banner

Can thiệp sớm đối với trẻ rối loạn hành vi và cảm xúc

Thứ tư - 21/12/2022 22:42
Dienbien.edu.vn- Như chúng ta đã biết“Rối loạn hành vi và cảm xúc” được dùng để mô tả nhiều dạng vấn đề tình cảm và xã hội, trong đó có cả rối loạn khả năng tập trung và/hoặc tăng động (hành vi hung hãn, quấy rối hoặc phá hoại), rối loạn cảm xúc lo lắng (lo âu bị tách biệt khỏi ai hoặc cái gì, lo lắng quá mức, lảng tránh hoặc thu mình).
Trẻ bình thường không bị dán nhãn là trẻ rối loạn hành vi nhưng vẫn có thể có một số biểu hiện sớm mà sau này sẽ tiến triển thành các vấn đề hành vi. Vì nhóm trẻ rối loạn hành vi và cảm xúc rất đa dạng nên điều quan trọng là ta cần có những phưong thức làm việc với từng cá nhân trẻ. Tuy nhiên, có một số vấn đề cần xem xét khi điều chỉnh môi trường đồ dùng dạy học và cách dạy cho đối tượng này, cụ thể:
Hoạt động trải nghiệm của các bé Trường mầm non xã Noong Luống, huyện Điện Biên
1.Điều chỉnh môi trường phù hợp với trẻ rối loạn hành vi và cảm xúc
Giáo viên cần biết các hành vi có vấn đề xuất hiện khi nào và ở đâu. Có thể tham khảo một số câu hỏi sau: Nhà hoặc lớp học có yếu tố nào có khả năng kích thích hành vi không phù hợp không? ví dụ: Liệu chế độ sinh hoạt đã thiết thực chưa hay trẻ không có đủ thời gian để hoàn thành công việc? Các hoạt động có kéo dài quá không, và nếu vậy, giáo viên đã chuẩn bị những hoạt động nào khác để trẻ được thay đổi khi nhàm chán? Liệu diện tích sử dụng cho mỗi trẻ là quá ít hay quá nhiều ? Diện tích quá hẹp có thể là một trong các nguyên nhân gây rối nhiễu hành vi. Tuy nhiên, nếu cho ít trẻ  sử dụng một không gian lớn, mở cũng có thể làm tăng hành vi hung hãn. Điều quan trọng là giáo viên nên so sánh giữa số lượng trẻ và diện tích sử dụng để biết xem liệu vấn đề diện tích có làm nảy sinh các hành vi không mong muốn không? Đồ dùng dạy học có đủ không và việc thiếu đồ dùng cũng có thể làm nảy sinh hành vi không? Kỳ vọng đối với trẻ có thực tế không? (Ví dụ: Trẻ nhỏ thường chưa biết cách chia sẻ. Do vậy, khi thiếu đồ dùng chúng có thể va vấp với nhau, vì vậy điều này được coi là chưa thực tế). Hành vi không phù hợp có phải lúc nào cũng xảy ra với những trẻ nhất định hay với chỉ xảy ra với một số hoạt động? Các vấn đề có xuất hiện vào một thời điểm nhất định trong ngày không (khi trẻ quá mệt, ngồi gần một bạn nào đó trong lớp hoặc sau giờ ăn nhẹ)? Liệu có điều gì xảy ra ở nhà có thể là nguyên nhân dẫn đến các vấn đề xuất hiện trong lớp học không (ví dụ trẻ mới có thêm em bé  chẳng hạn, hoặc gia đình chuyển tới một ngôi nhà mới hay việc chuyển tiếp có thể là các nguyên nhân gây hành vi có vấn đề ở trẻ nhỏ)?
Với một trẻ có vấn đề về hành vi, điều quan trọng là trẻ cần có một môi trường không phức tạp (dễ đoán biết) và nhất quán. Cần xây dựng, duy trì những quy định dành cho lớp học có những trẻ  bị rối nhiễu tình cảm và xã hội và thực hiện nhất quán các quy định đã đề ra. Cần tạo cho trẻ một thói quen và chuẩn bị trước khi có sự thay đổi về thói quen. Có thể sử dụng các tín hiệu cảnh báo như chuông, nhạc hay một bài hát… để báo hiệu thời gian chuyển tiếp sắp đến. Đây là những cách thức rất đơn giản mà vẫn cho phép trẻ cảm thấy an toàn và biết điều gì sắp diễn ra trong cả ngày.
2.Điều chỉnh đồ dùng dạy học và thiết bị cho trẻ rối loạn hành vi và cảm xúc
Có những đồ dùng dạy học gì có thể khuyến khích trẻ tự thể hiện ý muốn, suy nghĩ của trẻ không (đất nặn, màu vẽ, bột nặn, bút viết)? Giáo viên phát cho trẻ có hành vi không phù hợp  một số bút vẽ và một đài ghi âm. Trong quá trình trẻ phải ngồi ngoài và quan sát những bạn khác tham gia vào trò chơi nó đồng thời sử dụng đồ vẽ hoặc đài ghi âm để mô tả lại những gì đã xảy ra trước khi giáo viên yêu cầu mô tả lại bằng lời các tình tiết của trò chơi.
Đồ dùng dạy học có an toàn không? Chúng có tác dụng kích thích tương tác tích cực không? Một số đồ dùng và hoạt động có khả năng đưa tới những chủ đề không mong muốn rồi sau đó dẫn đến hành vi không mong muốn ở trẻ. Ngay cả với trẻ chập chững, có một vài đồ chơi hoặc hoạt động (chẳng hạn như bắn súng, sách hoặc chuyện tranh có nội dung hung bạo) cũng là nguyên nhân dẫn đến xuất hiện hành vi hung hãn. Điều quan trọng là giáo viên phải quan sát trẻ trong lúc chơi, loại bỏ những đồ vật có thể gây nguy hiểm hoặc yêu cầu trẻ dừng đọc sách hoặc xem các chương trình kích thích sự bắt chước hành vi hung hãn.
Có đủ đồ dùng học trẻ không? Giáo viên nên ước lượng số đồ dùng cần thiết ở trong lớp học. Một mặt, giáo viên cần khuyến khích trẻ ở tuổi mẫu giáo được chia sẻ với nhau mặt khác họ cũng muốn tranh xung đột do tình trạng thiếu đồ dùng gây ra. Các đồ chơi có tác dụng kích thích tinh thần hợp tác của trẻ có phải không? Ví dụ, cho trẻ chơi xích đu làm bằng lốp xe cũ bên cạnh xích đu cá nhân sẽ kích thích trẻ cùng nhau chơi. Bập bênh, cưỡi ngựa là những thiết bị kích thích tinh thần hợp tác ở trẻ vì chúng đỏi hỏi trẻ phải chơi với nhau.
          Đồ dùng dạy học (và hoạt động) có hấp dẫn trẻ không? Cần chú ý lựa chọn nhiều loại đồ chơi hấp dẫn để trẻ lựa chọn đặc biệt là nếu việc sử dụng đồ chơi ưa thích lại liên quan tới hành vi của trẻ.
Hoạt động chơi ngoài trời của các bé mẫu giáo 5 tuổi, Trường mầm non Thanh Bình, thành phố Điện Biên Phủ
3. Điều chỉnh trong quá trình tổ chức hoạt động chăm sóc và giáo dục trẻ rối loạn hành vi và cảm xúc
Trước khi tổ chức hoạt động, giáo viên phải xác định xem nguyên nhân gây ra hành vi có vấn đề là gì, hành vi ấy xuất hiện khi nào, ở đâu và với ai. Hãy biết tận dụng sự giúp đỡ cha mẹ trẻ trong việc này. Hành vi có vấn đề có thể là cái có điều bỏ qua được không? Hay hành vi đó là để thu hút sự chú ý (ảnh hưởng đến xung quanh không hay nó không an toàn cho bản thân trẻ và những người khác)? Có những yếu tố môi trường nào làm xuất hiện các hành vi có vấn đề? Ví dụ, trong cả ngày, cứ gần như đến trước các giờ chuyển tiếp như trước giờ nghỉ trưa hoặc ăn nhẹ là bé Bông lại có những hành vi không mong muốn. Khi cô giáo cho cháu thêm thời gian để hoàn thành công việc, hành vi ấy có chiều hướng giảm dần.
Nếu xác định được hành vi có vấn đề là do trẻ muốn được quan tâm, cần chuẩn bị kế hoạch để giải quyết. Có thể thảo luận với gia đình và những người chăm sóc như trợ giáo, cán bộ tình nguyện một số phương án điều trị để mọi người hành động nhất quán cho dù là trẻ đang ở nhà hay ở trường. Cần lựa chọn những phương án kích thích hành vi mong muốn trong đó có dùng cả các hoạt động, đồ dùng và con người làm tác nhân kích thích. Ví dụ, nếu Minh muốn được người lớn quan tâm, cháu sẽ liên tục cáu giận, giáo viên phải đảm bảo là cháu thường xuyên được người lớn quan tâm để khuyến khích các hành vi mong muốn ở cháu (“Bức tranh này đẹp quá, đây là cháu vẽ gì vậy”. “Cháu và Dũng chơi với nhau rất đoàn kết, các cháu rất ngoan đấy”) đồng thời không bỏ qua những hành vi chưa tốt ở cháu.
Cần tạo nhiều cơ hội để trẻ được “lựa chọn” trong cả ngày học (chọn góc học hoặc đồ chơi) để trẻ có cảm giác mình được quản lý đôi chút. Cũng nên tạo cơ hội để trẻ tự thể hiện mình qua các hoạt động như vẽ, âm nhạc hay đóng kịch. Một số trẻ không biết thể hiện mình theo những cách thức hợp lý sẽ thấy dễ dàng hơn khi tham gia các hoạt động kể trên nhằm thể hiện bản thân mình. Khi tổ chức các hoạt động theo nhóm nhỏ, hãy lựa chọn bạn cùng trang lứa với trẻ thật cẩn thận vì giáo những trẻ đó sẽ là những mẫu hình tốt về hành vi và khả năng giao tiếp cho những trẻ rối loạn về hành vi và cảm xúc .
Khi trẻ có hành vi hung hãn, có thể sử dụng hình thức phạt tách biệt nếu thấy biện pháp này có hiệu quả. Trẻ bị phạt (cứ một tuổi thì bị phạt một phút) không được tham gia vào các hoạt động ưa thích (trong đó có cả việc sẽ không được người lớn quan tâm). Cũng có một số điểm cần thảo luận khi phạt trẻ để tránh trường hợp người lớn phạt sai hoặc làm dụng hình phạt. Dưới đây  là một số trường hợp phạt trẻ chưa đúng:
  • Bị phạt quá thường xuyên, trẻ không hiểu lý do tại sao mình bị phạt.
  • Giáo viên không quan tâm.
  • Phạt mà không có biện pháp kích thích hành vi mong muốn (có nghĩa là không trao đổi với trẻ về hành vi của cháu).
  • Phạt lần thứ nhất và là cách duy nhất để xử lý hành vi có vấn đề.
  • Phạt trẻ mà cha mẹ không hề biết.
  • Thời gian phạt quá lâu.
Tuy nhiên, nếu được sử dụng hợp lý phạt là một trong nhiều cách tốt để xử lý hành vi của trẻ. Nó tạo cơ hội cho trẻ (đôi khi cả người lớn nữa) kiểm soát tình cảm của mình. Đây là cách để tách biệt nạn nhân ra khỏi “kẻ gây hấn”. Hãy giải thích cho trẻ hành vi nào khiến trẻ bị phạt, tại sao bị phạt. Làm như vậy sẽ giúp chúng hiểu là mọi người đang muốn giúp chúng thay đổi. Giáo viên và cha mẹ có thể giải thích cho trẻ về nội dung của hình phạt, từ đó trẻ biết là khi bị phạt mình sẽ phải đứng ở đâu, phạt trong bao lâu để xem lại mình trước khi được phép quay trở lại nhóm. Một phương án nữa có thể thay thế cho hình thức phạt truyền thống là yêu cầu trẻ chỉ được “ngồi và xem” thôi. Theo cách này, trẻ có thể bước lùi ra xa một chút, theo dõi các bạn khác chơi và học những hành vi phù hợp.
Trẻ có vấn đề về hành vi có thể hạn chế về kỹ năng giao tiếp và/hoặc không có những khả năng xã hội cần thiết để tương tác với thế giới xung quanh. Ví dụ, một số trẻ không nói được thành từ khi muốn diễn đạt cảm xúc tức giận hay lo lắng của mình, một số khác có thể thiếu những kỹ năng xã hội cần thiết khi muốn mượn đồ chơi của bạn hoặc tự kiểm soát mình khi gặp xung đột. Một số trẻ cần được hướng dẫn trực tiếp (nói và/hoặc kỹ năng xã hội), trong quá trình những trẻ khác lại cần được khuyến khích để thể hiện mình cho phù hợp (“Nói cho cô biết con muốn gì”. “Hãy dùng từ để nói”. “Hãy nói với Trang là em cảm thấy thế nào”. “Hãy nói cho bạn ấy biết bây giờ đến lượt em chơi cái xe rồi”). Cũng như vậy, việc tương tác với những bạn có khả năng giao tiếp và kỹ năng xã hội có thể đem lại lợi ích cho trẻ. Nếu việc thiếu kỹ năng giao tiếp là nguyên nhân gây vấn đề, hãy tìm ra những phương án khác để giải quyết (ví dụ, hãy dùng tranh ảnh để giúp trẻ tự thể hiện mình)./.
 

Tác giả: Nguyễn Thị Huệ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập210
  • Máy chủ tìm kiếm37
  • Khách viếng thăm173
  • Hôm nay38,980
  • Tháng hiện tại721,966
  • Tổng lượt truy cập135,200,259
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi