banner

GDMN - Tổ chức cho trẻ mẫu giáo tự làm đồ chơi góp phần phát triển chương trình giáo dục mầm non

Thứ năm - 30/08/2018 04:19
Dienbien.edu.vn- Phương pháp giáo dục phù hợp với trẻ mẫu giáo là tạo cơ hội cho trẻ được tham gia tích cực vào các hoạt động trải nghiệm, tìm tòi, khám phá môi trường xung quanh dưới nhiều hình thức đa dạng thông qua việc “Học bằng chơi, chơi mà học”. Tổ chức cho trẻ làm đồ chơi được hiểu như một quy trình bắt đầu từ khâu giáo viên làm giàu vốn biểu tượng cho trẻ về các đồ chơi, cho trẻ tham gia sưu tầm, tìm kiếm, chuẩn bị nguyên vật liệu và hướng dẫn trẻ làm đồ chơi. Quy trình đó cần thực hiện các hoạt động sau:
1. Tổ chức cho trẻ khám phá về các loại đồ chơi quen thuộc

Để mở rộng vốn biểu tượng và hiểu biết của trẻ về đồ chơi, tạo cơ hội cho trẻ được tìm hiểu, khám phá về các đặc điểm (màu sắc, kích cỡ, hình dáng, chất liệu…) của đồ chơi, giáo viên tạo cơ hội cho trẻ:

Chơi với nhiều loại đồ chơi trong các hoạt động hàng ngày của trẻ ở trường, bố trí vào các khoảng thời gian thích hợp. Giáo viên hướng trẻ tới việc khám phá về cấu trúc chung của đồ chơi, đồng thời nhấn mạnh vẻ đẹp độc đáo của đồ chơi (về màu sắc, kích cỡ, hình dáng, chất liệu…) của đồ chơi; cho trẻ thao tác với đồ chơi; gợi ý trẻ chơi với đồ chơi theo nhiều cách khác nhau để tăng hứng thú của trẻ với đối tượng quan sát và giúp trẻ ghi nhớ những nét đặc trưng của đồ chơi;

Quan sát tranh ảnh, băng đĩa, mô hình đồ chơi vào mọi khoảng thời gian thích hợp. Giáo viên bố trí trẻ ngồi cho phù hợp để mọi trẻ có thể nhìn rõ đối tượng quan sát và giáo viên bao quát được trẻ. Trong quá trình quan sát, giáo viên đặt câu hỏi gợi mở kích thích trẻ quan sát, trao đổi, thảo luận để khắc sâu hình ảnh, biểu tượng của đối tượng quan sát, khuyến khích trẻ gọi tên và nhận xét các đặc điểm về cấu tạo, hình dáng, màu sắc của đồ chơi.

Sau mỗi chủ đề hoặc mỗi tháng, giáo viên tổ chức buổi triển lãm nhỏ ngay tại lớp học để trưng bày các đồ chơi (bao gồm cả mua sẵn và do cô, trẻ tự làm) nhằm tạo cơ hội cho trẻ quan sát, thảo luận về đồ chơi của nhau, khuyến khích các ý tưởng mới của trẻ về những đồ chơi sẽ làm ở lần sau.

 2. Cho trẻ kể về đồ chơi yêu thích của mình

Với mục tiêu kích thích những xúc cảm, tình cảm tích cực, khơi gợi trí tưởng tượng sáng tạo ở trẻ, tạo cơ hội cho trẻ được chia sẻ niềm vui, sự hứng thú với các bạn và phát triển ngôn ngữ mạch lạc cho trẻ giáo viên cần tận dụng các thời điểm thích hợp (giờ đón trẻ, giờ trả trẻ, hoạt động vui chơi, hoạt động chiều) để trẻ được kể về đồ chơi yêu thích của mình. Khuyến khích để nhiều trẻ được kể về đồ chơi mình yêu thích.

Nếu trẻ gặp khó khăn trong việc tự kể về đồ chơi, giáo viên có thể gợi ý bằng một số câu hỏi như: “Con thích đồ chơi nào nhất?”, “Ai tặng/mua cho con?”, “Đồ chơi có màu gì?”, “Đồ chơi được làm bằng gì?”, “Đồ chơi gồm những phần/bộ phận nào?”, “Con chơi với đồ chơi đó như thế nào?”, “Vì sao con thích đồ chơi đó?”, “Con đặt tên cho đồ chơi đó là gì?”… Đồng thời, giáo viên có thể gợi ý để trẻ nói về những cảm xúc của bản thân khi được bố mẹ (người lớn) mua/làm cho đồ chơi.
1
Các bé trường Mầm non Bình Minh huyện Tuần Giáo
trong giờ Hoạt động ngoài trời
 
3. Giáo viên, trẻ mẫu giáo cùng tìm kiếm và làm sạch nguyên vật liệu

Giáo viên tổ chức cho trẻ dạo chơi, tham quan. Trong quá trình dạo chơi, tham quan, giáo viên hướng dẫn trẻ tìm, thu lượm các nguyên vật liệu thiên nhiên (lá cây, cành cây, hoa quả, hột, hạt,…), gợi ý cho trẻ quan sát và phát hiện xem “cái này giống cái gì?’; “Cái này có thể làm thành đồ chơi gì?”. Trong khi cùng trẻ thu lượm các nguyên vật liệu tự nhiên (lá cây, cành cây, hoa quả, hạt…), giáo viên cần quan tâm tới việc giáo dục cho trẻ thái độ bảo vệ thiên nhiên (không được bẻ cành, vặt lá, hái quả; chỉ nhặt lá rụng, cành cây khô…).

Giáo viên phối hợp với phụ huynh thu gom những loại nguyên vật liệu cần cho trẻ làm đồ chơi (nhất là nguyên vật liệu tái sử dụng rất dễ kiếm trong gia đình: lõi cuộn giấy vệ sinh, vỏ hộp bánh kẹo, các túi, lon, hộp đựng thức ăn, báo/tạp chí cũ, bìa lịch, thìa nhựa, ống hút…) và sưu tầm thêm các loại nguyên vật liệu khác như: các loại ngũ cốc, rau, củ, quả tươi và khô, cành cây khô, các loại hạt, các loại vỏ trứng, len, cúc áo, tất cũ… các nguyên vật liệu cần đảm bảo vệ sinh, an toàn đối với trẻ.

Sau khi thu gom các nguyên vật liệu, giáo viên hướng dẫn trẻ cùng làm sạch nguyên vật liệu dưới hình thức hoạt động lao động. Giáo viên hướng dẫn sao cho trẻ biết cách chuẩn bị đồ dùng, dụng cụ cần thiết, làm sạch các nguyên vật liệu cùng cô (trẻ bé), tự làm sạch các nguyên vật liệu dưới sự hướng dẫn, bao quát của giáo viên (trẻ lớn). Với những nguyên vật liệu khó làm sạch giáo viên giúp trẻ làm; trong quá trình thực hiện giáo viên và trẻ trò chuyện để khơi gợi những ý tưởng ban đầu để trẻ có mong muốn được làm đồ chơi từ các nguyên vật liệu đó.

Sau khi làm sạch các nguyên vật liệu, giáo viên cùng trẻ phân loại, sắp xếp các nguyên vật liệu vào trong các hộp/rổ và ghi rõ nhãn mác hoặc ghi ký hiệu riêng thuận tiện cho trẻ trong quá trình lựa chọn, sử dụng đồ chơi theo ý thích. Việc sắp xếp các nguyên vật liệu phải mang tính “mở” để giúp trẻ nảy sinh những ý tưởng làm đồ chơi.

Thực hiện hoạt động này giúp làm phong phú nguồn nguyên vật liệu cho trẻ làm đồ chơi, tạo điều kiện khơi gợi ở trẻ những ý tưởng mới lạ; phát huy tính tích cực, chủ động của trẻ trong việc cùng tham gia chuẩn bị nguyên vật liệu để làm đồ chơi đồng thời giáo dục trẻ ý thức bảo vệ môi trường.

4. Trò chuyện, đàm thoại gây hứng thú và phát huy tính tích cực của trẻ

Thực hiện trò chuyện, đàm thoại gây hứng thú và phát huy tính tích cực của trẻ nhằm tích cực hóa hoạt động nhận thức của trẻ, kích thích trẻ thể hiện tính độc lập, tự chủ. Tạo hứng thú cho trẻ trong quá trình làm đồ chơi.

Giáo viên đàm thoại cùng trẻ trước khi trẻ bắt tay vào công việc và trong quá trình làm đồ chơi nhằm giúp trẻ gợi nhớ lại những đặc điểm của đồ chơi (màu sắc, chất liệu, những bộ phận cơ bản của đồ chơi, cách gắn các bộ phận với nhau).

Giáo viên tạo cơ hội cho mọi trẻ đều được tham gia trả lời các câu hỏi của cô và khuyến khích trẻ nêu lên các ý tưởng làm đồ chơi của mình. Dựa trên kinh nghiệm của trẻ, cô giúp trẻ xác định sự khác nhau giữa đồ vật thật với đồ chơi mô phỏng và hướng dẫn trẻ tái tạo lại mẫu đồ chơi cũ hoặc làm đồ chơi mới.

Các câu hỏi dành cho trẻ cần đa dạng nhưng ngắn gọn, dễ hiểu, từ dễ đến khó và kích thích trẻ huy động các thao tác tư duy: phân tích, tổng hợp, so sánh, trừu tượng hóa, khái quát hóa như:

Câu hỏi về dự định của trẻ;

Câu hỏi về các bước để làm ra đồ dùng, đồ chơi;

Câu hỏi kích thích trẻ suy nghĩ, tìm tòi, phát hiện ra phương thức giải quyết vấn đề, tình huống phát sinh trong quá trình làm đồ chơi.

5. Trẻ quan sát mẫu đồ chơi và cô chỉ dẫn cách làm

Giáo viên đưa mẫu đồ chơi cho trẻ quan sát; trò chuyện gợi mở để trẻ nắm được mẫu. Trong quá trình trẻ quan sát, cô đưa ra những hướng dẫn/chỉ dẫn cho trẻ về cách làm đồ chơi đó, nhấn mạnh những chi tiết nổi bật của đồ chơi.

Trong quá trình trẻ làm đồ chơi, tùy từng trường hợp hay tình huống cụ thể mà giáo viên có sự gợi ý, hướng dẫn cách làm và đưa ra chỉ dẫn cần thiết (chỉ dẫn bằng lời hoặc làm lại mẫu). Việc làm mẫu hoặc chỉ dẫn cho trẻ cần lưu ý đến kinh nghiệm, những kỹ năng của trẻ và độ khó của sản phẩm.

Đối với trẻ mẫu giáo bé, nhỡ hay vào thời gian đầu trẻ chưa có hoặc chưa thành thạo các kỹ năng làm đồ chơi, giáo viên cần chỉ dẫn tỷ mỉ toàn bộ cách làm đồ chơi đó. Những kỹ năng nào khó hoặc trẻ chưa biết, giáo viên làm mẫu thật chậm từng kỹ năng và khuyến khích trẻ làm lại.

Khi trẻ đã có kỹ năng cơ bản để làm đồ chơi, giáo viên sử dụng mẫu đồ chơi và lời giải thích đơn giản hơn, đồng thời khuyến khích trẻ thể hiện những kỹ năng mà trẻ đã biết, giáo viên làm người hướng dẫn và tổ chức hoạt động cho trẻ, cùng trẻ thảo luận trình tự, cách làm, cách lựa chọn nguyên vật liệu… để tạo ra đồ chơi.

Với những mẫu đồ chơi đã quen thuộc mà đa số trẻ đã biết cách làm thì giáo viên hầu như không cần hướng dẫn, giải thích lại quá trình làm mà chỉ gợi ý trẻ suy nghĩ chọn nhiều nguyên vật liệu khác nhau để cùng làm một mẫu đồ chơi hoặc gợi ý trẻ làm đồ chơi theo ý tưởng của bản thân.

Giáo viên tạo cơ hội cho trẻ được nói lên ý kiến của mình về cách làm đồ chơi và tôn trọng ý kiến của trẻ.

Hoạt động cho trẻ quan sát mẫu đồ chơi và cô chỉ dẫn cách làm như vậy giúp trẻ nắm được mẫu đồ chơi, tích cực hóa hoạt động nhận thức của trẻ, kích thích trẻ thể hiện tính độc lập, tự chủ.
2
Các bé mẫu giáo lớn trường Mầm non Hoàng Công Chất huyện Điện Biên tự làm đồ chơi
 
6. Khuyến khích trẻ tự làm đồ chơi

Thông qua các tình huống có vấn đề nảy sinh trong quá trình trẻ làm đồ chơi giáo viên gợi mở, phát huy khả năng sáng tạo, trí tưởng tượng của trẻ, kích thích trẻ tìm tòi, suy nghĩ và tìm cách giải quyết tình huống để làm được các đồ dùng, đồ chơi theo ý tưởng.

Giáo viên chủ động tạo ra tình huống nhằm gợi mở ý tưởng sáng tạo của trẻ trong việc tạo ra đồ chơi mới từ các nguyên vật liệu quen thuộc hoặc sử dụng nguyên vật liệu theo nhiều cách khác nhau.

Các tình huống cần được phát triển một cách tự nhiên, không khiên cưỡng và được đặt trong mối liên hệ với các hoạt động khác.

7. Phối hợp với gia đình của trẻ hướng dẫn trẻ làm đồ chơi

Nhằm tạo cơ hội cho trẻ được làm đồ chơi ở tại gia đình; tăng cường, lôi cuốn sự tham gia của phụ huynh trong việc hướng dẫn trẻ làm đồ chơi tại gia đình; tạo mối liên hệ chặt chẽ giữa gia đình-nhà trường trong công tác chăm sóc, giáo dục trẻ, giáo viên cần có kế hoạch và những nội dung cụ thể cần trao đổi, phối hợp với phụ huynh trong việc hướng dẫn trẻ làm đồ chơi tại gia đình.

Trong các buổi họp phụ huynh đầu năm học hoặc các buổi gặp gỡ, trao đổi với phụ huynh và các giờ đón, trả trẻ, giáo viên giới thiệu với phụ huynh về chương trình học, các hoạt động của trẻ ở trường/lớp và mong muốn sự tham gia, phối hợp của phụ huynh trong việc hướng dẫn trẻ làm đồ chơi tại gia đình.

Giáo viên cung cấp cho phụ huynh tham khảo một số mẫu đồ chơi dễ làm, phù hợp với trẻ, sách hướng dẫn làm đồ chơi hay địa chỉ website về làm đồ chơi cho trẻ. Trong trường hợp cần thiết, giáo viên có thể trực tiếp hướng dẫn phụ huynh làm một số đồ chơi cho trẻ.

Giáo viên cho trẻ trưng bày các sản phẩm mà trẻ đã làm để phụ huynh có cơ hội được xem những sản phẩm cho chính con mình làm, điều đó khiến phụ huynh tự hào và hứng thú với việc cùng tham gia vào các hoạt động của lớp.

Nhân dịp các ngày hội, ngày lễ, giáo viên có thể tổ chức mời phụ huynh tham gia vào cuộc thi làm đồ chơi cho trẻ hoặc mời phụ huynh đến lớp hướng dẫn trẻ làm đồ chơi.

Ở những nơi có điều kiện, nhà trường/lớp kết hợp với phụ huynh tổ chức cho trẻ đi thăm các làng nghề, các nghệ nhân làm đồ chơi dân gian ở địa phương hoặc mời nghệ nhân đến trường/lớp để trò chuyện với trẻ và hướng dẫn trẻ cùng làm đồ chơi.

Việc tổ chức cho trẻ mẫu giáo làm đồ chơi vừa là cơ hội cho trẻ thực hành các kỹ năng của hoạt động tạo hình vừa là một phương tiện có hiệu quả trong việc phát huy tính tích cực, khả năng tưởng tượng, sáng tạo… của trẻ, giúp trẻ được phát triển năng khiếu, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc./.
 

Tác giả: Trần Thị Thúy

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập175
  • Máy chủ tìm kiếm15
  • Khách viếng thăm160
  • Hôm nay36,913
  • Tháng hiện tại820,337
  • Tổng lượt truy cập135,298,630
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi