banner

Những thành tích nổi bật của giáo dục Tiểu học Điện Biên giai đoạn 2015-2020

Thứ ba - 05/05/2020 23:32
Phát huy tinh thần thi đua yêu nước, khắc phục khó khăn tiếp tục đổi mới công tác dạy học, giai đoạn 2015 – 2020 giáo dục Tiểu học Điện Biên đã đạt được sự ổn định bền vững và từng bước chuyển biến theo hướng tích cực. Nhiều thành tích tiêu biểu của cấp học đã được ghi nhận với kết quả nổi bật, đáng tự hào, góp phần làm nên những thay đổi tích cực trong các hoạt động dạy và học chung của toàn ngành.
1. Giữ vững quy mô trường, lớp, học sinh tiểu học; tiếp tục đưa học sinh lớp 3,4,5 từ các điểm lẻ về trường trung tâm nhằm tăng tỷ lệ học sinh/lớp nâng cao chất lượng giáo dục, phát triển phẩm chất, năng lực học sinh
Năm học 2019-2020, mạng lưới trường, lớp tiểu học tỉnh Điện Biên vẫn được duy trì ổn định, các xã, phường, thị trấn đều có trường tiểu học, các bản lẻ đều duy trì lớp tiểu học đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh, quy mô học sinh phát triển ổn định. Toàn tỉnh có 173 trường tiểu học (06 trường THCS có lớp tiểu học), 2.896 lớp với 70.959 học sinh, giảm 255 lớp, tăng 6.617 học sinh so với năm học 2015-2016. Tỷ lệ học sinh/lớp tăng từ 20,4 học sinh/lớp năm học 2015-2016 lên 24,5 học sinh/lớp năm học 2019-2020. Huy động trẻ 6 tuổi học lớp 1 đạt 14.445/14.453, tỉ lệ 99,9%; trẻ 6-10 tuổi ra lớp đạt 99,7%. Năm học 2018-2019, tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình tiểu học đạt 99,6% (so với năm học 2014-2015 tăng 1,2%).
Cơ sở vật chất trường lớp được các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục đầu tư xây dựng kiên cố đảm bảo đủ phòng học để tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, học sinh bán trú được quan tâm xây dựng phòng nghỉ, nhà ăn, bếp, công trình nước, nhà vệ sinh đáp ứng chủ trương đưa học sinh lớp 3,4,5 từ các điểm trường lẻ về trung tâm xã học tập.
1
Học sinh trường TH Thanh Chăn, huyện Điện Biên tái hiện bản đồ tổ quốc Việt Nam
2. Triển khai Kế hoạch tổng thể thực hiện đổi mới Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông 2018
Sở Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo đổi mới Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; Quyết định phê duyệt Kế hoạch tổng thể thực hiện đổi mới Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; Quyết định phê duyệt Kế hoạch biên soạn, thẩm định và tổ chức thực hiện nội dung GDĐP trong Chương trình giáo dục phổ thông; Quyết định phê duyệt Quy định tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Điện Biên từ năm học 2020-2021. Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của Bộ Giáo và Đào tạo, UBND tỉnh, Sở GDĐT đã ban hành văn bản triển khai Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo; thành lập Tổ triển khai thực hiện đổi mới Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; tổ chức Hội nghị triển khai Chương trình sách giáo khoa lớp 1 theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018; hướng dẫn các cơ sở giáo dục phổ thông lựa chọn sách giáo khoa lớp 1 năm học 2020-2021.
Đến cuối tháng 4 năm 2020, các trường tiểu học đã tổ chức lựa chọn SGK, các phòng giáo dục và đào tạo đã cơ bản hoàn thành tập huấn đại trà cho giáo viên triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đảm bảo thời gian quy định.
3. Triển khai có hiệu quả Mô hình trường học mới (VNEN); chỉ đạo thực hiện hiệu quả đổi mới sinh hoạt chuyên môn, đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá học sinh đáp ứng yêu cầu chương trình giáo dục phổ thông 2018
Dự án VNEN hỗ trợ 68 trường tiểu học vùng khó khăn về thiết bị dạy học, thư viện góc lớp, chuyển đổi từ cách dạy học truyền thụ kiến thức sang dạy học phát triển năng lực, rèn kĩ năng giao tiếp, hợp tác và khả năng tự học. Đến năm học 2019-2020 100% trường tiểu học trên địa bàn tỉnh đã triển khai áp dụng những thành tố tích cực của Mô hình VNEN. Tài liệu Tiếng Việt công nghệ giáo dục đã giúp cho học sinh lớp 1 của tỉnh biết đọc, biết viết đúng chính tả khi kết thúc chương trình lớp 1.
2
Học sinh trường TH Him Lam, TP. Điện Biên Phủ
Phát huy tinh thần thi đua yêu nước, mỗi thầy cô giáo là một tấm gương tự học và sáng tạo, giáo viên các trường tiểu học đã triển khai sáng tạo các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục thông qua việc dạy tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc, tổ chức chuyên đề "Mở rộng vốn từ"; "Ra đề phân môn Tập làm văn theo hướng mở"; giao lưu Tiếng Việt, xây dựng thư viện thân thiện, phát triển văn hóa đọc. Thực hiện đổi mới không gian lớp học, áp dụng linh hoạt phương pháp, kĩ thuật dạy học của Mô hình trường học mới, phương pháp "Bàn tay nặn bột", dạy Mĩ thuật theo phương pháp Đan Mạch tạo tiền đề cho việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Việc đổi mới kiểm tra, đánh giá học sinh theo Thông tư số 22/2016/TT-BGDĐT đã được các trường thực hiện nghiêm túc, đảm bảo khách quan, tập trung vào 3 nhóm năng lực cốt lõi (Tự phục vụ-Tự quản, Hợp tác, Tự học và giải quyết vấn đề) tạo động lực và thúc đẩy quá trình đổi mới giáo dục ở cấp Tiểu học.
4. Cơ sở vật chất trường, lớp học được đầu tư theo hướng đồng bộ, chuẩn hóa
Đến năm học 2019-2020 toàn cấp tiểu học đã có 3.292 phòng học/2.896 lớp (1,13 phòng học/lớp) trong đó phòng học kiên cố và bán kiên cố đạt 91,5 %, phòng học tạm còn 8,5%. Phòng học đảm bảo yêu cầu 01 lớp/01 phòng học để học 2 buổi/ngày, diện tích phòng học đảm bảo yêu cầu 1,2m2/01 học sinh. Hệ thống phòng chức năng được đầu tư xây dựng với 153 thư viện, 117 phòng thiết bị, 84 phòng ngoại ngữ, 131 phòng máy tính, 116 phòng giáo dục nghệ thuật (Âm nhạc, Mĩ thuật), 19 GD thể chất.
3
Học sinh trường TH xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên trong phòng đọc thư viện

Ngoài ra các trường tiểu học còn được đầu tư xây dựng 03 bể bơi (tại huyện Mường Ảng), 704 ngăn nhà vệ sinh cho học sinh, 364 ngăn nhà vệ sinh cho giáo viên, 955 phòng công vụ cho giáo viên, 975 phòng ở cho học sinh nội trú,158 nhà bếp,173 trường tiểu học đều có nước phục vụ sinh hoạt.
5. Từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018
Đến năm học 2019-2020, cấp Tiểu học có 4.349 giáo viên/2.896 lớp (đảm bảo tỷ lệ 1,5 giáo viên/lớp) trong đó có 126 giáo viên Tin, 187 giáo viên Tiếng Anh, 159 giáo viên âm nhạc, 150 giáo viên Mĩ Thuật, 217 giáo viên thể dục. Cán bộ quản lý cấp tiểu học có 446 người: 173 Hiệu trưởng và 273 phó Hiệu trưởng.
100% cán bộ quản lý trường Tiểu học được bồi dưỡng về quản lý giáo dục và đổi mới hoạt động trường tiểu học. Hàng năm cán bộ quản lý trường tiểu học đều được các phòng Giáo dục và Đào tạo đánh giá xếp loại theo chuẩn Hiệu trưởng trường Tiểu học. 100% cán bộ quản lý cấp tiểu học đã được tập huấn về Chương trình giáo dục phổ thông 2018 trong tháng 8 năm 2019, trên 80% cán bộ quản lý đã trực tiếp chỉ đạo, thực hiện Mô hình trường học mới từ năm học 2016-2017 đến năm học 2019-2020. 164 giáo viên cốt cán cấp trường đã được Trường đại học sư phạm Thái Nguyên bồi dưỡng về chương trình tổng thể, chương trình môn học.
Sở Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn các phòng Giáo dục và Đào tạo xây dựng kế hoạch bồi dưỡng Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho 100% giáo viên tiểu học (4.349 giáo viên và 446 cán bộ quản lý) 100% giáo viên tiểu học được các Phòng Giáo dục và Đào tạo tổ chức bồi dưỡng trực tiếp về Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
6. Thực hiện tốt kế hoạch phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, nâng cao chất lượng các trường tiểu học đạt chuẩn Quốc gia
Tính đến tháng 12 năm 2019, tỉnh Điện Biên có 130/130 xã đạt chuẩn PCGD tiểu học mức độ 2, tỉ lệ 100%; 114/130 xã đạt chuẩn PCGD tiểu học mức độ 3, tỉ lệ 87,7% tổng số huyện đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2 là 10/10 (100%). Số huyện đạt chuẩn PCGD tiểu học mức độ 3 là 07/10 huyện, tỉ lệ 70%. Tỉnh Điện Biên duy trì đạt chuẩn PCGD tiểu học mức độ 2 năm 2019. Tỉ lệ huy động trẻ 6 tuổi học lớp 1 đạt 14.445/14.453, tỉ lệ 99,9%; trẻ 6-10 tuổi ra lớp đạt 99,7%. Phấn đấu đến năm 2023 tỉnh đạt chuẩn PCGD tiểu học mức độ 3.
 Phát huy hiệu quả 115/173 trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia đạt 66,5% (trong đó có 93 trường đạt chuẩn mức độ 1 và 22 trường đạt chuẩn mức độ 2); có 7/10 đơn vị có tỷ lệ trường tiểu học đạt chuẩn Quốc gia đạt từ 60% trở lên.
7. Tổ chức hiệu quả công tác truyền thông giáo dục Tiểu học
Công tác truyền thông về giáo dục tiểu học và chương trình giáo dục phổ thông mới được đặc biệt chú trọng; Từ năm học 2016-2017 đến năm học 2019-2020, Sở Giáo dục và Đào tạo đều ban hành các văn bản hướng dẫn công tác truyền thông; các đơn vị đã phân công cán bộ, giáo viên nghiên cứu viết bài truyền thông về giáo dục và đào tạo, định kì mỗi tháng gửi ít nhất 01 bài để đăng trên Website của Sở. Ngoài các nội dung truyền thông theo định kì, các phòng GD&ĐT phân công cán bộ viết các tin, bài có tính thời sự thuộc lĩnh vực phòng quản lý đăng tải trên Website của phòng, trường. 
8. Những tập thể, cá nhân tiêu biểu giai đoạn 2015-2020
Với những kết quả đã đạt được trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2015-2020, cấp tiểu học đã có nhiều tập thể, cá nhân đạt nhiều thành tích được Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, các cấp, các ngành vinh danh. Đó là những tập thể tiêu biểu của giáo dục tiểu học trong phong trào thi đua đổi mới sáng tạo như: Trường PTDT Bán trú Tiểu học Ẳng Tở, huyện Mường Ảng (Huân chương Lao động của Chủ tịch nước, Cờ thi đua xuất sắc của UBND tỉnh, Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh); Trường Tiểu học Thị Trấn Điện Biên Đông (Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen, Tập thể LĐXS được UBND tỉnh tặng Bằng khen); Trường tiểu học thị trấn Mường Chà (Cờ thi đua của UBND tỉnh, cờ thi đua của Chính phủ, Bằng khen của UBND, Bằng khen của Bộ GD&ĐT),…
Trong phong trào thi đua yêu nước xuất hiện nhiều cá nhân có sáng kiến trong quản lý nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện tại các nhà trường, được các cấp ghi nhận như Sáng kiến “Nâng cao hiệu quả công tác giáo dục kỹ năng sống cho học sinh tiểu học”, “Giáo dục kỷ luật tích cực cho học sinh Tiểu học” của cô giáo Nguyễn Thị Hồng Hoàn – Hiệu trưởng Trường TH Hà Nội-Điện Biên Phủ; Sáng kiến “Nâng cao hiệu quả đổi mới phương pháp dạy học theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất của học sinh trong trường tiểu học” của cô giáo Lê Thị Cậy-Phó Hiệu trưởng Trường TH Số 1 Quài Cang, Tuần Giáo,…
Nhiều thầy cô đã có thành tích xuất sắc, nhiều năm liền là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND tỉnh tặng Bằng khen như: Thầy Vũ Minh Trung - Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Điện Biên Phủ, Cô giáo Nguyễn Thị Hồng Hoàn - Hiệu trưởng trường TH Hà Nội-Điện Biên Phủ, cô giáo Đinh Thị Thanh Nhàn-Hiệu trưởng Trường TH Him Lam, cô giáo Vũ Thị Thoan-Hiệu trưởng Trường TH Ẳng Nưa; thầy giáo Nguyễn Công Thành-CBCM Phòng GD&ĐT Mường Chà,… Đặc biệt, nhiều thầy cô giáo công tác tại vùng đặc biệt khó khăn đã vươn lên đạt hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao được các cấp khen thưởng như: Cô giáo Trịnh Thị Thơm-Hiệu trưởng Trường PTDTBT TH Vàng Đán, Nậm Pồ, cô giáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn-Hiệu trưởngTrường PTDTBT Tiểu học Mường Báng, Tủa Chùa,…
Tin tưởng với những thành tích đã đạt được trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2015-2020, giáo dục tiểu học tỉnh Điện Biên sẽ tiếp tục phát triển, thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Tác giả: Đào Thái Lai

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập108
  • Máy chủ tìm kiếm18
  • Khách viếng thăm90
  • Hôm nay20,598
  • Tháng hiện tại235,776
  • Tổng lượt truy cập136,587,589
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi