banner

ĐIỆN BIÊN PHỦ TRÊN NHỮNG DÒNG HỒI ỨC

Thứ ba - 21/05/2019 23:06
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng dư âm của nó còn vọng vào các trang viết của các thế hệ hôm qua, hôm nay, và mãi mãi mai sau.

          Làm thế nào để hiện thực chiến tranh được nhận thức và phản ánh đúng trên các trang viết của các thế hệ cầm bút, nhất là sau này, khi những cuộc chiến đã đi qua và người viết không phải là thế hệ đã sống, đã trực tiếp cầm súng chiến đấu? Thiếu vốn sống thực tế, viết theo cảm tính chủ quan, thoát ly hiện thực sẽ không phản ánh đúng bản chất của cuộc chiến tranh và phẩm giá của người chiến sĩ. Bởi vậy, những hồi ký chiến tranh rất cần được tìm hiểu, khai thác.

          Sáu mươi nhăm năm đã trôi qua kể từ khi nhân dân Việt Nam làm nên chiến thắng lịch sử vĩ đại "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu". Những hồi ức về Điện Biên Phủ sẽ là những tư liệu sống cho những thế hệ sau viết về chiến tranh đúng như thực tế đã diễn ra. Nhiều tư liệu quý đã được tập hợp trong cuốn Điện Biên Phủ qua những trang hồi ức (3 tập) do Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân ấn hành tháng 4 - 2004 nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, sẽ cho người đọc nhận thức đúng về ý nghĩa cũng như thực tế của cuộc chiến tranh.
          Trong tập 1 của bộ ba hồi ký, người đọc sẽ thấy hiện lên bức tranh thật, cuộc sống thật của những người lính đã trực tiếp cầm súng chiến đấu trên chiến trường Điện Biên Phủ, trong các hầm hào của cao điểm cuối cùng: Đồi A1.
          Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc hồi ký của cha tôi, Phạm Xuân Ngọc, cựu chiến binh Tiểu đoàn 249, Trung đoàn 174, Sư đoàn 316 đã viết về "tám tháng và sáu mươi ngày" hành quân, chiến đấu trong chiến dịch Điện Biên Phủ.
          Thiên hồi ký bắt đầu từ cuộc hành trình của sư đoàn 316 từ Sánh Lược - Thanh Hóa hành quân lên Tây Bắc, đến chiến trường Điện Biên Phủ, chiến đấu từ những ngày đầu tiên cho đến khi chiến dịch toàn thắng.
          Thiên hồi ký đã cho tôi thấy tâm hồn người lính với bao rung cảm trước hiện thực cuộc sống, chiến đấu của bản thân mình và đồng đội.
          Cuộc chia tay với nhân dân vùng "I, O" Sánh Lược dù chỉ được ghi lại trong vài dòng cũng đủ nói lên cái đẹp của một thời với tình quân dân gắn bó, thắm thiết:
          "Tiếng chào hỏi, tiếng chân đi, tiếng gọi với, dặn với, ào ào ríu rít. Chỉ có mắt là nhìn thật rõ. Cái nhìn thương yêu của các cụ già, cái nhìn hồ hởi chúc tụng của thanh niên, cái nhìn nhớ nhung bùi ngùi của những cô gái, cái nhìn hồn nhiên trong trẻo của các em thiếu nhi. Những cái nhìn mang tâm cảm đặt vào tim chiến sĩ".
          Có thể chính trong cuộc chiến thiêng liêng này, trong giây phút đáng nhớ này - chia tay hậu phương để lên đường ra mặt trận - người lính mới cảm nhận hết được cái đẹp của lòng dân, cái đẹp của tình người trong những điều không nói hết bằng lời.
                    Cuộc hành quân lên Tây Bắc được tái hiện chân thực và mộc mạc. Người đọc như thấy hiện lên trước mắt hình ảnh những người lính trên bước đường hành quân dẫu muôn vàn gian khổ, nhưng tâm hồn thì vẫn bay lên với sức sống mãnh liệt của tuổi trẻ và lý tưởng bình dị, cao đẹp: "đâu có giặc là ta cứ đi".
          "Đường quen lối thuộc, chúng tôi đi vui vẻ và hăng hái. Rừng tiếp rừng, núi tiếp núi. Thỉnh thoảng cũng gặp một phố nhỏ lèo tèo, dăm ngọn đèn dầu chập chờn trong thấp thoáng quân đi. Đến ngã ba Suối Rút thì ngược thẳng đường lên Châu Mộc. Ngã ngũ rồi: lên Tây Bắc!
          ... Chúng tôi động viên nhau, ngon cũng ăn, không ngon cố ăn, tranh thủ ngủ, chống ốm đau, bảo toàn quân số. Ngày lại ngày, ngấm mãi vào lòng, đến tận bây giờ những buổi chiều rừng, mỗi lần bắt gặp, vẫn còn xao xuyến trong tôi những chiều hành quân".
          "Mặt trời lặn là chúng tôi đi, mặt trời mọc là chúng tôi tới đích. Chúng tôi đi theo rừng núi, đi trong mưa bụi, sương mờ, đi dưới trăng non trăng già, cũng đôi lần đi cùng đuốc lửa dân công. Khỏe đi, yếu cố đi, đau ốm thì dìu nhau khiêng nhau mà đi.
          ... Chúng tôi đi kiên trì như trái đất quay, đều đặn như tốc độ mặt trời. Qua Xồm Lồm - Châu Mộc - Châu Yên, qua Cò Nòi - Hát Lót -  Mường La, đến Châu Thuận được nghỉ một đêm. Từ rời Thanh Hóa, mỗi đêm khoảng 30 cây số, mỗi ngày một công sự, một lán che mưa nắng, trọng lượng mang vác có lúc còn nặng hơn cả trọng lượng người mình. Giả thử mang chắp lại được thì có thể chúng tôi đã đào được một đường hầm xuyên thủng trái đất và một mái cong che rợp bầu trời. Còn bao nhiêu ngày bao nhiêu đêm chúng tôi chẳng nhớ, đếm làm gì, vì bộ đội chỉ có luyện tập, hành quân và đánh giặc, mà hiện tại nhiệm vụ chính của chúng tôi là hành quân.
           Dọc đường hành quân chúng tôi chỉ gặp có dân công. Dân công đông lắm, từng đoàn từng đoàn dài dằng dặc. Không phân biệt gái trai, nhiều hay ít tuổi, chúng tôi động viên nhau, chăm sóc giúp đỡ nhau một cách thật thà và tự nhiên. Thật như hạt gạo, củ khoai, tự nhiên như sông phải có nước, rừng phải có cây, bầu trời phải có nắng vậy. Bởi bộ đội với dân công cùng ra trận".
          Có lẽ chưa ở đâu, chưa bao giờ hình ảnh dân công lại đẹp như vậy, như trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Tác giả hồi ký đã ghi lại vẻ đẹp của những tâm hồn phơi phới tràn đầy niềm vui vẻ, lạc quan của các chị dân công trên đường ra hỏa tuyến: "Dân công Thanh Hóa lên đông. Quá quen bộ đội rồi nên các chị rất bạo mồm. Bóng gió, xa gần, bông đùa, trêu chọc. Những tiếng cười vui vẻ, giòn tan rắc vào đêm rừng mênh mông".
          Cuộc hành quân xa dẫu nhiều khó khăn gian khổ, nhưng không lúc nào thiếu vắng niềm tin hay tắt những nụ cười. Cả một tập thể chung một quyết tâm, cả một đoàn quân chung một con đường: đường ra trận. Hồi ký có những đoạn ghi lại không khí sôi nổi, khẩn trương của cuộc hỏa tốc hành quân chiến đấu của tiểu đoàn 249 chặn đánh giặc đang rút từ Lai Châu về củng cố lực lượng cho tập đoàn cứ điểm:
          "Chúng tôi tiếp tục hành quân với khí thế khác hẳn. Trước kia, mỗi khi gặp một ngọn đèn là đã hy vọng gặp tiền trạm, mỗi lần nghe chó sủa nhiều phía trước là đã mừng thầm sắp được nghỉ chân. Còn bây giờ thì chỉ nghĩ tới đi, đi sao cho nhanh, trang bị không vương vãi, đơn vị này cố gắng vượt đơn vị nọ, đơn vị nọ cố vượt đơn vị kia, vừa vượt bạn xong đã bị bạn vượt mình. Mỗi lần chạm nhau như vậy lại sôi lên:
          - Lính nào đấy?
          - 315 đây.
          - 316 đây.
          - 317 đây.
          - Quân tiên phong, nhanh lên chứ!
          - Cứ đi đi! Đến đích mới biết nhau.
          - Nhanh đấy, nhưng có lỏi không mà ít thế?
          Mặt trời, trăng sao, mây gió cũng hối hả hành quân với chúng tôi".
          Cũng có khi là những dòng tâm cảm chen lẫn hồi tưởng về một thời nhiệt huyết của tuổi thanh xuân ra đi chiến đấu vì Tổ quốc:
          "Ngày chống Mỹ, một bài hát nào đó có câu "Đường ra trận mùa này đẹp lắm". Mỗi lần được nghe câu hát ấy là một lần tôi lại nao nao nhớ một thời ra trận. Thì ra đường ra trận thời nào cũng đẹp, không chỉ đẹp mà còn vui nữa, vui như trẩy hội. Ngày nghỉ, đêm đi. Ngày thì thả sức mênh mang với núi rừng nguyên thủy... Đêm thì thoải mái với đường, thoải mái đi, thoải mái chạy, thoải mái nói cười. Cũng ngựa xe, cũng quần áo, nhưng không như nước, như nêm mà như thác đổ về chiến dịch".
          Chất thơ của hiện thực cho thấy chất thơ trong tâm hồn người chiến sĩ. Chỉ có thể có chất thơ ấy khi người lính mang trong mình một lý tưởng đẹp đẽ, sáng trong, hiểu rõ ý nghĩa của sự ra đi, sự dấn thân cho lý tưởng, và nhận thức đúng tầm cao thời đại, nên mới có được những rung cảm thực sự.
          Là hồi ký chiến tranh, tác giả đưa người đọc trở lại với những ngày khói lửa trên chiến trường ác liệt. Tình đồng đội tỏa sáng trên từng dòng ký ức. Kỷ niệm về đồng đội nặng trên mỗi trang văn.
          Trận Mường Pồn với gương hy sinh của anh Bế Văn Đàn, người tiểu đội trưởng buổi chiều nào lấy đôi vai mình làm giá súng trung liên cho đồng đội bắn trúng quân thù "Thắng giặc rồi vai vẫn còn nguyên, chỉ có ngực áo loang hồng đất mẹ".
          Những suy tư về cái chết dũng cảm của anh Bế Văn Đàn được cha tôi ghi trong hồi ký:
          Anh Bế Văn Đàn anh dũng hy sinh, tin đã truyền đi xôn xao mặt trận. Tôi hỏi anh Tràng:
          - Anh Đàn có được tặng huân chương không?
          Anh trả lời tôi, giọng hơi buồn:
          - Có chứ, chắc chưa kịp thôi. Nhưng anh ấy không thích đâu, vì đã thích huân chương thì phải lo giữ lấy cái ngực mà đeo.
          Châm thuốc, thong thả hút một hơi dài, rồi vẫn cái giọng buồn buồn, anh tiếp:
          - Khi cần thì mỗi người đều có thể sẵn sàng chấp nhận hy sinh. Song đã là chiến sỹ thì phải biết tìm được chiến thắng mà vẫn còn mình. Kháng chiến còn trường kỳ, phải dành dụm súng, dành dụm gạo và tiết kiệm máu xương.
          Tự dưng tôi cũng thấy buồn như anh và thầm nghĩ, hiệu suất chiến đấu của những chiến binh kỳ cựu như anh Bế Văn Đàn rõ ràng là gấp chục lần tôi. Không mất những người như anh Đàn thì hẳn là hậu phương chẳng phải đưa thêm người ra mặt trận.
          Anh Tràng lặng lẽ đi. Tôi lặng lẽ theo anh. Núi im lặng. Rừng im lặng. Yên tĩnh tới mức tôi có thể cảm nhận được cả cái nao nao của lòng anh, cái nao nao của lòng tôi, dè dặt theo chân truyền xuống đá".
          (Anh Tràng quê miền núi rừng Cao Lạng, chức vụ tiểu đội trưởng, thuộc đại đội 317, đại đội chủ công trong trận mở màn tấn công cứ điểm A1 đêm 30 -3. Anh Tràng hy sinh ngay đêm 30 -3, tại khúc hào Suối Cạn chân đồi A1).
          Rồi Nà Tấu, Mường Phăng, nơi có Hoàng Văn Nô, Tô Vĩnh Diện, nơi có sở chỉ huy mặt trận, vùng đất đêm đêm rung theo rầm rập bước hành quân của những sư đoàn. Hồi ký của cha tôi cũng ghi lại những cảm xúc suy tư về những anh hùng đã ngã xuống vì Tổ quốc:
          "Xuân càng xuân, càng xuân thêm những chuyện anh hùng gần tết. Trong một trận tao ngộ chiến, đánh giáp lá cà, anh Hoàng Văn Nô đã thành dũng sĩ. Mũi lê, báng súng của anh đã một lúc diệt năm tên xâm lược. Trúng đạn rồi anh vẫn đàng hoàng tư thế xung phong. Giặc hoảng sợ cứ nhằm anh vừa bắn vừa lùi rồi bỏ chạy. Anh không đuổi theo, chỉ đứng uy nghi như tượng dưới tán cây cao giữa đỉnh đèo.
          Ba mươi Tết, anh Tô Vĩnh Diện hy sinh. Pháo đứt tời từ từ trôi xuống dốc. Không chịu buông, anh níu càng kéo pháo, hy vọng sẽ đưa được pháo xuống võng đường yên ngựa. Pháo đã theo anh một đoạn dài rồi ngoặt vào cua. Không ai trông thấy anh lăn vào chèn pháo mà chỉ được nhìn anh khi pháo đã dừng, bánh phía trong kẹt vào vách đá, bánh phía ngoài nửa vòng lăn tiếp chẹn lên anh".
          Còn có những hy sinh không phải trong chiến đấu, không phải trên đường kéo pháo vào mặt trận, nhưng vẫn là những cái chết dũng cảm, cao đẹp, để lại trong lòng người viết bao ân tình sâu nặng, bao cảm phục, tiếc thương:
          "Một buổi sinh hoạt ở rừng, lựu đạn của anh Sự mắc rễ cây xòe lửa, anh đã xoay lựu đạn về trước bụng rồi nằm úp xuống. Anh chấp nhận một mình cái rủi ro mà nguyên nhân dẫn đến chưa hẳn vì sơ suất của riêng anh.
          Đường xuống bản Mèo thẳng hẹp và sâu hút. Anh Cầu dừng lại buộc dây giày. Vì chân anh dẫm lên, một tảng đá thình lình lăn xuống. Anh đã nhoài theo ghì ôm đá lại. Cả đá cả người lăn ngang xuống vực, để chúng tôi thoát nạn đá chèn.
          Mặt đối mặt với tử thần, các anh có kịp gì kể công cán, kịp gì huân chương. Các anh Bế Văn Đàn, Hoàng Văn Nô, Tô Vĩnh Diện được Nhà nước truy tặng anh hùng, dũng sĩ, anh Cầu, anh Sự thì không được, song đối với chúng tôi, các anh là những anh hùng. Mất các anh, đau thương quả là vô hạn. Thoắt đã bao năm rồi, ai đếm nổi bao nhiêu mất mát, song đã thấm gì với thuở đói năm bốn mươi nhăm. Lòng chiến sĩ yêu thương bọc thép. Chúng tôi không khóc các anh đâu và chắc chắn các anh cũng chẳng đòi chúng tôi phải khóc. Giả thử còn kịp vài lời trong hơi thở cuối, chắc các anh sẽ căn dặn chúng tôi như thế".
          Chiến trường Điện Biên Phủ là cuộc chiến ác liệt, gian nan trên từng thước chiến hào. Càng đi vào những trang hồi ký của người chiến binh một thời trận mạc, càng thấy rõ hơn những gian khổ hy sinh và ý chí nghị lực phi thường của bộ đội, chiến sĩ ta trong cuộc chiến sinh tử vì Tổ quốc.
          Trận đồi A1, cũng như tất cả các trận khác của chiến dịch Điện Biên Phủ, đều bắt đầu bằng nhiệm vụ đào hào:
          "Nhiệm vụ trung tâm lúc này của chúng tôi là đào hào. Cả mặt trận dồn sức lực vào công việc đào hào...
          Cổ nhân có câu "vạn sự khởi đầu nan". Nhưng công việc đào hào của chúng tôi lại không nan từ buổi ban đầu, mà là ở sau này, khi địch phát hiện ra, cứ đầu hào tới đâu là pháo chúng dập vào đấy, nên càng ra đồng trống càng khó khăn hơn. Đã có thương vong. Nhưng dù sao vẫn phải đào hào.
          Hào đã vươn tới chân, rồi lượn nghiêng Đồi Cháy, sắp chạm vào A1. Càng gần địch càng quyết liệt hơn. Đêm ta đào, ngày địch lấp. Chúng dùng cả pháo để lấp hào. Thế là đêm phải kìm chân địch để đào hào. Ngày phải chặn chân địch để giữ hào. Thêm nhiều đồng chí hy sinh".
          Những khúc hào thấm máu, dù trận chiến chưa bắt đầu. Có thể chính hiện thực này là chất liệu để nhà thơ Tố Hữu viết những câu thơ đi cùng năm tháng "Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt. Máu trộn bùn non".
          Cha tôi dành nhiều bút lực và tâm cảm viết về ngày 30 - 3, ngày trung đoàn 174 nhận nhiệm vụ mở màn tiến công A1.
          "Sớm hôm sau, 29 - 3 - 1954, tiểu đoàn phổ biến mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của trận đánh. Đại đội trưởng Bế Văn Cư thay mặt 182 cán bộ chiến sĩ đơn vị chủ công nhận cờ Quyết thắng và tuyên thệ quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu. Tiếp theo là liên hoan văn nghệ, chương trình trước giờ ra trận của văn công. Được ngồi xem thoải mái, anh Truyền dịch đến với tôi:
          - Độc lập, hòa bình là một trận này thôi, đừng để không công nhé!
          - Em là thê đội 3, lại ở tổ cuối cùng.
          - A1 rắn đấy, thê đội 3 cũng không ngon ăn đâu! Trang bị đủ chưa?
          - Theo cơ số quy định thì em đủ rồi, chỉ thiếu một bông hoa.
          Anh cười:
          - Nhớ dai thế! Này, anh Tràng vẫn chia cho cả cậu.
          Anh mở bao đạn lấy cho tôi một gói thuốc lá".
          Thật sáng trong, đằm thắm biết bao tình đồng đội, anh em trước giờ ra trận.
(Anh Truyền quê ở Thanh Hóa, ngày rời Sánh Lược hành quân, cha tôi nhìn qua vai anh thấy anh hí hoáy viết vào sổ tay dòng chữ "Chào Thanh Hóa thân yêu! Hẹn ngày gặp lại". Anh Truyền đã hy sinh đêm 30 - 3 - 1954, nơi đoạn hào Suối Cạn dưới chân đồi A1).
          Trận chiến quyết liệt đêm 30 - 3 đi vào trong hồi ký của cha tôi với những sự kiện không thể nào quên. Bao đồng đội thân yêu đã nằm lại nơi khúc hào Suối Cạn, bên hàng rào A1, trên lô cốt tiền duyên, và dọc theo bãi trống của đường tiến công lên A1 - đường tiến công lên cao điểm cuối cùng. Những con người khi ngã xuống có tên hoặc không tên đều giống nhau cái chết: Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh. Người đọc sẽ thấy trong hồi ký những độc thoại, đối thoại gợi lại những giờ phút căng thẳng của chiến trường, những tình huống chiến tranh không thể nào đoán trước, những tổn thất mất mát hy sinh không thể gì tính được, những cảm xúc nhớ thương, đau xót, cả ân hận không diễn tả được bằng lời. Những giờ phút khốc liệt nơi trận địa hiện lên như cuốn phim tư liệu:
          "Các anh chạy vùn vụt trong mưa pháo. Pháo rú. Pháo gầm. Trận địa nhoang nhoáng lửa.
          ... Tôi chạy một mạch đến lô cốt tiền duyên. Xem kỹ vết thương: một mảnh đạn bằng hạt đậu từ phía sau xuyên qua mũ nan nằm giữa đỉnh đầu rơm rớm máu. "Không việc gì!" Tôi quay lại nhìn, không thấy ai lên. Sáng ánh đèn dù, từ cao nhìn xuống, dọc đường tiến quân qua bãi trống mờ đen như bờ ruộng, đã nhiều đồng chí hy sinh".
          "Lại mưa pháo. Hầm hào khét lẹt. Anh Nhẫm ấm ức:
          - Mẹ nó! Chỉ cậy nhiều pháo!
          Đợt này chúng dùng cả pháo tầm gần, cùng các cỡ súng từ chân đồi bắn lên, thấp - cao - thẳng  - chéo. Chúng bắn bạt mạng, bắn cho sướng tay. Chúng tôi không ngóc đầu lên được. Anh Nhẫm nói:
          - Cứ kiên trì. Kệ nó! Nó không khoác được cả kho đạn trên lưng đâu.
          Một điều thật đơn giản, song lúc này không bình tĩnh cũng khó nhận ra. Thực vậy, mãi rồi chúng cũng chán tay. Chỉ còn một khẩu pháo và một khẩu trọng liên nào đó cứ nhằm chỗ anh Nhẫm mà bắn.
          Chợt nhìn thấy, tôi gọi:
          - Anh Nhẫm! Ra đây mau!
          - Tăng à? Đánh thế nào?
          - Chưa được học. Song như Cù Chính Lan thì cứ thủ pháo quẳng vào xích hoặc leo lên nóc thả xuống thùng.
          - Nó nghiến mình không?
          - Ngồi dưới hào nó không nghiến được. Cho nó qua, bám đuôi trèo lên nóc.
          - Còn bộ binh chúng đi sau?
          Tôi chưa nghĩ được gì anh đã ra lệnh:
          - Tất cả, gom thủ pháo bộc phá đánh xe tăng!
          Rồi anh quay lại bảo tôi:
          - Địa hình dốc thế này, thủ pháo chặn đầu, nó không dám lên đâu.
          Thật vậy, còn cách chúng tôi hai, ba mươi thước nó đã phải dừng lại.
          Phía sau xe tăng, lựu đạn bỗng nổ dồn dập, bộ binh của chúng rối loạn đội hình, nằm bẹp xuống, đổ đạn như mưa về phía cánh phải.
          - Cừ thật! Họ chui ở đâu ra thế?
          Không kịp trả lời, tôi vội giật tay anh làm hiệu. Từ phía trái chúng tôi, một chiến sĩ chạy xổ vào tăng, nhưng mới được nửa chừng đã ngã. Lại một chiến sĩ nữa. Anh đã trèo lên được nóc xe. Từ lúc ấy, chiếc xe tăng cứ rú lên rè rè... rè rè... Chẳng hiểu nó làm cái trò gì. Một lúc sau, cũng lâu đấy, người bảo ba-dô-ca, người thì bảo thủ pháo. Một tiếng nổ trầm. Một chớp lửa lòe trên nóc xe, vừa đủ sáng cho chúng tôi nhìn thấy anh nhào xuống đất.
          Địch tan, anh Hoàng Văn Xê liền bò xuống lần túi ngực các anh tìm mảnh giấy ghi họ tên, địa chỉ, song chẳng thấy gì ngoài một khẩu tuyn.
          Một chú gà rừng bỗng gáy két ke ke đâu đó. Ôi! Giữa chiến trường đạn bom ngột ngạt thế này vẫn  được nghe  một tiếng gà. Kỳ lạ biết bao nhiêu!"
          Cho tới ngày nay, ai lên A1, cũng thường dừng lại chụp ảnh kỷ niệm bên tháp pháo chiếc xe tăng bị quân ta diệt đêm 30 - 3 năm ấy và đọc dòng chữ trên bia mộ của những anh hùng liệt sĩ vô danh. Không ai biết họ tên, quê quán các anh, kể cả người cựu chiến binh của cuốn hồi ký này. Nhưng những giây phút cuối cùng dũng cảm của các anh còn mãi mãi trong tim đồng đội, còn mãi mãi với Điện Biên lịch sử, với A1 ngàn năm.
          Và đây nữa, người cán bộ bị thương trên lô cốt tiền duyên, đã chọn lấy hy sinh để cản bước quân thù:
          "...Không thấy súng nổ phía sau. Chắc thương binh đã rút ra an toàn. Đã tờ mờ sáng. Không thấy địch phản kích. Trận địa im ắng mà vô cùng căng thẳng.
          Anh Nhẫm ra lệnh:
          -  Ta đi thôi!
          Chúng tôi luồn nhanh xuống ngách hào ngầm ngổn ngang xác giặc.
          Xuống đến lô cốt tiền duyên, một thương binh còn ngồi trong đó. Chúng tôi định cõng anh về. Anh bảo không cần, mình không qua được. Anh yêu cầu để hết lựu đạn, thủ pháo lại cho anh, mà tôi thấy anh đã có một bọc to rồi... Anh Nhẫm giật tay tôi, hai toán địch khá đông chỉ cách chúng tôi chừng trăm mét.
          - Nó vu hồi mình đấy nhưng hụt rồi!
          Đồng chí bị thương rút súng ngắn đặt ra trước mặt rồi nghiêm nghị:
          - Để chúng đấy, các đồng chí rút ra hướng Đồi Cháy: Vọt... Tiến!
          -  Vọt tiến! - Anh giận dữ nhắc lại.
          Chúng tôi chạy như bay qua bãi trống. Súng và lựu đạn nổ dồn dập sau lưng, nhưng rõ ràng không bắn đuổi chúng tôi. Nhảy được xuống đầu hào, tôi kéo luôn anh Nhẫm vào cái ngách hào mà tôi đã trú cả chiều qua, nhìn lại. Địch áp sát lô cốt rồi. Đông đấy! Một chớp lửa rực sáng. Một cột khói màu hồng. Một tiếng nổ dữ dội. Anh Nhẫm còn trông thấy cả những khúc gỗ ghép hầm bay tung tóe... "Anh ấy đi rồi!" - Anh Nhẫm ôm chầm lấy tôi, chặt tới mức tôi không cựa quậy được. Song thực tình tôi cũng chỉ ngồi im có cựa quậy gì đâu.
          Sau này mỗi khi kể chuyện về anh, về hai chiến sĩ đánh xe tăng, người nghe thường hỏi chúng tôi họ tên quê quán các anh. Chúng tôi có biết đâu, và chúng tôi đâu dám đoán mò đoán mẫm họ tên, lai lịch những anh hùng. Chỉ có một điều trăm phần trăm chính xác:
          Các anh người thuộc đơn vị chúng tôi: Trung đoàn 174".
          Trên những trang hồi ức của người chiến sĩ Điện Biên một thời khói lửa, còn hiển hiện lên những khoảnh khắc nghẹn lòng, những phút giây xúc động của những người lính khi dừng lại vĩnh biệt đồng đội, ngay sau ngày chiến thắng, để rồi lại đi tiếp cuộc trường chinh: 
                             "Sáng hôm sau, mồng 8 - 5, chúng tôi được lệnh rút về vị trí tập kết.
... Qua A1 không ai bảo ai mà ai cũng nhặt thêm đạn và lựu đạn, cài nhét đầy người. Xuống đến lô cốt tiền duyên, chỉ đoán chừng khoảng đất ấy thôi, anh Phùng Văn Nhẫm kéo tôi đứng lại. Không nói gì, anh im lặng vuốt thẳng cổ áo, bắn thẳng lên trời ba loạt tiểu liên, cúi đầu mặc niệm rồi nghiêm trang tuyên thệ:
- Kết thúc chiến dịch rồi, quân ta chiến thắng rồi, anh ở lại, chúng tôi đi tiếp, anh cứ yên lòng sống anh dũng, chết vẻ vang, tất cả vì Tổ Quốc, chúng tôi xin thề sống không phụ lòng anh".
 Đọc những trang hồi ức được cất lên từ hiện thực khói lửa chiến trường và  những niềm tâm cảm suy tư kết từ máu xương đồng đội, tôi không khỏi không xúc động nghĩ về chiến thắng vinh quang của dân tộc được trả bằng máu của bao người đã ngã xuống. Và cha tôi, người chiến sĩ Điện Biên năm xưa, tác giả của cuốn hồi ký này, nay cũng đã không còn.
Một mai, chiến sĩ Điện Biên, chiến sĩ A1 có thể sẽ không còn ai nữa, nhưng vẫn mãi mãi còn là Điện Biên rực rỡ, là A1 xanh tươi.
Tôi luôn biết ơn di sản tinh thần mà cha tôi cùng đồng đội đã để lại cho tôi và các thế hệ sau tấm gương về cuộc sống, chiến đấu vì lý tưởng. Dù trải qua bao gian khổ hiểm nguy nhưng vẫn kiên trì, lạc quan tin tưởng ở thắng lợi cuối cùng của cách mạng.
                                                                                 (Điện Biên Phủ, Tháng 5 năm 2019)

Tác giả: Phạm Thị Xuân Châu

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập318
  • Máy chủ tìm kiếm27
  • Khách viếng thăm291
  • Hôm nay39,586
  • Tháng hiện tại984,695
  • Tổng lượt truy cập137,336,508
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi