banner

GDMN - Bổ sung chế độ, chính sách cho trẻ mẫu giáo và giáo viên mầm non

Thứ ba - 16/01/2018 03:51
Dienbien.edu.vn- Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Nghị định số 06/2018/NĐ-CP ngày 05/01/2018 quy định chính sách hỗ trợ ăn trưa đối với trẻ em mẫu giáo và chính sách đối với giáo viên mầm non.
Điểm mới của Nghị định này so với các văn bản trước

Nghị định này mở rộng đối tượng ăn trưa cho trẻ mẫu giáo, kinh phí hỗ trợ được tính theo % lương cơ sở và bổ sung chính sách cho giáo viên mầm non trực tiếp dạy 2 buổi/ngày tại các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo ghép từ hai độ tuổi trở lên ở các điểm lẻ hoặc trực tiếp dạy tăng cường tiếng Việt tại các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo có trẻ em là người dân tộc thiểu số tại các điểm lẻ ở các cơ sở giáo dục mầm non công lập ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.
Anh 1
Các cháu lớp mẫu giáo ghép, điểm trường Trung Phu, trường mầm non Sư Lư, huyện Điện Biên Đông
 
Trẻ thuộc diện hộ cận nghèo cũng được hỗ trợ ăn trưa 

Điều kiện được hưởng hỗ trợ ăn trưa theo Nghị định này là trẻ em đang học tại lớp mẫu giáo trong các cơ sở giáo dục mầm non đảm bảo một trong những điều kiện sau:

Có cha mẹ hoặc có cha hoặc có mẹ hoặc có người chăm sóc trẻ em hoặc trẻ em  thường trú ở xã, thôn đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, hải đảo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ;

Không có nguồn nuôi dưỡng được quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội;

Là nhân khẩu trong gia đình thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

Trẻ em thuộc các đối tượng trên được hỗ trợ tiền ăn trưa bằng 10% mức lương cơ sở/trẻ/tháng. Thời gian hỗ trợ tính theo số tháng học thực tế, nhưng không quá 9 tháng/năm học.

Bổ sung đối tượng giáo viên được hưởng chính sách

Thứ nhất: Giáo viên mầm non (bao gồm cả phó hiệu trưởng) làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong định mức giáo viên được cấp có thẩm quyền phê duyệt ở các cơ sở giáo dục mầm non công lập.

Đối tượng trên, nếu đủ tiêu chuẩn chức danh giáo viên mầm non hạng IV (mã số V.07.02.06) trở lên thì được ký hợp đồng lao động, xếp lương ở chức danh giáo viên mầm non hạng IV (mã số V.07.02.06) theo bảng lương quy định tại Nghị định số 204/2004/NĐ-CP, Nghị định số 17/2013/NĐ-CP và được hưởng các chế độ, chính sách theo quy định hiện hành như giáo viên mầm non là viên chức trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập.

Thời gian và bậc lương hưởng khi thực hiện chế độ hợp đồng lao động được nối tiếp để xếp lương và thực hiện chính sách khi được tuyển dụng theo chế độ hợp đồng làm việc.

Thứ hai: Giáo viên mầm non (bao gồm cả hiệu trưởng, phó hiệu trưởng) đang làm việc ở các cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục: Được nhà nước hỗ trợ tài liệu và chi phí tập huấn khi tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao chuyên môn nghiệp vụ. Giáo viên đang công tác tại các cơ sở mầm non tư thục được hỗ trợ bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ như giáo viên công lập, giúp các cô vững vàng hơn về kỹ năng nghề nghiệp, từ đó, các cô tự tin tổ chức các hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ tốt hơn.
IMG 2
Hoạt động ngoài trời của các bé Trường mầm non xã Núa Ngam, huyện Điện Biên
 
Thứ ba, Nghị định đã bổ sung chính sách mới cho GVMN tham gia học tiếng nói và chữ viết của người dân tộc thiểu số. Giáo viên mầm non (bao gồm cả hiệu trưởng, phó hiệu trưởng) trực tiếp chăm sóc, giáo dục trẻ em dân tộc thiểu số thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn sẽ được thanh toán tiền mua tài liệu học tập (không tính tài liệu tham khảo) tiếng nói và chữ viết của người dân tộc thiểu số (nếu có) theo quy định. Tiền mua tài liệu học tập được chi trả theo hóa đơn tài chính thực mua và được trả không quá 3 năm.

Thứ tư, Nghị định đã bổ sung chính sách: Giáo viên mầm non trực tiếp dạy 2 buổi/ngày tại các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo ghép từ hai độ tuổi trở lên ở các điểm lẻ hoặc trực tiếp dạy tăng cường tiếng Việt tại các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo có trẻ em là người dân tộc thiểu số tại các điểm lẻ ở các cơ sở giáo dục mầm non công lập ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ: Hàng tháng được hỗ trợ thêm một khoản bằng tiền là 450.000 đồng/tháng. Thời gian hưởng hỗ trợ là 9 tháng/năm (từ tháng 9 năm trước đến hết tháng 5 của năm liền kề), tiền hỗ trợ được trả cùng với việc chi trả tiền lương của tháng và không dùng tính đóng hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp.

Đây là một niềm vui lớn đối với trẻ em mầm non, các cô giáo mầm non được hưởng chính sách. Đồng thời, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước đối với sự phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn, giúp cấp học có cơ sở để phát triển ổn định, bền vững. Mùa xuân mới đã về, với sự quan tâm thiết thực này, hy vọng giáo dục mầm non vùng khó khăn sẽ có nhiều khởi sắc./.

Tác giả: Nguyễn Thị Huệ

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập915
  • Máy chủ tìm kiếm19
  • Khách viếng thăm896
  • Hôm nay69,862
  • Tháng hiện tại420,591
  • Tổng lượt truy cập136,772,404
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi