Trường Tiểu học Thanh Luông nằm ở khu vực biên giới của huyện Điện Biên với 70% học sinh dân tộc thiểu số, kinh tế của đa số hộ gia đình còn gặp nhiều khó khăn, điều kiện được tiếp xúc với CNTT của đa số học sinh còn gặp rất nhiều hạn chế. Năm học 2017-2018 nhà trường có tổng số 39 cán bộ giáo viên, 450 học sinh. Những năm học trước, cơ sở vật chất nhà trường chưa được trang bị đầy đủ các phương tiện hiện đại: đèn chiếu, máy chiếu, laptop… việc ứng dụng CNTT khó thực hiện nên chỉ sử dụng trong những tiết thao giảng, thực hiện chuyên đề, ngoại khóa; giáo án điện tử với giáo viên còn là vấn đề mới mẻ,.... Học sinh có thói quen nghe giảng, ghi bài, không được trải nghiệm, chỉ nắm bắt kiến thức đơn giản qua lí thuyết sách vở; tất cả chỉ trông chờ vào những kiến thức thầy truyền thụ đơn giản thiếu hình ảnh minh họa nên thiếu sinh động hấp dẫn, phần ghi bảng tóm tắt, chưa được minh họa nên trò chưa hiểu sâu, chưa có hứng thú thật sự với tiết học.
Từ năm học 2013 – 2014 cơ sở vật chất của nhà trường từng bước được trang bị đầy đủ, khang trang và khá hiện đại, việc ứng dụng CNTT vào công tác quản lí và đổi mới phương pháp dạy học đã mở ra những triển vọng to lớn trong việc đổi mới các phương pháp và hình thức dạy học lấy hoạt động học của học sinh làm trung tâm, dạy học phát hiện và giải quyết vấn đề càng có điều kiện để ứng dụng rộng rãi. Quan trọng hơn, qua một số tiết dạy có ứng dụng CNTT chúng tôi nhận thấy ở các em có sự chuyển biến rõ nét về mức độ tập trung, hứng thú, các em học sôi nổi hơn, giờ học sinh động hơn, tham gia vào tiết học tích cực hơn trở thành động lực thúc đẩy quá trình tự học, tự sáng tạo của giáo viên ngày càng mạnh mẽ hơn. Để ứng dụng công nghệ thông tin góp phần đổi mới phương pháp dạy học có hiệu quả cao, giáo viên phải tự học để nâng cao trình độ chuyên môn, nâng cao khả năng sử dụng vi tính, thiết kế bài giảng điện tử và khai thác thông tin, học liệu qua mạng Internet.
Giờ học Tin học của học sinh trường tiểu học xã Thanh Luông
Muốn ứng dụng CNTT vào giảng dạy hiệu quả thì ngoài những hiểu biết căn bản về nguyên lý hoạt động của máy tính và các phương tiện hỗ trợ, đòi hỏi giáo viên cần phải có kỹ năng thành thạo (thực tế cho thấy nếu ít sử dụng thì kỹ năng sẽ mai một, ngược lại nếu chịu khó học hỏi, thực hành thì việc ứng dụng CNTT vào giảng dạy sẽ chẳng mấy khó khăn). Nhận thức được điều đó, nhà trường rất chú trọng bồi dưỡng kỹ năng ứng dụng CNTT cho giáo viên thông qua nhiều hoạt động, như:
Tổ chức các lớp bồi dưỡng kỹ năng sử dụng máy tính và các phần mềm Tin học với giảng viên là giáo viên CNTT và những giáo viên có kỹ năng tốt về Tin học của trường, theo hình thức trao đổi giúp đỡ lẫn nhau, tập trung chủ yếu vào những kỹ năng mà giáo viên cần sử dụng trong quá trình soạn giảng hàng ngày như lấy thông tin, các bước soạn một bài trình chiếu, các phần mềm thông dụng, cách chuyển đổi các loại phông chữ, cách sử dụng một số phương tiện như máy chiếu, máy quay phim, chụp ảnh, cách thiết kế bài kiểm tra,... Tổ chức sinh hoạt chuyên môn, chuyên đề để trao đổi về kinh nghiệm ứng dụng CNTT trong giảng dạy. Định hướng cho giáo viên luôn có ý thức sưu tầm tài liệu hướng dẫn ứng dụng CNTT hiệu quả, bằng cách làm này nhà trường đã có nhiều tài liệu hay, dễ thực hành cho giáo viên sử dụng như: tài liệu hướng dẫn soạn giáo án powerpoint, hướng dẫn sử dụng máy chiếu, hướng dẫn thiết kế bài giảng điện tử e-Learning,...
Động viên giáo viên tích cực tự học, khiêm tốn học hỏi, sẵn sàng chia sẻ, luôn cầu thị tiến bộ, thường xuyên trao đổi với đồng nghiệp; chuyên môn nhà trường phải là bộ phận kết nối, là trung tâm tạo ra một môi trường học hỏi chuyên môn tích cực; tích cực tham gia các cuộc thi ứng dụng CNTT do ngành tổ chức. Bởi vì khi tham gia bất cứ cuộc thi nào yêu cầu sản phẩm cũng đòi hỏi người tham gia cuộc thi phải có sự đầu tư nhiều hơn về thời gian, công sức, chất xám và cả việc phải học hỏi ở những người giỏi hơn. Như vậy, vô hình chung cả việc rèn kỹ năng, tự học và học hỏi đồng nghiệp đều được đẩy mạnh. Qua các tiết học có ứng dụng CNTT học sinh được trải nghiệm, được trao đổi, mở rộng kiến thức, mở rộng tầm nhìn về thế giới, đất nước con người, các kiến thức về tự nhiên và xã hội.
Học sinh tham gia giải Toán violympic trên mạng Internet Để làm được điều đó, phó hiệu trưởng, các tổ trưởng chuyên môn phải luôn quan tâm sâu sát, đi đầu gương mẫu, cùng học hỏi, cùng làm với giáo viên thì mới hiểu được họ yếu ở điểm nào, gặp khó khăn ở khâu nào, cần giúp đỡ gì (trong các buổi tập huấn về CNTT, cán bộ giáo viên của nhà trường đều tham gia, còn trong các cuộc thi về ứng dụng CNTT phó hiệu trưởng và các tổ trưởng tham gia cùng giáo viên). Nói đi đôi với làm luôn được coi là biện pháp hữu hiệu nhất để thúc đẩy phong trào phát triển.
Từ những ý nghĩa trên chúng ta nhận thấy rằng, việc ứng dụng CNTT phục vụ đổi mới phương pháp dạy và học là một trong những hướng tích cực nhất, hiệu quả nhất nhằm nâng cao chất lượng dạy và học. Việc ứng dụng CNTT rộng rãi trong giảng dạy sẽ được xem là biện pháp hay nhất để nâng cao chất lượng dạy học từ đó nhà trường đã mạnh dạn tổ chức cho giáo viên học tập và đưa CNTT vào trong quá trình giảng dạy của mình trong quá trình dạy học.
Học sinh lớp 5 trong giờ học Khoa học có ứng dụng công nghệ thông tin Việc đưa CNTT vào trong giảng dạy các môn trong chương trình đã phần nào giải quyết được một số vấn đề. Với những trang thiết bị hiện đại phục vụ giảng dạy ở từng lớp học như máy chiếu Proteechs, máy chiếu vật thể, Internet... cùng với những sản phẩm phần mềm như Microsoft Office,... đã giúp việc dạy học của giáo viên sinh động, thu hút sự tập trung, từ đó tạo bước đệm để nâng dần khả năng suy nghĩ của học sinh, tạo sự tương tác có hiệu quả hơn giữa giáo viên, học sinh với bài giảng. Mặt khác, việc đưa CNTT vào giảng dạy còn giúp giáo viên chủ động hơn trong kế hoạch bài giảng của mình, dễ dàng tìm kiếm các tài nguyên phục vụ bài giảng, tạo mạch liên kết giữa các đơn vị, kiến thức tự nhiên, hợp lý hơn. Từ việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động giáo dục, học sinh thi giải toán trên mạng cấp huyện đạt 02 giải nhất; 05 giải nhì, 04 giải 3; 05 giải khuyến khích; cấp tỉnh: 01 giải ba; 03 giải khuyến khích. Thi Violimpic tiếng Anh trên mạng: cấp huyện 01 giải nhì, 05 giải khuyến khích. Giáo viên dạy giỏi: Cấp huyện 02 giải nhất, 01 giải khuyến khích; cấp tỉnh: 01 giải xuất sắc; 01 giải nhì. Giáo viên thi Ứng dụng công nghệ thông tin, thi thiết kế bài giảng điện tử e-Learning đạt giải Nhất cấp huyện. Chất lượng dạy và học của nhà trường ngày được nâng cao, kết thúc học kỳ I năm học 2017-2018 tỷ lệ học sinh xếp loại Hoàn thành Tốt, Hoàn thành các môn học và hoạt động giáo dục đạt 100%, đánh giá năng lực phẩm chất xếp loại Tốt và Đạt 100%.
Với những kết quả đã đạt được, trường Tiểu học Thanh Luông, huyện Điện Biên phấn đấu tiếp tục nâng cao chất lượng dạy học, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý và dạy học. Đưa công nghệ thông tin trở thành một bộ phận không thể thiếu, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện tại nhà trường.