banner

Những bài ca Đất nước

Thứ hai - 23/12/2024 20:17
Dienbien.edu.vn-Bài viết Hướng về kỷ niệm 80 năm thành lập quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2024) của trường THPT huyện Mường Nhé
Những bài ca Đất nước
                      
Trên hành trình 80 năm đồng hành cùng đất nước của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, có những bài ca đã được sinh ra và sẽ mãi mãi đi cùng năm tháng. Lịch sử đã ghi bằng thơ ca, âm nhạc vẻ đẹp của người lính Cụ Hồ, những con người đã làm nên bản anh hùng ca của thế kỷ XX với những chiến công oai hùng, rạng rỡ và đến hôm nay bao thế hệ trẻ Việt Nam vẫn kiêu hãnh tiếp bước cha anh “tiến bước dưới quân kỳ”.
Hình ảnh đẹp đẽ của Quân đội nhân dân Việt Nam, của người chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam đã được tái hiện chân thực và hào hùng trong những khúc tráng ca thấm đẫm hơi thở của thời đại qua mỗi trường kỳ lịch sử.
Ngày 22 tháng 12 năm 1944, tại khu rừng thiêng Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, Người anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam nhận chỉ thị của Bác Hồ đứng ra thành lập đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, đội quân cách mạng đầu tiên chỉ gồm 34 chiến sĩ, nhưng theo lệnh của Bác sẽ là đội quân “đi suốt từ Bắc vào Nam”, làm nhiệm vụ lịch sử giải phóng đất nước.
Ngay sau ngày thành lập, chiều ngày 25 và sáng sớm ngày 26 tháng 12 năm 1944, đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đã lập chiến công vang dội tiêu diệt hai đồn Phai Khắt và Nà Ngần, mở ra truyền thống “trận đầu phải thắng” của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Cách mạng tháng Tám thành công, ngày mùng 2 tháng 9 năm 1945, Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Nhưng ngay trong tháng chín, thực dân Pháp đã quay trở lại xâm lược nước ta. Tại Sài Gòn, chúng núp sau quân Anh với chiêu bài “giải giáp vũ khí quân đội Nhật”. Phong trào Nam tiến sục sôi thôi thúc thế hệ trẻ lên đường vào Nam chiến đấu. Trong không khí rực lửa hướng về Nam Bộ kháng chiến, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu – khi đó mới 21 tuổi – đã sáng tác bài hát Đoàn vệ quốc quân. Bài hát từ giai điệu đến lời ca đã lay động trái tim người người nghe như một lời hiệu triệu, như hồi kèn xung trận, thôi thúc con người ta hành động, đứng lên, ra đi vì vận mệnh của non sông, đất nước.
Bài ca sáng rực lý tưởng cao đẹp của thời đại: Đoàn vệ quốc quân một lần ra đi; Dù có gian nguy nhưng lòng không nề. Ra đi, ra đi bảo tồn sông núi. Ra đi ra đi thà chết chớ lui.
Âm điệu hào hùng của bài ca nâng tâm hồn con người và thời đại bay cao mãi. Lời ca như có lửa thổi bùng lên nhiệt huyết sục sôi. Những hình ảnh vừa chân thực vừa mang ý nghĩa biểu tượng bay bổng đã truyền đến lòng người những xúc động thẳm sâu, mãnh liệt: Cờ bay phấp phới ngời màu Lạc Hồng, kèn reo vang tiếng gọi dòng Lạc Hồng, cùng vệ quốc quân. Ra đi ra đi theo hồn sống núi, thù bao năm xưa có bao giờ nguôi.
Tinh thần quyết tử của hôm nay có mạch nguồn từ truyền thống giữ nước quật cường của cha ông trong quá khứ, đã tạo nên sức mạnh vô song của đoàn quân vệ quốc. Sự ra đi bởi vậy mang một ý nghĩa thiêng liêng cao cả: Dưới cờ oai nghiêm sao vàng bay, đoàn quân Việt Nam có hay, ngày xưa biết bao vị hùng anh, quyết vì non sông ra tay bao lần. Ngày nay đoàn quân ta gắng làm sao, giành quyền tự do hạnh phúc cho dân. Đoàn vệ quốc quân một lần ra đi…
Nếu không có một trái tim đập cùng nhịp đập với trái tim Tổ quốc, nếu không có một tâm hồn với lý tưởng và lẽ sống thiêng liêng cao đẹp, và nếu không có một nhân cách lớn ngang tầm thời đại thì người nhạc sĩ trẻ mới qua tuổi hai mươi khó có thể sáng tác một bài hát để đời như vậy. Và bài hát Đoàn vệ quốc quân đã trở nên bất hủ cũng như những người trai vệ quốc thuở ấy mãi mãi là tượng đài bất tử trong lòng dân tộc thế kỷ XX.
Từ mùa đông khốc liệt trước sự xâm lược trở lại của thực dân Pháp năm 1946, Bác Hồ ra lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến: Hỡi đồng bào toàn quốc! Chúng ta muốn hoà bình, chúng ta đã nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa. Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước. Nhất định không chịu làm nô lệ”
Cả dân tộc lại đứng lên. Đoàn vệ quốc quân lại một lần ra đi. Hà Nội tiêu thổ kháng chiến. Lòng người Hà Nội không thể nào quên những tháng ngày “ly biệt”: Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội. Những phố dài xao xác hơi may. Người ra đi đầu không ngoảnh lại. Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy (Đất nước - Nguyễn Đình Thi)
Những cuộc ra đi vì nghĩa lớn bao giờ cũng đẹp đẽ hào hùng. Huống hồ là ra đi vì đại nghĩa của dân tộc. Hình ảnh người ra đi được lãng mạn hoá từ chính cái thực của hiện thực, nhưng là một hiện thực với chất men say của lý tưởng cao cả nên đã lan toả trong thơ chất lãng mạn bi hùng đầy tráng lệ:
                   Nhớ đêm ra đi đất trời bốc lửa
                   Cả đô thành nghi ngút cháy sau lưng
                   Những chàng trai chưa trắng nợ anh hùng
                   Hồn mười phương phất phơ cờ đỏ thắm
                   Rách tả tơi rồi đôi hài vạn dặm
                   Bụi trường chinh phai bạc áo hào hoa
                                                (Ngày về - Chính Hữu)
Chúng ta lại ra đi, những chàng trai lại mạnh bước lên đường. Việt Bắc, căn cứ địa những năm đầu Bác Hồ về nước trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng, giờ đây lại trở thành chiến khu, thủ đô kháng chiến trường kỳ. Chúng ta đã đi qua bao mùa đông gian khổ để đến mùa xuân rạng rỡ huy hoàng. Không có những mùa đông Việt Bắc với bao gian khổ, thiếu thốn, hy sinh cũng không thể có mùa xuân chiến thắng “bộ đội ta tiến quân trở về giữa mùa hoa nở miền Tây Bắc tưng bừng vui”.
Nhạc sĩ Đỗ Nhuận, cây đại thụ của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam đã đi từ “Áo mùa đông” của chiến khu Việt Bắc đến “Chiến thắng Điện Biên” của ngày mùng 7 tháng 5 lịch sử. Áo mùa đông là ca khúc được nhạc sĩ viết năm 1946, khi Bác Hồ phát động may áo trấn thủ cho các chiến sĩ trong mùa đông khắc nghiệt - mùa đông đầu tiên của cuộc kháng chiến trường kỳ. Âm điệu bài ca thấm đẫm chất trữ tình cổ điển mà lại có chút gì phảng phất giai điệu dân ca. Lời ca vút lên thật cao rồi lại lắng xuống thật sâu gieo vào lòng người nghe cảm xúc bồi hồi da diết với những hình ảnh đầy xúc động về một mùa đông giá rét những tấm áo trấn thủ gửi cho người chiến sĩ nơi sa trường: “Gió bấc tới đây xào xạc rung cây lá lá bay, một mùa đông bao người đan áo. Gió hút theo mây người nào mang manh áo tới đây cho người lính đêm đông này”.
Chất trữ tình khiến bài ca như một lời tâm sự, gợi bao niềm khắc khoải nhớ nhung hiển hiện lên qua lời ca tha thiết: Này người ơi tôi nhớ thấy nhiều người bạn tôi trong nắng quái chiều, ngồi miền quê đan áo. Này người ơi tôi nhớ thấy nhiều người mẹ mong con ngóng những chiều, chờ cầm áo đưa theo.
Bao nỗi nhớ thương gửi vào từng đường kim mũi chỉ, bao người mẹ mong con những buổi chiều đứng ngóng bên đường quê chờ những đoàn bộ đội hành quân qua làng cầm gửi áo đưa theo. Từ chiếc áo mùa đông may giữa mùa đông giá rét, người nhạc sĩ cho ta thấy cả tấm lòng của hậu phương đối với người nơi tiền tuyến.
Tác giả bài hát cũng đem tâm cảm mình đặt vào tim chiến sĩ để nói nên niềm xúc động của người lính hướng về quê hương trong nỗi nhớ ân tình: Đứng gác đêm qua, nhìn về muôn phương khuất khuất xa, từng người quân ơn người đan áo. Tấm áo xông pha mùa lạnh che thân chiến sĩ ta đây là áo nơi quê nhà.
Tấm áo đơn sơ không chỉ che ấm người chiến sĩ mà còn cùng các anh xông pha trên chiến trường lửa đạn. Tấm áo không chỉ mang hơi ấm của tình hậu phương mà còn mang đến cho người lính sức mạnh để không chịu lùi bước trước gian khổ hiểm nguy,  sẵn sàng xả thân chấp nhận hy sinh cho Tổ quốc trường tồn: Này người ơi có thấy phút nào, người bạn tôi anh dũng máu trào, màu cờ loang trên áo. Này người ơi có thấy phút nào từng đoàn quân khâu áo nhuốm đào thành cờ cuốn lên cao.
Kết hợp tự sự - trữ tình hào hùng và bi tráng, Áo mùa đông của nhạc sĩ Đỗ Nhuận đã dựng lên một tượng đài nghệ thuật bằng âm nhạc, khắc hoạ nên biểu tượng thiêng liêng về tình yêu thương đoàn kết dân tộc, cội nguồn làm nên sức mạnh tinh thần để người lính ra đi chiến đấu và chiến thắng, không nề gian khổ, không quản hy sinh. Máu trào trong tim là màu cờ Tổ quốc. Bao trái tim thanh xuân ngừng đập cho lá cờ Tổ quốc bay cao, cho trái tim Tổ quốc đập mãi muôn đời.
***
Chín năm làm một Điện Biên
Nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng
Chiến thắng Điện Biên là kết quả trực tiếp của chiến dịch Đông Xuân 53 - 54 lịch sử. Chiến dịch đã bắt đầu vào mùa xuân mà ngay từ khi chưa mở màn, còn trong vòng bí mật, Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã từ chiến khu vào Tây Bắc, gánh trọng trách của "tướng quân tại ngoại". Còn bộ đội chiến sĩ ta trong lúc hành quân, trên đường kéo pháo, trong lúc đào hào đã mơ đón xuân trên nóc hầm của tướng Đờ - cát.
Ngày mùng một tết, Đại tướng đã đi thăm bộ đội ở chiến hào bí mật để từ đó cùng những người lính thân yêu của mình làm nên 55 ngày đêm lịch sử, để từ đó chúng ta đi tới thắng lợi vinh quang, cắm cờ chiến thắng trên nóc hầm tướng địch.
Từ chiến khu Việt Bắc, trong niềm vui bất tuyệt của mùa xuân chiến thắng, nhà thơ Tố Hữu đã viết Hoan hô chiến sĩ Điện Biên, khúc sử thi bi tráng, hào hùng, bản anh hùng ca về những con người đã làm nên trang sử vàng của dân tộc thế kỷ XX:
Hoan hô chiến sĩ Điện Biên
Chiến sĩ anh hùng
Đầu nung lửa sắt
Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt
Máu trộn bùn non
Gan không núng
Chí không mòn
Những đồng chí thân chôn làm giá súng
Đầu bịt lỗ châu mai
Băng mình qua núi thép gai
Ào ào vũ bão.
Những đồng chí chèn lưng cứu pháo
Nát thân nhắm mắt còn ôm.
Những bàn tay xẻ núi, lăn bom
Nhất định mở đường cho xe ta lên chiến trường tiếp viện.
Và những chị những anh
Ngày đêm ra tiền tuyến
Mấy tầng mây gió lớn, mưa to
Dốc Pha Đin chị gánh anh thồ
Đèo Lũng Lô anh hò chị hát
Dù bom đạn xương tan thịt nát
Không sờn lòng không tiếc tuổi xanh.

Hỡi các chị các anh!
Trên chiến trường ngã xuống
Máu của anh chị chúng ta không uổng
Sẽ xanh tươi đồng ruộng Việt Nam.
Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam
Hoa mơ lại trắng, vườn cam lại vàng.

* * *
Từ Điện Biên Phủ năm 1954, mới giải phóng được nửa nước, kẻ thù vi phạm hiệp định, không chịu thực hiện tổng tuyển cử thống nhất đất nước, cho nên chúng ta lại phải ra đi, tiếp tục làm cuộc trường chinh lần thứ hai. Đường mòn Trường Sơn trở thành biểu tượng của ý chí chiến đấu giành độc lập, thống nhất Tổ Quốc, là con đường dâng hiến tuổi thanh xuân của bao thế hệ trẻ Việt Nam đang hát tiếp bài ca ra trận. Bước chân trên dải Trường Sơn của nhạc sĩ Vũ Trọng Hối thực sự là một khúc tráng ca rực lửa, có sức mạnh khơi dậy nhiệt huyết cháy bỏng trong trái tim của những con người “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”.
Bài ca mang âm điệu hào hùng với tiết tấu nhanh, đều, nhịp nhàng và mạnh mẽ kết hợp với lời ca giàu hình ảnh, cụ thể và sinh động, gợi cảnh núi rừng Trường Sơn hùng vĩ, con đường Trường Sơn hiểm trở, gập ghềnh, tất cả làm nền cho bước chân của người chiến sĩ giải phóng đạp bằng mọi gian khổ hiểm nguy, băng qua mưa bom bão đạn tiến lên phía trước:
Ta vượt trên triền núi cao Trường Sơn
Đá mòn mà đôi gót không mòn
.
Đường hành quân qua bao dốc cao vực thẳm chính là đường về quê hương. Bao máu xương rơi để nối liền Nam Bắc, bao mồ hôi đổ để gần lại quê hương. Không khó khăn gian khổ nào có thể làm nhụt chí những con người ra đi bằng sức mạnh của tình yêu và lý tưởng. Không có sự hy sinh nào làm nản lòng những con người tiến lên phía trước bằng sức mạnh của ngọn lửa thiêng rực cháy trong tim. Bài ca là tiếng gọi tuổi trẻ cả nước Lên đường:
Ta đi về phương Nam gió ngàn đưa chân ta về quê hương
Quân về trong gió đang dâng triều lên
.

Máu thấm đường ta đi lẫn mồ hôi rơi tình quê tha thiết
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình
.
Điểm nhấn của bài hát là điệp khúc đầy trữ tình mà mạnh mẽ, gợi dư âm hào hùng, sâu lắng, truyền cho người nghe như thấy dòng cảm xúc đang dâng trào trong huyết quản:
Máu thấm đường ta đi lẫn mồ hôi rơi tình quê tha thiết
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình
.


Núi vút thành vách đứng, nắng khét đá, rừng khuya mất lối
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình
.


Nơi chân trời đang dâng sắc hồng đang lan lòng ta như nắng
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình
.
Và kết thúc bài hát vẫn là điệp khúc ấy, nhưng được nâng lên ở tầm cao ý nghĩa, khái quát sức mạnh của tuổi trẻ thời đại Hồ Chí Minh, của người lính Bác Hồ với ý chí kiên cường, niềm tin bất diệt và lý tưởng thiêng liêng cao đẹp - lý tưởng chiến đấu vì hoà bình, độc lập và thống nhất non sông:
Tiến dưới cờ chiến thắng quyết giành thống nhất đời cao tiếng hát
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình
.
 
            Chúng ta đã đi từ Điện Biên Phủ trên mặt đất tới một "Điện Biên Phủ trên không". Sẽ không có một mùa xuân toàn thắng nếu không có mùa đông năm 1972 với mười hai ngày đêm "rồng lửa Thăng Long" thiêu cháy pháo đài bay B52 ngay trên bầu trời Hà Nội, buộc Mỹ phải ký hiệp định rút quân khỏi miền Nam.
Lại có một mùa xuân Tây Nguyên tháng 3 năm 1975 với chiến thắng quan trọng mở đầu cho chiến dịch giải phóng hoàn toàn miền Nam. Tháng ba "mùa con ong đi lấy mật, mùa con voi xuống sông uống nước" lại chính là mùa xuân chiến dịch mở "cánh cửa sắt" Buôn Mê Thuột cho đại quân dồn dập tiến vào Nam.
Chặt Buôn Mê Thuật, rụng cả Tây Nguyên
Quét Huế - Thừa Thiên, đổ nhào Đà Nẵng
Và Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên
Và Phan Thiết, Phan Rang, Đà Lạt, Nha Trang, lũ ngụy cuống cuồng, rũ rượi một màu tang cờ trắng.
Đường tiến quân ào ào chiến thắng
Phía trước chờ Anh, người mẹ mong con
Pháo hãy gầm lên, đỏ nòng bắn thẳng
Rộn rực xe tăng chồm tới Sài Gòn!
Nếu như ở Điện Biên Phủ, Đại tướng Tổng Tư lệnh thay đổi phương án từ "đánh nhanh thắng nhanh" chuyển sang "đánh chắc tiến chắc", thì mùa xuân 1975, Đại tướng lại ra mật lệnh chỉ thị cho toàn quân:
"Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng".
Trưa 30 tháng 4 năm 1975, lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam tung bay trên nóc dinh Độc Lập, chấm dứt nỗi đau chia cắt hơn hai mươi năm.
Chúng ta đã đi qua cuộc trường chinh đầy gian khổ để đến một mùa xuân chiến thắng vẹn toàn, thực hiện được chỉ lệnh thiêng liêng của Bác Hồ:
Vì độc lập vì tự do
Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào
Tiến lên chiến sĩ đồng bào
Bắc Nam sum họp, xuân nào vui hơn.
Đúng như tâm nguyện của Bác trước lúc đi xa, đất nước sau hơn hai mươi năm đã có một mùa xuân thống nhất. Mùa xuân 1975 không chỉ là mùa xuân toàn thắng mà còn là mùa xuân hòa hợp dân tộc, Bắc Nam sum họp một nhà, thỏa lòng Bác hằng mong:      
                        Xin dâng lên Bác một mùa hoa
                        Cả nước anh em đẹp một nhà
                       Như khối hoa cương và cẩm thạch
                       Nghìn năm quanh Bác bản hòa ca.
Và hình ảnh người chiến sĩ giải phóng hiện lên đẹp đẽ hơn bao giờ hết trong ngày vui chiến thắng. Các anh là hiện thân cho sức mạnh của thời đại, của quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng đã viết lên thiên anh hùng ca của chiến dịch Hồ Chí Minh vĩ đại, để thành phố quê hương đẹp mãi tên Người:              
                      Ôi buổi trưa nay tuyệt trần nắng đẹp
                Bác Hồ ơi toàn thắng về ta
                    Chúng con đến xanh ngời ánh thép
                                Thành phố tên Người lộng lẫy cờ hoa.
                      ***
          Ba mươi năm cuộc trường chinh thế kỷ. Ba mươi năm đấu tranh giành trọn vẹn non sông. Nhưng đất nước gian lao chưa bao giờ bình yên. Sau ngày thống nhất chưa kịp hàn gắn vết thương chiến tranh thì đất nước đau thương lại lửa cháy hai đầu. Những người lính Cụ Hồ lại tiếp tục lên đường làm nghĩa vụ quốc tế cao cả, giúp nhân dân Cam-pu-chia thoát khỏi hoạ diệt chủng Pôn-pốt. Bao nhiêu chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam đã mãi mãi nằm xuống trên chiến trường Cam-pu-chia, như đã từng nằm lại trên đất bạn Lào “Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi”.
Biên giới phía Nam chưa yên thì biên giới phía Bắc lại bừng bừng khí hận: “Lửa đã cháy và máu đã đổ trên khắp dải biên cương”. Ca khúc Chiến đấu vì Độc lập tự do của nhạc sĩ Phạm Tuyên được viết ngay trong buổi sáng ngày 17 tháng hai năm 1979, đã cất lên sứ mệnh lịch sử, ngay sau khi tác giả viết Như có Bác trong ngày vui đại thắng. Bài ca với âm điệu trầm hùng và bi tráng, là tình cảm của chính ông đối với quê hương đất nước. Và ông đã rất xúc động sau khi nghe bạn của một chiến sĩ đã gọi cho ông và nói rằng sau khi nghe bài hát này thì chỉ muốn ôm súng tiến ra biên giới phía Bắc bảo vệ Tổ quốc. Bài hát đã thổi bùng lên ngọn lửa của lòng yêu nước và ý chí quật cường của một dân tộc yêu hoà bình nhưng không sợ chiến tranh:
          Đất nước của ngàn chiến công, đang sục sôi khí thế hào hùng
          Những Chi Lăng, Bạch Đằng, Đống Đa đang gọi tiếp đất nước bản hùng ca.
          Việt Nam ôi Đất Mẹ yêu thương
          Lịch sử đã trao cho Người một sứ mệnh thiêng liêng
          Mang trên mình còn lắm vết thương, Người vẫn hiên ngang ra chiến trường
          Vì một lẽ sống cao đẹp cho mọi người: Độc Lập - Tự Do.
Đất nước hoà bình nhưng đâu đã bình yên, những bài ca đất nước vẫn vút lên truyền cho các thế hệ người Việt Nam ngọn lửa của lòng yêu nước và ý chí giữ nước bất diệt. Bao lớp người trẻ tuổi vẫn tiếp bước cha anh Hát mãi khúc quân hành:
          Dù rằng đời ta thích hoa hồng, kẻ thù buộc ta ôm cây súng
          ……………………………………………………
          Mãi mãi lòng chúng ta, ca bài ca người lính
          Mãi mãi lòng chúng ta vẫn hát khúc quân hành ca.
                           (Hát mãi khúc quân hành - Diệp Minh Tuyền)
Dưới bóng quân kỳ thiêng liêng, họ biết yêu hơn bao giờ hết cảnh đẹp đất nước với núi non xanh ngàn trùng xa, Tổ quốc bao la hiền hoà. Và hơn bao giờ hết, họ cảm nhận được giá trị to lớn và thiêng liêng của niềm tự hào khi được cùng đồi đội nối gót cha anh “Tiến bước dưới quân kỳ”:
Nghe rung núi đồi từng bước ta đi 
Nhắc tới chiến công ngàn năm xưa 
Nhìn cờ hồng bay rực rỡ 

Gương bao anh hùng bừng cháy trong tim 
Quên thân mình một niềm tin trong phong ba

Tô thắm tươi thêm màu cờ
Giữ vững hòa bình dựng xây tương lai 

Chân trời mới sáng ngời quân ta đi

(Tiến bước dưới quân kỳ - Doãn Nho)
Tám mươi năm đã trôi qua, Quân đội Nhân dân Việt Nam Anh hùng từng bước ngày càng chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Cùng với những trang thiết bị khoa học quân sự tiên tiến sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, vẫn luôn có một thứ vũ khí tinh thần không thể thiếu đó là những bài ca đất nước, là dòng chảy âm nhạc cách mạng, luôn đồng hành cùng người chiến sĩ trên mọi nẻo đường Tổ quốc, từ biên cương hùng vĩ đến hải đảo xa xôi.
Ngay trong giai đoạn hiện nay, đất nước chúng ta vẫn cần phải có những người cầm súng và sẵn sàng chấp nhận cái chết để bảo vệ Tổ Quốc, giữ gìn độc lập và danh dự của Tổ Quốc, nhân phẩm và tự do chân chính của con người
          Những ca khúc của dòng nhạc cách mạng không chỉ phản ánh đúng về con người Việt Nam trong chiến tranh, hoà bình mà còn phản ánh đúng sự thật chính nghĩa và phi nghĩa, làm trong sáng, mạnh mẽ cho tâm hồn con người, để xây dựng nên bằng biểu tượng âm nhạc những con người biết rõ cảm xúc thẩm mĩ cao đẹp và danh dự làm người, có chất thép trong tâm hồn cùng với những tình cảm cao cả và sâu sắc.
          Cùng với văn học chân chính về đề tài chiến tranh cách mạng, âm nhạc cách mạng đã và đang đóng góp cho việc xây dựng nhân cách con người Việt Nam trong giai đoạn mới này, vì chúng ta đang sống trước một thế giới đầy biến động, mà những hăm dọa và hành động bạo lực còn là những thách thức đối với dân tộc và con người Việt nam./.

Tác giả: Đồng tác giả: Khương Thị Thanh Bình, Phạm Thị Xuân Châu Trường THPT huyện Mường Nhé

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập113
  • Máy chủ tìm kiếm20
  • Khách viếng thăm93
  • Hôm nay30,741
  • Tháng hiện tại754,915
  • Tổng lượt truy cập136,207,284
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi