banner

GDTH - Nâng cao năng lực dạy dạng bài Mở rộng vốn từ cho giáo viên tiểu học

Thứ hai - 24/09/2018 22:43
Từ tiếng Việt là một khái niệm quan trọng trong ngôn ngữ học, cho đến nay đã có rất nhiều khái niệm về Từ tiếng Việt. Theo cố Giáo sư Đỗ Hữu Châu “Từ của Tiếng Việt là một hoặc một số âm tiết cố định, bất biến, mang những đặc điểm ngữ pháp nhất định, nằm trong những kiểu cấu tạo nhất định, tất cả ứng với một kiểu ý nghĩa nhất định lớn nhất trong Tiếng Việt và nhỏ nhất để tạo câu”.
Cấp Tiểu học là nền tảng của hệ thống giáo dục quốc dân, có nhiệm vụ xây dựng và phát triển tình cảm đạo đức, trí tuệ, thẩm mỹ và thể chất của trẻ, hình thành cơ sở ban đầu cho sự phát triển toàn diện nhân cách con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Những gì được hình thành ở cấp Tiểu học sẽ theo suốt cuộc đời của một con người và rất khó thay đổi, khó hình thành lại. Tiếng Việt ở trường Tiểu học có nhiệm vụ hình thành năng lực hoạt động ngôn ngữ cho học sinh, được thể hiện trong 4 hoạt động tương ứng với 4 kĩ năng: nghe - nói - đọc - viết. Đó là môn học gồm nhiều phân môn và chiếm nhiều thời gian học tập ở cấp tiểu học. Việc dạy Tiếng Việt ở trường nhằm tạo cho học sinh năng lực sử dụng tiếng Việt, năng lực tư duy, giao tiếp, giáo dục các em những tư tưởng lành mạnh, trong sáng nhằm hình thành nhân cách học sinh. Trong chương trình môn Tiếng Việt ở tiểu học, Luyện từ và câu được tách thành một phân môn độc lập, có vị trí ngang bằng với các phân môn khác như Tập đọc, Chính tả, Tập làm văn,... Trong đó dạng bài Mở rộng vốn từ được chú trọng với số lượng bài học khá nhiều theo từng chủ điểm. Mục tiêu dạng bài này hướng tới 3 nhiệm vụ chủ yếu: Giúp học sinh phong phú hoá vốn từ, chính xác hoá vốn từ và tích cực hoá vốn từ. Với học sinh, việc mở rộng vốn từ rất cần thiết, đó là điều kiện thuận lợi để các em học tốt các môn học khác ở Tiểu học và học tiếp lên cấp học cao hơn. Muốn vậy giáo viên phải có năng lực về từ vựng và phương pháp tiếp cận phù hợp với đối tượng học sinh. Chuyên đề này gợi ý một số hướng tiếp cận đối với giáo viên khi dạy dạng bài này. Các thầy, cô cần căn cứ vào khả năng nhận thức của học sinh để lựa chọn phương pháp dạy học phù hợp, hướng tới mục tiêu giúp các em trau dồi vốn từ, nâng cao năng lực sử dụng ngôn ngữ, rèn kĩ năng diễn đạt, giao tiếp, dùng từ đặt câu, sử dụng trong các bài Tập làm văn.

Hiện nay, một bộ phận giáo viên trong dạy mở rộng vốn từ tiếng Việt còn hạn chế. Vốn kiến thức từ vựng  chưa đáp ứng được yêu cầu hướng dẫn học sinh mở rộng vốn từ; một số giáo viên lúng túng trong việc giải thích nghĩa từ nên việc hướng dẫn học sinh tập giải nghĩa từ, làm bài tập giải nghĩa từ chưa đạt hiệu quả cao, thậm chí bộc lộ những sai sót về kiến thức. Cách dạy của giáo viên trong giờ luyện từ và câu còn đơn điệu, lệ thuộc sách hướng dẫn, ít sáng tạo, chưa sinh động, chưa lôi cuốn học sinh,… Các tài liệu tham khảo phục vụ việc giảng dạy Luyện từ và câu cũng như tranh ảnh, đồ dùng dạy học chưa được giáo viên khai thác có hiệu quả. Một số giáo viên chưa thực sự chú trọng nhiều đến dạng bài Mở rộng vốn từ, cho rằng đây là dạng bài khó, một số chủ đề trừu tượng, ít gần gũi với học sinh (nhất là học sinh dân tộc). Bên cạnh đó, cách miêu tả, giải thích nghĩa một số từ trong sách giáo khoa, sách hướng dẫn còn mang tính chất ngôn ngữ học, chưa phù hợp với lối tư duy trực quan của các em. Khi dạy dạng bài mở rộng vốn từ giáo viên thường dành chủ yếu thời gian cho phần lý thuyết còn phần luyện tập chưa quan tâm thoả đáng. Yêu cầu đối với học sinh của giáo viên còn rập khuôn, máy móc, thường chỉ chấp nhận và yêu cầu học sinh nói và viết theo sách mà chưa có sự khuyến khích, động viên những giải thích theo quan điểm của học sinh, chưa phát huy được tính tích cực, chủ động, sáng tạo của các em trong giờ học.

Để dạy tốt dạng bài Mở rộng vốn từ tiếng Việt, trước hết giáo viên cần nắm vững đặc điểm tâm lý của học sinh tiểu học. Ta nhận thấy cơ thể của các em đang ở thời kì phát triển, “Cụ thể là các hệ cơ quan chưa hoàn thiện vì thế sức dẻo dai của cơ thể còn thấp nên trẻ không thể làm lâu một cử động đơn điệu, dễ mệt khi hoạt động quá mạnh và ở môi trường thiếu dưỡng khí”. Ở lứa tuổi này các em thiếu hiểu biết về mọi mặt, đặc biệt là sự nhận biết về thực tế cuộc sống. Vì vậy người giáo viên cần phải tạo hứng thú trong học tập và phải thường xuyên được luyện tập. Tâm hồn các em rất trong sáng, hồn nhiên. độ tuổi này các em rất dể xúc động, thích tiếp xúc với một sự vật hiện tượng nào đó đặc biệt là với những hình ảnh gây cảm xúc mạnh. Học sinh Tiểu học rất giàu cảm xúc, cả tin dễ chia sẻ với bạn bè và người mình tin yêu, các em luôn tìm tòi sự gần gũi, yêu thương từ người lớn, luôn mong muốn được che chở quan tâm. Nhận thức tư duy của học sinh độ tuổi này còn mang tính trực quan chưa cụ thể. Các em rất hiếu động, ham hiểu biết cái mới nên dễ gây cảm xúc mới song cũng nhanh chán. Do vậy trong quá trình lên lớp giáo viên phải sử dụng đa dạng hình thức dạy học như: sử dụng đồ dùng trực quan, đưa học sinh đi tham quan thực tế, tăng cường thực hành tổ chức trò chơi xen kẽ,... nhằm củng cố khắc sâu kiến thức bằng cách tạo hứng thú học tập cho học sinh.
1
Khai thác tranh ảnh trong dạy tăng cường tiếng Việt ở trường PTDTBT Tiểu học Chà Nưa, huyện Nậm Pồ
 
Thứ hai giáo viên cần tự học, tự bồi dưỡng để tăng vốn từ vựng và giải nghĩa từ tiếng Việt. Giáo viên cần thông qua con đường tự học, tập huấn, bồi dưỡng, sinh hoạt cụm, tổ chuyên môn để tự trang bị cho mình một vốn từ vựng tiếng Việt phong phú. Có thể sử dụng từ điển Tiếng Việt, từ điển Việt-Mông, từ điển Tiếng Việt dành cho học sinh dân tộc thiểu số để nâng cao vốn từ vựng và giải nghĩa từ. Bên cạnh đó, giáo viên cần hướng dẫn học sinh có thói quen tích lũy vốn từ. Vở tập viết của học sinh thường ghi chép rất ít, chỉ ghi tên chủ đề. Giáo viên cần hình thành cho học sinh thói quen tích lũy vốn từ, công việc này đòi hỏi nỗ lực, sự kiên trì và lòng tận tâm của giáo viên.

Thứ ba, giáo viên cần nắm vững nội dung, mức độ yêu cầu dạng bài mở rộng vốn từ trong chương trình tiểu học. Môn Tiếng Việt được xây dựng mang tính đồng tâm, kế thừa theo từng mạch kiến thức từ các lớp dưới. Để giúp việc dạy học mở rộng vốn từ có hiệu quả đòi hỏi người giáo viên phải hệ thống được nội dung về phần kiến thức này có trong chương trình Tiểu học cũng như chuẩn kiến thức kĩ năng cần đạt ở các lớp dưới và lớp mình đang dạy. Có như vậy người giáo viên biết được học sinh đã học được những gì, cần mở rộng vốn từ đến mức độ nào. Điều này rất thuận lợi cho việc hướng dẫn học sinh giải quyết các bài tập. VD: Từ trái nghĩa, từ đồng nghĩa các em đã được học từ lớp 2,3,4; các từ nói về phẩm chất con người như: dũng cảm, gan dạ, siêng năng...các em học ở lớp 2 (từ chỉ đặc điểm),...

Thứ tư, giáo viên cần đa dạng hóa các dạng bài tập trong dạy dạng bài mở rộng vốn từ. Một số dạng bài tập phổ biến như:  Quan sát tranh (nối từ cho sẵn với hình vẽ tương ứng, dựa vào tranh tìm từ tương ứng...), bài tập điền từ, bài tập dùng từ đặt câu, bài tập chữa lỗi dùng từ,...

Thứ năm, giáo viên phát huy tính tích cực của học sinh trong dạy học mở rộng vốn từ. Muốn phát huy được tính tích cực của học sinh người giáo viên phải thiết kế một hệ thống câu hỏi mở, gần gũi trong mỗi bài tập thật cụ thể phù hợp với đối tượng học sinh.
Thứ sáu, thông qua các phân môn Tiếng Việt và các môn học khác để mở rộng vốn từ cho học sinh. Các môn học và hoạt động giáo dục trong trường tiểu học sẽ góp phần giúp học sinh tích luỹ vốn từ, rèn kĩ năng sử dụng ngôn ngữ mà các em tích lũy được; kết hợp hoạt động ngoài giờ nhằm bồi dưỡng cho học sinh ý thức và thói quen sử dụng tiếng Việt trong giao tiếp, các em có thói quen dùng từ đúng, nói viết thành câu, biết quý trọng và giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.

Thứ bảy, tổ chức một số trò chơi mở rộng vốn từ. Để tạo hứng thú cho học sinh trong các giờ học giáo viên thiết kế các trò chơi phù hợp tâm lý lứa tuổi học sinh tiểu học qua đó góp phần giúp học sinh tăng vốn từ một cách tự nhiên, một số trò chơi tiêu biểu như:Trò chơi “Tìm nhanh từ chỉ sự vật”; “Ai tài đối đáp”,  “Truy tìm từ ngữ”,  điền từ,...

Thứ tám, tăng cường dạng câu hỏi về từ vựng trong kiểm tra đánh giá. Học tập, rèn luyện cần gắn với kiểm tra đánh giá, giáo viên, các nhà trường cần tăng cường dạng câu hỏi về từ vựng trong các đề kiểm tra thường xuyên, kiểm tra định kỳ để đánh giá mức độ sử dụng vốn từ của học sinh.

Thứ chín, phát triển vốn từ thông qua xây dựng môi trường giao tiếp Tiếng Việt ở trường và gia đình, cộng đồng. Trong các hoạt động tập thể giáo viên có thể tham gia cùng học sinh, tổ chức, hướng dẫn các em chơi các trò chơi sân trường và yêu cầu các em nói với nhau bằng tiếng Việt. Trong môi trường giao tiếp tự nhiên, không bị áp lực bởi nội dung bài học, các em sử dụng tiếng Việt sẽ dễ dàng hơn. Ngoài ra, các trường tiểu học cần tổ chức, tham gia các sân chơi sử dụng tiếng Việt trong giao tiếp như Câu lạc bộ “Tiếng Việt của chúng em”, “Đố vui tiếng Việt” “Thế giới quanh em”; "Trạng nguyên tiếng Việt",... nhằm giúp học sinh tự tin hơn trong giao tiếp; khuyến khích học sinh tham gia các trò chơi phát triển tiếng Việt trên Internet ở các vùng thuận lợi.
2
Hoạt động giao lưu tiếng Việt ở trường PTDTBT Tiểu học Pa Tần, Nậm Pồ
 
Thứ 10, nhà trường thiết kế hoạt động vẽ tranh và xây dựng cây từ vựng tiếng Việt. Các tranh ảnh khổ lớn theo các chủ đề: có thể dùng tranh vẽ, ảnh màu hoặc đen trắng về cảnh vật, hình ảnh, hoạt động phổ biến tại địa phương. Ví dụ: sinh hoạt tại gia đình, chợ, sân trường, cảnh làng quê, các tụ điểm công cộng, các ngày lễ hội hay những sự kiện lớn, cảnh mọi người đang làm việc trong vườn hay trên cánh đồng...Những tranh ảnh này không yêu cầu cao về mặt nghệ thuật, nhưng yêu cầu phải có kích thước lớn (A3, A4) để đảm bảo học sinh dễ quan sát từ nhiều góc độ. Nên tập trung vào việc chỉ ra con người và các hoạt động, cây cối, địa điểm, động vật... Giáo viên có thể tô màu cho bức tranh, do vậy người trong bức tranh nên mặc những bộ quần áo với màu sắc quen thuộc của cộng đồng.
3
Xây dựng cây từ vựng chủ đề gia đình của Trường Tiểu học Hua Nguống, huyện Mường Ảng
 
"Cây từ vựng" là kỹ thuật phổ biến để tạo môi trường thuận lợi cho học sinh học từ vựng, giúp học sinh tiếp xúc với các từ vựng cần học nhiều lần hơn. Cây từ vựng được giáo viên bài trí đẹp và khoa học trong không gian lớp học để tăng cường sự tiếp xúc của học sinh với các từ vựng quan trọng của bài học trong ngày (hoặc trong tuần, trong chủ đề), làm cho việc học từ và ngôn ngữ gắn với sinh hoạt thường xuyên ở lớp và gắn với cuộc sống. "Cây từ vựng" gồm các từ theo chủ điểm đang học có thể được bố trí theo quan hệ các từ (hoặc cụm từ) có quan hệ Toàn bộ/Bộ phận, có quan hệ Nhân-quả, có cùng vần (hoặc cùng âm), hoặc từ đồng âm, hoặc đồng nghĩa (trái nghĩa), từ cùng chủ đề (gần nghĩa), hay là xếp theo thứ tự chữ cái... tuỳ theo cách lựa chọn của giáo viên và học sinh. Ví dụ khi học đến chủ đề thực vật trong môn Tự nhiên - Xã hội, giáo viên có thể hướng dẫn học sinh làm cây từ vựng: "Cây" gồm có: "Thân, rễ, lá, hoa, quả". Trong "Thân" lại có: "Thân cỏ, thân gỗ"; trong "Thân gỗ" lại có: "Cây xoan, cây mít....". Xây dựng "Cây từ vựng tiếng Việt", trang trí ở một góc lớp học sinh vừa nhớ được các từ mới, hiểu nghĩa các từ đó, lại vừa xâu chuỗi được các kiến thức khoa học trong chủ đề.

Trên đây là một số định hướng nhằm giúp giáo viên nâng cao năng lực dạy dạng bài Mở rộng vốn từ đạt hiệu quả cao hơn. Chuyên đề hướng tới mục đích cuối cùng là giúp học sinh phát triển ngôn ngữ, tự tin hơn trong giao tiếp tiếng Việt, từ đó bộc lộ nhiều hơn những suy nghĩ, tâm tư tình cảm, nhận thức và quan điểm của bản thân trong việc vận dụng những kiến thức được học trong nhà trường và thực tiễn cuộc sống.

Tác giả: Phan Bá Hiền

Nguồn tin: Trường THPT Thị xã Mường Lay

Tổng số điểm của bài viết là: 15 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập147
  • Máy chủ tìm kiếm15
  • Khách viếng thăm132
  • Hôm nay36,913
  • Tháng hiện tại820,425
  • Tổng lượt truy cập135,298,718
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi