Ông Nghĩa cho biết, hồ sơ đăng ký dự thi kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2015 sẽ giống như hồ sơ đăng ký dự thi đại học, cao đẳng, nhưng chỉ đăng ký môn thi mà không đăng ký thi vào trường nào. Hồ sơ cũng sẽ có thêm yêu cầu thí sinh đăng ký cụm thi nào và nói rõ mục đích làm gì.
Sẽ có 3 đối tượng khác nhau hoàn toàn trong việc lựa chọn môn thi vào đại học, cao đẳng năm 2015 - Ảnh: Ngọc Thắng
Sẽ có 3 lựa chọn cho 3 đối tượng thí sinh: thí sinh dùng kết quả thi để vừa xét tốt nghiệp trung học phổ thông, vừa xét tuyển sinh vào đại học, cao đẳng; thí sinh chỉ thi đại học, cao đẳng; thí sinh chỉ
thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
Theo đó, cách đăng ký dự thi cũng giống như những năm trước. Học sinh phổ thông đăng ký tại trường trung học phổ thông nơi các em học. Thí sinh tự do đăng ký tại Sở Giáo dục - Đào tạo sau đó, Sở tổng hợp chuyển cho cụm thi và chuyển về Bộ Giáo dục - Đào tạo.
Về môn thi, theo ông Nghĩa, sẽ có 3 đối tượng khác nhau hoàn toàn trong việc lựa chọn môn thi. Nhóm thứ nhất là những thí sinh chỉ sử dụng kết quả thi để xét tốt nghiệp thì chỉ có 4 môn, trong đó 3 môn bắt buộc, 1 môn tự chọn. Những đối tượng được thay thế môn ngoại ngữ thì có 2 môn tự chọn là môn ngoại ngữ hoặc 1 môn khác. Ngoài ra, những em có chứng chỉ ngoại ngữ được miễn thi và được điểm tối đa.
Nhóm thứ hai: thí sinh vừa xét tốt nghiệp và vừa xét tuyển sinh đại học, cao đẳng thì phải đăng ký 4 môn như thi tốt nghiệp trung học phổ thông, ngoài ra có thể đăng ký 1 - 4 môn khác để xét tuyển vào đại học, cao đẳng. Nếu thí sinh thi nhiều môn có thể được lựa chọn nhiều trường, nhiều khối.
Nhóm ba: thí sinh chỉ vào đại học, cao đẳng. Đây là những thí sinh đã tốt nghiệp từ các năm trước, chỉ cần đăng ký những môn xét tuyển của các trường đại học, cao đẳng.
Ông Nghĩa nhấn mạnh: “
Điểm mới là năm 2015, sau khi có điểm thi, thí sinh mới đăng ký xét vào các trường muốn học. Đương nhiên khi thi đã phải dự định vào trường nào, nhưng quyết định cuối cùng vẫn phải có kết quả thi chung toàn quốc”.
Bộ cũng đưa ra phương án xét tuyển với 2 nguyên tắc: vừa phải đảm bảo quyền lợi học sinh, vừa phải giảm ảo cho các trường. Theo ông Nghĩa, hai nguyên tắc này có vẻ trái ngược nhau nhưng Bộ sẽ hỗ trợ bằng việc sử dụng công nghệ thông tin và yêu cầu công khai.
“Trong quá trình xét tuyển, thí sinh có thể rút hồ sơ nhưng các trường phải công khai. Bộ cũng công bố công khai chuyện này. Như vậy sẽ tránh được rủi ro cho thí sinh và trường không bị ảo”, ông Nghĩa lý giải.