Thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn. Song bên cạnh đó cũng bộc lộ những mặt yếu kém cả về kinh tế - xã hội, sự giao thoa của nhiều nền văn hóa trên thế giới đã có tác động tiêu cực tới vấn đề đạo đức xã hội, đặc biệt là thế hệ trẻ, một bộ phận không nhỏ thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên sống thiếu lý tưởng, ước mơ hoài bão, thiếu mục đích, niềm tin, sống ích kỉ thiếu quan tâm đến người khác, một bộ phận nhỏ sống buông thả chạy theo các nhu cầu tầm thường, ngại cống hiến, ngại khó khăn.
Cùng với sự hội nhập và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, để có thể tiếp tục có được những thành công hơn nữa trên con đường phát triển kinh tế - xã hội, đòi hỏi chúng ta cần phải đào tạo được các lớp thế hệ trẻ có đạo đức, giỏi về chuyên môn và khỏe mạnh về thể chất. Trăn trở với vấn đề này, trong sáng kiến kinh nghiệm của mình, thầy giáo Phạm Thành Luân có đề cập và đưa ra một số giải pháp để nâng cao chất lượng quản lý giáo dục đạo đức học sinh ở trường THPT. Cụ thể là:
Tăng cường vai trò của chi bộ Đảng, Ban giám hiệu đối với công tác quản lý giáo dục đạo đức học sinh. Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ giáo viên, phụ huynh và học sinh về vai trò, tầm quan trọng của việc giáo dục đạo đức cho học sinh. Thông qua việc triển khai kịp thời sâu rộng các chủ trương của Đảng và nhà nước, làm tốt công tác giáo dục chính trị - tư tưởng thông qua các giờ chào cờ, ngoại khóa hay các ngày lễ lớn. Phát huy vai trò tích cực, gương mẫu, thực hiện tốt việc phê bình và tự phê bình của cán bộ giáo viên. Xây dựng ý thức tự học, tự rèn luyện, không ngừng nâng cao phẩm chất chính trị, tư tưởng, coi trọng giáo dục nhận thức về vai trò, chức năng nhiệm vụ của cán bộ giáo viên trong việc giáo dục đạo đức học sinh. Phân công hợp lý các giáo viên chủ nhiệm vào các lớp có các đặc điểm khác nhau như: lớp chọn, lớp học sinh học yếu, lớp bổ túc …. để tạo được hiệu quả công tác tốt nhất. Tăng cường tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống, tổ chức các hoạt động ngoại khoá, đặc biệt là tăng cường rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh. Xây dựng kế hoạch giáo dục đạo đức gắn với chủ đề năm học, chủ điểm thi đua. Giao cho Đoàn trường phối hợp cùng tổ chủ nhiệm triển khai xây dựng và thực hiện.
Các hoạt động văn hóa văn nghệ rất cần thiết trong trường học
Nâng cao năng lực, bồi dưỡng nghiệp vụ cho giáo viên chủ nhiệm lớp vì đây là lực lượng quan trọng trong công tác giáo dục đạo đức cho học sinh, là người trực tiếp quản lý - tổ chức mọi hoạt động của lớp học, đóng vai trò quan trọng trong việc tập hợp, xây dựng khối đoàn kết trong tập thể học sinh, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học, giữ vững nề nếp kỷ cương nhà trường.
Ngoài giáo viên chủ nhiệm thì giáo viên bộ môn cũng đóng góp một phần không nhỏ vào việc giáo dục đạo đức học sinh. Thông qua các bài giảng của mình, giáo viên có thể lồng ghép được các vấn đề về đạo đức, các hành vi ứng xử, kiến thức xã hội, pháp luật, ý thức bảo vệ cơ sở vật chất, môi trường học đường, kĩ năng sống… Ngoài ra, đạo đức lối sống, quan hệ xã hội và phong cách làm việc của người giáo viên cũng ảnh hưởng, tác động trực tiếp tới tư tưởng, ý thức rèn luyện đạo đức lối sống và sự hình thành nhân cách của các em học sinh, ví dụ như thói quen trong trang phục, để tóc, trang điểm, đến lớp đúng giờ, phong cách ngôn từ sử dụng khi giao tiếp với học trò, việc sử dụng hiệu quả giờ sinh hoạt lớp, cách trình bày ghi bảng trong giờ giảng, trong hoạt động phong trào….
Phát huy vai trò chủ động, tích cực, sáng tạo của Đoàn trường vì đó là tổ chức chính trị xã hội, là người bạn đồng hành của thanh niên. Hoạt động Đoàn trong trường học không chỉ để tập hợp đoàn viên thanh niên, bồi dưỡng và nâng cao lý tưởng sống của tuổi trẻ mà quan trọng hơn là góp phần cùng nhà trường thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị chung. Thông qua các hoạt động của Đoàn như tuyên truyền về các học sinh có thành tích tiêu biểu, học sinh vi phạm, gương đôi bạn cùng tiến…. trong các tuần học, các chủ điểm thi đua, các hoạt động ngoại khóa; Tổ chức hướng dẫn kỹ năng sống và rèn luyện các kỹ năng đạt hiệu quả qua các chủ điểm, các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp. Chăm sóc vệ sinh di tích lịch sử, nghĩa trang liệt sỹ, tổ chức các Câu lạc bộ, hội trại, trò chơi dân gian, các hoạt động giao lưu văn nghệ thể thao, hoạt động quyên góp ủng hộ từ thiện nhân đạo… Từ đó giúp các em biết sống có lý tưởng, ước mơ hoài bão, xác định nhu cầu, mục đích, động cơ phấn đấu cao đẹp, rèn luyện đúng đắn và hoàn thiện các kỹ năng sống cơ bản, cần thiết.
Tăng cường phối hợp mối quan hệ nhà trường - gia đình và các tổ chức xã hội. Ngay từ đầu, nhà trường cần phải xây dựng được kế hoạch tổng thể phù hợp với nhiệm vụ năm học. Xây dựng ban đại diện phụ huynh học sinh của các lớp, của trường đảm bảo về số lượng và chất lượng. Nhà trường cùng với ban đại diện có liên hệ chặt chẽ, có lịch hoạt động, sinh hoạt thường kỳ để có thông tin đa chiều giúp nhà trường và gia đình nắm bắt, phát hiện kịp thời những hành vi vi phạm của học sinh để cùng ngăn chặn, thống nhất biện pháp giáo dục.
Hoạt động thể thao ngoài giờ của học viên Trung tâm GDTX Mường Nhé.
Thống nhất với phụ huynh học sinh về biện pháp giáo dục đạo đức học sinh, các hình thức xử lý khi học sinh vi phạm. Cần tạo dư luận đúng đắn trong nhà trường và ngoài xã hội, để “Ủng hộ cái tốt, phê phán cái xấu”. Chủ động phối kết hợp với các cơ quan, tổ chức trên địa bàn như UBND xã, phường, thị trấn, cụm an ninh khu vực, Công an huyện, các tổ chức Đoàn thanh niên xã, phường để nắm bắt tình hình học sinh, phối hợp quản lý giáo dục đạo đức học sinh cùng với nhà trường và gia đình. Phối hợp tổ chức tuyên truyền giáo dục các nội dung Tìm hiểu pháp luật, sức khỏe vị thành niên, luật giao thông đường bộ, ma túy HIV/AIDS.....
Giáo viên chủ nhiệm và Đoàn trường phối hợp tổ chức triển khai đa dạng, cụ thể hóa các hoạt động ngoại khóa, hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, tiết sinh hoạt lớp. Thường xuyên bổ sung tư liệu, xây dựng phòng truyền thống của nhà trường. Tổ chức “Tuần lễ sinh hoạt tập thể” đầu năm cho học sinh được bố trí vào tiết chào cờ đầu tuần, thời gian 15 phút truy bài của các buổi học và tiết sinh hoạt lớp. Tổ chức tuần sinh hoạt truyền thống cho học sinh toàn trường (đặc biệt là học sinh khối 10 mới vào) tìm hiểu truyền thống của nhà trường về mọi mặt, theo từng giai đoạn của năm học. Tổ chức các buổi nói chuyện truyền thống, ôn lại lịch sử của địa phương Điện Biên Phủ anh hùng và đất nước, từ đó khơi dậy lòng tự hào dân tộc, cho học sinh nhận chăm sóc vệ sinh di tích lịch sử, nghĩa trang liệt sỹ. Tổ chức trang trọng, ý nghĩa lễ kết nạp Đoàn viên, Chương trình khi tôi 18 và Lễ tri ân của học sinh khối 12, tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh phát huy tinh thần tự giác, ý thức tự quản trong tập thể. Từ đó giáo dục tình cảm đạo đức, giáo dục hành vi thói quen đạo đức và văn minh./.