banner

GDMN - Chia sẻ kinh nghiệm số 32: Thiết kế môi trường giáo dục ở trường mầm non theo quan điểm giáo dục “lấy trẻ làm trung tâm”

Thứ ba - 05/04/2016 21:30
dienbien.edu.v - Quan điểm giáo dục lấy trẻ làm trung tâm đòi hỏi người giáo viên cần dựa trên nhu cầu, hứng thú, khả năng và thế mạnh của từng trẻ để giúp mọi trẻ thành công và tiến bộ; tạo nhiều cơ hội cho trẻ học bằng nhiều cách khác nhau gồm cả hoạt động vui chơi. Nghĩa là theo quan điểm này mức độ phát triển của từng cá nhân trẻ được phản ánh rõ nét, kế hoạch giáo dục phải được xây dựng dựa trên những gì trẻ đã biết và có thể làm.

 
Môi trường giáo dục ở trường mầm non bao gồm: môi trường vật chất và môi trường xã hội. Môi trường vật chất bao gồm môi trường trong và ngoài lớp học. Môi trường xã hội chính là bầu không khí giao tiếp giữa cô và trẻ, giữa trẻ với trẻ, nó được tạo ra trong quá trình tương tác.

Môi trường giáo dục theo quan điểm giáo dục lấy trẻ làm trung tâm đòi hỏi những yêu cầu cơ bản gì?

Thứ nhất, là môi trường giáo dục mà trẻ được tham gia xây dựng cùng giáo viên. Cụ thể: trẻ có thể bổ sung thêm học liệu, đồ chơi; sắp xếp và vệ sinh góc chơi…

Thứ hai, có học liệu đa dạng hấp dẫn, khuyến khích trẻ có thể sử dụng theo nhiều cách sáng tạo khác nhau.

Thứ ba, các góc học tập trong và ngoài lớp đa dạng, phong phú

Thứ tư, các nguyên vật liệu sẵn có của địa phương được tận dụng hợp lý

Thứ năm, tạo nhiều cơ hội cho trẻ lựa chọn học liệu và hoạt động

Thứ sáu, giáo viên trò chuyện, chơi với trẻ, kích thích trẻ tư duy

Thứ bảy, trẻ có thể chủ động tích cực: vui chơi, tìm tòi khám phá, trải nghiệm, thực hành, sáng tạo, hợp tác, trò chuyện và chia sẻ ý tưởng.

Môi trường xã hội và môi trường vật chất tác động đến việc cô và trẻ cảm nhận như thế nào, đến việc sử dụng các nguồn học liệu, vật liệu và phương tiện, đến bản chất tự nhiên của hoạt động vui chơi của trẻ và đến sự tương tác giữa cô và trẻ. Nghĩa là cách thức mà môi trường giáo dục trong trường mầm non được thiết kế, sắp xếp sẽ ảnh hưởng đến: việc học của trẻ, cách học của trẻ và cách mà giáo viên dạy.

Môi trường vật chất cung cấp nhiều cơ hội học tập và vui chơi khác nhau cho trẻ. Cụ thể:

- Môi trường trong lớp, do khoảng không gian thường xuyên bị giới hạn giúp trẻ dễ tập trung hơn, phù hợp với tổ chức các hoạt động học cần có tính hệ thống, “hàn lâm”, có nhiều cơ hội phát triển vận động tinh.

- Môi trường ngoài trời, khoảng không gian rộng mở, trẻ được tự do khám phá, sử dụng các giác quan hòa mình vào thế giới tự nhiên, có nhiều cơ hội hơn cho phát triển vận động thô.

Trẻ em sẽ tham gia vào các hoạt động và các loại trò chơi khác nhau tùy thuộc vào môi trường mà trẻ đang ở đó. Vì vậy trẻ cần có nhiều cơ hội để chơi và học ở cả bên trong và ngoài lớp học.

Một môi trường xã hội thân thiện cùng với một môi trường vật chất được thiết kế tốt sẽ cho phép trẻ tham gia một cách tích cực, chủ động và càng độc lập hơn.

Để thiết kế được môi trường vật chất theo quan điểm giáo dục “lấy trẻ làm trung tâm” giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục cần chú ý một số nội dung sau:

- Làm phong phú các góc hoạt động trong nhà và ngoài trời;

- Lựa chọn, chuẩn bị học liệu cho trẻ sử dụng theo nhiều cách khác nhau và sáng tạo;

- Tạo nhiều cơ hội cho trẻ lựa chọn học liệu và hoạt động để trẻ có thể: chủ động, vui chơi, tìm tòi khám phá, thực hành, trải nghiệm, sáng tạo, hợp tác với bạn bè, trò chuyện và chia sẻ ý kiến.

Trẻ được thể hiện ý tưởng mà không bị gò bó.
 
 
- Đối với các góc hoạt động: tại các góc chơi cá nhân trẻ có nhiều cơ hội thực hành, học hỏi nhiều thứ, được thực hiện các hoạt động theo hứng thú của mình; giáo viên có thể sử dụng các góc chơi để hỗ trợ cho kế hoạch dạy và học, giáo viên có thể hỗ trợ từng cá nhân và từng nhóm nhỏ. Vậy nên, khi thiết kế các góc cần:

+ Sắp xếp những hoạt động tương đồng ở gần nhau (HĐ tĩnh xa HĐ động);

+ Giới hạn không gian (vách ngăn không cố định): có thể dùng chiếu, giá, đồ dùng;
 
 
+ Bố trí có cả góc trong phòng và có nhiều góc ở ngoài trời;

+ Đảm bảo trẻ có thể dễ dàng di chuyển giữa các góc, các phòng, các khu vực trong trường;

+ Có đồ chơi, học liệu và phương tiện đặc chủng cho từng góc, chú ý tới các học liệu mang màu sắc vùng miền, địa phương, nguyên vật liệu từ phế liệu…;

+ Các góc phải được bày biện hấp dẫn;

+ Số lượng trẻ hoạt động trong các góc phải phù hợp với không gian của góc, những vị trí không gian nhỏ hẹp thì nên có số lượng trẻ ít hơn;

+ Không cần thiết phải có một không gian rộng thoáng cố định vì nó có thể sẽ làm giảm không gian của các góc học tập thú vị và vì vậy sẽ hạn chế việc học và chơi của trẻ trong các góc hoạt động này.
 


- Cần đánh giá cao môi trường hoạt động ngoài trời. Không có việc gì chúng ta thực hiện trong nhà mà lại không thể làm ở ngoài trời. Song có rất nhiều việc chúng ta có thể làm ở ngoài trời nhưng lại không thể thực hiện được ở trong nhà.
 
         
- Giáo viên cần có tác động phù hợp giúp trẻ tham gia hiệu quả vào các góc chơi tạo môi trường xã hội thân thiện, cởi mở:

+ Cho trẻ lựa chọn góc mà trẻ muốn chơi hoặc thu hút trẻ vào các góc khác nhau;

+ Giúp trẻ ổn định tại các góc;

+ Nói chuyện với trẻ tại các góc và giúp trẻ tham gia - giúp hỗ trợ việc học của trẻ;

+ Kiểm soát được hoạt động của trẻ ở tất cả các góc chơi;

+ Đặt ra vài quy tắc đơn giản rõ ràng để đảm bảo trẻ an toàn và tôn trọng lẫn nhau. Giáo viên nên để trẻ cùng xây dựng các quy tắc đó.

- Phân công nhiệm vụ và phối hợp giữa các giáo viên phụ trách lớp hợp lý.

- Sử dụng các góc hoạt động trong các thời điểm khác nhau trong ngày một cách phù hợp:

Thỉnh thoảng giáo viên sẽ dạy cả lớp và trẻ không chơi ở các góc;

Trong suốt thời gian học tập và vui chơi của một chủ đề trẻ sẽ sử dụng tất cả các góc thuộc chủ đề đó;

Đôi khi giáo viên sẽ yêu cầu nhóm nhỏ chơi ở một góc, nhóm khác chơi ở góc khác sau đó đổi góc hoạt động cho nhau nhằm hướng đến các mục tiêu giáo dục;

Tổ chức nhiều hoạt động ngoài trời thậm chí là cả trò chơi đóng vai ở ngoài trời.

Trẻ mầm non “Học bằng chơi, chơi mà học”, việc học và việc dạy không tự nó diễn ra mà giáo viên cần tạo ra các điều kiện để thực hiện. Môi trường giáo dục được thiết kế tốt là điều kiện hỗ trợ hiệu quả cho giáo viên và trẻ thực hiện hoạt động dạy và hoạt động học ở trường mầm non, cho phép trẻ tham gia một cách tích cực, chủ động và càng độc lập hơn./.

Tác giả: Trần Thị Thúy

Nguồn tin: Trường THPT Thanh nưa, huyện Điện Biên

Tổng số điểm của bài viết là: 20 trong 7 đánh giá

Xếp hạng: 2.9 - 7 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập147
  • Máy chủ tìm kiếm29
  • Khách viếng thăm118
  • Hôm nay21,966
  • Tháng hiện tại867,173
  • Tổng lượt truy cập135,345,466
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi