banner

GDMN - Chia sẻ kinh nghiệm số 41: Sử dụng hiệu quả Bộ tiêu chí thực hành áp dụng quan điểm giáo dục "lấy trẻ làm trung tâm" trong các cơ sở giáo dục mầm non

Thứ hai - 21/08/2017 05:42
Dienbien.edu.vn - Giáo dục lấy người học làm trung tâm nhằm phát huy tối đa tiềm năng của mỗi cá nhân là quan điểm giáo dục phù hợp với tất cả các cấp học trong giai đoạn hiện nay. Được sự hỗ trợ của Dự án "Tăng cường khả năng sẵn sàng đi học cho trẻ mầm non", bộ tiêu chí thực hành áp dụng quan điểm giáo dục lấy trẻ làm trung tâm ra đời nhằm giúp cán bộ quản lý, giáo viên mầm non thuận lợi trong thực tiễn áp dụng những kỹ năng thực hiện chương trình giáo dục mầm non (GDMN) theo quan điểm giáo dục lấy trẻ làm trung tâm.
Bộ tiêu chí thực hành áp dụng quan điểm giáo dục lấy trẻ làm trung tâm trong trường mầm non gồm 6 nội dung, 56 tiêu chí và 145 chỉ số. Các nội dung chính gồm: Nội dung 1, gồm 13 tiêu chí, 34 chỉ số về việc xây dựng kế hoạch giáo dục trẻ. Nội dung 2, gồm 7 tiêu chí, 14 chỉ số về xây dựng và sử dụng môi trường giáo dục. Nội dung 3, gồm 6 tiêu chí, 18 chỉ số về tổ chức hoạt động chơi cho trẻ mẫu giáo. Nội dung 4, gồm 8 tiêu chí, 30 chỉ số về tổ chức hoạt động học cho trẻ mẫu giáo. Nội dung 5, gồm 12 tiêu chí, 27 chỉ số về hợp tác với cha mẹ chăm sóc giáo dục trẻ. Nội dung 6, gồm 10 tiêu chí, 22 chỉ số về chăm sóc giáo dục trẻ dân tộc thiểu số và trẻ có hoàn cảnh khó khăn.
1
Các cháu trường mầm non Thanh Bình, Thành phố Điện Biên Phủ trong giờ hoạt động ở khu vực sân chơi giao thông
 
Để đánh giá được thực trạng và có kế hoạch cải tiến chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ của nhà trường đòi hỏi mỗi cán bộ quản lý, giáo viên mầm non cần nghiên cứu áp dụng bộ tiêu chí này ở chính trường, nhóm, lớp của mình.

Đối với cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non cần thực hiện tốt một số nội dung như:

- Thứ nhất, nghiên cứu và hiểu rõ về trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm và các tiêu chí thực hành áp dụng quan điểm giáo dục lấy trẻ làm trung tâm.

- Thứ hai, dự kiến kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện bộ tiêu chí, lộ trình thực hiện, phương án thực hiện cho phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường, do đó cần họp cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên toàn trường để thảo luận, thống nhất và thông qua kế hoạch dự kiến tổ chức thực hiện các tiêu chí.

- Thứ ba, trong quá trình tổ chức thực hiện cần căn cứ vào kế hoạch đã được thống nhất, phân công nhiệm vụ cụ thể cho cán bộ quản lý, giáo viên phụ trách các nhóm/lớp. Có thể tổ chức thực hiện thí điểm tại một, hai lớp để rút kinh nghiệm trước khi triển khai thực hiện đại trà trong toàn trường.

- Thứ tư, hỗ trợ về cơ sở vật chất, thiết bị và chuyên môn, gợi ý, góp ý kế hoạch thực hiện cụ thể cho từng nhóm, lớp. Đặc biệt là hoạt động hỗ trợ về chuyên môn, gợi ý, góp ý cho giáo viên cần được làm thường xuyên mới giúp giáo viên khắc phục và tháo gỡ kịp thời những hạn chế, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

- Thứ năm, thực hiện kiểm tra, giám sát hoạt động của giáo viên một cách thường xuyên.

- Thứ sáu, xem xét kết quả thực hiện tiêu chí của giáo viên các nhóm lớp, tổ chức rút kinh nghiệm và chia sẻ.
2
Các cháu trường mầm non 20/7 huyện Tuần Giáo tham gia Hội thi
"Bé thông minh nhanh trí" cấp huyện
 
Đối với giáo viên mầm non cần thực hiện tốt một số nội dung sau:

- Bước 1: Nghiên cứu và hiểu rõ về trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm và các tiêu chí thực hành áp dụng quan điểm giáo dục lấy trẻ làm trung tâm;

- Bước 2: Rà soát mức độ đã thực hiện theo các tiêu chí. Để thực hiện được việc này, giáo viên phải nắm vững nội dung các chỉ số, đặc biệt lưu ý xem xét kỹ các lý giải, làm rõ các chỉ số đó. Đồng thời dựa vào các chỉ số của các tiêu chí thực hành áp dụng quan điểm giáo dục lấy trẻ làm trung tâm theo từng nội dung, tự xem xét mức độ đã đạt được trong thực hiện Chương trình mầm non tại nhóm/lớp. Việc tự rà soát này cần phải thực hiện nghiêm túc, khách quan nhằm chỉ rõ mức độ thực hiện các yêu cầu của từng chỉ số (thực hiện tốt, thực hiện đầy đủ hay chưa thực hiện, thực hiện chưa đúng, thực hiện chưa đầy đủ). Đặc biệt xác định rõ nội dung chưa thực hiện, thực hiện chưa đúng hay thực hiện chưa đầy đủ.

Ví dụ: Giáo viên tự rà soát đối với nội dung 1. Tiêu chí thực hành áp dụng quan điểm giáo dục lấy trẻ làm trung tâm trong xây dựng kế hoạch giáo dục trẻ mầm non:

Chỉ số 1. Thực hiện tốt/đầy đủ

Chỉ số 2. Thực hiện chưa đầy đủ: xác định mục tiêu chưa tính đến điều kiện thực tế của địa phương, trường, lớp.

Chỉ số 3. Chưa thực hiện đầy đủ: thiếu nội dung nhận dạng các chữ cái và tập tô, tập đồ các nét chữ (lớp 4-5 tuổi).

- Bước 3: Dự kiến kế hoạch thực hiện: dựa trên kết quả khảo sát thực trạng ở bước 2, giáo viên dự kiến kế hoạch thực hiện những nội dung/tiêu chí cần thực hiện hoặc bổ sung, điều chỉnh theo thứ tự ưu tiên.

 Ví dụ: Giáo viên dự kiến kế hoạch thực hiện những nội dung/tiêu chí cần thực hiện hoặc cần bổ sung, điều chỉnh  đối với nội dung 1. Tiêu chí thực hành áp dụng quan điểm giáo dục lấy trẻ làm trung tâm trong xây dựng kế hoạch giáo dục trẻ mầm non:

Chỉ số 2. Làm rõ và bổ sung mục tiêu cụ thể mang tính đặc thù của địa phương, trường, lớp.

Chỉ số 3. Bổ sung nội dung nhận dạng các chữ cái và tập tô, tập đồ các nét chữ vào kế hoạch giáo dục năm học (độ tuổi: 4-5 tuổi).

- Bước 4: Thực hiện các tiêu chí: căn cứ kết quả làm việc tại bước 3, giáo viên thực hiện các nội dung theo kế hoạch đã dự kiến đó. Trong quá trình thực hiện rút kinh nghiệm và điều chỉnh kế hoạch, nội dung giáo dục cho phù hợp với thực tế của nhóm, lớp khi triển khai thực hiện các tiêu chí.

- Bước 5: Xem xét/đánh giá kết quả thực hiện tiêu chí

Sau khi triển khai thực hiện các tiêu chí, giáo viên/cán bộ quản lý xem xét các kết quả đạt được.

Ví dụ: Giáo viên xem xét kết quả thực hiện các tiêu chí đối với nội dung 1. Tiêu chí thực hành áp dụng quan điểm giáo dục lấy trẻ làm trung tâm trong xây dựng kế hoạch giáo dục trẻ mầm non:

Chỉ số 1. Thực hiện tốt/đầy đủ.

Chỉ số 2. Thực hiện tốt/đầy đủ.

Chỉ số 3. Thực hiện tốt/đầy đủ.

- Bước 6. Rút kinh nghiệm và chia sẻ: xem xét quá trình thực hiện áp dựng các tiêu chí thực hành, những nội dung, tiêu chí, chỉ số đã thực hiện tốt để tiếp tục phát huy và những nội dung, tiêu chí, chỉ số chưa thực hiện hoặc thực hiện chưa tốt để điều chỉnh bổ sung cơ sở vật chất, mục tiêu, nội dung, hình thức tổ chức các hoạt động,... trong kế hoạch tiếp theo. Đồng thời chia sẻ với đồng nghiệp về những vấn đề trên trong các hoạt động sinh hoạt chuyên môn.

Bộ tiêu chí thực hành áp dụng quan điểm giáo dục "lấy trẻ làm trung tâm" trong các cơ sở giáo dục mầm non là công cụ quan trọng giúp cán bộ quản lý, giáo viên mầm non dễ dàng hơn trong việc "lượng hóa", "gọi tên" các việc làm cụ thể để biến lớp mầm non, trường mầm non thành cơ sở giáo dục mà ở đó trẻ là trung tâm của quá trình giáo dục. Xin được chia sẻ và nhận được các ý kiến phản hồi từ các đồng nghiệp./.

Tác giả: Trần Thị Thúy

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập101
  • Thành viên online1
  • Máy chủ tìm kiếm9
  • Khách viếng thăm91
  • Hôm nay67,094
  • Tháng hiện tại485,464
  • Tổng lượt truy cập136,837,277
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi