banner

Quản lý lớp học hòa nhập trong cơ sở giáo dục mầm non (phần 2)

Thứ năm - 24/02/2022 04:16
Dienbien.edu.vn- Giáo dục hoà nhập ở cơ sở giáo dục mầm non là phương thức giáo dục mà trẻ khuyết tật và không khuyết tật cùng học một lớp trong trường mầm non. Trong đó đảm bảo trẻ khuyết tật được tham gia đầy đủ các hoạt động trong lớp học; trẻ không khuyết tật có cơ hội học tập và lớn lên cùng những trải nghiệm về những điểm mạnh, điểm yếu của bạn khuyết tật.

Các bé mẫu giáo 5 tuổi, Trường mầm non xã Thanh Xương, huyện Điện Biên trổ tài làm ra các sản phẩm từ nguyên vật liệu có sẵn tại địa phương

Xây dựng môi trường giáo dục hòa nhập
Trong ngữ cảnh sư phạm, môi trường học tập được hiểu là những điều kiện về vật chất lớp học, môi trường tâm lí và sự tương tác trong lớp học.
         * Tổ chức môi trường vật chất:
Môi trường vật chất của lớp học tạo điều kiện cho trẻ trong lớp tham gia vào các hoạt động một cách tích cực, đồng thời góp phần giảm thiểu những vấn đề về hành vi gây ra do việc thiếu tổ chức lớp học. Một trong những việc giáo viên cần lưu ý trong việc xây dựng môi trường vật chất trong lớp học hòa nhập là sắp xếp lớp học.
Việc sắp xếp lớp học đề cập đến nhiều phương diện khác nhau như cách bố trí, sắp xếp, sử dụng khoảng không tường, chiếu sáng và việc sử dụng các kí hiệu, dấu hiệu, biển thông báo, ...
Sau đây là một số gợi ý về việc sắp xếp lớp học:
    • Xem xét việc phân chia diện tích trong lớp học thành những khu vực dành cho các họat động khác nhau (Ví dụ: góc xây dựng, góc phân vai, góc đọc sách,...)
    • Xác định rõ ràng các khu vực trong lớp học mà trẻ không được xâm phạm (Ví dụ: bàn giáo viên)
    • Xây dựng một môi trường mang tính kết cấu cao vào đầu năm. Tăng dần tính linh hoạt khi các nội quy, quy trình đã được thiết lập.
    • Khi có sự thay đổi trong môi trường cơ động của lớp học, hãy thông báo trước cho các trẻ khuyết tật, đặc biệt là trẻ khiếm thị và tự kỉ để chúng có thời gian thích nghi.
    • Các cách kê bàn khác nhau (theo dãy, hình tròn hoặc chia thành nhóm nhỏ) đều có những ảnh hưởng đáng kể đến trẻ. Dù sắp xếp bàn ghế trong lớp học theo cách nào, giáo viên cũng phải đảm bảo rằng mình có thể nhìn bao quát được tất cả các hoạt động của trẻ trong lớp.
    • Thiết lập các cách thức di chuyển, đi lại trong lớp cho trẻ nhằm giảm thiểu việc tắc nghẽn và tránh ảnh hưởng đến các trẻ khác .
    • Kiểm soát các thiết bị, công cụ, đồ dùng mà, nếu không được sử dụng đúng cách, có khả năng gây hại cho trẻ.
    • Sử dụng các nhãn hiệu, dấu hiệu (tranh biểu tượng) trong lớp học để giúp trẻ hiểu rõ hơn đó là vật gì và nó nằm ở vị trí nào.
    • Tường lớp học có thể được dùng để trang trí, dán các nội quy, trưng bày sản phẩm do chính trẻ làm ra và để củng cố các nội dung học tập (Ví dụ: Bảng chữ cái, bảng từ, bảng số từ 1 đến 10). Khi sử dụng khoảng không trên tường, đừng quên rằng những thứ được trưng bầy, trang trí ở trên tường có thể làm phân tán những trẻ có vấn đề về khả năng tập trung, ảnh hưởng đến sự tập trung của những trẻ này vào sự hướng dẫn, giảng dậy của giáo viên.
    • Ánh sáng rọi vào từ của sổ hoặc từ bóng đèn trên trần có thể gây khó khăn đối với trẻ nhất là khi không đủ sáng, hoặc khi bị chói do nguồn sáng chiếu từ phía sau người nói. Đây thực sự là vấn đề đối với những trẻ khiếm thính (vì chúng cần có đủ ánh sáng để đọc hình miệng người nói) và với những trẻ khiếm thị.
Bên cạnh đó, việc sắp xếp lớp học cũng đề cập đến việc xếp chỗ ngồi cho trẻ ở trong lớp. Sau đây là một số gợi ý:
    • Sắp xếp chỗ ngồi hàng đầu cho các trẻ có vấn đề về hành vi để chúng ngồi càng gần giáo viên trong một khoảng thời gian càng dài càng tốt
    • Sẵp xếp những trẻ hay bị mất hoặc bị phân tán tập trung qua thị giác vào những vị trí mà ở đó chúng ít bị ảnh hưởng bởi các tác nhân kích thích gây phân tán nhất
    • Tạo ra các tầm nhìn rõ ràng để (a) trẻ có thể theo dõi nội dung giảng dậy của giáo viên và (b) giáo viên có thể theo dõi được trẻ trong suốt giờ học.
    • Đảm bảo là trẻ có các khiếm khuyết về giác quan được đặt ở những ví trí thuận lợi để chúng phát huy và tận dụng tối đa khả năng nghe và nhìn còn lại.
    • Một số trẻ khuyết tật cần dùng các dụng cụ chuyên dụng như xe lăn, máy trợ thính, các công cụ trợ giúp giao tiếp,. Do vậy, giáo viên cần biết cách sử dụng các dụng cụ này.
* Môi trường tâm lý xã hội
Môi trường tâm lí xã hội đề cập đến những động lực tâm lí và xã hội của một lớp học. Nó liên quan đến vấn đề môi trường/không khí lớp học. Để xây dựng bầu không khí tâm lý tốt trong lớp học, giáo viên cần quan tâm đến việc:
Tạo sự tự tin cho trẻ có nhu cầu đặc biệt, khuyến khích và khen ngợi những hành vi tốt của trẻ, tạo cơ hội cho trẻ thành công
Giáo viên cần tìm hiểu xem các thành viên trong lớp có thân thiện với nhau không, mọi người cảm thấy dễ chịu hay khó chịu,. Trong lớp, các thành viên có thái độ hợp tác với nhau không? Trẻ có cảm thấy an tâm/an toàn khi đến lớp không? Liệu các kĩ năng tương tác qua lại một cách tích cực với các trẻ khác và với người lớn có được hỗ trợ hay không? Cần tạo mối quan hệ gần gũi, thân thiết giữa giáo viên và trẻ giữa các trẻ với nhau trong lớp học, sự đoàn kết yêu thương giữa các trẻ em. Đặc biệt trong môi trường hoà nhập cần hình thành thái độ chấp nhận sự khác biệt và nhìn nhận tích cực về trẻ có nhu cầu đặc biệt cho tất cả trẻ em trong lớp.
Trẻ khuyết tật cần được chuẩn bị tâm lí trước khi đến lớp hòa nhập để trẻ không bị bỡ ngỡ và mặc cảm khi tiếp xúc với nhiều người lạ. Được làm quen với trường mầm non, làm quen với các hoạt động ở trường, quen với việc phải tách khỏi cha mẹ… sẽ giúp trẻ tự tin hơn. Đặc biệt, trẻ khuyết tật cần phải tập thực hiện một số kỹ năng tự phục vụ, biết tuân theo chỉ dẫn, những quy định trong các môi trường khác nhau, điều đó sẽ giúp trẻ dễ dàng thích ứng hơn với môi trường trường mầm non.
Trẻ không khuyết tật cũng cần được chuẩn bị những hiểu biết về các bạn khuyết tật để trẻ biết cách ứng xử đúng đắn với trẻ khuyết tật ở lớp. Những hiểu biết về trẻ khuyết tật có thể khéo léo lồng ghép trong nội dung các hoạt động ở lớp mẫu giáo. Những hiểu biết này cần cho tất cả trẻ em để giúp trẻ dễ dàng chấp nhận và tôn trọng sự đa dạng trong cuộc sống và xã hội.

         Hướng dẫn xây dựng nội quy/ quy trình lớp học

Nội qui của lớp học quy định một cách khái quát những gì ta mong đợi ở trẻ. Các nội quy được lựa chọn phải mang tính thiết yếu đối với việc thực hiện các chức năng của lớp học và có tác dụng tạo nên môi trường học tập tích cực. Khi xây dựng nội qui lớp học hòa nhập cần lưu ý:
- Không đưa ra nhiều hơn 7 nội qui cho một lớp học
    • Các nội qui phải được trình bày tóm tắt và rõ ràng (ví dụ các qui định như "Có thái độ tôn trọng, công bằng và tốt bụng" sẽ không hữu ích bằng những qui định như "Nói lần lượt từng người" hoặc "Không được lấy tay phá đám, trêu chọc người khác").
    • Giải thích các nội qui ấy thật cẩn thận và nói rõ nếu ai vi phạm nội quy thì sẽ chịu hậu quả như thế nào.
    • Các nội quy nên được đưa ra dưới dạng khẳng định - cố gắng tránh đưa ra các nội quy ở dạng phủ định như "Không được phép". Hãy xem xét sự khác biệt giữa hai cách nói về cùng một nội qui như sau: “Không được tự do trả lời câu hỏi" và "Giơ tay khi muốn phát biểu".
    • Hãy treo hoặc dán bảng nội quy ở vị trí thuận tiện để tất cả các trẻ đều có thể nhìn thấy.
    • Hãy nói trước cho các trẻ biết về những trường hợp ngoại lệ
    • Phổ biến nội qui bằng cách cho trẻ xem mẫu và thực hành
    • Thường xuyên phổ biến lại nội quy hoặc phổ biến lại khi có trẻ mới đến.
    • Thu hút trẻ tham gia xây dựng các nội qui lớp học khi có thể.
Các quy trình của lớp học là cách thực hiện một số hoạt động hoặc xử lí một số tình huống nhất định. Ví dụ, cần đề ra các quy trình đối với việc ra vào lớp, lấy đồ dùng học tập, sử dụng nhà vệ sinh. Nhiều trẻ sẽ cảm thấy yên tâm khi biết rằng các quy trình của lớp học sẽ không thay đổi. Những điểm cần chú ý khi xây dựng qui trình lớp học:
Xác định tất các tình huống cần phải có quy trình giải quyết/thực hiện. Giải thích rõ các quy trình đề ra.
Hướng dẫn thực hiện từng quy trình bằng cách làm mẫu, cho trẻ thực hành có sự hướng dẫn, cho trẻ tự thực hành, tạo cơ hội cho từng trẻ được thực hành việc thực hiện quy trình.
Phổ biến các quy trình của lớp học ngay trong tuần đầu của năm học.
Tránh tình trạng quá tải đổi với trẻ do phổ biến quá nhiều quy trình cùng một lúc.
Kết hợp những nguyên tắc quan trọng và có liên quan của toàn trường vào các quy trình của lớp học.
Khi tổ chức và quản lý một lớp học, ta bao giờ cũng cần tìm hiểu xem các nguyên tắc của toàn trường có ảnh hưởng như thế nào đến các nội quy và quy trình của một lớp học.
Bên cạnh việc đề ra các nội quy, quy trình và nguyên tắc rõ ràng, giáo viên cũng cần theo dõi hành vi của trẻ. Để làm được điều này, giáo viên phải nắm được tình hình chung của cả lớp trong bất kì hoạt động nào.

 Hoạt động chơi ngoài trời của các bé Trường MN Mường Đun, huyện Tủa Chùa

  Hướng dẫn quản lý hành vi trong lớp hòa nhập

* Giúp trẻ hình thành và phát triển các hành vi mong muốn

Một số biện pháp giúp hình thành và phát triển các hành vi mong mun:
- Giúp trẻ hiểu các hành vi mong muốn
Có nhiều cách để giúp trẻ hiểu được các qui định, giới hạn và những hành vi mong đợi. Nhưng nếu có thể, một biện pháp tốt là giải thích cho trẻ lý do của những qui định hoặc những hành vi mong đợi đó. VD: Không cho tay vào ổ điện vì có thể chạm vào điện và bị điện giật rất đau. Việc giải thích sẽ giúp trẻ nhớ được ngay những qui định và hành vi mong đợi, đây là cách tiếp cận tích cực.
Đoán trước để hướng dẫn trẻ: Khi có thể, giáo viên cần đoán trước những tình huống có thể xảy ra và ngăn chặn nó bằng cách nói cho trẻ về hành vi mà mình mong đợi trẻ thực hiện.
Nhắc nhở: Trẻ em thường khó khăn khi nhớ các qui định hoặc hành vi mong đợi và cần được nhắc nhở. Đối với những trẻ lớn hơn, sự hào hứng có thể làm trẻ quên các qui định, hãy nhẹ nhàng nhắc trẻ về những qui định.
Ghi lại: Một số qui định trong lớp có thể được ghi lại bằng hình ảnh hoặc cùng trẻ xây dựng nên các qui định.
- Củng cố các hành vi mong muốn
Củng cố là bất kì điều/sự kiện nào có khả năng tăng cường hành vi xảy ra trước nó.  Sự củng cố tích cực thể hiện một kết quả tốt đẹp sau khi trẻ làm được một hành vi thích hợp. Củng cố tích cực có thể thực hiện dưới nhiều cách khác nhau như khen ngợi, phần thưởng hữu hình, một hoạt động mà trẻ thích hay những sự ưu tiên đặc biệt. Sự củng cố tiêu cực liên quan đến việc loại bỏ một điều gì khó chịu/không được yêu thích sau khi một hành vi được mong muốn được thực hiện.
Một số gợi ý cho các kỹ thuật củng cố:
+ Xác định xem cái gì là có giá trị củng cố thực sự đối với trẻ?
+ Chọn những hình thức củng cố dễ thực hiện và thực tế trong điều kiện của lớp học
+ Nắm bắt ngay thời điểm trẻ có hành vi thích hợp rồi khen hoặc củng cố ngay. Nếu một trẻ thường xuyên phát biểu tự do trong lớp mà hôm nay tự nhiên giơ tay trước khi nói, giáo viên cần lập tức khen ngợi hành vi này
+ Sử dụng một số kĩ thuật củng cố để dần dần hướng cho hành vi của trẻ giống với hành vi mẫu. Việc này đòi hỏi phải thực hiện nhiều bước nhỏ. (củng cố chuỗi hành vi trong đó sự khác biệt giữa mỗi hành vi với hành vi chuẩn ngày càng nhỏ đi).
+ Khuyến khích trẻ khác cùng lớp để cho trẻ thấy rằng một số hành vi tích cực sẽ dẫn đến kết quả đáng khích lệ (được thưởng).
Khi khen, thưởng trẻ cần
+ Chắc chắn rằng trẻ hiểu tại sao chúng được khen và thưởng để trẻ có thể lặp lại hành vi.
+ Hãy xác định phần thưởng nào là có ý nghĩa đối với trẻ
+ Mục tiêu đưa ra sự khen ngợi phải đi cùng nhiệm vụ và gần với hành vi mong muốn nếu có thể.
+ Chọn phần thưởng một cách cẩn thận, vì trẻ có thể chỉ thể hiện hành vi để được phần thưởng lớn hơn.
- Thực hiện nhất quán các quy tắc được đặt ra
Khi đặt ra quy tắc/giới hạn tất cả giáo viên đều phải đồng ý và kiên định tuân theo. Điều này giúp trẻ hiểu rằng quy tắc đã được đặt ra sẽ không thay đổi hàng ngày và trẻ sẽ cảm thấy an toàn và một khi trẻ đã hiểu hành vi nào là được hoặc không được chấp nhận trẻ sẽ thực hiện phù hợp với qui định.
Khi thiết lập các qui tắc, điều quan trọng là các qui tắc cần có sự đồng ý của các giáo viên, của cha mẹ trẻ để trẻ không phải điều chỉnh hành vi của mình cho phù hợp với những người làm việc cùng chúng. Mặt khác các qui định cũng cần thực tế (phù hợp với khả năng của trẻ, điều kiện của trường, lớp/gia đình) và công bằng với trẻ, và trẻ cũng phải hiểu được các qui định đó.

        * Biện pháp giảm những hành vi không mong muốn

Để xử lí với những hành vi này cấn chú ý đến nguyên tắc Tối thiểu hóa sự can thiệp. Ý nghĩa của nguyên tắc này là nhằm đảm bảo các hành vi gây rối dược loại trừ nhanh gọn và các hoạt động của lớp học ít bị ảnh hưởng nhất. Giáo viên có thể sử dụng các gợi ý sau đây để giảm những hành vi không mong:
+ Nên đứng gần những đứa trẻ hay gây rối
+ Nhẹ nhàng chạm tay vào vai trẻ để báo hiệu cho trẻ rằng bạn biết là trẻ đang có hành vi không thích hợp
+ Sử dụng các cử chỉ thể hiện trực tiếp hoặc không trực tiếp sự không hài lòng để ngăn chặn các hành vi không mong muốn (ví dụ như chỉ tay, lắc đầu, hoặc những dấu hiệu khác).
+ Đưa mắt nhìn trẻ có hành vi không thích hợp - duy trì trong một khoảng thời gian nhất định. Cách nhắc nhở này sẽ không làm ảnh hưởng đến hoạt động giảng dạy.
+ Nếu đang nói thì dừng lại trong một khoảng thời gian nhất định để thu hút sự chú ý của trẻ.
+ Gọi tên những trẻ không tập trung, và đặt câu hỏi mà ta biết rằng chúng có thể trả lời được, hoặc dùng tên của trẻ để minh họa cho những điều ta nói đến trong bài học.
+ Nên sử dụng sự vui vẻ, hài hước khi nhắc nhở, chấn chỉnh những hành vi không thích hợp.
Nói chung, giáo viên có thể lựa chọn nhiều hình thức khác nhau để nhắc nhở trẻ, nhưng hãy bắt đầu bằng những biện pháp can thiệp ít mang tính xâm phạm nhất. Tuy nhiên, việc lựa chọn hình thức nào còn phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của hành vi không mong muốn mà trẻ gây ra.
- Khi trẻ có hành vi gây rối nhưng mức độ không nghiêm trọng, giáo viên có thể xử lí theo những cách dưới đây:
+ Nhân quả(các hậu quả mang tính tự nhiên và hợp logic): nên dùng trong những tình huống khi có một sự hợp logic giữa các hành vi của trẻ gây nên với hậu quả mà trẻ phải chịu. Cách làm này giúp trẻ có ý thức trách nhiệm hơn đối với các hành vi của mình.
Ví dụ: nếu trẻ ném đồ chơi đi thì sẽ không được chơi với đồ chơi nữa.
+ Củng cố khi có sự giảm bớt về tần số (độ thường xuyên) của một hành vi không đươc mong muón: giáo viên nên có sự củng cố thích hợp khi trẻ đạt được một tiêu chí nào đó về tần số của một hành vi nhất định, cho dù hành vi đó là hành vi không được mong muốn. Với cách xử lí này, giáo viên cần nhớ rằng cần giúp trẻ giảm các hành vi không mong muốn cả về tần số và thời gian.
Ví dụ: một trẻ tăng động thường ngày hay ngắt lời khi trẻ khác đang phát biểu ý kiến sẽ được nhận sự củng cố tích cực khi nó ít ngắt lời các bạn hơn (Giáo viên sẽ khen trẻ khi trong một thời gian nhất định trẻ chỉ vi phạm có 5 lần chứ không phải 10 lần như mọi khi: “Con giỏi lắm, hôm nay con rất chăm chú lắng nghe khi các bạn khác phát biểu”).
Hành vi gây rối sẽ vẫn còn và phải được châm chước cho đến tận khi trẻ đạt được hành vi chuẩn. Giảm mức độ tiêu chí sau khi thấy trẻ đã đạt được sự ổn định về hành vi ở mức độ tiêu chí hiện tại.
+ Dập tắt: đơn giản là yêu cầu giáo viên không củng cố một hành vi nào đó. Dần dần, với việc không củng cố hành vi đó, kết hợp với sự củng cố tích cực trước các hành vi mong muốn có liên quan, giáo viên sẽ giúp trẻ loại bỏ được các hành vi không thích hợp.
Phương pháp này sẽ hiệu quả đối với trường hợp trẻ có hành vi không hợp lí nào đó nhằm thu hút sự chú ý của giáo viên.. Trong một số tình huống, giáo viên cần phải đưa các trẻ khác trong lớp vào cùng tham gia quá trình dập tắt một hành vi nào đó. Ví dụ: Khi một trẻ làm trò hề ở trong lớp để thu hút sự chú ý của giáo viên và các bạn. Giáo viên nên thống nhất với cả lớp để cùng tỏ ra không chú ý đến hành vi đó
Phạt: là sự lựa chọn cuối cùng bởi vì nó liên quan đến việc đưa ra một điều không dễ chịu/không được ưa thích hoặc lấy đi một điều gì đó dễ chịu/được ưa thích như là hậu quả của một hành vi không thích hợp. Tuy nhiên, ta phải xem xét việc sử dụng phương pháp này bởi các cách thức phạt khác nhau có thể có những tác dụng khác nhau trong các tình huống khác nhau.
Có thể phạt trẻ theo 03 cách thông thường như phạt bằng khiển trách, phạt bằng thời gian tách biệt, và phạt trả giá hành vi. Để có thể phát huy tác dụng của các hình thức phạt này, giáo viên phải áp dụng các hình thức phạt ngay sau khi trẻ thể hiện hành vi không thích hợp và phải giúp trẻ hiểu được là tại sao mình lại bị phạt.Nhìn chung, giáo viên không nên sử dụng những hình phạt mang tính xâm hại về mặt thể chất và tinh thần đối với trẻ em nói chung và trẻ khuyết tật nói riêng.
Như vậy để xây dựng bầu không khí lớp học tốt trong lớp học, giáo viên cần quan tâm đến việc tạo sự tự tin cho trẻ khuyết tật, khuyến khích và khen ngợi những hành vi tốt của trẻ, tạo cơ hội cho trẻ thành công. Giáo viên cần tạo cho các thành viên trong lớp có sự thân thiện, hợp tác với nhau để tất cả trẻ cảm thấy an tâm, an toàn khi đến lớp, hỗ trợ kĩ năng tương tác qua lại một cách tích cực giữa các trẻ với nhau và với người lớn. Cần tạo mối quan hệ gần gũi, thân thiện giữa giáo viên và trẻ, giữa trẻ với  nhau trong lớp học, sự đoàn kết yêu thương giữa các trẻ. Đặc biệt, trong môi trường hòa nhập cần hình thành thái độ chấp nhận sự khác biệt và nhìn nhận tích cực về trẻ khuyết tật cho tất cả trẻ em trong lớp.
Hy vọng rằng, chuyên đề này sẽ giúp cho cán bộ quản lý, giáo viên thực hiện tốt công tác quản lý lớp học hòa nhập trong cơ sở giáo dục mầm non./.

Tác giả: Nguyễn Thị Huệ

Tổng số điểm của bài viết là: 6 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 3 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập164
  • Máy chủ tìm kiếm29
  • Khách viếng thăm135
  • Hôm nay29,758
  • Tháng hiện tại742,315
  • Tổng lượt truy cập135,220,608
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi