banner

GDTH - Văn học nhà trường số 11: Truyện ngắn “Ngọc” trong đá

Thứ hai - 16/09/2013 20:21
Dienbien.edu.vn – Điện Biên với trên 13 nghìn nhà giáo và trên 120 nghìn học sinh phổ thông, sinh viên các trường chuyên nghiệp, trong đó có nhiều nhà giáo, học sinh, sinh viên yêu văn học nghệ thuật và có năng lực sáng tác với nhiều tác phẩm đoạt giải, đăng tải trên các báo và tạp chí trong và ngoài tỉnh, nhiều tác phẩm đã được xuất bản và nhận được sự mến mộ của công chúng.
Trang văn học nhà trường đăng tải các bài viết, những sáng tác của thầy trò các nhà trường gồm các thể loại: thơ, tản văn, văn xuôi, nhạc, họa, …mỗi tháng có từ một đến hai số. Trân trọng giới thiệu và mong nhận được sự cộng tác của các nhà giáo, các em học sinh sinh viên cùng bạn đọc. Cảm ơn các tác giả đã gửi bài về chuyên mục.
 
"NGỌC" TRONG ĐÁ
                                                                        
Đặng Thi Oanh – CĐSP Điện Biên
 
Đang trên lớp học, Mai chợt nghe tiếng bác đưa thư gọi lớn:

- Cô Mai ơi, có tin mừng đây, thằng Sùng đỗ Cao đẳng Sư phạm Điện Biên rồi đấy! Có giấy thông báo nhập học đây này, thằng bé thế mà giỏi quá!

Mai bước nhanh ra cửa lớp, đón tờ giấy báo nhập học của thằng Sùng. Tay run run, cô mở tờ giấy, dòng chữ Thào A Sùng được in đậm nét. Mai bàng hoàng: thằng Sùng thi đỗ thật rồi sao!  
Thằng Sùng là đứa con định mệnh của Mai, buổi sáng hôm ấy, đang cắm cúi viết bài tập viết lên bảng, Mai nghe tiếng học sinh dưới lớp to nhỏ:

- Ồ! Thằng Sùng, chúng mày ơi; Nó đến lớp mình làm gì ấy nhỉ? Giàng ơi, trông nó kinh quá!...

Mai ngừng viết quay xuống lớp, tiếng rì rào im bặt, những ánh mắt lén nhìn cô lo sợ, rồi lại nhìn ra phía cuối, bên ngoài cửa sổ lớp học. Dõi theo ánh mắt của học trò, Mai nhìn thấy một thằng bé mặt mũi nhọ nhem. Trên người nó mặc độc chiếc quần, bên những những mảnh vá chi chít là những lỗ thủng nhìn rõ da thịt, dường như những mảnh vá này còn định sẽ tụ hợp thêm một vài đồng loại nữa. Mai dừng bài giảng, bước về phía thằng bé. Đang lấm lét nhìn vào lớp học, thấy Mai, thằng nhỏ vụt chạy biến vào những vạt cỏ rậm ven đường.

Con nhà ai thế nhỉ, Mai thắc mắc, vì mới về trường 2 tháng nên Mai chưa biết hết các gia đình trong bản. Giờ ra chơi, hỏi đồng nghiệp cùng mấy đứa học trò, Mai mới biết đó là thằng Sùng, bố nó nghiện, chết vì bệnh hiểm nghèo, lúc nó mới được 3 tháng tuổi. Mẹ nó đau ốm thường xuyên, bà ngoại phải đến ở cùng để chăm sóc. Rồi sau 6 tháng nữa, mẹ nó cũng bỏ nó mà ra đi mãi mãi. Người bà già nua, còng lưng kiếm bắp ngô, củ sắn mớm nuôi cháu. Cơn lốc rừng tràn qua gian nhà ọp ẹp chỉ chờ có vậy là đổ sụp xuống. Nghèo khó, túng quẫn, đến miếng ăn còn không có đủ nữa là tiền để dựng lại, bà ngoại đã cõng Sùng lên trú trong cái hang trên ngọn núi sau bản. Thằng Sùng lớn lên trong tình yêu thương, đùm bọc của người bà. Hình ảnh về người bố, mẹ thường được được nó hình dung qua lời kể của bà và thỉnh thoảng lại ẩn hiện nhạt nhòa trong những giấc mơ trẻ thơ của nó.

Ảnh minh họa của Ban biên tập từ internet
Ngày chủ nhật, Mai rủ mấy đứa học trò lên hang, đến thăm nhà thằng Sùng. Leo hết con dốc đứng, Lưng áo Mai ướt đầm mồ hôi, chân tay như muốn rời ra, vậy mà mấy đứa học trò như không có chuyện gì vẫn vừa đi vừa vui đùa ầm ĩ. Rồi cửa hang cũng hiện ra trước mắt mấy cô trò. Có một bóng người bé nhỏ, quen thuộc chạy vụt vào hang: Thằng Sùng, đứa học trò đi bên cạnh kêu lên. Đi theo mấy đứa học trò trong hang, Mai như ghẹt thở bởi cái mùi ẩm mốc. Các nhũ đá gồ ghề, lởm chởm. Trong bóng tối, chúng trở lên mờ ảo, như những con quái vật với cặp mắt đen ngòm như đang chực nuốt chửng người ta. Lạnh người, Mai cố theo sát mấy đứa học trò.

- Nhà thằng Sùng kia, cô giáo à. Mai căng mắt nhìn theo phía tay chỉ của đứa học trò, phải một lúc sau, cô mới nhìn thấy cái nhà ấy. Một chiếc chiếu, cùng mấy chiếc bao và rơm khô trải xộc xệch trên nền đá. Bên cạnh là hai chiếc nồi đứt quai vất chỏng chơ và một ống nước dựa vào thành hang. Một vài chiếc quần áo cũ rách, vắt vẻo trên tảng đá bên cạnh. Bà của Sùng đi nương, bọn trẻ tản ra tìm thằng Sùng, phải một lúc sau chúng mới kéo được nó ra từ một cái ngách sâu trong hang. Thằng bé run lẩy bẩy, mặt tái mét. Mai bước đến bên cạnh cầm tay nó, dắt đến ngồi trên một tảng đá trong hang, đám học trò vây quanh, chuyện trò rôm rả. Một lúc sau, thằng Sùng dường như đã đỡ sợ, nó để yên cái bàn tay nhỏ bé nhem nhuốc của mình trong bàn tay Mai mà không đòi rứt ra nữa. Nó kể cho bọn trẻ nghe chuyện nó bẫy chim, bẫy cáo, lũ trẻ háo hức nuốt từng lời kẻ của nó với vẻ mặt trầm trồ thán phục.

Đang háo hức kể chuyện, chợt thằng Sùng dừng lại. Nó vừa thấy một bóng đen hiện ra ở phía cửa hang trước mặt: Bà về, nó nói. Theo hướng mắt nó nhìn, bóng một bà già còng lưng, nhỏ thó đang đi vào hang. Cái lưng của bà dường như còng thêm xuống bởi cái gùi nặng. Thằng Sùng vụt chạy lại đỡ gùi cho bà nó. Mai đứng dậy, chào bà cụ, xin phép cho Sùng được đi học. Sau khi mấy đứa học trò thay nhau phiên dịch, bà cụ cũng đã hiểu. Bà nhìn Thằng Sùng như dò hỏi. Thằng Sùng gật đầu, đồng ý.

Thế là hôm sau, thằng Sùng trở thành học sinh chính thức trong lớp học của Mai. Hàng ngày, buổi sáng nó xuống trường học, rồi trưa lại leo núi về hang với bà. Vất vả là thế nhưng Sùng luôn đến lớp đều dặn.

Bỗng một hôm, Thằng Sùng không đi học, rồi hôm sau cũng vậy. Mai lo lắng, cô rủ mấy đứa học trò lên hang thăm nó. Trong hang tối mờ ảo, thằng Sùng đang ngồi như bất động. Bà nó nằm thoi thóp trên mảnh chiếu rách. Thấy Mai, bà cụ ra hiệu cho thằng Sùng đỡ ngồi dậy. Cái bàn tay gân guốc, lủng củng, sần sùi cứ hua hua trước mặt, bà đang cố gắng nói với Mai điều gì đó. Mai không hiểu, không nghe rõ tiếng bà cụ, cô chỉ cảm nhận được những âm thanh thì thào, yếu ớt, ngắt quãng mệt nhọc theo từng hơi thở dốc. Mấy đứa học trò lại phiên dịch: Bà nhờ cô nuôi thằng Sùng giúp bà, bà sắp chết rồi. Nhìn gương mặt già nua, nhăn nhúm, hai hốc mắt trũng sâu, ánh mắt đang gắng gượng nhìn Mai cầu khẩn. Mai xúc động đỡ lấy bàn tay bà cụ, nghẹn ngào, cô gật đầu nhận lời. 

Sau đám tang bà, thằng Sùng về ở với Mai, gian phòng của cô đã kê thêm một chiếc giường nhỏ. Thằng Sùng vẫn lầm lì, ít nói nhưng nó luôn nghe lời Mai, chăm chỉ học và giúp cô mọi việc trong nhà. Đã nhiều đêm, Mai không ngủ, cô lo lắng bởi vai trò của một người mẹ và không biết làm thế nào thuyết phục để Trường đồng ý cho cô nuôi thằng Sùng.
Trường là người yêu sắp cưới của Mai. Họ yêu nhau từ khi còn học ở trường chuyên nghiệp và hẹn nhau ngày ra trường, sau khi nhận công tác sẽ tổ chức đám cưới. Tháng trước, Trường đã nói mẹ anh đã chọn được ngày. Tết này, cô sẽ là cô dâu! Vậy mà…

Lúc đầu, thấy Mai giúp đỡ Sùng, Trường cũng ủng hộ, thỉnh thoảng anh còn theo cô lên hang núi thăm bà cháu nó nhưng khi thấy cô quyết định nhận Sùng làm con nuôi, anh phát hoảng, khuyên can thế nào cũng không được. Cuối cùng Anh nói:

- Nhà anh chỉ có một mình anh là con trai, bố mẹ muốn anh lên cắm bản vài năm rồi xin chuyển về thị trấn. Nếu yêu anh, em không thể  nhận nuôi thằng Sùng. Anh cho em thời gian 2 tháng để suy nghĩ và quyết định. Giọng anh quả quyết, lạnh lùng. Mai hiểu tính anh.

Rồi cái hạn 2 tháng cũng tới, Mai lo sợ, cô không muốn lựa chọn, yêu Trường nhưng thương thằng Sùng tội nghiệp quá! Buổi gặp gỡ hôm ấy diễn ra trong không khí ngột ngạt. Trường nói những gì Mai không nghe rõ cô chỉ biết anh đang bảo cô phải rời xa thằng Sùng... Đáp lại những câu hỏi của Trường, Mai chỉ biết im lặng nhìn anh với ánh mắt của một kẻ xin được chúa ban ơn. Cuối cùng, mệt mỏi, Trường kết luận:

- Vậy là, em vẫn quyết định nhận nuôi thằng Sùng!
Nói rồi, anh đứng dậy bỏ về phòng để mặc cô ở đó với hai hàng nước mắt đầm đìa trên má. Mai như người trong mộng dữ, cô thẫn thờ, đứng như trời trồng. Khi bóng Trường khuất sau lớp học, cô mới giật mình hoảng hốt. Cô muốn vùng chạy đuổi theo Trường, níu vạt áo anh, muốn ôm chầm lấy anh như muốn níu kéo mối tình đầu đẹp như tranh vẽ của mình nhưng... Toàn thân cô tê dại, cổ họng khô đặc, lưỡi cứng lại. Cô vẫn đứng bất động. Im như đá! 

Sau cuộc nói chuyện ấy, có lẽ đến cả tháng trời đêm nào Mai cũng trằn trọc khó ngủ. Cô đã nghĩ nhiểu lắm, nhưng cô không thể, không nỡ rời bỏ thằng Sùng. Những ý nghĩ xáo trộn mung lung, cứ bám riết lấy cô, xoay tròn, khiến đầu cô lúc như sắp vỡ ra, lúc lại đặc quánh, ụ ị, mù mịt… Đêm mùa đông, sương núi tràn về phủ kín sân trường, cái lạnh tê tái da thịt. Còn hơn tháng nữa mới đến tết Mông mà tiếng sáo gọi bạn tình của người trai bản cứ da diết, bồi hồi, khắc khoải, thúc giục… Áp chiếc khăn mà Trường tặng vào mặt, Mai hít căng lồng ngực. Cô như cảm thấy hơi ấm của anh đang lan tỏa dần trong cô, cái cơ thể đang sức xuân cứ căng ra, tràn đầy niềm khao khát mãnh liệt… Mai khẽ ngồi dậy, nhẹ nhàng mở cửa đi về phía phòng của Trường. Chỉ một bước chân nữa thôi là đến cửa phòng của Trường, Mai giật mình! Hình như trong phòng có tiếng người đang trò chuyện. Cô lặng người! Tiếng người con gái nũng nịu, dỗi hờn, tiếng người con trai thì thào âu yếm, dỗ dành… Trời đất như nhão ra dưới chân Mai. Cả cơ thể cô như sắp đổ sụp xuống, cô cố lê chân bước đi trong tâm trạng rối bời: Anh ấy không thể đợi mình thêm được nữa!,... Cô lải nhải như người điên dại.

Bước đi trong tâm trạng vô định, cô đến lớp học từ bao giờ mà không hay biết. Vịn tay xuống bàn cô lấy hết sức mình ngồi xuống ghế. Nước mắt cứ tuôn rơi lã chã, Mai cố ghìm mình trong tiếng nấc nghẹn ngào, đau đớn. Mai đã ngồi khóc như thế bao lâu cô cũng không biết nữa, mãi khi cô nhận thấy hình như có ai đang gọi cô, có bàn tay nhỏ nhắn rụt rè đang đặt trên lưng cô. Mai ngẩng mặt nhìn. Thằng Sùng! Nó vừa sụt sịt khóc vừa gọi:

- Cô ơi, cô giáo, mẹ ơi!
Tiếng thằng bé nghẹn trong tiếng khóc. Mai quờ tay ôm nó vào lòng, nước mắt nó thấm ướt vai áo cô. Những  giọt nước mắt nóng hổi của nó như truyền cho cô sức mạnh kỳ lạ, làm tan đi cái giá lạnh đang tê tái trong lòng cô. Mai đứng dậy, dắt tay nó, lảo đảo đi về phòng mà không biết là mình đang dìu nó hay nó đang dìu cô đi.
 
Ảnh minh họa của Ban biên tập từ internet
Vài hôm sau, Trường tìm gặp Mai, bài thuyết trình về cuộc sống phồn hoa nơi thị trấn huyện, vẫn được anh nhẫn nại thực hiện. Mai vẫn chỉ im lặng không nói gì nhưng hôm nay đôi mắt của của cô không có ngấn nước. Cô bình thản nhìn như vô cảm vào cái miệng rộng với cặp môi mỏng đang mấp máy, mấp máy cử động. Trong đầu cô, tiếng thì thào mà cô nghe được đêm trước lại vọng về rõ ràng, chua xót… Dù cố gắng nhưng Mai không thể đợi được bài thuyết trình kết thúc. Cô đứng dậy đột ngột, khiến người đàn ông ngỡ ngàng! Cố lấy giọng bình thản, cô nói lời cảm ơn, chia tay ngắn gọn, rồi đi như ma đuổi về phòng mà không dám ngoảnh lại. 

Mười năm trôi qua, Mai vẫn là giáo viên cắm trên bản Hang Dơi nhưng câu chuyện tình đau buồn của cô thì đã lùi xa vào dĩ vãng. Thằng Sùng cũng đã lớn khôn, nó học giỏi lại ngoan ngoãn, năm nào cũng là học sinh tiên tiến. Cuộc sống của Mai cũng đã đổi thay, cô đã lấy chồng sau 12 năm làm mẹ. Chồng cô là bộ đội biên giới, vợ và con đã mất trong một trận bão lũ miền Trung.  Họ đã gặp nhau và đến với nhau bằng tấm lòng của những con người chất phác, mộc mạc mà giàu nhân nghĩa. Có thêm người đàn ông, nếp nhà được mở rộng, vững chãi hơn. Mai như trẻ ra, thằng Sùng cũng vui ra mặt vì sau hơn 20 năm làm người, nó mới có một người đàn ông để gọi là bố…

Nhẹ nhàng đặt tờ giấy thông báo nhập học của Thằng Sùng lên bàn thờ, Mai thắp nén nhang, nghẹn ngào khấn thầm với bà, với bố mẹ của Sùng:

- Bà ơi, cháu Sùng đã khôn lớn thật rồi! Nó đã đỗ vào trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên rồi đấy!...
Đêm trước ngày thằng Sùng xuống trường nhập học, bà con trong bản đến chia vui chật cả ba gian nhà. Trăng lên tận đỉnh núi mọi người mới về hết. Ánh trăng đêm núi rừng vẫn như xưa, sáng trong leo lẻo. Tiếng gió vẫn hú dài trên những vách đá dựng đứng sau bản. Không sợ hãi với tiếng hú vọng từ vách đá như 12 năm trước đây nữa nhưng Mai vẫn nằm trằn trọc, không ngủ được, cô vừa mừng vừa lo. Ngày mai xuống trường, thằng Sùng được ăn cơm no không, ai nhắc nó mặc áo ấm khi trời rét!... Như một thói quen đã học được từ những người bản xứ, cô cũng thầm thì:

- Giàng ơi! Phù hộ cho thằng Sùng với nhé!
Buổi sáng mùa thu ở vùng cao, trời xe lạnh, mây trắng đã vờn bay trên những đỉnh núi đá. Phía xa, mặt trời đã cách ngọn núi một sải tay, những tia nắng vàng ấm áp đang trải dài lên sườn đồi, khe núi. Tiễn thằng Sùng một đoạn đường, Mai cứ nước mắt ngắn lại dài. Tiếng chồng cô khẽ nhắc:

- Em về đi để anh còn đưa con xuống bến xe huyện, nhùng nhằng mãi thế này, lỡ xe đấy!
Thằng Sùng bịn rịn trèo lên ngồi sau xe bố, dáng nó bé nhỏ, cái áo màu rêu đá, quà bố nó tặng nhân ngày khai trường cứ nhòa dần, nhòa dần rồi lẫn với màu đá núi. Trong ánh nắng sớm, dãy núi đá sau bản như hùng vĩ hơn. Đã qua bao phen thăng trầm đổi thay nhưng nó vẫn đứng đó, hiên ngang giữa đất trời, sông núi, chở che cho bản làng, cho những số phận lầm than nhưng có tấm lòng kiên gan như đá núi./.
 
                                                      Giới thiệu: Phòng Giáo dục Tiểu học.
 
 
 

Tổng số điểm của bài viết là: 13 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 4.3 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập262
  • Máy chủ tìm kiếm10
  • Khách viếng thăm252
  • Hôm nay28,433
  • Tháng hiện tại888,006
  • Tổng lượt truy cập135,366,299
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi