banner

Thi THPT quốc gia năm 2017: Tăng cơ hội có tăng áp lực?

Thứ hai - 26/12/2016 03:13
Thông tin thu hút sự quan tâm của dư luận, phụ huynh và học sinh (HS) những ngày qua là việc Bộ GD-ĐT công bố dự thảo Quy chế thi THPT quốc gia, trong đó có nhiều điểm mới sẽ được áp dụng ngay từ năm 2017 như chỉ tổ chức một loại cụm thi, có bài thi tổ hợp… Một trong những nội dung gây nhiều tranh luận là quy định HS được chọn dự thi cả hai bài thi tổ hợp. Mục đích của quy định này nhằm tăng cơ hội xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học, cao đẳng. Song nếu không cân nhắc kỹ, lượng sức mình, điều này sẽ khiến các em thêm căng thẳng và chịu nhiều áp lực.

Băn khoăn chọn bài thi tổ hợp

Theo dự thảo, kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 sẽ tổ chức thi 5 bài thi gồm toán, ngữ văn, ngoại ngữ, khoa học tự nhiên (là tổ hợp các môn vật lý, hóa học, sinh học) và khoa học xã hội (tổ hợp các môn lịch sử, địa lý, giáo dục công dân - đối với giáo dục THPT; tổ hợp các môn lịch sử, địa lý - đối với giáo dục thường xuyên). Để xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh (TS) phải dự thi 3 môn bắt buộc là toán, ngữ văn, ngoại ngữ (nếu là TS giáo dục thường xuyên thì chỉ cần 2 môn bắt buộc là toán và ngữ văn) và một bài thi tự chọn trong số 2 bài thi tổ hợp. Với mục tiêu tạo thêm nhiều thuận lợi cho TS, dự thảo quy chế thi THPT quốc gia cho phép TS được chọn dự thi cả 2 bài thi tổ hợp, nếu điểm bài thi nào cao hơn thì sẽ được tính để xét công nhận tốt nghiệp. Tương tự như vậy, với khâu xét tuyển, các em có thể làm cả 2 bài thi tổ hợp để tăng cơ hội trúng tuyển đại học, cao đẳng.

 

 

Quy định được chọn dự thi cả hai bài thi tổ hợp nhằm tăng cơ hội xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học, cao đẳng cho học sinh. Trong ảnh: Thí sinh làm bài thi kỳ thi THPT quốc gia 2016.

Thời điểm này, hầu hết các trường THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên trên địa bàn Hà Nội đã hoàn thành việc tổ chức kiểm tra học kỳ I năm học 2016-2017 cho HS. Dạy học, ôn tập thế nào trong 6 tháng nữa để HS bước vào kỳ thi THPT quốc gia với tâm thế tốt nhất đang là mối lo lớn của cả thầy và trò các nhà trường. Thầy giáo Đặng Anh Hiếu, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Phúc Lợi (Long Biên) cho biết, đã tổ chức cho giáo viên nghiên cứu kỹ dự thảo Quy chế thi THPT và phổ biến tới HS. Những nội dung được chú ý là đăng ký nguyện vọng ra sao, xét tuyển thế nào, khi báo điểm phải làm những gì… 

Thực tế cho thấy, việc nên hay không nên chọn cả hai bài thi tổ hợp là vấn đề khiến nhiều HS băn khoăn. Em Nguyễn Thị Hà Linh, lớp 12A3, Trường THPT Phúc Lợi cho biết đã xác định thi cả hai bài thi tổ hợp, cho rằng ngoài việc được tăng cơ hội trúng tuyển, em còn được trải nghiệm với nhiều môn học yêu thích và sau này có thể thử sức với nhiều ngành nghề. Còn em Nguyễn Duy Long, Trường THPT Phan Huy Chú (Đống Đa) vẫn đang lưỡng lự vì lo rằng, nếu dự thi cả hai bài thi tổ hợp thì em phải ôn tập tới 9 môn, trong khi chỉ còn vài tháng nữa là đến kỳ thi. 

Cần bổ sung quy định

Liên quan đến bài thi tổ hợp, sau khi dự thảo Quy chế thi THPT quốc gia được công bố, không ít thầy cô giáo và HS tỏ ra băn khoăn, lo lắng không biết cách thức làm bài và tính điểm của bài thi tổ hợp ra sao, điểm của bài thi sẽ được tính như thế nào trong xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh đại học, cao đẳng? HS có bắt buộc phải làm hết cả 3 môn trong mỗi bài thi tổ hợp hay không?

Hồi giữa tháng 9-2016, sau khi công bố phương án thi THPT quốc gia năm 2017, trả lời báo chí, lãnh đạo Bộ GD-ĐT đã nêu rõ: Kết quả chấm thi sẽ đưa ra điểm từng môn thành phần và điểm của cả bài thi tổ hợp phục vụ xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng. “Như vậy, có thể hiểu là tùy theo khả năng và nguyện vọng, HS có thể chọn các môn thành phần trong bài thi tổ hợp để làm. Tuy nhiên, trong trường hợp này, môn còn lại của tổ hợp không có điểm (do HS không làm bài), thì có bị quy là bị điểm liệt hay không, có ảnh hưởng đến kết quả xét tốt nghiệp và tuyển sinh đại học, cao đẳng hay không?” - em Nguyễn Thị Mai, Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (quận Ba Đình) thắc mắc.

Đối chiếu với dự thảo Quy chế thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng vừa công bố mới thấy, đây là nội dung vẫn còn bỏ ngỏ. Nội dung dự thảo không đề cập đến cách thức tổ chức thi, làm bài thi ra sao, mức điểm tối thiểu (điểm liệt) đối với mỗi bài thi tổ hợp hoặc môn thi thành phần như thế nào. Mặc dù trước đó, Bộ GD-ĐT từng thông báo rằng, nhằm hạn chế việc TS có thể chỉ làm bài thi đối với một số môn thành phần, bỏ qua một số môn khác trong bài thi, Quy chế thi THPT quốc gia sẽ quy định cụ thể cách thức tổ chức thi và mức điểm liệt…

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho rằng, về nguyên tắc, nếu các em bị điểm liệt của cả bài thi thì mới không được xét tốt nghiệp THPT, chứ kết quả thi không tính theo điểm liệt của một cấu phần trong bài thi đó. Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng khuyến cáo rằng, việc xét tuyển đại học như thế nào là do các trường tự chủ, nếu trường chỉ sử dụng một cấu phần thì các em có thể chỉ làm mỗi cấu phần tương ứng, nhưng nếu trường yêu cầu sử dụng điểm của cả bài thi tổ hợp (khoa học tự nhiên hoặc khoa học xã hội) thì TS phải làm toàn bộ. Đó là những điều cần bổ sung, hoàn thiện trong Quy chế trước khi ban hành, tránh cho thầy và trò những băn khoăn, lo lắng không cần thiết.


Theo HNM

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập138
  • Thành viên online1
  • Máy chủ tìm kiếm21
  • Khách viếng thăm116
  • Hôm nay34,781
  • Tháng hiện tại105,027
  • Tổng lượt truy cập136,456,840
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi