banner

GDMN - Chia sẻ kinh nghiệm số 28 Tổ chức hoạt động vui chơi cho trẻ mẫu giáo trong trường mầm non theo quan điểm giáo dục lấy trẻ làm trung tâm

Thứ tư - 21/10/2015 20:53

GDMN - Chia sẻ kinh nghiệm số 28  Tổ chức hoạt động vui chơi cho trẻ mẫu giáo trong trường mầm non theo quan điểm giáo dục lấy trẻ làm trung tâm

dienbien.edu.vn - Với đặc điểm phát triển tâm lý, sinh lý của trẻ mẫu giáo, hoạt động chơi được xác định là hoạt động chủ đạo của trẻ trong giai đoạn từ 3 tuổi đến 6 tuổi.
Hoạt động chơi có vai trò như thế nào đối với sự phát triển của trẻ?

Chơi là công cụ quen thuộc và thoải mái nhất để trẻ tham gia vào thế giới và tương tác với người lớn;

Chơi giúp trẻ thực hành những kỹ năng đã có và học những kỹ năng mới. Trẻ học làm người lớn thông qua những hoạt động mà người lớn gọi là “Chơi”;

Chơi là phương tiện học hỏi của trẻ, tạo cơ hội để trẻ thử nghiệm những ý tưởng mới, sự kết nối các ý tưởng, các cách diễn tả tình cảm và những vai trò khác nhau;

Vui chơi thúc đẩy và nuôi dưỡng sự phát triển toàn diện cho trẻ. Khi chơi trẻ phát triển:

- Về mặt xã hội: qua giao tiếp với mọi người xung quanh, trẻ học cách chia sẻ, sự thỏa hiệp, thỏa thuận và lập kế hoạch;

- Về cảm xúc (tình cảm): thông qua quá trình chơi, các vai chơi...trẻ học cách chế ngự tốt hơn cảm xúc của mình khi đã trải qua những cảm xúc khác nhau và sẽ hiểu được những cảm xúc này;

 - Về nhận thức: trẻ thực hành kỹ năng ngôn ngữ, thử nghiệm ý tưởng mới theo cách riêng của trẻ, giải quyết khó khăn bằng cách thử nghiệm mới;

- Về thể chất: trẻ phát triển cơ lớn và nhỏ, khả năng phối hợp tay -mắt khi chơi với các đồ vật khác nhau. Phát triển các kỹ năng vận động và tăng cường vận động.


Cô và trẻ trường mầm non Thanh Trường, TP. Điện Biên Phủ

Hoạt động chơi của trẻ mẫu giáo theo quan điểm giáo dục lấy trẻ làm trung tâm có đặc điểm gì?

- Trước hết là: trẻ vui.

- Thứ hai là: trẻ tự xác định tốc độ chơi.

- Thứ ba là đảm bảo quá trình chơi mang tính khám phá: về bản chất, hoạt động chơi có kết thúc mở nên quá trình chơi là yếu tố quan trọng; hoạt động chơi mang tính chất khám phá.

- Thứ tư là: lôi cuốn sự tham gia tích cực của những người chơi.

- Thứ năm là: thường sử dụng khả năng tưởng tượng và sáng tạo.

- Thứ sáu là: sử dụng nhiều đồ dùng, đồ chơi.

Tổ chức hoạt động chơi cho trẻ mẫu giáo theo quan điểm giáo dục lấy trẻ làm trung tâm cần đảm bảo các yêu cầu gì?

- Đảm bảo sự tự nguyện, hứng thú, phát huy tính sáng tạo của trẻ, không áp đặt trẻ chơi theo ý thích của người lớn.

- Khuyến khích các biểu hiện tự lực, sáng tạo của trẻ. Mọi hình thức áp đặt, làm thay, làm hộ đều không giúp trẻ vui hơn và không có ý nghĩa đối với sự phát triển của trẻ.

- Phát huy vai trò chơi theo hướng tích cực, mở rộng, liên kết các chủ đề chơi.

- Tích cực làm giàu vốn sống, vốn kinh nghiệm cho trẻ và tạo điều kiện cho trẻ vận dụng vốn kinh nghiệm và hiểu biết đã có trong cuộc sống hàng ngày vào trò chơi.

- Luôn chú ý tới mối quan hệ của trẻ trong khi chơi. Sử dụng các biện pháp tích cực để giúp trẻ thảo luận khi tham gia góc chơi, vai chơi có nhiều trẻ thích chơi.

- Luân phiên góc chơi, vai chơi của trẻ, không để một số trẻ chỉ chơi ở một, hai góc chơi cố định trong thời gian diễn ra chủ đề hoặc luôn đóng vai chính trong trò chơi.

- Trong quá trình trẻ chơi, giáo viên phải quan sát biểu hiện, hành động của trẻ và lắng nghe những gì chúng nói, cố gắng hiểu xem trẻ nghĩ gì và trẻ đang cố làm gì.

- Giáo viên chỉ hỗ trợ khi cần thiết.

Cách tổ chức một số trò chơi cho trẻ mẫu giáo

- Lựa chọn trò chơi phù hợp với nhu cầu, hứng thú; sắp xếp góc chơi khoa học là điều kiện đầu tiên để tổ chức thành công các trò chơi cho trẻ.

- Tạo mọi điều kiện cho trẻ tham gia vào các hoạt động học mà chơi, chơi mà học.

- Trẻ học bằng chơi tốt nhất khi có người lớn hỗ trợ và mở rộng những gì trẻ đang hứng thú và đang thực hiện, bằng cách:

Ðặt những câu hỏi mang tính tư duy;

Lắng nghe trẻ;

Trò chuyện và giao tiếp với trẻ;

Chỉ dẫn;

Đưa ra gợi ý;

Khuyến khích, động viên trẻ;

Chơi cùng trẻ;

Củng cố kiến thức và các kỹ năng khác.

- Các bước tiến hành tổ chức hoạt động chơi: Khi tổ chức các trò chơi đều tổ chức qua 3 bước cơ bản là: Thỏa thuận trước khi chơi; thực hiện quá trình chơi; kết thúc trò chơi.


Các cháu trường mầm non Hoàng Công Chất
 
Đánh giá sự phát triển của trẻ trong hoạt động vui chơi

- Việc nhận xét, đánh giá trẻ chơi nên thực hiện ngay sau giờ chơi của trẻ.

- Việc đánh giá, nhận xét nên tiến hành với từng nhóm chơi, song cũng có thể tùy tình hình cụ thể mà có thể tập trung cả lớp.
 
- Nội dung nhận xét, đánh giá nên hướng đến việc động viên, khuyến khích trẻ, chú ý nhận xét quan hệ hợp tác, giúp đỡ của trẻ lớn và trẻ bé trong quá trình chơi, đồng thời cũng giúp định hướng và mở rộng hoặc nâng cao yêu cầu của trò chơi đó vào thời gian sau.
 
Vai trò của giáo viên khi tổ chức hoạt động chơi cho trẻ

- Giáo viên là người lên kế hoạch, tổ chức cho trẻ chơi: chuẩn bị vật liệu, xây dựng môi trường; bố trí thời gian, không gian.

- Giáo viên giữ vai trò hợp tác cùng trẻ: tạo động cơ cho trẻ hoạt động, thảo luận với trẻ, kích thích, gợi mở nhu cầu và hứng thú của trẻ; giúp đỡ trẻ; cả cô và trẻ cùng đưa ra các ý kiến và lắng nghe lẫn nhau.

- Giáo viên khuyến khích trẻ mở rộng và phát triển các trò chơi tưởng tượng.

- Giáo viên là người giám sát trẻ chơi, quan tâm, bao quát toàn bộ các khu vực chơi của trẻ; hạn chế và điều chỉnh, luân phiên số trẻ chơi trong các góc. Sử dụng các tình huống có vấn đề và các thách thức nảy sinh trong quá trình chơi để khuyến khích trẻ thảo luận và tìm cách giải quyết.

- Giáo viên cần nhắc lại kỷ luật khi xảy ra vấn đề trong các tình huống chơi.

- Giáo viên là người đánh giá trẻ trong quá trình chơi.

Giáo viên cần làm gì để giúp trẻ thỏa mãn nhu cầu chơi?

Về không gian:

- Số lượng góc, cách bố trí các góc phải phù hợp với nội dung chơi, hạn chế tối thiểu sự ảnh hưởng lẫn nhau giữa các góc chơi; nên có từ 4 đến 6 trẻ chơi 1 nhóm.

- Có thể tạo góc, thay đổi vị trí góc trong các buổi chơi.

- Trưng bày một số sản phẩm của các nhóm sẽ góp phần tạo động lực cho trẻ trong các hoạt động tiếp theo.

Về đồ dùng, đồ chơi, phương tiện, học liệu:

- Không phải để dùng cho những dịp/kỳ đặc biệt.

- Đủ để không xung đột (trong một nhóm hay giữa các nhóm).

- Có nhãn để trẻ biết cái gì - cất giữ ở đâu.

- Gần gũi, phù hợp với độ tuổi của trẻ, trẻ biết cách sử dụng, cách chơi.

Về thời gian:

- Để trẻ tự do thỏa thuận số lượng người tham gia, ý tưởng chơi

- Thời gian thu dọn là một cơ hội trải nghiệm học tập của trẻ

- Mọi trẻ hoặc các nhóm nhỏ có thời gian, cơ hội được hoạt động, giao tiếp trực tiếp với giáo viên, ít nhất 1 lần.

- Thay đổi thời điểm hoạt động chơi ở các góc sang hoạt động ngoài trời (và ngược lại) hoặc bỏ qua hoạt động tiếp theo.

- Kế hoạch cho những ngày mưa hoặc quá lạnh

- Thời gian chơi của trẻ   =   Thời gian quan sát của giáo viên      

Bầu không khí trong lớp học:

Luôn chú ý xây dựng bầu không khí thân thiện, tôn trọng và tin cậy ở trong lớp học:

- Khen trẻ, chú trọng quá trình tham gia mà không nhấn mạnh vào lỗi hay kết quả của trẻ.

- Khi trẻ có hành vi không tốt, cần nói với trẻ về hành vi đó, không quy kết nhân cách của trẻ.

- Cố gắng thể hiện lời khen, đánh giá... trẻ một cách chân thành từ giọng nói, thái độ, ánh mắt...

- Giáo viên nên ngồi quỳ xuống gần hoặc cúi thấp khi trao đổi cùng trẻ để giao tiếp với trẻ bằng ánh mắt.

- Thừa nhận kết quả và sự sáng tạo của trẻ: mọi kết quả đều có cơ hội trưng bày sản phẩm như nhau.

- Không so sánh sản phẩm của trẻ mà chỉ nhận xét về sự khác biệt.

- Không nên nói to hoặc nói với 1 trẻ/1 nhóm trẻ mà cả lớp phải nghe thấy.

- Muốn tham gia, gợi ý cho trẻ, phải đề nghị/xin phép. Cách gợi ý kích thích hứng thú và thể hiện sự tôn trọng trẻ, ví dụ: Nói cho cô về...; Điều gì sẽ xảy ra nếu...; Tại sao con lại nghĩ...; Có cách nào khác nữa không...; Con thử đoán xem nếu...thì sẽ như thế nào...

Một số cách quản lý lớp học khi tổ chức hoạt động chơi cho trẻ

- Cô và trẻ cùng xây dựng và thực hành một số quy định: Các hiệu lệnh, kí hiệu thời gian thu dọn và thời gian chuyển tiếp giữa các hoạt động; âm lượng khi nói trong các hoàn cảnh khác nhau.
- Chú ý khi trẻ chơi ngoài trời cần tăng cường tổ chức các trò chơi vận động, chuẩn bị đủ các đồ dùng, thiết bị mà trẻ thích hoạt động.

- Giáo viên cần làm gương và ghi nhớ: trẻ luôn bắt chước.

- Cần chuẩn bị một môi trường thật tốt và an toàn để mọi trẻ có cơ hội được tham gia hoạt động như nhau./.

Tác giả: Trần Thị Thúy

Nguồn tin: Phòng GDĐT thành phố Điện Biên Phủ

Tổng số điểm của bài viết là: 14 trong 4 đánh giá

Xếp hạng: 3.5 - 4 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập108
  • Máy chủ tìm kiếm8
  • Khách viếng thăm100
  • Hôm nay77,925
  • Tháng hiện tại500,609
  • Tổng lượt truy cập136,852,422
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi