banner

VP- Ðể không còn những tiếng ru buồn

Thứ hai - 19/03/2018 05:00
Dienbien.edu.vn - Hàng năm, khi những nụ đào bừng nở, khi những tiếng khèn réo rắt như mời gọi bạn về thì cũng là lúc mỗi thầy cô giáo ở vùng cao lại lo lắng nhiều hơn. Lịch dạy, lịch làm không thay đổi, song các thầy cô lại canh cánh nỗi lo, vắng học trò sau ngày nghỉ tết…
Hơn 13 năm dạy học trên vùng núi cao mây trắng Tủa Chùa, là từng ấy thời gian cô giáo Lương Thu Hằng, mang những ưu phiền khác nhau. Vui có, buồn có nhưng buồn nhất là “nỗi buồn không biết chia sẻ cùng ai”. Bởi vì khi cô Hằng cảm nhận rõ rệt về nỗi buồn ấy thì học trò của cô đã theo tiếng khèn Mông đến một bản xa để làm vợ người ta. Trò chuyện với chúng tôi trong căn phòng công vụ của Trường Phổ thông Dân tộc bán trú (PTDTBT) trung học cơ sở (THCS) Tủa Thàng (huyện Tủa Chùa) cô Lương Thu Hằng, trầm tư cho biết: Những ngày này, ngoài lịch giảng, chăm sóc bữa ăn giấc ngủ cho các em bán trú thì mỗi thầy cô lại dành thời gian động viên, trò chuyện với các em nhiều hơn. Khi thì hướng dẫn các em cách dọn dẹp nhà cửa, lúc lại dạy cách vệ sinh bản thân và chăm sóc người thân trong gia đình. Chẳng kể việc nhỏ việc to, cứ lúc nào rảnh thì thầy cô lại gần gũi, chuyện trò với các em như thế. Xen giữa lời dạy về cách ăn ở sinh hoạt, thầy cô còn khéo léo chỉ bảo các em về mục tiêu, cách sống và lứa tuổi phù hợp để dựng vợ gả chồng. “Vậy nhưng mà chẳng thấm được hết. Cứ sau tết, trường lại vắng vài học sinh. Năm kia thiếu ba, năm ngoái nghỉ một, còn năm nay chưa biết thế nào?” - vừa nói cô giáo Hằng lại vừa tự hỏi lòng mình như thế.
1
Một giờ học của thầy và trò Trường Tiểu học bán trú Nậm Tin (huyện Nậm Pồ).
 
Tìm hiểu về tập quán, phong tục người dân tộc thiểu số ở Ðiện Biên chúng tôi mới biết, tại nhiều huyện vùng cao của tỉnh Ðiện Biên, đặc biệt là vùng đồng bào Mông ở các huyện: Tủa Chùa, Mường Nhé, Nậm Pồ, Ðiện Biên Ðông... còn tồn tại hủ tục lấy vợ lấy chồng sớm. Nhiều em đang học chưa hết cấp hai đã rẽ ngả đường đời. Có những em, như: Giàng Thị Dung, Mùa Thị De, Giàng Thị Luyến nhà ở xã Sính Phình, Tả Phìn, trước tết năm ngoái còn đeo khăn quàng đỏ, vậy mà chỉ sau tết vài ngày đã theo chồng lên non đi tìm đất phát nương. Thương học trò, thương phận gái mười hai bến nước mà chưa đủ lớn khôn để tìm được bến trong, những người gắn bó với “phấn trắng bảng đen” như cô giáo Hằng bao ngày lo lắng lắm. Không chỉ là lo bữa ăn giấc ngủ cho các em, mà thầy cô còn lo tìm cách chỉ bảo các em, để các em không nghỉ tết và nghỉ học theo chồng.

Ðể học sinh không bỏ học lấy vợ lấy chồng, các thầy cô giáo đã tìm đủ mọi cách, với đủ kế hoạch. Cô giáo Trương Thanh Tịnh, Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Tủa Thàng, cho biết: Ban Giám hiệu nhà trường phân công 17 cán bộ, giáo viên luân phiên phụ trách ký túc xá, dạy bảo các em kỹ năng sống tự lập, đoàn kết, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trên cơ sở học tập xây dựng nếp sống văn hóa mới, bài trừ hủ tục. Ðể các em không bỏ học sau mỗi kỳ nghỉ tết, vừa qua, Trường tổ chức cho toàn thể học sinh bán trú đi tham quan các di tích lịch sử Ðiện Biên Phủ và giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, phương pháp học tập với học sinh Trường THPT Lương Thế Vinh (TP. Ðiện Biên Phủ). Sau chuyến đi, thầy cô giáo chủ nhiệm sẽ gần gũi, trò chuyện với các em để nắm bắt về những điều các em đã cảm nhận, học tập. Tuy lần đầu tổ chức cho các em đi như thế, ban giám hiệu nhà trường hy vọng các em hiểu biết thêm nhiều. Ðiều ấy do chính em Mè Thị Tâm, học sinh lớp 9A1, chia sẻ với chúng tôi: Ðược thăm các di tích lịch sử ở thành phố, được trò chuyện với các bạn học trường Lương Thế Vinh, giúp em hiểu hơn về lịch sử, về kỹ năng sống, ăn ở vệ sinh. Em biết bạn Trần Hồng Hà ở Ðiện Biên, bạn ấy giúp em nhiều khi em về thăm trường. Em và bạn Hà đã hứa với nhau rằng sẽ thi đua học tập tốt, em không bỏ học giữa chừng đâu!

Là huyện vùng cao, biên giới với đa phần là học sinh người dân tộc thiểu số theo học bán trú, nên mỗi độ tết đến xuân về các thầy cô giáo huyện Nậm Pồ lại chung nỗi lo “học sinh nghỉ dài rồi bỏ luôn”. Bởi vậy, một tháng trước tết, đích thân thầy Nguyễn Xuân Thuận, Trưởng phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện Nậm Pồ, đã đi một vòng đến từng trường thăm hỏi, động viên thầy cô giáo và học sinh, với mong muốn, các thầy cô hãy là người gần gũi, là bến bờ yêu thương để học sinh nhớ lớp mà trở về sau kỳ nghỉ tết dài. Còn với học sinh, thầy Thuận căn dặn tỉ mỉ để học sinh nam thì hiểu vui tết nhưng không say rượu, không đốt pháo, không cướp vợ để lại trở về lớp về trường. Học sinh nữ thì thầy tìm cách chuyện trò tế nhị hơn, vừa hỏi thăm, thầy Thuận vừa diễn giải để các em hiểu nỗi buồn của những người mẹ tuổi mười ba… Cứ như thế, vừa dỗ vừa khuyên, thầy Thuận làm và căn dặn các thầy cô hãy gần gũi để sân trường sau tết vẫn rợp tiếng ca.
 
2
Ðể thu hút học sinh đến trường, những lớp học thế này rất cần được đầu tư nâng cấp.
 
Cô Hoàng Thị Bích, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện Nậm Pồ, cho biết: “Nhận thức rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của việc duy trì sĩ số học sinh ra lớp đối với việc nâng cao chất lượng giáo dục, nâng cao tỷ lệ học sinh đi học chuyên cần, mới đây, Phòng đã có văn bản chỉ đạo các trường chủ động kế hoạch vận động học sinh ra lớp sau dịp nghỉ tết Nguyên Ðán. Nậm Pồ là địa bàn vùng sâu, giáp biên giới Việt - Lào, đa số các dân tộc thiểu số có tập quán nghỉ tết dài ngày, bà con không chỉ “ăn” tết mà đúng nghĩa là “chơi” tết. Vui tết nhưng lại lo học sinh nghỉ học dài ngày sau tết, điều đó được coi là một thách thức lớn, diễn ra năm này qua năm khác với các trường trên địa bàn huyện Nậm Pồ nói riêng và các tỉnh vùng cao nói chung”...

Xung quanh câu chuyện về học sinh bán trú và nỗi lo người thầy, trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Kiên, Phó Giám đốc (phụ trách) Sở Giáo dục và Ðào tạo, cho biết: Những năm gần đây, số lượng trường PTDTBT tại các huyện tăng nhanh, tạo cơ hội đến trường nhiều hơn cho học sinh vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Năm học 2017 - 2018, toàn tỉnh có 137 trường có học sinh bán trú, tập trung tại 2 bậc học: tiểu học và THCS, với tổng số 39.943 học sinh. Những huyện có đông học sinh bán trú, là: Nậm Pồ, Mường Nhé, Ðiện Biên Ðông. Chế độ cho học sinh bán trú được Nhà nước quan tâm; cơ sở vật chất trường lớp ngày càng tốt hơn nên ngành giáo dục Ðiện Biên không còn phải lo nhiều về việc vận động học sinh ra lớp như trước nữa. Thay vào đó là nỗi lo, sau tết học sinh đi lấy vợ lấy chồng. Số lượng không nhiều như mấy năm trước, nhưng năm nào cũng có và gần như huyện nào cũng có tình trạng học sinh nghỉ học như thế. Do vậy, trước tết hơn một tháng, Sở đã đề ra nhiều biện pháp chỉ đạo đến các huyện, các trường tăng cường tuyên truyền, vận động học sinh không nghỉ học dài ngày và nhất là không bỏ học lấy vợ lấy chồng. Tùy điều kiện từng địa bàn, tập quán từng dân tộc để lựa chọn cách tuyên truyền, động viên các em vì mục tiêu không còn học sinh bỏ học sau tết. Xa hơn nữa, là để trên những triền núi cao, biên giới dần dần không còn hiện tượng các em học sinh bỏ học lấy vợ lấy chồng khi mới 13 - 14 tuổi, không còn tiếng ru buồn của những cảnh “trẻ con làm mẹ trẻ con”...

Tác giả: Lê Lan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập177
  • Máy chủ tìm kiếm17
  • Khách viếng thăm160
  • Hôm nay77,925
  • Tháng hiện tại496,482
  • Tổng lượt truy cập136,848,295
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi