banner

CNTT&NCKH – Tin chuyên đề: Ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học ở các nhà trường phổ thông hiện nay.

Thứ năm - 24/08/2017 04:16
Dienbien.edu.vn - Đất nước ta đang trong thời kì đổi mới toàn diện, thời kì hội nhập và toàn cầu hóa. Chính vì vậy, việc tiếp nhận những công nghệ mới của nhân loại trong đó có công nghệ thông tin là điều tất yếu, đây là yếu tố khách quan để khẳng định sự phát triển của mỗi quốc gia. Sự phát triển của một đất nước luôn phụ thuộc vào sự phát triển của khoa học công nghệ. Tuy nhiên, để có được một nền khoa học công nghệ phát triển thì nền kinh tế tri thức phải được ưu tiên hàng đầu, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục thể hiện sự lớn mạnh về nền khoa học, công nghệ, kinh tế... và nó sẽ làm thay đổi căn bản bức tranh tổng thể của nền kinh tế tri thức đó.
Tầm quan trọng, sự hiệu quả và ảnh hưởng của việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học đã được khẳng định bằng thực tiễn ở nước ta và trở thành xu thế tất yếu của giáo dục. Ngành Giáo dục và Đào tạo Điện Biên nhiều năm qua đã triển khai nhiều biện pháp quản lý, chỉ đạo nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học tại các nhà trường. Đến nay, Cơ sở vật chất và thiết bị dạy học cần thiết cho việc ứng dụng công nghệ thông tin được đầu tư, việc kết nối Internet được thực hiện, hầu hết các nhà trường đều đã trang bị phòng máy tính, đáp ứng tương đối đầy đủ máy chiếu phục vụ cho việc giảng dạy và học tập; kho bài giảng điện tử, kho tài liệu tham khảo và bài giảng PowerPoint được xây dựng online trên website của ngành, nhiều phần mềm hỗ trợ công tác quản lý, dạy học được áp dụng rộng rãi...
CNTT

Theo ông Peter Van Gils, chuyên gia dự án Công nghệ thông tin trong giáo dục và quản lý nhà trường (ICTEM) khẳng định: “Chúng ta đang sống trong một xã hội mà người ta gọi là một xã hội tri thức hay một xã hội thông tin. Điều này có nghĩa rằng những sản phẩm đầu ra mang tính công nghiệp trong xã hội của chúng ta đã mất đi cái tầm quan trọng của nó. Thay vào đó là những “dịch vụ” và “những sản phẩm tri thức”. Trong một xã hội như vậy, thông tin đã trở thành một loại hàng hoá cực kì quan trọng. Máy vi tính và những kĩ thuật liên quan đã đóng một vai trò chủ yếu trong việc lưu trữ và truyền tải thông tin và tri thức. Thực tế này yêu cầu các nhà trường phải đưa các kĩ năng công nghệ vào trong chương trình giảng dạy của mình. Một trường học mà không có công nghệ thông tin là một nhà trường không quan tâm gì tới các sự kiện đang xảy ra trong xã hội”.

Khi nói đến ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học có nghĩa là: Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị công nghệ thông tin đáp ứng nhu cầu sử dụng của cán bộ, giáo viên và học sinh; Sử dụng các thiết bị công nghệ thông tin, các phần mềm làm công cụ hỗ trợ việc dạy và học các môn học trong nhà trường, khai thác tốt các phần mềm thiết kế bài dạy như phần mềm powerpoint, word, violet…; Tăng cường sử dụng mạng internet để khai thác thông tin, tham khảo và xây dựng giáo án điện tử có chất lượng. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các nhà trường hiện nay được chia thành 4 mức độ sau:

  - Mức 1: Ứng dụng công nghệ thông tin để hỗ trợ giáo viên trong việc soạn giáo án, sưu tầm và in ấn tài liệu…, chưa sử dụng trong việc tổ chức các tiết học cụ thể của từng môn học.

  - Mức 2: Sử dụng công nghệ thông tin để hỗ trợ một khâu, một công việc nào đó trong toàn bộ quá trình dạy học.

  - Mức 3: Sử dụng phần mềm dạy học để tổ chức lên lớp một tiết học, một chủ đề hoặc một chương trình học tập.

  - Mức 4: Tích hợp công nghệ thông tin vào toàn bộ quá trình dạy học.

  Thực tế cho thấy rằng các bài giảng khi sử dụng công nghệ thông tin sẽ sinh động và hấp dẫn hơn rất nhiều so với bài giảng không sử dụng công nghệ thông tin. Mỗi một giờ học được áp dụng công nghệ thông tin như vậy sẽ tích cực hóa được hoạt động nhận thức của học sinh, thu hút được sự chú ý xây dựng bài, dễ dàng lĩnh hội tri thức mới. Lúc này, học sinh thật sự là chủ thể hóa của hoạt động nhận thức, được đặt vào những tình huống cụ thể của đời sống, trực tiếp quan sát, thảo luận, thí nghiệm… tìm hiều vấn đề một cách trực quan hơn để giải quyết các vấn đề đó theo cách của riêng mình. Từ đó nắm bắt được kiến thức mới và phương pháp “làm ra kiến thức mới” đó mà không theo những khuông mẫu có sẵn. Không những thế, một giờ học có ứng dụng công nghệ thông tin sẽ tăng cường việc học tập và lĩnh hội tri thức theo từng cá thể, phối hợp với học tập tương tác nhóm và giúp hoàn thiện tốt hơn kỹ năng sử dụng máy tính cho học sinh. Trong một lớp học, trình độ và khả năng tư duy của học sinh là không đồng đều, khi sử dụng công nghệ thông tin trong dạy học sẽ làm tăng cường cá thể hóa trong học tập và sự hợp tác giữa các cá nhân: Thầy – trò, trò – trò, giúp thuận tiện hơn trên con đường chiếm lĩnh kiến thức. Với phương tiện là máy tính, máy chiếu người học có thể thực hiện các “thao tác của tư duy” ngay trong tiết học, và được phản hồi gần như ngay tức khắc việc khẳng định đúng hay sai, làm lại hay lựa chọn tiếp một cách chính xác và công bằng. Điều này càng gây hứng thú cho học sinh trong quá trình học tập và đương nhiên việc học sinh tự tìm ra tri thức sẽ nâng cao hơn chất lượng và hiệu quả của giờ dạy.

Tuy nhiên, để mang lại cho học sinh một tiết học như vậy, mỗi giáo viên lại phải nỗ lực rất nhiều trong việc chuẩn bị bài soạn so với phương pháp truyền thống, phải có trình độ chuyên môn vững vàng, phải có trình độ về công nghệ thông tin và khả năng ứng dụng nó vào việc soạn giáo án, thiết kế các bài lên lớp sao cho phong phú, sinh động, logic, sáng tạo, tận dụng được tối đa các trang thiết bị hiện đại mà nhà trường sẵn có. Để làm tốt được việc này cần phải có một quá trình nghiên cứu, tự học, tự bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tích lũy kinh nghiệm và tâm huyết. Bởi vì nếu không nẵm vững chuyên môn nghiệp vụ và có những phương pháp dạy học hay, sáng tạo thì rất dễ dẫn đến việc lạm dụng dẫn tác dụng ngược tới quá trình dạy học của giáo viên và lĩnh hội tri thức của học sinh.
day va hoc (1)

Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học tại các nhà trường phổ thông hiện nay là rất cần thiết và phù hợp với xu thế phát triển của xã hội. Tuy nhiên câu hỏi đặt ra là phải ứng dụng nó như thế nào, quản lý ra sao để đạt được hiệu quả cao nhất là những câu hỏi không dễ có câu trả lời. Trong phạm vi bài viết này, tác giả xin mạn phép đưa ra một số giải pháp nhằm từng bước nâng cao hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học. Các giải pháp này cần phải được thực hiện một cách có lộ trình, có kế hoạch và được chia thành từng giai đoạn cụ thể. Trong mỗi giai đoạn nhà quản lý sẽ phải đặt ra các mục tiêu cụ thể và bằng mọi cách thực hiện được các mục tiêu đó. Trước hết là:

1. Quán triệt, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò, lợi ích và hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học.

Việc này sẽ giúp cho cán bộ, giáo viên trong các nhà trường nắm vững quan điểm, đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước, thấy được sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin trên thế giới và trong nước, chỉ ra những tác động tích cực mà ứng dụng công nghệ thông tin có thể mang lại, từ đó sẵn sàng hơn với việc đổi mới tư duy, nội dung, phương pháp, phương tiện, tổ chức thực hiện, đổi mới việc kiểm tra, đánh giá trong hoạt động giáo dục cho phù hợp.

Ban giám hiệu nhà trường phải là người đi đầu, phải hiểu và nhận thức đúng đắn về các chủ chương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT về ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực hoạt động giáo dục, phải là người tiên phong trong việc ứng dụng các tiện ích của công nghệ thông tin thông tin đem lại, tạo ra phong trào và là tấm gương sáng cho cán bộ, giáo viên trong nhà trường noi theo.

Thành lập ban chỉ đạo ứng dụng công nghệ thông tin trong nhà trường, đưa các nội dung ứng dụng công nghệ thông tin vào kế hoạch năm học như là nhiệm vụ trọng tâm bắt buộc.

Nắm vững và triển khai, phổ biến các văn bản về ứng dụng công nghệ thông tin trong nhà trường bằng nhiều hình thức, tạo mọi điều kiện cho đội ngũ giáo viên học tập, rèn luyện, nâng cao chất lượng chuyên môn và trình độ ứng dụng công nghệ thông tin để giải quyết các công việc chuyên môn. Định hướng và đặt ra mục tiêu cho từng nội dung cụ thể, qua đó theo dõi tiến độ thực hiện của từng cá nhân, từng tổ chuyên môn để có những điều chỉnh, bổ xung kịp thời phù hợp với tình hình thực tế.

Tổ chức các cuộc hội thảo chuyên đề, báo cáo kinh nghiệm, tham quan, học tập, rút kinh nghiệm các đơn vị bạn, xen kẽ trong trong đó là việc tuyên truyền, quán triệt, nâng cao nhận thức về công nghệ thông tin cho toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên trong nhà trường.

2. Tổ chức, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho giáo viên về ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học

Cán bộ, giáo viên là người trực tiếp tạo ra sản phẩm, tạo ra nguồn nhân lực cho xã hội. Nếu không có giáo viên thì không thể nói đến quá trình dạy học. Muốn có được nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng được nhu cầu xã hội thì không thể thiếu đội ngũ giáo viên có chất lượng, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, có tinh thần trách nhiệm trong công việc và phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, nhiệt tình, ham học hỏi, tìm tòi, cải tiến phương pháp, cách làm mới, yêu nghề và say mê. Chính vì vậy, khâu đào tạo và bồi dưỡng kiến thức về công nghệ thông tin là khâu quan trọng quyết định đến thành công của chiến lược phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin. Để làm được việc này, nhà trường cần phải có kế hoạch cụ thể, chính sách đào tạo, kế hoạch sử dụng đội ngũ giáo viên một cách hợp lý, có hiệu quả. Kết quả của việc bồi dưỡng, đào tạo cho giáo viên phải trực tiếp tác động vào kết quả học tập rèn luyện của học sinh và hiệu quả công việc của nhà trường.

3. Chỉ đạo tăng cường việc ứng dụng các phần mềm giáo dục trong quản lý dạy học theo hướng tích hợp, khai thác và sử dụng có hiệu quả các ứng dụng trên mạng và Internet

Tiến hành nghiên cứu, lựa chọn các phần mềm có chức năng phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh nhà trường, chưng cầu ý kiến xem cần bổ sung, lược bỏ những gì (có thể mời tư vấn hoặc hỏi ý kiến chuyên gia) sau đó mới ra các quyết định có sử dụng phần mềm, tiện ích đó hay không. Tổ chức các cuộc hội thảo, tập huấn cho cán bộ phụ trách và các cá nhân có liên quan tiếp cận, làm quen và thực hành kiểm thử phần mềm, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên. Khi đưa vào khai thác và sử dụng hoàn thiện cần kiểm tra kĩ, có đánh giá chi tiết sau mỗi quá trình sử dụng để tìm ra, khắc phục các nhược điểm của chương trình, cải tiến chúng để phù hợp với nhu cầu sử dụng thực tế.

Xây dựng kho tư liệu dùng chung của nhà trường, có thể nghiên cứu, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường bạn để xây dựng hệ thống kho bài giảng dùng chung trong toàn tỉnh.

  4. Quản lý hạ tầng cơ sở vật chất, thiết bị dạy học hiện đại, xây dựng phòng học đa phương tiện

Ưu tiên, chú trọng đến việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học có ứng dụng công nghệ thông tin để phục vụ quá trình dạy học, xem đây là sự đầu tư quan trọng hàng đầu để đảm bảo cho hoạt động dạy học ở nhà trường được hiệu quả. Xây dựng các quy định về việc sử dụng và bảo quản. Việc trang bị cơ sở vật chất phải có quy trình,kế hoạch, lộ trình từng bước, từng giai đoạn, từng mảng công việc cụ thể theo hướng hiện đại hoá được đến đâu là đảm bảo hoạt động tốt đến đó. Kiểm tra định kỳ và tiến hành bảo dưỡng, sửa chữa những thiết bị hỏng hóc.

Tổ chức đào tạo và bồi dưỡng những cán bộ cốt cán chuyên trách về công nghệ thông tin có khả năng hiểu biết về tính năng, tác dụng và cách sử dụng qua đó phổ biến nhân rộng tới tất cả đội ngũ giáo viên trong trường. Giám sát chặt chẽ việc sử dụng, tránh lạm dụng những thiết bị này trong quá trình dạy học. Đặc biệt, Hiệu trưởng cần phải thực hiện tốt công tác kiểm tra, đánh giá định kỳ, đột xuất việc sử dụng và bảo quản, kịp thời động viên, khuyến khích các cá nhân, tổ chuyên môn làm tốt, đồng thời nhắc nhở, phê bình các cá nhân, tổ chuyên môn thực hiện chưa tốt.

5. Ban hành các quy định bằng văn bản cho việc ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học

Việc ban hành các văn bản quy định cho việc ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học giúp đề cao trách nhiệm của người lãnh đạo cũng như tạo sự thống nhất trong việc chỉ đạo cho cán bộ giáo viên nhà trường trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học.

Có quy định rõ ràng về các hình thức khen thưởng, phê bình, một mặt tạo động lực, khích lệ, động viên đối với những cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh tích cực sáng tạo trong ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy và học tập, mặt khác góp phần quan trọng trong việc chấn chỉnh đối với những trường hợp thờ ơ, không tích cực hoặc sai phạm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao.

6. Tăng cường việc thanh, kiểm tra, đánh giá việc bảo quản, sử dụng, ứng dụng công nghệ thông tin ở các nhà trường

Kiểm tra, đánh giá là một chức năng quan trọng không thể thiếu của nhà quản lý. Thường xuyên kiểm tra, đánh giá sẽ giúp Hiệu trưởng xác định được mức độ, hiệu quả quá trình ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học ở nhà trường, qua đó đề ra các biện pháp điều chỉnh cụ thể, phù hợp, kịp thời, chính xác để việc ứng dụng công nghệ thông tin mang lại hiệu quả thiết thực nhất. Kiểm tra, giám sát giúp cho người quản lý phát hiện sai sót, lệch lạc để điều chỉnh kịp thời, phát hiện gương tốt, những kinh nghiệm tốt, những khả năng, tiềm lực để tận dụng, nhân rộng. Việc thực hiện các hình thức giám sát, kiểm tra là một việc làm thường xuyên, hết sức cần thiết, để làm cơ sở đưa ra những quyết định khen thưởng, phê bình hợp lý, từ đó nâng cao ý thức tự giác của giáo viên, có tác dụng tích cực trong công tác quản lý việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học nhằm đạt được các mục tiêu đã đề ra./.

Tác giả: Nguyễn Hùng Cường

Tổng số điểm của bài viết là: 11 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 3.7 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập93
  • Máy chủ tìm kiếm31
  • Khách viếng thăm62
  • Hôm nay13,115
  • Tháng hiện tại822,028
  • Tổng lượt truy cập136,274,397
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi