banner
Nhiệt liệt chào mừng 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024)

GDMN - Hội thảo quốc tế và tập huấn chuyên môn về giáo dục mầm non "Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục mầm non Việt Nam" với nhiều nội dung thiết thực

Chủ nhật - 15/10/2017 20:53
Dienbien.edu.vn - Từ ngày 11 đến 13/10/2017, tại Hà Nội, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam phối hợp với trường Đại học Waikato, NewZealand và Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc - UNICEF tại Việt Nam đã tổ chức Hội thảo quốc tế và tập huấn chuyên môn về giáo dục mầm non "Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục mầm non Việt Nam".
Mục tiêu của hội thảo, tập huấn nhằm chia sẻ, thảo luận về các chính sách phát triển Giáo dục Mầm non (GDMN) trong bối cảnh đổi mới; đề xuất các ý tưởng về đổi mới Chương trình giáo dục mầm non (nội dung, phương pháp, đánh giá); cải thiện chất lượng giáo dục cho trẻ mầm non có nhu cầu đặc biệt; bồi dưỡng chuyên môn cho cán bộ quản lý, giáo viên mầm non.
Dự phiên khai mạc Hội thảo ngày 11/10/2017 tại Khách sạn La Thành, Hà Nội có GS.TS Trần Công Phong - Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam; TS. Yoshimi Nishino - Quyền Phó trưởng Đại diện UNICEF Việt Nam và GS. Browen Cowie, Đại học Waikato đồng chủ trì Hội thảo.
1
GS.TS. Trần Công Phong, Viện trưởng Viện KHGDVN khai mạc Hội thảo
 
Hội thảo thu hút sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu, các giảng viên, cán bộ quản lý, giáo viên mầm non... đến từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Đại học Waikato, các trường đại học, cao đẳng trong nước và nước ngoài, các chuyên gia đến từ tổ chức quốc tế UNICEF,UNESCO, PLAN, SC Việt Nam; đại biểu các Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường mầm non...

Hội thảo là diễn đàn thảo luận về các chính sách phát triển Giáo dục Mầm non ở Việt Nam trong bối cảnh triển khai Nghị quyết 29/NQ-TW về đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam, với hai nhóm vấn đề chính được quan tâm: Một là, những vấn đề lý luận và thực tiễn về chính sách hỗ trợ phát triển Giáo dục Mầm non trong bối cảnh đổi mới. Hai là, những giải pháp và các mô hình hiệu quả trong việc đổi mới, phát triển Chương trình Giáo dục Mầm non nhằm nâng cao chất lượng hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ nói chung và trẻ mầm non có nhu cầu giáo dục đặc biệt nói riêng.

Các đại biểu tham dự Hội thảo đã nghe Báo cáo đề dẫn do PGS.TS Nguyễn Thị Mỹ Trinh - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu giáo dục Mầm non, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam trình bày và 11 báo cáo tham luận khác về các nội dung như: Đề án Phổ cập Giáo dục Mầm non cho trẻ 5 tuổi ở Việt Nam; Chính sách Giáo dục Mầm non ở New Zealand; Thực trạng và giải pháp giảm rào cản trong cơ chế quản lý nhóm trẻ độc lập tư thục và nhóm trẻ gia đình ở Việt Nam; Ảnh hưởng văn hóa đến chăm sóc, giáo dục và phát triển trẻ mầm non các dân tộc thiểu số Việt Nam; Mô hình hỗ trợ cá nhân cho trẻ khuyết tật học hòa nhập ở trường mầm non; Khả năng đọc, viết trong giai đoạn mầm non – Những kết quả từ hai nghiên cứu của New Zealand; Tăng cường khả năng sẵn sàng đi học cho trẻ mẫu giáo 5 - 6 tuổi làm quen đọc viết; Mô hình nâng cao năng lực phát triển Chương trình giáo dục mầm non tại vùng dân tộc thiểu số...
Phần thảo luận với những ý kiến trao đổi, bình luận, các đại biểu đã đặt ra khá nhiều câu hỏi thú vị nhằm sáng tỏ hơn các nội dung trong các báo cáo. Các trao đổi, thảo luận tập trung về các vấn đề: Cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển Giáo dục Mầm non, đặc biệt, về nguồn lực tài chính và giải pháp xã hội hóa giáo dục; Phát triển Chương trình giáo dục và đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy và đánh giá; Cơ chế phối hợp giữa nhà trường, gia đình và cộng đồng trong phát triển Chương trình Giáo dục Mầm non; Phát triển đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên ở các cơ sở Giáo dục Mầm non...
2
Môi trường thân thiện với trẻ tại trường mầm non chất lượng cao Sài Đồng, Long Biên, Hà Nội
 
Ngày 12/10/2017 tại trường mầm non chất lượng cao Sài Đồng, Long Biên, Hà Nội diễn ra nội dung tập huấn chuyên môn do các chuyên gia đến từ trường Đại học Waikato, NewZealand và Viện KHGD Việt Nam thực hiện. Nội dung tập huấn gồm 04 Chủ đề: Phát triển chương trình GDMN từ chương trình quốc gia đến chương trình nhà trường: Kinh nghiệm từ NewZealand; Bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên mầm non ở NewZealand; Tăng cường đọc, viết cho trẻ mầm non; Sử dụng công nghệ thông tin trong GDMN. Đây đều là những nội dung rất hay và thiết thực mà các đại biểu mong muốn được tìm hiểu. Đặc biệt, tại buổi tập huấn các đại biểu được nghe những chia sẻ vô cùng bổ ích của PGS.TS Lê Anh Vinh - Phó Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Việt Nam về phương pháp giúp trẻ làm quen với Toán.
           
3
Thư viện thân thiện tại trường mầm non Đông Hội, huyện Đông Anh
           
Ngày 13/10/2017 đoàn đại biểu đi tham quan mô hình Thư viện thân thiện với trẻ em dựa vào cộng đồng tại trường mầm non Đông Hội, huyện Đông Anh. Mô hình là gợi ý tốt cho các trường mầm non trong xây dựng thư viện, tạo môi trường cho trẻ làm quen với chữ viết, tăng cường tiếng Việt cho trẻ hiệu quả đồng thời tạo thêm môi trường cho trẻ học tập, vui chơi rất sinh động, phù hợp với lứa tuổi, tâm sinh lý của trẻ mầm non.

Nhiều nội dung tại hội thảo, tập huấn có ý nghĩa rất thiết thực đối với đại biểu là cán bộ quản lý, giáo viên mầm non. Đây là cơ hội tốt để các đại biểu học hỏi những kinh nghiệm hay trong phát triển GDMN của nước bạn NewZealand; để cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, cách áp dụng hiệu quả, phù hợp với thực tế mỗi địa phương của Việt Nam./.

Tác giả: Trần Thị Tố Uyên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập2,084
  • Máy chủ tìm kiếm53
  • Khách viếng thăm2,031
  • Hôm nay579,330
  • Tháng hiện tại2,468,456
  • Tổng lượt truy cập73,177,836
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi