banner
Nhiệt liệt chào mừng 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024)

GDTrH – Giới thiệu tác phẩm thơ đạt giải trong cuộc thi sáng tác thơ ngành Giáo dục và Đào tạo - số 20.

Thứ năm - 25/04/2013 20:37
Dienbien.edu.vn - Nhân dịp kỉ niệm 30 năm ngày Nhà giáo Việt Nam, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên phát động hội thi sáng tác thơ với chủ đề "Thầy cô và mái trường thân yêu" và đã nhận được sự tham gia của đông đảo các thầy cô giáo, các em học sinh.
Có 52/421 tác phẩm dự thi đạt giải, Hội thi đã phát hiện được những “hạt giống Thơ” nảy mầm từ tình yêu nghề, yêu người thiết tha, cháy bỏng của các nhà giáo đang ngày đêm lặng thầm cống hiến công sức của mình cho giáo dục vùng cao và tình cảm tri ân thầy cô, mến yêu mái trường của các thế hệ học trò.
Ban Biên tập trân trọng giới thiệu với bạn đọc hai tác phẩm thơ đạt giải khuyến khích trong Hội thi.
 
DẶN LÒNG
                                   Đặng Việt Cường - Trường PTDTNT THPT huyện Điện Biên
    
          Cả đời say đứng bảng đen
    Cuộc tình chung thủy sang hèn không so
          Đời phiêu bạt chẳng đắn đo
   Nguyện thân gắng sức đưa đò khơi xa
          Dành cho người những sân ga
   Cho ai cửa mở bước ra hóa rồng
          Sự đời được mất hư không
   Nghiệp thân dạy học thì không mong cầu
          Trồng người có ngại chi đâu
   Người đi xin giữ một câu ân tình
 

Say Mông dạy chữ được các nhà giáo THPT Phan Đình Giót thể hiện sáng tạo và sinh động.
 
Trong dòng chảy cuồn cuộn của nền kinh tế thị trường, một bộ phận có tư tưởng tiêu cực đã so sánh "Người giáo viên trong xã hội hiện nay giống như chàng hiệp sĩ Don Quixote - nhà quý tộc trong tiểu thuyết của nhà văn Cervantes, cưỡi một con ngựa còm, với ngọn giáo gãy mà buộc phải chiến đấu với những cối xay gió hùng mạnh" thì thầy giáo trẻ Đặng Việt Cường, giáo viên trường PTDTNT THPT huyện Điện Biên đã làm cho nhiều bậc đàn anh, đàn chị phải suy nghĩ, phải xem xét lại thái độ của mình đối với nghề dạy học bằng bài thơ "dặn lòng". Cách chơi chữ ở các chữ đầu mỗi dòng thơ không mới song tâm nguyện " cả cuộc đời nguyện dành cho sự nghiệp trồng người" đã làm sáng cả bài thơ.
                                 
GIÁO ÁN CHƯA XONG
Dương Thị Kiêu - Trung tâm GDTX huyện Mường Chà
 
Có một lần tôi lên lớp
Giáo án soạn chưa xong
Tôi thấy mình bối rối ở trong lòng.
Kiến thức trong đầu như một mớ bòng bong.
Bốn lăm phút đứng trên bục giảng
Tôi chỉ nói được vài từ trong giáo án.
Giọng ngập ngừng không sao giảng nổi.
Tôi nhìn xuống các em như một lời thú tội.
Các em ơi ! cô có lỗi
Đã dối các em, đã dối cả lòng mình.
Tiết giảng hôm nay đứng trước học sinh
Tôi thấy tim mình như rỉ máu.
Các em ơi các em có thấu
Nỗi khổ riêng cô giáo án chưa xong.
Hỡi các bạn còn đang ở trong nghề
Hãy miệt mài tâm huyết say mê
Với nghề, với nghiệp với trang giáo án
Đừng có như tôi, giáo án chưa xong
Tiết giảng không thành./.
 

Trẻ tiểu học vùng cao với mô hình học theo nhóm.
 
Ở Việt Nam chúng ta, từ ngàn xưa có hai nghề rất cần đến đức độ, đặc biệt rất được coi trọng và người đời hay nói đến hai chữ LƯƠNG TÂM – đó là nghề thầy thuốc và nghề thầy giáo. Một nghề quan tâm tới sức khoẻ, quyết định tới sự sống chết của con người, một nghề quan tâm tới phần “hồn”, quyết định đến sự phát triển nhân cách của con người ngay từ bài học đầu tiên khi bước tới trường học tập.

Đối với nghề giáo, lương tâm nghề nghiệp chính là thước đo về phẩm chất đạo đức mà mỗi thầy giáo cần phải rèn luyện thường xuyên, không ngừng nghỉ. Lương tâm nghề giáo được biểu hiện ở nhiều mặt từ tư tưởng, phẩm chất đạo đức của người thầy, từ trình độ học vấn với tay nghề vững vàng, đến tấm lòng yêu nghề, yêu trẻ luôn “hết lòng vì học sinh thân yêu” đến tác phong, lối sống, cách xử sự và kỹ năng giao tiếp, … cần có. Một khi ai đó đã lựa chọn nghề giáo - một nghề luôn coi trọng đạo lý và nhân cách đừng bao giờ nghĩ tới nghề dạy học để tích của, làm giầu.

Một nhà giáo có lương tâm nghề nghiệp trước hết phải xác định đúng con đường đi của cuộc đời mình. Đó là lòng thuỷ chung, máu thịt với nghề dạy học với phương châm “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” coi nghề dạy học là nghề tay phải, nghề chính để mà “sống chết” với nó, rèn luyện, lập nghiệp và trưởng thành từ công việc “trồng người” cao quí mà mình đã chọn. Lương tâm nghề nghiệp không cho phép người thầy “nói một đằng, làm một nẻo” mà phải có sự thống nhất giữa con người ngoài đời với con người trên bục giảng, giữa phẩm chất và năng lực, giữa tài và đức để tạo nên một nhân cách nhà giáo cao đẹp.

Năng lực chuyên môn là kết quả tự thân vận động ở người thầy được hình thành qua quá trình học tập ở trường sư phạm, qua tích luỹ kinh nghiệm trong giảng dạy, qua rèn luyện trong thực tế cuộc sống và học hỏi từ sách vở, từ đồng nghiệp mà có. Người ta thường nói rằng thầy giáo phải là người “biết mười dạy một”, phải có trách nhiệm trước lương tâm mình, trước học sinh về chất lượng giờ dạy trên bục giảng. Những giờ dạy hay, dạy giỏi sẽ là niềm vui, niềm tự hào đối với người thầy, nhưng đã có mấy ai cắn rứt lương tâm về những tiết dạy “qua loa đại khái” những tiết dạy “không có lửa”, tẻ nhạt, không hề gây được ấn tượng đối với học sinh vì bài dạy chưa được chuẩn bị kỹ lưỡng? Những ai còn thiếu chút lương tâm nghề nghiệp hãy đọc, hãy ngẫm bài thơ "Giáo án chưa xong" của cô giáo trên 30 năm trong nghề Dương Thị Kiêu.

Tác giả: Đoàn Trần Hiệp

Nguồn tin: Trường PTDTNT THPT huyện Nậm Pồ

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập301
  • Máy chủ tìm kiếm43
  • Khách viếng thăm258
  • Hôm nay42,223
  • Tháng hiện tại1,195,114
  • Tổng lượt truy cập70,485,004
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi