banner

Hiệu quả việc sáp nhập trường học ở Tuần Giáo

Thứ ba - 14/09/2021 23:02
Dienbien.edu.vn - Từ năm học 2019 - 2020 huyện Tuần Giáo triển khai sắp xếp, sáp nhập các đơn vị trường học trên địa bàn theo Nghị quyết số 19 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về việc “Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập”. Sau hơn 2 năm, đến nay việc sáp nhập đang cho những tín hiệu tích cực, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Trường Tiểu học xã Quài Cang trên cơ sở sáp nhập của 2 trường: Trường Tiểu học số 1 Quài Cang và Trường Tiểu học bản Sáng; 2 trường có điều kiện tương đối thuận lợi với số lượng điểm trường ít, giao thông thuận lợi, các bản gần nhau. Việc sáp nhập khắc phục những hạn chế, bất cập của mạng lưới trường, lớp học, giảm điểm trường lẻ. Cô Phạm Thị Xuyên, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Để thực hiện thành công việc sắp xếp, sáp nhập 2 trường, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức đã được quan tâm kịp thời. Việc tiếp nhận cơ sở vật chất hết sức thuận lợi nên nhà trường đã nhanh chóng đi vào ổn định, với nhiều hoạt động giáo dục được tổ chức hiệu quả, tạo chuyển biến trong chất lượng. Nội bộ nhà trường đoàn kết, thầy, cô giáo cũng xác định được trách nhiệm và quyết tâm thực hiện hiệu quả chủ trương của tỉnh, huyện và ngành Giáo dục. Năm học 2021 - 2022, Trường Tiểu học xã Quài Cang có 532 học sinh, 3 điểm trường, 34 CBGVNV; trong đó giảm 2 biên chế (1 cán bộ quản lý, 1 nhân viên y tế).
Tính đến tháng 8/2021, khối các trường học thuộc UBND huyện Tuần Giáo đã sáp nhập được 18 trường thành 9 trường (2 trường mầm non; 3 trường tiểu học; 4 trường tiểu học và THCS), giảm 9 đầu mối so với năm 2019, đạt 12,67%. Ông Đỗ Văn Sơn, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Tuần Giáo khẳng định: Với chủ trương “Không vội vàng, làm tới đâu chắc tới đó”, sau 2 năm thực hiện sáp nhập bước đầu mang lại hiệu quả tích cực, bộ máy trường, lớp học đảm bảo tinh gọn, nhân sự dôi dư ở các trường sau khi sáp nhập được sắp xếp bổ sung cho các trường đang thiếu, đảm bảo theo đúng vị trí việc làm. Các trường đều ổn định về đội ngũ, yên tâm công tác, thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ được giao; cơ sở vật chất đảm bảo, đủ điều kiện để hoạt động giáo dục ngay sau khi sáp nhập”.
Đặc biệt, các trường tiểu học, THCS có sự chuyển biến rõ nét ở nhiều mặt, tạo niềm vui phấn khởi trong cán bộ, giáo viên, chính quyền, phụ huynh, học sinh khi chất lượng giáo dục ở từng vùng đã cao hơn so với trước đây. Cấp tiểu học đã thực hiện nghiêm các hoạt động chuyên môn theo quy định, triển khai kịp thời các công văn hướng dẫn chuyên môn đến toàn thể giáo viên, hướng dẫn giáo viên các tổ/nhóm chuyên môn, lớp xây dựng kế hoạch giáo dục và các loại hồ sơ sổ sách theo đúng quy định. Các trường liên cấp TH và THCS thuận lợi trong việc phân công chuyên môn đối với giáo viên dạy môn chuyên (âm nhạc, mĩ thuật, tin học, ngoại ngữ...); có thể bố trí giáo viên giảng dạy môn chuyên ở cả hai cấp học để đảm bảo định mức giảng dạy theo quy định. Ngoài ra, sau khi sáp nhập từng bước phù hợp với quy hoạch mạng lưới trường lớp, giúp các trường khai thác hiệu quả trang thiết bị, đồ dùng dạy học, đáp ứng yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục.
Tuy nhiên, sau khi sáp nhập các trường cũng gặp một số khó khăn, hạn chế: Điểm trường chính của trường tiểu học và THCS được sáp nhập không gần nhau, khó khăn cho công tác quản lý. Đặc biệt là công tác quản lý, chỉ đạo chung của hiệu trưởng, do hàng ngày phải di chuyển giữa 2 điểm trường để nắm bắt tình hình, quản lý chung. Việc tính định mức giờ dạy theo quy định đối với giáo viên dạy môn chuyên gặp bất cập do tiết dạy của giáo viên THCS là 19 tiết/tuần, nhưng đối với giáo viên tiểu học thì quy định 23 tiết/tuần. Thời gian thực hiện 1 tiết dạy cũng khác nhau (cấp tiểu học 35 phút/tiết học; cấp THCS thực hiện 45 phút/tiết học). Sinh hoạt tập thể phải tổ chức hai nơi, học sinh ở hai cấp học có sự khác nhau về lứa tuổi, tâm sinh lý nên việc tổ chức hoạt động, hướng dẫn vệ sinh cá nhân, công tác tư vấn tâm lý cũng khác nhau. Việc tổ chức nấu ăn, vận chuyển cơm các bữa ăn hàng ngày giữa hai điểm trường mất nhiều thời gian.
Thời gian tới, theo ông Đỗ Văn Sơn: Các đơn vị GD&ĐT huyện tiếp tục đẩy mạnh thông tin; căn cứ vào nhiệm vụ công tác về lộ trình sắp xếp, sáp nhập các trường học theo kế hoạch của UBND huyện tiến hành rà soát quy mô trường học trong toàn ngành, trong đó tập trung rà soát quy mô của các trường cùng cấp học trên cùng địa bàn xã. Chỉ sáp nhập các trường có quy mô nhỏ ở cùng địa bàn cấp xã; các trường tiểu học có quy mô dưới 10 lớp, xem xét ghép với trường THCS trên cùng địa bàn xã. Tăng cường các nguồn lực đầu tư, lồng ghép các chương trình mục tiêu, dự án, ngân sách để tăng hiệu quả đầu tư trong đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học; hỗ trợ về GD&ĐT cho các đơn vị trường học thuộc địa bàn khó khăn, nhất là đối tượng chính sách... góp phần đổi mới căn bản toàn diện GD&ĐT.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập96
  • Máy chủ tìm kiếm14
  • Khách viếng thăm82
  • Hôm nay27,553
  • Tháng hiện tại355,875
  • Tổng lượt truy cập136,707,688
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi