào phẫu diện đất, cả lớp chia thành 4 nhóm hì hục đào. Cô, trò mồ hôi nhễ nhại. Tôi không ngờ các học viên của tôi đã làm thầy cô giáo mà vẫn lém lỉnh đến thế. Để đỡ mệt, họ đã lấy đá trên đỉnh đồi ném vào trong phẫu diện rồi báo cáo: "Cô ơi, chúng em đã đào đến đá gốc". Một nhúm rêu xanh nho nhỏ trên đá đã tố cáo họ. Cả nhóm í ới tố tội cho nhau. Nhìn vậy, tôi cảm thấy họ như trẻ ra vài tuổi.

Chỉ còn một ngày nữa là xa. Năm ngày ở đây chúng tôi khổ nhất là chuyện đi vệ sinh và tắm. Cái nhà tắm làm toàn bằng cỏ tranh, vừa tắm vừa …run, gió lùa qua cũng run. Đến bây giờ nghĩ lại tôi vẫn thấy buồn cười về chuyện tắm của hai nữ đồng nghiệp ở đấy. Quan sát kĩ lắm rồi mới bước vào nhà tắm. Nghe im ắng, thấy nghi ngại. Vạch kẽ lá nhìn thì chẳng thấy ai. Lúc ngửa mặt lên nhìn thì … ôi giời, trời không xanh mà đen qua kẽ lá, hàng bao con mắt đang chằm chằm nhìn xuống. Cách xa một đoạn mà tôi vẫn nghe tiếng chân chạy rầm rầm, tiếng họ rít lên: "Bọn trẻ con láo toét!"

Năm ngày ở Sư Lư ngắn mà thật nhiều kỉ niệm. Buổi chia tay cô trò lưu luyến. Tạm biệt nhé những con người mộc mạc, thân thiện. Tạm biệt nhé dòng suối Lư yêu dấu. Lời hẹn gặp lại là tiếng nói thầm thì của một mình tôi./.
 
Giới thiệu và biên tập: Mai Hương - Chuyên viên Văn phòng Sở

Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 4 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập1,014
  • Máy chủ tìm kiếm9
  • Khách viếng thăm1,005
  • Hôm nay69,862
  • Tháng hiện tại445,210
  • Tổng lượt truy cập136,797,023
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi