Từ chủ trương của Đảng, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cho ra đời Đề án đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, trong đó việc thực hiện tích hợp, liên môn được Bộ quan tâm chỉ đạo thực hiện.
Thực hiện chủ trương của Đảng và chỉ đạo của Bộ Giáo dục, trong thời gian gần đây hệ thống giáo viên các cấp học, môn học đã đẩy mạnh việc thực hiện đổi mới nội dung, phương pháp dạy học, trong đó có thực hiện tích hợp liên môn trong dạy học. Từ đó, việc thực hiện tích hợp liên môn trong dạy học bước đầu đã đạt được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận giáo viên vẫn chưa xác định đúng đắn những vấn đề cơ bản của việc tích hợp liên môn trong dạy học nói chung cũng như dạy học lịch sử nói riêng.
Qua thực tiễn dạy học môn Lịch sử tại trường THPT, bản thân cũng đã đẩy mạnh việc đổi mới phương pháp dạy học, trong đó có thực hiện việc tích hợp liên môn. Từ đó, bản thân đã đúc kết những vấn đề cơ bản để thực hiện tích hợp liên môn trong dạy học nói chung và dạy học Lịch sử nói riêng đạt hiệu quả cao như sau:
Thứ nhất, trong dạy học Lịch sử có thể tích hợp liên môn kiến thức của nhiều môn học: Điều này xuất phát từ đặc trưng của bộ môn Lịch sử, đây là môn học nghiên cứu về quá khứ đồng thời đây cũng là môn học bao hàm trong nó nhiều nội dung kiến thức phong phú đa dạng. Vì vậy, để tái hiện quá khứ khách quan một cách sinh động, chân thực, khách quan nhất, giáo viên phải kết hợp kiến thức của nhiều môn học khác nhau như Địa lí, Văn học, Chính trị, Khảo cổ học, Lịch sử địa phương, Mĩ học, Văn hóa học, kiến thức môi trường…
Thứ hai, cần phải xác định đúng đắn vị trí có thể thực hiện tích hợp liên môn trong bài học lịch sử: Việc thực hiện tích hợp, liên môn phải đúng lúc, đúng chỗ, không được khiên cưỡng gò ép, trong chương trình Lịch sử THPT nói chung, từng bài học lịch sử nói riêng không phải bất cứ nội dung nào cũng có thể thực hiện tích hợp liên môn. Khi xây dựng kế hoạch dạy học, giáo viên cần xác định chính xác những nội dung nào của bài học có thể tích hợp, tích hợp kiến thức môn học nào và phương pháp thực hiện tích hợp liên môn như thế nào. Làm tốt được việc này, sẽ giúp giáo viên không làm mất thời gian trong dạy học, hiệu quả của việc tích hợp liên môn sẽ tăng lên rất nhiều.
Thứ ba, kiến thức liên môn được chọn để thực hiện tích hợp phải được lựa chọn, cô đọng, chính xác: Trong quá trình dạy học lịch sử, khi sử dụng kiến thức thức các môn học khác, giáo cần phải có sự lựa chọn, hết sức cô đọng, có hiệu quả nhất, vì huy động những kiến thức thuộc các môn học khác mục đích cuối cùng cũng là để soi sáng, làm nổi bật kiến thức bài học lịch sử học mà thôi. Vì vậy, việc làm này giúp giờ học bám sát được mục tiêu bài học, tiết kiệm thời gian, tiết học không bị rời rạc, nặng nề đối với học sinh, giúp nội dung bài giảng trở nên sâu sắc, tư duy khái quát, tổng hợp của HS được rèn luyện…
Thứ tư, việc thực hiện tích hợp liên môn trong dạy học lịch sử cần tiến hành một cách linh hoạt, sáng tạo dưới nhiều hình thức dạy học: Trong một tiết học trên lớp có nhiều bước, việc thực hiện tích hợp liên môn không chỉ thực hiện trong quá trình cung cấp kiến thức mới và còn có thể thực hiện trong lúc kiểm tra bài cũ, giới thiệu bài mới hay kiểm tra đánh giá… Ngoài việc thực hiện với giờ học nội khóa, việc tích hợp liên môn còn được tiến hành trong tất cả các hình thức dạy học khác như giờ học thực hành, hoạt động ngoại khóa theo chủ đề, hoạt động học tập (dự án học tập) của học sinh theo những chủ đề cụ thể, xây dựng hệ thống bài tập mở, bài tập gắn liền thực tiễn, bài tập có nội dung vận dụng kiến thức liên môn…
Thứ năm, việc thực hiện tích hợp liên môn phải được thực hiện bằng những phương pháp, biện pháp dạy học sáng tạo, hiệu quả: Khi dạy học lịch sử, việc đưa kiến thức của các môn học khác vào bài học là nhằm giúp học sinh hiểu sâu sắc hơn nội dung lịch sử, muốn vậy giáo viên cần phải thực hiện việc tích hợp liên môn bằng những phương pháp, biện pháp dạy học sáng tạo, linh hoạt. Muốn vậy, giáo viên cần phải xây dựng hệ thống câu hỏi tích hợp hay, hợp lí. Các câu hỏi này sẽ góp phần phát huy vai trò làm chủ, tính tích cực, sáng tạo của học sinh, làm rõ những tri thức, kĩ năng đặc thù của môn lịch sử, vừa khai thác những yếu tố chung giữa các môn học khác để hình thành những tri thức tổng hợp cho học sinh.
Thứ sáu, cần thực hiện hài hòa và đồng bộ hai hướng tích hợp dọc và tích hợp ngang: Trong dạy học lịch sử, có hai hướng tích hợp chính là tích hợp liên môn và tích hợp nội bộ môn học. Mỗi loại tích hợp có một đặc trưng và mang lại một hiệu quả riêng đối với quá trình dạy học. Nếu tích hợp liên môn khai thác kiến thức của các môn học khác nhau trong một bài học lịch sử, thì tích hợp nội bộ lại chủ yếu tích hợp trong nội dung của môn lịch sử. Cả hai hướng tích hợp này thường không tách biệt mà luôn đi liền với nhau và có mối liên hệ chặt chẽ, gắn bó mật thiết với nhau, hỗ trợ nhau cùng làm nổi bật nội dung của bài học, đồng thời giúp học sinh hoạt động tích cực hơn, liên tục vận dụng, củng cố kiến thức đã học.
Trên đây là một vài suy nghĩ của bản thân về việc thực hiện tích hợp liên môn trong giảng dạy môn Lịch sử, rất mong các thầy cô đồng nghiệp tiếp tục đóng góp ý kiến để việc đổi mới phương pháp dạy học ngày càng đạt được hiệu quả cao./.
Tác giả: Sưu tầm
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn