banner

GDMN - Giới thiệu đôi nét về phương pháp MONTESSORI

Chủ nhật - 08/03/2015 22:05
Dienbien.edu.vn - Những năm gần đây, ở Việt Nam, nở rộ các trường mầm non mang tên nhà giáo dục nổi tiếng Montessori hoặc áp dụng phương pháp Montessori. Nhiều bậc phụ huynh, giáo viên mầm non băn khoăn, không rõ phương pháp giáo dục này là gì, vận dụng vào giáo dục mầm non của Việt Nam có đem lại hiệu quả cao không… Chúng tôi xin cung cấp một số thông tin cơ bản nhất về triết lý, ưu điểm và hạn chế của phương pháp này.
Montessori là ai?

Tiến sĩ Maria Montessori (1879-1952) là một nhà giáo dục người Ý đã ba lần được đề cử giải Nobel Hòa Bình cho những cống hiến của mình trong lĩnh vực giáo dục trẻ em. Là một người tiên phong trong công cuộc đổi mới giáo dục trẻ em ở Châu Âu, những lý thuyết của bà là tiền đề cho các công trình nghiên cứu sau này của các tên tuổi lớn như Piaget và Vygotsky. Năm 1907, khi Maria Montessori 28 tuổi, bà mở trường mầm non đầu tiên của mình ở Rome và đạt được thành công rực rỡ tới mức, chỉ 5 năm sau, ở nước Mỹ phía bên kia đại dương, đã có hàng trăm trường áp dụng phương pháp này của bà.
 

 
Triết lý và phương pháp Montessori

Trong khi phần đông các nhà giáo dục lớn đều thiên về lý thuyết, Maria Montessori là người dành cả cuộc đời cho công việc giảng dạy trẻ em. Không dựa trên các nghiên cứu bài bản, các ý tưởng của bà xuất phát trong quá trình làm việc với trẻ em, và được thực tế kiểm chứng mức độ đúng đắn. Hãy xem cách làm của bà.

1. Xây dựng môi trường

Trẻ học ngôn ngữ và các kỹ năng quan trọng cơ bản của cuộc sống thông qua tiếp nhận một cách vô thức từ môi trường xung quanh, do đó tạo ra một môi trường học tập tốt cho trẻ là ưu tiên số một của phương pháp này. “Môi trường” ở đây, theo Montessori, không chỉ bao gồm vùng không gian mà trẻ sử dụng, nội thất phòng học, đồ chơi; mà còn là những giáo viên, nhân viên nhà trường và các trẻ khác mà trẻ được tiếp xúc hàng ngày. Do đó, bà chuẩn bị tất cả mọi thứ có thể để mang lại môi trường tốt nhất cho trẻ.

Lớp học Montessori trông thực sự giống ngôi nhà của bảy chú lùn trong truyện cổ tích. Ở đó có những chiếc bàn, ghế, đĩa, bát vv… bé xinh, vừa với trẻ em. Tất cả nhằm xây dựng một môi trường thoải mái nhất cho trẻ nhằm giúp trẻ tiếp thu kiến thức tốt nhất. Không chỉ có nội thất kích thước trẻ em, trong lớp học Montessori, chúng ta bắt gặp những đồ gia dụng thực sự với kích thước này. Thay vì những con dao nhựa, trẻ được học cách sử dụng những con dao lưỡi sắc mà không gây thương tích cho mình và những người xung quanh. Montessori quan niệm những con dao, cái kéo, lò nướng … thu nhỏ này giúp trẻ học được những kỹ năng thực sự cần thiết và cả ý thức về an toàn.
 
 
Tất cả các vật dụng trong lớp đều có một vị trí cố định ở dưới thấp, vừa tầm với của trẻ. Bất cứ khi trẻ cần cái gì, trẻ đều biết chính xác vật đó đang ở đâu và sau khi sử dụng xong rồi thì bé phải cất lại chỗ nào. Sự sắp xếp này tạo điều kiện cho trẻ thực hiện một hoạt động được liên tục cho tới khi ý tưởng của bé hoàn thành. Thử tưởng tượng trẻ muốn làm một cô nàng búp bê giấy, mà không thể tìm được kéo ở đâu, hồ dán chỗ nào, và liên tục phải chạy ra nhờ cô giáo lấy hộ khi thì cuộn chỉ, khi thì hộp sáp màu tận tít trên cao. Đến lúc tìm được hết những thứ cần thiết, có khi ý tưởng về một cô búp bê biết chơi bóng đá đã bay vèo qua cửa sổ mất rồi.

Với Montessori, việc giáo viên biết cách tạo dựng môi trường lớp học luôn đẹp và ngăn nắp cũng quan trọng như biết cách chăm sóc trẻ khỏe mạnh vậy. Bà đòi hỏi giáo viên hình dung chi tiết khi trẻ đến lớp, hình ảnh và âm thanh đầu tiên các bé ghi nhận là gì, không khí lớp học có thoáng đãng không, có hoa tươi hay không v.v. Đây chính là những hành động cụ thể của giáo viên để giáo dục cảm giác cho trẻ.

Ngoài ra, để tăng cường sự gắn bó của trẻ với “cộng đồng nhỏ” của mình, một lớp học sẽ bao gồm nhiều nhóm trẻ khác độ tuổi. Điều này khiến trẻ có thể học hỏi từ bạn bè, từ các trẻ lớn hơn (lớp ghép của mình cũng có cái hay này đấy). Cách bố trí lớp học như  vậy cũng khiến trẻ được tiếp xúc lâu dài với một vài giáo viên trong suốt những năm học trong trường. Giáo viên, do đó có thời gian tìm hiểu rõ điểm mạnh yếu và cách học của từng trẻ đồng thời xây dựng mối quan hệ gắn bó lâu dài giữa phụ huynh, giáo viên và học sinh.
 
   2. Tự lập và tập trung

Montessori cho rằng trẻ em cần và muốn được tự mình lo lấy các việc cá nhân. Người lớn chúng ta đang “phục vụ” trẻ em quá nhiều, trong khi nên nhớ rằng nếu trẻ không được làm cái gì, chúng sẽ không biết làm cái ấy. Tại sao trẻ không được tập dọn đồ ăn cho bản thân mình chỉ vì nỗi sợ của người lớn là chúng sẽ đánh đổ bát đĩa? Với niềm tin trên, Montessori khuyến khích giáo viên tạo cơ hội cho trẻ được làm mọi thứ trong khả năng, đồng thời cũng giao trách nhiệm cho các cô bé cậu bé giữ gìn lớp học luôn sạch sẽ và gọn gàng như vốn có.

Để phát triển năng lực tư duy, rèn luyện kỹ năng làm việc và quản lý công việc của trẻ, Montessori dành cho trẻ những khoảng thời gian mở để thực hiện các “dự án” của mình. Dựa trên quan sát, bà đưa ra kết luận rằng, trẻ em thể hiện sự tập trung cao độ khi được tự do khám phá vô số những điều thú vị xung quanh. Do đó các giáo viên Montessori cho phép trẻ tự chọn công việc mà chúng sẽ làm, tự quyết định cách làm và thời gian hoàn tất. Như vậy, học sinh thì được tự do tìm hiểu và trải nghiệm trong khi giáo viên có thời gian để quan sát và giúp đỡ trẻ khi cần. Giáo viên không yêu cầu trẻ bỏ dở công việc của chúng, trừ khi thực sự cần thiết.
 
   3. Quan sát học sinh

Tiến sĩ Montessori cho rằng không có ai là không có khả năng học tập. Nếu trẻ không học được, có nghĩa là người lớn chưa lắng nghe trẻ đủ cẩn thận hoặc chưa quan sát trẻ đủ kỹ càng. Với cách thiết kế lớp học trong đó học sinh tự làm các công việc phục vụ bản thân và tự làm chủ quá trình học tập như trên đã trình bày, các giáo viên hoàn toàn có đủ thời gian để tìm hiểu nhu cầu và phương pháp học thích hợp cho trẻ.
 
   4. Bộ trò chơi phát triển năng lực

Montessori phát triển bộ giáo cụ để phát triển năm lĩnh vực: giác quan, kỹ năng cuộc sống, ngôn ngữ, toán, địa lý và văn hóa. Bộ giáo cụ này bao gồm 134 trò chơi khác nhau dành cho trẻ. Các trò chơi này được thiết kế để trẻ tự chơi và tự kiểm chứng kết quả công việc của mình (ví dụ bộ xếp hình bản đồ thế giới, nếu các mảnh ghép chưa khớp lại được với nhau, trẻ tự biết là mình chưa xếp đúng).

 
Giáo viên được đào tạo để hiểu rõ ý nghĩa của mỗi trò chơi, quy trình và cách giải thích cho trẻ. Trong giờ học, trẻ tự lựa chọn trò chơi cho mình - mỗi trò nhằm phát triển một hay một vài trong số năm lĩnh vực trên. Nếu trẻ gặp khó khăn, giáo viên sẽ đưa ra chỉ dẫn hợp lý cho trẻ.

Các đồng nghiệp có thể tham khảo video giới thiệu các hoạt động trong giờ học của trẻ tại địa chỉ: http://www.youtube.com/watch?v=OM1Gu9KXVkk
 
Ưu điểm và hạn chế

Học sinh học trong một ngôi trường Montessori luôn thích đến lớp, có  tính kỷ luật cao, độc lập, biết cách tự suy nghĩ giải quyết vấn đề. Phương pháp này cũng ghi nhận thành công ở mọi đối tượng trẻ em, bao gồm cả những trẻ gặp vấn đề về trí tuệ, thể chất hoặc cả hai. Ở các nước Âu, Mỹ, các trường Montessori cũng dành cho mọi tầng lớp xã hội, từ thu nhập cao tới thấp, từ các cộng đồng trí thức tới người dân lao động. Tuy rằng cùng chung một triết lý, cùng dùng chung bộ giáo cụ, và nhiều quy chuẩn khác, chúng ta không bao giờ tìm thấy hai trường Montessori giống hệt nhau. Các chương trình Montessori “thích nghi” cao độ với mỗi đối tượng trẻ em khác nhau, thậm chí là với cả các bậc phụ huynh khác nhau và các giáo viên khác nhau; cho đến cả các vùng địa lý khác biệt cũng tạo nên những sự khác biệt cơ bản cho chương trình Montessori ở đó.

Là một trong những mô hình tốt nhất và nổi tiếng nhất thế giới, tuy nhiên theo đánh giá của một số nhà giáo dục, phương pháp của Montessori cũng có những điểm chưa hoàn hảo. Bà coi trọng sự phát triển trí tuệ hơn là mặt cảm xúc và xã hội của một đứa trẻ. “Người giáo viên Montessori giới thiệu trò chơi, sau đó lùi ra phía sau, cho phép trẻ tự làm công việc của mình. Trong quan điểm của bà, đồ vật - chứ không phải con người - là những giáo viên tốt nhất” (Kramer, 1976, trang 21). Thêm vào đó, bà không cổ vũ cho những câu chuyện cổ tích – ngày nay đã được chứng minh là rất tốt cho sự phát triển về tình cảm và nhận thức của trẻ em. Theo bà, “các câu chuyện tưởng tượng chỉ khuyến khích trẻ xa rời thực tế. Hơn nữa, khi trẻ em nghe truyện cổ tích, chúng thụ động tiếp nhận quan điểm, cảm giác của người lớn. Trẻ không tự mình suy nghĩ” (Montessori, 1917, trang 259)
 
Montessori với bối cảnh Việt Nam

Với nhiều ưu điểm như vậy, nhưng việc đưa một chương trình Montessori thực sự vào Việt Nam không hề dễ dàng. Rào cản lớn nhất là chi phí và nhân lực.
 
Với yêu cầu môi trường học tập đẹp, tạo sự thoải mái cho học sinh, mọi đồ nội thất được thiết kế riêng theo kích thước trẻ em và theo chuẩn của Montessori, chi phí sẽ không hề rẻGiáo cụ dành cho phương pháp này ở Mỹ bán với giá trên 2500 đô la (khoảng trên 50 triệu đồng Việt Nam) và chỉ dùng được cho một lớp học duy nhất.
 
Yêu cầu về giáo viên của chương trình Montessori cũng rất ngặt nghèo. Ở Mỹ, ngoài việc phải có bằng đại học (bắt buộc), những người muốn thành giáo viên để làm việc trong các trường Montessori phải tham dự khóa đào tạo một năm bao gồm 10 tuần học lý thuyết, và một năm thực hành dưới sự hướng dẫn của các giáo viên đã có chứng chỉ. Chi phí cho các khóa học vào khoảng từ 4.000 tới 10.000 đô la Mỹ, phụ thuộc vào từng trung tâm đào tạo và chất lượng đào tạo. Hai tổ chức lớn nhất và được công nhận trên phạm vi toàn thế giới là Cộng đồng Montessori Mỹ (AMS) và Liên hiệp Montessori Quốc tế (AMI).
 
Qua hàng trăm năm phát triển, các trường Montessori đã xây dựng được niềm tin và sự yên tâm ở các bậc phụ huynh trên toàn thế giới. Tuy nhiên, phương pháp giáo dục này không phải là phương pháp duy nhất tốt và trong điều kiện thực tế của mình, chúng ta nên lựa chọn và vận dụng phù hợp những ưu điểm của phương pháp giáo dục này vào quá trình chăm sóc, giáo dục trẻ tại các trường mầm non./.

Phòng GDMN (sưu tầm và giới thiệu).

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập103
  • Máy chủ tìm kiếm16
  • Khách viếng thăm87
  • Hôm nay67,564
  • Tháng hiện tại485,934
  • Tổng lượt truy cập136,837,747
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi