banner

GDMN - “Bà giáo” tâm huyết với giáo dục mầm non huyện Tuần Giáo

Thứ năm - 02/11/2017 22:11
Dienbien.edu.vn - Sinh ra và lớn lên tại Quỳnh Phụ, quê lúa Thái Bình, cũng như bao cô giáo trẻ khác, năm 1986 cô giáo Ngô Thị Hương tình nguyện xa gia đình đến công tác tại huyện Tuần Giáo - tỉnh Lai Châu. Thời điểm ấy, huyện Tuần Giáo còn là một mảnh đất hoang sơ, dân cư thưa thớt đặc biệt là hình ảnh các em nhỏ gầy guộc nhưng ánh mắt trong veo khiến cô không khỏi xúc động. Chính điều đó đã thôi thúc cô quyết tâm gắn bó với mảnh đất, con người nơi đây, nguyện đem tâm huyết, tình yêu thương của mình giành trọn cho các em nhỏ vùng cao.
Năm 1987, cô được phân công công tác tại trường Tiểu học Quài Cang, cô đã đem tình yêu thương của một cô giáo trẻ đầy nhiệt huyết, chăm sóc dạy dỗ các bé mầm non nơi đây. Sau 4 năm công tác, được sự điều động của ngành, cô chuyển công tác đến trường Mầm non Quài Tở và ở ngôi trường này tôi đã may mắn được công tác cùng cô.
         
Với đồng nghiệp, cô luôn gần gũi, thân thiện và giúp đỡ hết sức tận tình, đặc biệt là những giáo viên trẻ, mới ra trường như tôi. Cô đã dìu dắt, giúp đỡ tôi rất nhiều trong công tác chuyên môn, cách giao tiếp với bạn bè, đồng nghiệp, đặc biệt là việc thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, vận động các bậc phụ huynh phối hợp cùng nhà trường thực hiện chăm sóc, giáo dục trẻ... Tôi nhớ mãi hình ảnh cô giáo Hương lưng địu một bé ngủ, tay bế một bé dỗ dành, các cháu quấn quýt lấy cô như đàn chim non bên người mẹ hiền. Ở cái thời, người dân còn phải ăn cơm độn ngô, độn sắn nhưng lúc nào trên lớp cũng có gói xôi sắn nho nhỏ, thơm phức là tấm lòng của phụ huynh giành cho cô giáo và lúc nào cũng thế, cô lại chia ra thành những nắm nhỏ hơn cho từng cháu. Chỉ có thể là tình thương yêu chân thành mới làm được điều đó...
         
Bằng sự tận tâm với công việc, cô luôn được các cháu yêu mến, phụ huynh tin tưởng, đồng nghiệp tín nhiệm. Thế nhưng, mọi điều tốt đẹp lại không đến với cô, năm  1995 chồng cô không may lâm bệnh nặng qua đời, bỏ lại cô một mình nuôi con nhỏ. Thế rồi, nỗi đau này chưa qua nỗi đau kia lại đến, năm 2003 con trai cô đột ngột qua đời để lại trong cô nỗi đau không thể nguôi ngoai. Sau biến cố, một mình nơi đất khách quê người, cô lại lặng thầm tiếp tục sự nghiệp công tác của mình bên những đồng nghiệp luôn động viên, sẻ chia cùng cô tại trường Mầm non Họa Mi.
         
Tháng 8/2008, cô giáo Hương lúc này đã luống tuổi, tụi trẻ mới ra trường gọi cô là “Bà giáo già”. “Bà giáo già” tình nguyện xin chuyển công tác lên trường Mầm non Khong Hin, ở thời điểm đó đây là ngôi trường khó khăn nhất, nhì của huyện. Trường mới thành lập, thiếu giáo viên, cơ sở vật chất khó khăn, các lớp học 100% là nhà tranh tre, nứa lá và đội ngũ giáo viên trẻ, hầu hết là có con nhỏ, “Bà giáo già" tình nguyện đến với cụm bản Huổi Nôm - Huổi Máu xa nhất, giáp ranh với huyện Mường Ảng, cách trung tâm trường 15 km để mở lớp. Điểm bản này người dân đi theo Đạo Vàng Chứ và 100% là đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Đây là năm học đầu tiên điểm bản được mở lớp nên khó khăn chồng chất khó khăn: Cô giáo với trẻ và cha mẹ trẻ bất đồng ngôn ngữ, đa số nhân dân thuộc hộ nghèo, đời sống rất khó khăn, người dân chưa hiểu rõ về tầm quan trọng của giáo dục mầm non nên nhiều gia đình không cho con em đến lớp…
         
Sau nhiều trăn trở cô hiểu rằng chỉ bằng tình thương yêu và lòng chân thành mới khiến người dân hiểu được ích lợi của việc cho con em đến trường. Cô tìm mọi cách để gần gũi bà con dân bản, ba cùng với nhân dân, những khi hết giờ lên lớp cô lại đến thăm các hộ dân trên bản và nhờ họ dạy tiếng Mông. Có những hộ gia đình cách lớp học 15 cây số, không quản ngại khó khăn, cô nhờ trưởng bản, trưởng nhóm Đạo đến từng nhà để vận động cha mẹ cho các con đến lớp. Ban đầu, cũng có một số gia đình chưa hiểu gây khó khăn nhưng với kinh nghiệm, lòng nhiệt huyết, sự chân thành cô đã dần thuyết phục được người dân, năm học đầu tiên huy động được 15 trẻ đến lớp, những năm sau số trẻ cứ tăng dần từ 18, 20 đến 25 cháu.
 image001
Bà giáo” Hương đến thăm nhà dân “   
             
“Bài toán” vận động học sinh đến lớp đã được giải quyết nhưng cô lại vấp phải những khó khăn khác: Làm sao để thực hiện tốt công tác xã hội hóa giáo dục ở một bản người dân đi theo Đạo? Tổ chức công tác ăn bán trú như thế nào để duy trì tốt tỷ lệ trẻ đi học chuyên cần? Phải làm gì để tránh cho các con cái lạnh, cái buốt giá của mùa đông khắc nghiệt tới... Những câu hỏi đó luôn khiến cô trăn trở. Cô đã nhờ người đưa về thị trấn Tuần Giáo mua màn, mua chăn, mua gối, mua chiếu; vận động phụ huynh làm căn nhà nhỏ bên cạnh lớp học để cho các con học nội trú, vừa giúp cha mẹ các cháu không phải hằng ngày đưa, đón con khi nhà cách lớp học hơn chục cây số và giúp cô thực hiện duy trì tốt tỷ lệ trẻ đi học chuyên cần.
         
Hằng đêm, bên cạnh chiếc đèn dầu, cô nhẹ nhàng buông màn, vén chăn cho các con khỏi tỉnh giấc.  Cô tâm sự: Bản Huổi Nôm chưa có điện, không có ti vi nên sau khi soạn bài xong cô trò thường đi ngủ sớm; có những đêm trái gió, trở trời lũ trẻ ốm nhiều lắm, cô ngồi ôm dỗ dành các bé, có khi phải thức cả đêm...
         
Có khi mấy tháng không thấy cô về trung tâm huyện, tôi gọi điện thoại hỏi thăm nhưng rồi lại buồn vì không gặp được cô, chắc hôm đó cô quên không để điện thoại treo lên cái cây gần lớp học để hứng sóng (do tín hiệu điện thoại ở đó rất yếu). Những năm chưa có kinh phí nhà nước hỗ trợ, phụ huynh không có tiền ăn đóng góp cho trẻ, cô đã dùng một phần tiền lương của mình để ủng hộ các cháu, cô vận động cha mẹ trẻ đóng góp gạo, củi, cô xin rau của những hộ dân lân cận và tự trồng rau, nuôi gà... để tổ chức bữa ăn cho các con, cải thiện bữa ăn cho "lũ con" của cô những ngày trời mưa gió, đường trơn, suối lũ lớn nhà trường chưa kịp chuyển thực phẩm.
 image003
                  Đường đến điểm bản Huổi Nôm phải vượt qua 3 con suối        

Tôi còn nhớ mãi ánh mắt vui mừng, háo hức của cô trò khi có đoàn đến thăm, kiểm tra lớp và mang tặng các đồ dùng cho các cháu, trong đó có chiếc đèn tích điện bằng năng lượng mặt trời, đó chính là món quà mà lãnh đạo ngành đã ưu tiên tặng cô để soạn giáo án và chăm lũ học trò trong đêm tối...
                   image005
Cô Ngô Thị Hương vui mừng với món quà nhận được - chiếc đèn tích điện     

image007          Lớp học của cô Ngô Thị Hương khi đón đoàn đến thăm
                
Bên cạnh đó, cô tích cực tham mưu với Hiệu trưởng nhà trường xin sự hỗ trợ quần, áo, giầy tất, ủng, khăn ấm, sách, bút, vở, mì tôm; tham mưu các cấp quản lý đầu tư, xây dựng lớp học mới... từ các tổ chức, cá nhân, các đoàn thiện nguyện để các con có thêm cái ăn, cái mặc và để duy trì bữa ăn bán trú cho trẻ. Không phụ công cô vất vả ngày đêm, cùng với sự động viên, sẻ chia của lãnh đạo ngành giáo dục và đào tạo huyện đã giới thiệu đoàn từ thiện Rồng Xanh đến khảo sát xây dựng 01 phòng lớp học, 01 phòng công vụ, 01 nhà bếp tại điểm bản Huổi Nôm.
 image009
Trường Mầm non Khong Hin và Đoàn từ thiện Rồng Xanh làm lễ động thổ khởi công xây dựng lớp học
tại bản Huổi Nôm
         
     
Với 8 năm 7 tháng công tác tại điểm bản Huổi Nôm, ngày cô đem đến những bài học hay, đêm bên bếp lửa cô và trò quấn quýt bên nhau để các con yêu thương gọi cô là “bà giáo”. Có những gia đình gửi gắm cả ba người con cho "bà giáo" Hương từ đầu tuần đến cuối tuần mới đón con về thăm bố, mẹ (một số học sinh tiểu học buổi tối phụ huynh xin cô cho ăn, ngủ cùng các em mầm non); có những gia đình cuối tuần mới đến thăm con và đóng góp gạo, củi vì họ rất yên tâm khi con ở với bà giáo Hương. Những việc làm đó của cô giáo Hương đóng góp một phần không nhỏ vào thực hiện thắng lợi mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi, đặc biệt đối với các xã còn nhiều khó khăn như Khong Hin.
         
Được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, năm học 2015-2016 cô Hương được chuyển công tác về trường Mầm non Nà Sáy và ở đây tôi may mắn được gặp lại cô. Đến tuổi cận kề nghỉ hưu, ở nơi công tác mới, vẫn lòng nhiệt huyết ấy, cô lại sẵn sàng nhận nhiệm vụ chăm sóc nhóm trẻ 24-36 tháng với 27 cháu. Ở ngôi trường Mầm non Nà Sáy mọi thành viên đều thân mật gọi cô là "U Hương" và càng đồng cảm hơn với cuộc sống gia đình không may mắn của cô, đồng thời càng nể phục hơn nghị lực phi thường cũng như sự cống hiến quên mình mà cô đã dành cho các em nhỏ vùng cao, cô thật sự là tấm gương để lớp thế hệ trẻ chúng tôi học tập, noi theo.
  image011
Tập thể trường mầm non Nà Sáy thăm hỏi, tri ân nhà giáo Ngô Thị Hương
nhân ngày 20/11
 
         
Với 31 năm trong nghề nuôi dạy trẻ cô đã để lại cho chúng tôi những bài học làm "thầy", làm "người" hết sức quý báu, đáng trân trọng, đáng noi gương.
         
Có thể, trong cuộc đời mỗi người có những lý tưởng sống khác nhau nhưng đối với thế hệ giáo viên trẻ như chúng tôi đã được học những bài học quý báu từ tinh thần vượt khó, yêu nghề, dạy trẻ bằng tất cả tình yêu thương của “bà giáo” Hương. Xin gửi lời cảm ơn đến cô, người đã thắp sáng ước mơ cho trẻ thơ vùng cao, chắp cánh cho thế hệ giáo viên chúng tôi có thêm những kinh nghiệm, lòng quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục mà Đảng và Nhà nước giao cho./.

Tác giả: Đặng Thị Thái

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập107
  • Thành viên online1
  • Máy chủ tìm kiếm26
  • Khách viếng thăm80
  • Hôm nay69,862
  • Tháng hiện tại477,963
  • Tổng lượt truy cập136,829,776
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi