banner

GDTX&CN: ĐIỆN BIÊN – MIỀN ĐẤT NUÔI DƯỠNG TÂM HỒN

Thứ tư - 23/09/2015 23:54
Th.s Nguyễn Công Tho, Giám đốc TT nghiên cứu VH các dân tộc Tây Bắc - trường ĐH Tây Bắc, trong chuyến tham quan Điện Biên Phủ đã có những cảm xúc rất sâu sắc về mảnh đất và con người Điện Biên. Ban Biên tập trân trọng gửi tới bạn đọc bài viết này.
Sáng 26 tháng 4, tôi đi cùng đoàn cán bộ, giảng viên, sinh viên trường Đại học Tây Bắc do Tiến sĩ, Hiệu trưởng Nguyễn Văn Bao làm trưởng đoàn rời thành phố Sơn La lên Điện Biên. Ngoài mục đích đến viếng nghĩa trang liệt sĩ, đoàn còn có cuộc gặp gỡ, làm việc với Ban Giám đốc Sở Giáo dục Điện Biên. Trên đường đi, chúng tôi có ghé qua trường cũ ở Thuận Châu. Quả thực ban đầu tôi không muốn vào đó vì với tôi và nhiều đồng nghiệp khác đã ở đấy mấy chục năm; Thuận Châu đã trở thành xưa cũ dù là mảnh đất gắn bó và đầy kỷ niệm. Hai năm trước, tôi lên đấy, thấy cạnh lớp học cây cỏ rậm rạp.  Ngôi trường mà chúng tôi yêu mến đã gần như hoang phế. Lần này trở lại nơi cảnh cũ, người xưa đột nhiên tâm trạng tôi đổi khác. Tôi rất vui vì trường sạch sẽ, đẹp đẽ do được dọn dẹp, sắp xếp lại, thực sự mang dáng dấp của Trung tâm thực nghiệm Nông Lâm. Hiệu trưởng cảm thấy hài lòng, anh nói với tôi: “ Đúng là có sức người sỏi đá cũng thành cơm”. Tôi bảo: “Cử động quang minh, các cụ xưa nói thế ”.
 

 
Rời Thuận Châu, chúng tôi tiếp tục đi Điện Biên. Trên đường, chúng tôi nói chuyện và cố tưởng tượng ra mặt trận ngày ấy, núi rừng ngày ấy, nhất là việc đưa pháo binh lên trận địa như thế nào. Nói nhiều nhưng chẳng ai đồng ý với ý kiến của ai. Bạn tôi nói: “Không biết được đâu, đến bao nhiêu tướng Pháp còn không biết nữa là các ông”. Chúng tôi cùng cười tán thưởng với cách nói ấy.
 Chiều đến, trời Điện Biên vẫn nắng như đổ lửa. Chúng tôi đi viếng nghĩa trang liệt sĩ đồi A1. Nghĩa trang đang được trùng tu, đã có hàng trăm đoàn từ mọi miền đất nước về đây dâng hương tưởng nhớ các anh hùng, liệt sĩ. Trong tiếng nhạc Hồn tử sĩ trầm hùng, tôi nhìn ra các ngôi mộ như thấy các bác, các chú của chúng tôi vẫn xếp hàng theo đơn vị, yên nghỉ rồi mà như vẫn sẵn sàng cho trận đánh mới. Hiệu trưởng xúc động đọc cho tôi nghe bài thơ buồn anh viết lần đến thăm một nghĩa trang liệt sĩ:
                                              
Nghĩa trang,
Với bao hàng bia mộ.
Nhiều ngôi mộ không tên không số,
Nhiều tên người không rõ quê hương.
Nghĩa trang ở bên đường,
Xe chạy bụi che mờ cả tượng đài liệt sĩ.
Và  nhiều người đi trên đường ấy,
Chưa bao giờ biết đấy là đâu!
 
Mắt chúng tôi rớm lệ, nghẹn ngào cầu cho các liệt sĩ siêu thoát và tự hứa với mình phải sống sao cho xứng đáng với sự hy sinh to lớn của cha, anh.
 
 
Chiều muộn, chúng tôi đến thăm Tượng đài Chiến thắng. Tôi đã đến đây nhiều lần nhưng lần này, qua lời thuyết minh viên, tôi mới hiểu rõ hơn về ý nghĩa lớn lao của tượng đài. Quần thể tượng có tượng người chiến sĩ nâng cao lá cờ chiến thắng, người chiến sĩ cầm súng cảnh giới, người chiến sĩ bồng em bé Thái, trên tay em đang cầm một bông hoa. Ở đó hội tụ cả chiến thắng, cả tinh thần cảnh giác nhưng nổi bật nhất vẫn là khát vọng hòa bình, khát vọng mùa xuân của dân tộc Việt Nam. Ở đó còn là thơ, là văn, là nhạc, là cốt cách, tâm hồn, tinh hoa của các dân tộc anh em. Nhiều năm tôi đã hướng dẫn học sinh tìm hiểu bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng, từ trải nghiệm cuộc đời đã có những năm tháng cầm súng, tôi nói với học sinh rằng anh bộ đội Cụ Hồ phải sống theo cách sống người lính: hiện thực mà lãng mạn; vì chỉ lãng mạn người lính không thể chiến thắng sự ác liệt, nghiệt ngã của chiến trường mà nếu chỉ hiện thực, người lính không thể có được một tâm hồn lãng mạn để cảm được đời mình là một khúc quân hành, sự lãng mạn rất cần thiết để coi thường và vượt qua vất vả gian lao.
 
 
Sáng hôm sau, chúng tôi đến thăm viếng và trồng hai cây đại ở nghĩa trang liệt sĩ Tông Khao(nghĩa trang quy tập hài cốt các liệt sĩ là bộ đội tình nguyện Việt Nam hy sinh trên đất bạn Lào). Nghĩa trang này Sở Giáo dục và Đào tạo Điện Biên nhận trông nom, chăm sóc. Cùng đến với chúng tôi có Giám đốc, Phó Giám đốc và nhiều cán bộ của Sở. Hiệu trưởng nhắc Bí thư Đoàn trường các năm sau yêu cầu đoàn viên sinh viên Đại học Tây Bắc đi thực tập ở Điện Biên nhất thiết phải chăm sóc hai cây đại này cũng như những cây khác trong nghĩa trang. Đấy là lời nhắc nhở thật chân thành và ý nghĩa.
Rời Điện Biên trong tâm trạng thật lưu luyến, chia tay mà chúng tôi cứ nắm chặt tay nhau. Cảm ơn các anh, các chị Sở Giáo dục và Đào tạo Điện Biên! Cảm ơn ĐẤT VÀ NGƯỜI Điện Biên đã giành cho chúng tôi những tình cảm nồng hậu!
Chúng tôi tới thăm Mường Phăng, nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp đóng bản doanh. Những xúc cảm của tôi về di tích lịch sử này, về Đại tướng, vị tướng anh hùng của một dân tộc anh hùng, người mà thiên tài Hồ Chí Minh giao cho trọng trách Tổng tư lệnh thật không thể nói được bằng lời. Trước căn hầm Đại tướng, tôi tự nhiên đọc lại những câu thơ của Tố Hữu:
 
Hoan hô chiến sĩ Điện Biên
Chiến sĩ anh hùng
Đầu nung lửa sắt
Năm mươi sáu ngày đêm, khoét núi ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt.
Máu trộn bùn non
Gan không núng,
 Chí không mòn!

Hoan hô đồng chí Võ Nguyên Giáp
Sét đánh ngày đêm xuống đầu giặc Pháp!
Vinh quang Tổ quốc chúng ta
Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa !
Vinh quang Hồ Chí Minh
Cha của chúng ta ngàn năm sống mãi.
…….
Kháng chiến ba ngàn ngày
Không đêm nào vui bằng đêm nay
Đêm lịch sử Điện Biên sáng rực
Trên đất nước như huân chương trên ngực
Dân tộc ta, dân tộc anh hùng!
Điện Biên vời vợi ngàn trùng
Mà lòng bốn biển nhịp cùng lòng ta
Đêm nay bè bạn gần xa
Tin về chắc cũng chan hòa vui chung.
 
 
Trên đường về, trong tôi cứ ngân vang bài hát Hoa ban với lời ca thuộc những lời ca hay nhất về Điện Biên, về người chiến sĩ Điện Biên: Vẫn còn nguyên trong ba lô, chiếc áo trấn thủ. Vẫn còn nguyên trong trang thơ nhành hoa ban ép vội. Cho tôi mơ, cho tôi sống những ngày Điện Biên năm xưa. Cho tôi yêu, cho tôi hát những lời Điện Biên hôm nay…Ôi mái đầu cha tôi đã bạc…và cả một rừng trắng muốt hoa ban.

Tác giả: Nguyễn Công Tho - GĐ TT nghiên cứu văn hóa các dân tộc Tây Bắc, Trường ĐH Tây Bắc

Tổng số điểm của bài viết là: 48 trong 11 đánh giá

Xếp hạng: 4.4 - 11 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập127
  • Thành viên online2
  • Máy chủ tìm kiếm27
  • Khách viếng thăm98
  • Hôm nay30,784
  • Tháng hiện tại729,759
  • Tổng lượt truy cập136,182,128
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi