banner

GDMN - Hội thảo lập kế hoạch triển khai dự án "Tạo cơ hội bình đẳng giáo dục cho trẻ em dân tộc thiếu số" tại huyện Điện Biên Đông

Thứ tư - 27/11/2013 04:01
Dienbien.edu.vn - Sáng ngày 23 tháng 11 năm 2013, được sự nhất trí của UBND tỉnh Điện Biên, Sở Giáo dục và Đào tạo cùng tổ chức Cứu trợ trẻ em (SAVE THE CHILDREN) tổ chức hội thảo lập kế hoạch triển khai dự án "Tạo cơ hội bình đẳng giáo dục cho trẻ em dân tộc thiếu số" tại huyện Điện Biên Đông.
Tham dự hội thảo có bà Nguyễn Thị Bích- Giám đốc Chương trình và 03 cán bộ  hỗ trợ kỹ thuật của tổ chức Cứu trợ trẻ em tại Việt Nam.

Hội thảo có sự tham dự của lãnh đạo Phòng Giáo dục mầm non - Sở Giáo dục và Đào tạo, lãnh đạo văn phòng UBND huyện Điện Biên Đông, lãnh đạo phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Điện Biên Đông, lãnh đạo của 04 xã, 04 trường mầm non và 04 trường Tiểu học tham gia dự án.


Mục tiêu của dự án là: trẻ em dân tộc thiểu số trên khắp Việt Nam được tiếp cận với giáo dục cơ bản có chất lượng và nâng cao kết quả học tập thông qua chương trình giáo dục tăng cường tiếng Việt dựa trên tiếng mẹ đẻ.

Hội thảo đã nghe phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Điện Biên Đông báo cáo về thực trạng và chất lượng giáo dục mầm non và tiểu học của huyện; nghe cán bộ dự án giới thiệu về phương pháp giáo dục song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ, giới thiệu về cơ chế quản lý chung của dự án, giới thiệu về chính sách bảo vệ trẻ em của tổ chức Cứu trợ trẻ em. Đặc biệt, hội thảo đã giành nhiều thời gian tập trung vào việc trao đổi thảo luận về kế hoạch triển khai dự án tại 4 xã tham gia dự án là Pu Nhi, Mường Luân, Tìa Dình, Phì Nhừ.

Điện Biên Đông là một trong 5 huyện đặc biệt khó khăn của tỉnh, mặc dù đời sống nhân dân trên địa bàn còn nghèo, giao thông đi lại khó khăn nhưng trong những năm gần đây huyện đã có nhiều chuyển biến trong công tác Giáo dục nói chung và giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học nói riêng. Tỷ lệ trẻ mầm non được huy động ra lớp đạt 56,8%, tỷ lệ trẻ tiểu học được huy động ra lớp đạt 99,5%. Là huyện có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống (đặc biệt là đồng bào dân tộc Mông chiếm đại đa số), các cơ sở giáo dục trên địa bàn đã triển khai thực hiện nhiều biện pháp để huy động tối đa số trẻ trong độ tuổi đi học. Huyện đã đạt chuẩn về PCGDTH ĐĐT mức độ 1 năm 2009 và đạt chuẩn PCGDMNTNT vào năm 2013.

Mặc dù đã có nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục học sinh nhưng huyện còn gặp phải một số khó khăn của giáo dục vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn như: chất lượng giáo dục của trẻ em đồng bào dân tộc thiểu số chưa tiến kịp với chất lượng giáo dục của trẻ ở các vùng thuận lợi. Đặc biệt, sự bất đồng về ngôn ngữ là một rào cản lớn trong việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh.


Tổ chức tổ chức Cứu trợ trẻ em (SAVE THE CHILDREN) là một trong những tổ chức rất quan tâm đến công tác giáo dục và đào tạo, cùng chung sức vì sự phát triển của cộng đồng. Đặc biệt là việc quan tâm đến nhóm trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt cần sự trợ giúp. Dự án chính thức khởi động là một tín hiệu vui, tạo cơ hội tốt giúp các em học sinh dân tộc thiểu số mầm non, tiểu học của huyện Điện Biên Đông giảm bớt một phần khó khăn trong học tập, đặc biệt là khó khăn về rào cản ngôn ngữ, giúp các em tiếp thu tốt các kiến thức, kỹ năng theo yêu cầu của chương trình giáo dục các cấp học hiện nay, đồng thời có điều kiện giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc thông qua tiếng mẹ đẻ.

Sau một ngày làm việc hết sức khẩn trương, nghiêm túc, hội thảo đã thống nhất được các hoạt động chính của dự án là: trợ giảng tiếng mẹ đẻ, điều chỉnh tài liệu giảng dạy và học tập, thu hút sự tham gia của cộng đồng trong việc hỗ trợ chương trình giáo dục song ngữ dựa trên tiếng mẹ đẻ.

Hội thảo đã thống nhất kế hoạch đón đoàn cán bộ cấp cao và nhà tài trợ dự án đến thăm và làm việc trong tuần 1 tháng 12, thực hiện khảo sát đầu dự án trong tuần 2 tháng 12 năm 2013. Hội thảo cũng đã sơ bộ bàn bạc, thống nhất số lượng trợ giảng tiếng mẹ đẻ cho 4 xã tham gia dự án là 10 người, mức hỗ trợ kinh phí cho một trợ giảng tương đương với mức lương tối thiểu (khoảng 1.150.000 đồng/người/tháng).

Với sự khởi động nhanh chóng và tích cực trên, chúng ta tin tưởng rằng, dự án "Tạo cơ hội bình đẳng giáo dục cho trẻ em dân tộc thiếu số" tại huyện Điện Biên Đông sẽ đem lại hiệu quả thiết thực, nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ em dân tộc thiểu số, đồng thời góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc./.

Tác giả: Trần Thị Tố Uyên

Nguồn tin: Trường THPT Thanh nưa, huyện Điện Biên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập772
  • Máy chủ tìm kiếm10
  • Khách viếng thăm762
  • Hôm nay56,639
  • Tháng hiện tại405,147
  • Tổng lượt truy cập136,756,960
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi