banner

GDTH – Thực hiện một số giải pháp nhằm huy động học sinh đến trường góp phần thực hiện mục tiêu phổ cập giáo dục

Thứ ba - 21/11/2017 22:21
Trường Tiểu học Sính Phình Số 1 là đơn vị thuộc xã đặc biệt khó khăn của huyện Tủa Chùa, 100% học sinh là con em đồng bào dân tộc Mông, hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhận thức về giáo dục và việc học của học sinh chưa được phụ huynh quan tâm đúng mức. Nhận thức được điều này trong những năm qua nhà trường đã thường xuyên phối hợp với phụ huynh, cấp Ủy, chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể trong việc huy động học sinh đi học chuyên cần nhằm thực hiện mục tiêu phổ cập giáo dục.
Qua công tác điều tra phổ cập giáo dục, nhà trường nhận thấy có một số nguyên nhân dẫn đến việc đi học không chuyên cần chủ yếu như: Điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, thiếu sự quan tâm của cha mẹ, học sinh bỏ học để phụ giúp gia đình; phụ huynh còn tư tưởng phó mặc việc giáo dục con em cho nhà trường, thầy cô; một số học sinh mặc cảm, tự ti với bản thân, thiếu niềm tin vào khả năng học tập, không theo kịp chương trình, thua kém bạn bè dẫn đến muốn nghỉ học; học sinh xa nhà phải về ở nội trú không muốn xa bố mẹ, anh em nên dẫn đến nghỉ học tự do. Đặc biệt là tình trạng trọng nam khinh nữ (con gái ở nhà trông em, làm nương, lấy chồng…). Từ đó nhà trường đã đề ra một số giải pháp huy động và duy trì sĩ số thường xuyên để nâng cao chất lượng giáo dục.

Thứ nhất nhà trường đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động học sinh tới trường; tổ chức điều tra thống kê số liệu học sinh toàn xã, từng bản, tham mưu cho cấp Ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể cùng phối hợp trong công tác vận động tuyên truyền học sinh trong độ tuổi đến trường; thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền giáo dục để nâng cao nhận thức về quan điểm đường lối giáo dục của Đảng và Nhà nước thông qua các cuộc họp của chính quyền địa phương, thôn bản và họp phụ huynh học sinh.

 Nhà trường thường xuyên tuyên truyền tới các bậc phụ huynh, nhân dân nhận thức rõ tầm quan trọng của việc học tập của các em, từ đó phối hợp tích cực với nhà trường trong công tác duy trì sĩ số; kiểm tra sát sao sĩ số đi học hàng ngày của học sinh, kịp thời nắm bắt những học sinh nghỉ học, bỏ học giữa chừng để có các biện pháp như: Gọi điện trực tiếp cho gia đình trao đổi tìm hiểu nguyên nhân, viết giấy thông báo gửi về gia đình phụ huynh biết, giáo viên chủ nhiệm trực tiếp tới nhà học sinh tìm hiểu nguyên nhân và vận động phụ huynh đưa con em trở lại lớp. Đồng thời báo cáo nhà trường hàng ngày từ đó kết hợp tham mưu cấp ủy chính quyền có biện pháp vận động các em đi học chuyên cần.
1
 Giáo viên đi bản cách trường 12 km để huy động học sinh ra lớp
 
Thứ hai, nhà trường phối hợp với các cấp Ủy chính quyền địa phương và trưởng thôn bản; tham gia các buổi giao ban, họp dân từ đó có sự tham mưu, phối hợp trong việc duy trì số lượng học sinh tới trường; quan tâm, động viên khen thưởng kịp thời những học sinh có thành tích tốt trong học tập, nhắc nhở những học sinh chưa có ý thức trong học tập hay nghỉ học tự do.
2
Trao phần thưởng cho học sinh có thành tích xuất sắc trong học tập
 
Thứ ba, nhà trường tổ chức các hoạt động ngoại khóa nhằm thu hút học sinh. Tâm lý của học sinh tiểu học là vừa học vừa chơi, đặc biệt là học sinh dân tộc thiểu số đại đa các em thích tham gia các hoạt động ngoại khoá. Nắm bắt được điều này nhà trường chỉ đạo Liên đội xây dựng kế hoạch hoạt động phong phú, đa dạng phù hợp với tâm lý lứa tuổi học sinh: Tổ chức cho học sinh chơi các trò chơi dân gian của địa phương, đọc sách truyện tranh, xem phim thiếu nhi, kết hợp với tổ chức Phát triển vùng huyện tổ chức hoạt động ngoại khóa như: Rung chuông vàng, vệ sinh cá nhân, phòng chống tai nạn thương tích; tổ chức các trò chơi, múa hát tập thể, câu lạc bộ thể thao hoạt động chiều thứ 3 và 5 hàng tuần; tổ chức múa hát văn nghệ nhân ngày khai giảng, tết trung thu, ngày 20/11, sơ kết, tổng kết năm học, viết báo tường nhân ngày 20/11. Các hoạt động trên đều có phần thưởng động viên, khích lệ kịp thời đối với các em,...
3
 Một số hoạt động ngoại khóa của học sinh tại trường
 
Tổ chức đại hội liên đội, qua đó lựa chọn những học sinh ưu tú, đủ năng lực vào ban chấp hành liên đội trường, hướng dẫn ban chấp hành liên đội làm việc có hiệu quả tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các chi đội, tạo cho mỗi học sinh đều nhận thấy vai trò, tầm quan trọng của mình đối với chi đội. Hàng ngày ban chấp hành liên đội kiểm tra chấm điểm các chi đội, ghi vào sổ theo dõi của Liên đội. Hàng tuần vào tiết chào cờ đầu tuần Tổng phụ trách Đội đánh giá tình hình hoạt động của liên đội, các chi đội trong tuần xếp loại thi đua các chi đội nêu tên những học sinh tiêu biểu nhằm động viên khuyến khích tinh thần học tập của các em cũng như những học sinh cá biệt để răn đe, giáo dục các em học sinh chưa ngoan.

Thứ tư, nhà trường làm tốt khâu chăm sóc, nuôi dưỡng đối với học sinh có nhà cách xa trường. Tuy không là trường PTDTBT nhưng ngay từ đầu năm học nhà trường tổ chức họp phụ huynh học sinh thống nhất nhất việc tổ chức cho học sinh ăn, lựa chọn nhà cung cấp thực phẩm đảm bảo chất lượng, vệ sinh. Nhà trường xây dựng định mức ăn cả tháng của học sinh, từ đó xây dựng thực đơn ăn theo tuần. Các bữa ăn của học sinh luôn được cải thiện để đảm bảo đủ về số lượng, nâng cao chất lượng bữa ăn. Nhân viên nấu ăn của nhà trường đều qua lớp tập huấn và được cấp giấy chứng nhận do Trung tâm y tế dự phòng cấp. Nhà trường luôn quan tâm tạo mọi điều kiện tốt nhất cho các em học tập, sinh hoạt, tại trường. Làm tốt công tác phối hợp với chương trình Phát triển vùng huyện Tủa Chùa hỗ trợ chăn màn và một số vật dụng khác cho học sinh nội trú, bố trí chỗ ăn, ngủ cho học sinh đầy đủ, hàng năm các em được khám sức khỏe định kỳ 02 lần/năm, tạo môi trường học tập, vui chơi an toàn và lành mạnh để các em học tập tốt hơn.
4
Học sinh nhà trường tham gia hoạt động tập thể
 
Thứ năm, nhà trường tập trung nâng cao chất lượng giáo dục cho học sinh giúp các em tự tin tham gia học tập; tiến hành khảo sát chất lượng đầu năm để phân loại học sinh; giao khoán, kí cam kết số lượng và chất lượng cho giáo viên ở từng khối, lớp; đưa ra các chỉ tiêu cụ thể lấy đó làm cơ sở để đánh giá, xếp loại giáo viên cuối năm và bình xét thi đua, xét nâng lương; xây dựng kế hoạch bồi dưỡng phụ đạo học sinh hàng tháng, tuần và xác định học sinh hổng kiến thức ở lĩnh vực nào thì bổ sung kiến thức cho học sinh ở lĩnh vực đó. Giáo viên phải gần gũi, quan tâm tới những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, học sinh yếu, không phân biệt đối xử giữa các học sinh trong lớp, tạo niềm tin cho các em, để cho các em cảm thấy thích đến trường hơn. Tạo cho học sinh hứng thú trong suốt quá trình học tập, quan tâm, tìm hiểu hoàn cảnh, tâm lý từng học sinh, không gây áp lực cho học sinh. Thường xuyên theo dõi sự tiến bộ trong học tập của học sinh. Quan tâm giúp đỡ học sinh nghèo về vật chất, thiếu thốn về tinh thần.
5
Hình ảnh học sinh trong giờ học chính khóa
 
 Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp năm học qua nhà trường đã huy động, duy trì 100% học sinh trong độ tuổi ra lớp góp phần thực hiện mục tiêu phổ cập giáo dục và góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ở xã vùng cao Sính Phình, Tủa Chùa.
 

Tác giả: Nguyễn Văn Chiến

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập880
  • Máy chủ tìm kiếm17
  • Khách viếng thăm863
  • Hôm nay69,862
  • Tháng hiện tại443,776
  • Tổng lượt truy cập136,795,589
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi