banner
Nhiệt liệt chào mừng 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024)

GDTH – Chuyên đề truyền thông tháng 2 – Một số giải pháp nâng cao chất lượng dạy học Tiếng Việt lớp 1 – Công nghệ giáo dục

Thứ ba - 07/02/2017 22:53
Năm học 2016-2017, Điện Biên tiếp tục duy trì và mở rộng số trường, lớp dạy học Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục tại 126 trường, 379 lớp với 8.121 học sinh (chiếm 59,5% học sinh lớp 1). Để nâng cao chất lượng dạy học môn Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục, các cấp quản lý và các nhà trường đã và đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp phù hợp mang lại hiệu quả cao.
* Đối với Sở Giáo dục và Đào tạo

Năm học 2016-2017, Sở đã chỉ đạo các trường dạy Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục tại các trường tiểu học theo Quyết định số 2222/QĐ-BGDĐT ngày 01/7/2016 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Kế hoạch triển khai dạy học Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục năm học 2016-2017; tổ chức bồi dưỡng giáo viên về phương pháp dạy học Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục nhằm nâng cao chất lượng học tập của học sinh. Sở Giáo dục và Đào tạo đã hướng dẫn các đơn vị tham quan, học tập kết quả của huyện Điện Biên, học tập các giáo viên đã thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, dạy Chương trình Tiếng Việt lớp 1 – Công nghệ giáo dục; thành lập Đoàn giáo viên cốt cán hỗ trợ dạy học theo Mô hình trường học mới và môn Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục cho cán bộ quản lý, giáo viên tại các huyện Mường Nhé, Nậm Pồ và Tủa Chùa; tiến hành khảo sát, tư vấn dạy học Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục tại các trường tiểu học thuộc thành phố Điện Biên Phủ; thực hiện dạy học phân loại phù hợp với đối tượng học sinh, phát huy hiệu quả và những ưu điểm của Chương trình Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục nhằm nâng cao chất lượng học tập của học sinh.
 

Sở Giáo dục và Đào tạo tư vấn, hỗ trợ dạy học môn Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục tại trường Tiểu học thị trấn Tủa Chùa, huyện Tủa Chùa
 
Tại các buổi tư vấn, Sở Giáo dục và Đào tạo đã lưu ý các thầy cô cần hiểu rõ bản chất, ý nghĩa, cách làm của từng thao tác và ý đồ của sách. Đối với giáo viên dạy Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục, các quy trình dạy học cần bám sát thiết kế. Giáo viên phải làm mẫu chuẩn xác, giao nhiệm vụ cho học sinh rõ ràng, phát âm chuẩn; chú ý rèn đều các kỹ năng đọc, viết cho học sinh nhất là đối với học sinh người dân tộc, học sinh ở các điểm trường; giáo viên cần sử dụng triệt để các tín hiệu, ký hiệu đã quy ước với học sinh trong suốt quá trình học.

* Đối với các phòng Giáo dục và Đào tạo

Các phòng Giáo dục và Đào tạo cần làm tốt công tác Phổ cập giáo dục trẻ 5 tuổi ở bậc học Mầm non để học sinh có điều kiện tiếp cận Chương trình Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục; bố trí giáo viên nhiệt tình, có trình độ năng lực chuyên môn và trách nhiệm làm công tác chủ nhiệm lớp 1; chỉ đạo Ban giám hiệu các trường hướng dẫn giáo viên dạy học theo hướng phân hoá đối tượng học sinh, bám sát đối tượng, phù hợp và phát huy được tính tích cực của nhiều đối tượng học sinh; chỉ đạo việc dạy học theo Chuẩn kiến thức và kỹ năng, lựa chọn nội dung, phương pháp dạy học phù hợp với từng đối tượng học sinh, phù hợp với từng địa phương; khuyến khích giáo viên tăng cường làm đồ dùng dạy học, sử dụng đồ dùng tự làm, các loại đồ dùng có sẵn ở địa phương, đồ dùng dạy học được cấp phát một cách hợp lý, để tạo hứng thú trong học tập của học sinh.
 

Tổ chức chuyên đề  bài dạy Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục ở Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Điện Biên

Xây dựng đội ngũ giáo viên cốt cán làm công tác hỗ trợ chuyên môn cho các trường; thực hiện dạy học Tiếng Việt lớp 1 cho học sinh dân tộc thiểu số theo hướng điều chỉnh kế hoạch dạy học từ 350 tiết/năm lên thành 504 tiết/năm (phương án tăng thời lượng Tiếng Việt); chỉ đạo tổ chức hội thảo liên trường về chuyên đề bài dạy Tiếng Việt lớp 1 – Công nghệ giáo dục; tích hợp dạy Tiếng Việt trong các môn học, các hoạt động giáo dục. Vận dụng các phương pháp dạy học Tiếng Việt với tư cách dạy học ngôn ngữ thứ hai; tăng thời gian dạy đọc cho học sinh; phối hợp thường xuyên, chặt chẽ, có hiệu quả với chính quyền địa phương trong việc huy động học sinh ra lớp và xây dựng cơ sở vật chất cho các nhà trường; tăng cường công tác truyền thông về Chương trình Tiếng Việt lớp 1 – Công nghệ giáo dục trên các phương tiện thông tin đại chúng, Website,… để xã hội, phụ huynh đồng thuận với các nhà trường trong việc triển khai thực hiện.

* Đối với BGH nhà trường

Mỗi cán bộ quản lí cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, quyết tâm theo đuổi tận cùng các giải pháp để nâng cao chất lượng dạy học môn Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục; chỉ đạo sát sao việc tổ chức tập huấn và bồi dưỡng chuyên môn; tăng cường kiểm tra việc chuẩn bị bài trước khi lên lớp của giáo viên, dự giờ, tư vấn, rút kinh nghiệm đặc biệt quan tâm đến giáo viên còn hạn chế năng lực chuyên môn và kinh nghiệm; tổ chức sinh hoạt các chuyên đề; tham gia thảo luận rút kinh nghiệm về phương pháp dạy học; lập thời khóa biểu phù hợp, đảm bảo tính sư phạm. Nghiên cứu, triển khai tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, các trò chơi trong sinh hoạt tập thể để làm phong phú các hoạt động giáo dục trong nhà trường; tiếp tục tổ chức hiệu quả hoạt động giao lưu tiếng Việt, khuyến khích các em đọc chưa đạt quy định về chuẩn kiến thức kỹ năng tham gia giao lưu tạo tâm thế mạnh dạn, tự tin cho các em trong giao tiếp.


Trường Tiểu học Si Pa Phìn, Nậm Pồ tổ chức sinh hoạt chuyên đề về phương pháp dạy học Tiếng Việt lớp 1- Công nghệ giáo dục

 
Đầu năm học, Ban Giám hiệu nhà trường cần kiểm tra chất lượng học tập, lập danh sách số lượng học sinh đọc - viết chưa đạt chuẩn kiến thức kỹ năng của từng lớp, học sinh dân tộc thiểu số, học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; phân công giáo viên chịu trách nhiệm hướng dẫn, kèm cặp từng trường hợp với yêu cầu cụ thể; hàng tháng Ban Giám hiệu phối hợp với các tổ trưởng chuyên môn dự giờ kiểm tra đánh giá sự tiến bộ của học sinh và đánh giá giải pháp của giáo viên đối với học sinh chưa đạt chuẩn kiến thức kỹ năng, xem đây là một trong những tiêu chí thi đua để đánh giá chất lượng của giáo viên. Nhà trường cần chú trọng xây dựng cảnh quan trường lớp, tạo môi trường giáo dục thân thiện để giáo viên và học sinh gắn bó với trường, coi mỗi ngày đến trường là một  niềm hạnh phúc. Cạnh bồn hoa, cây cảnh, vườn rau,… nhà trường nên đặt những tấm biển chú thích ngắn gọn để học sinh có thể học mọi nơi, mọi lúc; cũng để giáo dục các em biết yêu, biết quý biết trân trọng những sự vật thân thuộc xung quanh.

* Nhóm giải pháp đối với đội ngũ giáo viên

Ở 2 tuần 0 giáo viên cần giúp học sinh làm quen với các đồ dùng học tập, tư thế viết bảng con, cách cầm viết, xóa bảng, sách giáo khoa, bút chì,… Giáo viên phải phát âm chuẩn để học sinh phát âm theo. Giáo viên chỉ phát âm một lần, nhưng cần rõ ràng và chính xác. Đối với các em nói và đọc chậm, đặc biệt các học sinh dân tộc, giáo viên cần quan tâm chú trọng đến các em nhiều hơn, nếu các em phát âm còn sai âm mới, giáo viên cần phát âm lại 2-3 lần, để giúp các em sửa chữa và nắm được và nắm chắc các âm đó. Giáo viên hướng dẫn học sinh nắm được đó là nguyên âm hay phụ âm (thông qua việc phát âm), để đưa vào mô hình phân tích tiếng cho đúng, tránh nhầm lẫn khi đưa vào mô hình (phần đầu là phụ âm, phần vần bao giờ cũng là nguyên âm). Với phần vần của môn Tiếng Việt lớp 1 – Công nghệ giáo dục, các em phải nắm chắc các âm, mẫu vần đã học để khi đưa tiếng vào mô hình không bị sai. Bên cạnh đó giáo viên cần giúp các em nắm chắc cơ chế đánh vần với các bước: tạm thời tách thanh ra để lại tiếng thanh ngang; đọc tiếng thanh ngang; trả lại thanh.

Ngoài ra giáo viên cần sử dụng các phương pháp và hình thức tổ chức dạy học nhằm phát huy tính tích cực chủ động của học sinh. Để học sinh ghi nhớ và khắc sâu các kiến thức đã học, giáo viên không chỉ nắm vững quy trình 4 việc trong sách thiết kế, mà còn phải tạo không khí lớp học sôi nổi thông qua tổ chức trò chơi tập thể, quan tâm đến những học sinh dân tộc, luôn tạo điều kiện để lần lượt học sinh được điều khiển trò chơi cho các bạn.
 

Học sinh trường Tiểu học Chà Cang, huyện Nậm Pồ trong tiết học môn Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục
 
Với sự nỗ lực của các cấp quản lý, đội ngũ giáo viên, chất lượng giáo dục môn Tiếng Việt lớp 1 của tỉnh tiếp tục được nâng cao: Tỉ lệ Hoàn thành Tốt và Hoàn thành môn Tiếng Việt của học kỳ I năm học 2016-2017 đạt trên 93%. Trong thời gian tới Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục chỉ đạo lựa chọn các giải pháp phù hợp để chất lượng môn Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục nói riêng, chất lượng giáo dục toàn diện cấp tiểu học nói chung sẽ ngày càng được nâng cao. 

Tác giả: Đỗ Văn Mười – Phòng GDTH

Tổng số điểm của bài viết là: 9 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 4.5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập281
  • Máy chủ tìm kiếm83
  • Khách viếng thăm198
  • Hôm nay34,655
  • Tháng hiện tại3,232,749
  • Tổng lượt truy cập73,942,129
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi