banner

CĐN-Mua bảo hiểm hưu trí tự nguyện: Người lao động được gì?

Thứ ba - 26/11/2013 03:15
Bảo hiểm hưu trí tự nguyện - tầng bảo vệ thứ 3 dành cho người lao động đang được các cơ quan ban ngành hết sức chú trọng phát triển. Thông tư 115/TT-BTC hướng dẫn bảo hiểm hưu trí và quỹ hưu trí tự nguyện chính thức có hiệu lực từ ngày 15.10.2013 đã tạo nên hành lang pháp lý quan trọng, mở ra nhiều cơ hội thúc đẩy bảo hiểm hưu trí tự nguyện phát triển.
- Vừa được nhận thêm lương hưu

Đúng như tên gọi của nó, bảo hiểm hưu trí tự nguyện hoạt động dựa trên nguyên tắc tự nguyện. Đây là sản phẩm bảo hiểm nhân thọ do doanh nghiệp (DN) bảo hiểm thực hiện nhằm cung cấp thu nhập bổ sung cho người được bảo hiểm khi hết tuổi lao động.

Trên cơ sở đóng phí, người được bảo hiểm bắt đầu nhận quyền lợi bảo hiểm hưu trí khi đạt đến tuổi theo thoả thuận tại hợp đồng bảo hiểm. Nữ giới sẽ bắt đầu nhận quyền lợi của mình ở tuổi 55 và nam giới là 60 tuổi.

Độ tuổi nhận quyền lợi hưu trí này cũng trùng với độ tuổi nhận lương hưu từ quỹ bảo hiểm hưu trí bắt buộc. Số tiền bảo hiểm sẽ được DN bảo hiểm chi trả định kỳ đến khi người được bảo hiểm tử vong hoặc tối thiểu trong 15 năm, tùy theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm. Mức hưởng quyền lợi bảo hiểm mỗi kỳ và số kỳ nhận tiền bảo hiểm cũng rất linh hoạt, tùy theo thỏa thuận giữa người mua bảo hiểm và DN bảo hiểm.

 
Khi tham gia bảo hiểm hưu trí tự nguyện, mỗi người lao động sẽ có một tài khoản bảo hiểm hưu trí riêng. Phần quyền lợi hưu trí chưa chi trả cho bên mua bảo hiểm sẽ được tính lãi tích lũy. Theo quy định của Bộ Tài chính, lãi này không được thấp hơn lãi suất đầu tư cam kết tối thiểu thoả thuận tại hợp đồng bảo hiểm.

- Vừa được bảo vệ rủi ro

Ngoài quyền lợi hưu trí nêu trên, người lao động còn được nhận thêm quyền lợi bảo hiểm rủi ro trong thời hạn đóng phí bảo hiểm, thậm chí có thể được bảo vệ trong thời gian nhận quyền lợi hưu trí. Tùy theo thỏa thuận giữa DN bảo hiểm và người lao động, quyền lợi bảo hiểm rủi ro tối thiểu bao gồm quyền lợi trợ cấp mai táng và quyền lợi bảo hiểm tử vong hoặc thương tật toàn bộ vĩnh viễn.

Đối với quyền lợi trợ cấp mai táng: Ngay khi nhận được yêu cầu thanh toán quyền lợi bảo hiểm tử vong do đại diện của người được bảo hiểm (người nhà của người lao động) cung cấp, DN bảo hiểm phải chi trả ngay khoản trợ cấp mai táng cho người thụ hưởng số tiền theo thoả thuận tại hợp đồng bảo hiểm. Điều đặc biệt là trong bất kỳ trường hợp nào, bất kể có thuộc phạm vi bảo hiểm hay không, DN bảo hiểm cũng phải chi trả ngay số tiền trợ cấp mai táng nói trên.

Đối với quyền lợi bảo hiểm tử vong hoặc thương tật toàn bộ vĩnh viễn, khi người được bảo hiểm tử vong hoặc thương tật toàn bộ vĩnh viễn thuộc phạm vi bảo hiểm và trong thời hạn quy định, DN bảo hiểm chi trả cho người thụ hưởng số tiền bảo hiểm theo thoả thuận tại hợp đồng bảo hiểm. Bên mua bảo hiểm được lựa chọn số tiền bảo hiểm khi giao kết hợp đồng bảo hiểm và được điều chỉnh số tiền bảo hiểm trong thời gian hợp đồng bảo hiểm có hiệu lực theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm.

Bên cạnh đó, khi tham gia bảo hiểm hưu trí tự nguyện, tùy theo nhu cầu và khả năng tài chính của bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm có thể nhận thêm các quyền lợi bảo hiểm hỗ trợ như: Quyền lợi điều chỉnh mức hưởng quyền lợi hưu trí định kỳ; quyền lợi bảo hiểm thất nghiệp; quyền lợi chăm sóc y tế; quyền lợi hỗ trợ nằm viện; quyền lợi bảo hiểm cho người phụ thuộc; quyền lợi bảo hiểm bệnh hiểm nghèo; quyền lợi bổ trợ khác theo thoả thuận tại hợp đồng bảo hiểm. Tuy nhiên với những quyền lợi bảo hiểm bổ trợ này, DN bảo hiểm không được phép khấu trừ phí bảo hiểm.

Chủ sử dụng lao động cũng có thể mua bảo hiểm hưu trí tự nguyện cho các nhân viên của mình. Đặc biệt, nếu chủ sử dụng lao động mua bảo hiểm nhân thọ hoặc bảo hiểm hưu trí tự nguyện cho người lao động với mức phí không quá 1.000.000đ/tháng sẽ không phải nộp thuế thu nhập DN, người lao động chỉ phải đóng tiền thuế thu nhập cá nhân khi nhận tiền bảo hiểm.

Tại các nước phát triển, mô hình bảo hiểm hưu trí với 3 tầng bảo vệ đã được áp dụng từ lâu. Trong đó, bảo hiểm xã hội bắt buộc là "tầng bảo vệ" thứ nhất nhằm đảm bảo người lao động có mức thu nhập tối thiểu sau khi về hưu; bảo hiểm hưu trí bổ sung là "tầng bảo vệ" thứ 2 nhằm bổ sung thêm phần thu nhập trên cơ sở mức lương hưu tối thiểu từ bảo hiểm xã hội bắt buộc; còn bảo hiểm hưu trí tự nguyện là "tầng bảo vệ" thứ 3 giúp bổ sung thêm phần thu nhập cho người lao động sau khi hết tuổi lao động, cộng thêm các quyền lợi bảo hiểm nhân thọ được hưởng khác./.

Nguồn tin: Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập149
  • Máy chủ tìm kiếm16
  • Khách viếng thăm133
  • Hôm nay14,047
  • Tháng hiện tại240,430
  • Tổng lượt truy cập136,592,243
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi