banner

VP- Gian nan gánh chữ lên ngàn

Chủ nhật - 24/12/2017 22:16
Dienbien.edu.vn- Hừa Ngài là xã vùng cao của huyện Mường Chà, cách trung tâm huyện khoảng 50km, giao thông cách trở, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao (chiếm 60%). Công tác trong môi trường nhiều khó khăn như vậy nhưng khi gặp chúng tôi, cô giáo Vũ Thị Sen, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Hừa Ngài vẫn giữ trên môi nụ cười tươi tắn. Sinh ra và lớn lên tại Nghệ An, có trong tay tấm bằng đại học sư phạm loại giỏi, cô tình nguyện lên Tây Bắc công tác. Những ngày đầu mới về đây, chưa quen với khí hậu, thời tiết, cô luôn đau ốm. Ðường sá khó khăn nên mỗi năm cô chỉ về nhà 2 lần. Ðối với giáo viên trẻ mới ra trường thì đó quả là một khó khăn thiệt thòi rất lớn.
Cô Sen, tâm sự: Rào cản lớn nhất với tôi là ngôn ngữ, vì 100% học sinh là dân tộc Mông, các em còn nhút nhát, e dè, tiếng phổ thông còn chưa thông thạo nên việc dạy học gặp rất nhiều khó khăn. Ðã có lúc tưởng phải bỏ cuộc, nhưng nhìn các em với ánh mắt ngây thơ, hồn nhiên trong sáng, thiếu thốn từ cái ăn, cái mặc... lòng tôi lại không đành rời xa. Ðể làm quen với cuộc sống và công việc, cô Sen bắt đầu học tiếng dân tộc. Cô tranh thủ mọi lúc, mọi nơi để học tiếng Mông. Vào những buổi chiều tan lớp, cô lên bản thăm gia đình học sinh để hiểu lối sống của người dân bản địa cũng như phong tục tập quán. Suốt 9 năm gắn bó với vùng cao, cô nhận ra rằng ngoài kiến thức về chuyên môn, nghiệp vụ thì điều quan trọng nhất mà một giáo viên phải có đó là tình thương yêu, lòng nhân ái, tính chịu khó, kiên trì, bền bỉ mới có thể mang cái chữ gieo trên vùng đất xa xôi hẻo lánh…
 
2
Giờ lên lớp của thầy giáo Phạm Văn Cương tại điểm Trường Phìn Hồ 1, xã Phìn Hồ (huyện Nậm Pồ).
 
Cùng chung tâm sự với cô Sen, thầy giáo Phạm Văn Cương, Trường PTDT Bán trú Tiểu học Phìn Hồ (huyện Nậm Pồ) cũng đã có nhiều năm gắn bó với những điểm bản vùng cao. Trò chuyện với chúng tôi, thầy Cương không giấu nổi xúc động khi nhớ lại những ngày đầu lên nhận công tác tại Trường Tiểu học Huổi Mí (huyện Mường Chà). Ngày ấy giáo viên trẻ, đặc biệt là giáo viên nam thường được phân công lên các điểm bản xa xôi, khó khăn nhất. Từ trung tâm huyện Mường Chà lên điểm trường trung tâm mất 5 - 6 giờ đồng hồ với những con đường quanh co hun hút, đi mãi mà chẳng thấy nhà đâu. Ấy thế mà đường lên điểm Trường Pa Ít còn gian nan gấp nhiều lần. Phải mất gần 4 tiếng đi bộ đường mòn anh mới đến bản. Khó khăn chưa dừng ở đó khi điểm trường thiếu thốn đủ bề, từ điện, nước, sóng di động… khiến thầy có lúc nản chí. Lúc đó, ngoài sự động viên của gia đình thì sự quan tâm, chia sẻ của những đồng nghiệp đi trước đã giúp thầy vượt qua được khó khăn để tiếp tục gắn bó với nghề. Bây giờ, khi đã trở thành “trai rừng”, những con đường quanh co khúc khuỷu hay nắng bụi, mưa lầy đã không còn cản được bước chân thầy giáo Cương đến với những điểm trường, điểm bản của vùng cao. Hơn 6 năm công tác, “cắm” ở những bản khó khăn nhất, những xã khó khăn nhất của 2 huyện nghèo nhất nhì cả nước, điều khiến thầy Cương vui và thêm gắn bó với giáo dục vùng cao đó chính là sự thay đổi nhận thức của người dân. Thầy Cương, tâm sự: Người dân nơi đây cũng khác xưa nhiều lắm, họ tiến bộ hơn, biết quan tâm tới việc học của con em mình. Việc đến từng nhà vận động học sinh ra lớp như ngày xưa cũng đã giảm đáng kể. Nhờ đó mà chất lượng giáo dục cũng từng bước được cải thiện. Ðối với tôi, các thế hệ học sinh khôn lớn, trưởng thành là nguồn động viên to lớn, tiếp thêm động lực để tôi hoàn thành nhiệm vụ của mình.

Câu chuyện của cô Sen, thầy Cương chỉ là 2 câu chuyện chúng tôi may mắn ghi lại được. Còn nhiều lắm những câu chuyện về thầy giáo, cô giáo mang trong mình tình yêu nghề và trái tim nhiệt huyết, dành cả thanh xuân của mình để làm công việc vô cùng ý nghĩa: Uơm lên mầm tri thức tại các bản làng xa xôi.
 

Tác giả: Hải Phong

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập125
  • Máy chủ tìm kiếm9
  • Khách viếng thăm116
  • Hôm nay71,869
  • Tháng hiện tại490,239
  • Tổng lượt truy cập136,842,052
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi