banner

GDTrH – Giới thiệu tình huống sư phạm số 33 cấp THCS.

Thứ năm - 26/09/2013 04:43
Dienbien.edu.vn - Tuần này Ban biên tập trân trọng giới thiệu 02 tình huống sư phạm - hai câu chuyện của các nhà giáo thuộc phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Điện Biên.
Tình huống 1: “Giáo dục đạo đức cho học sinh” của cô giáo Phạm Thị Huế, trường THCS Noong Luống - huyện Điện Biên.
Ngày tôi còn học sư phạm, một lần tôi đến thăm thầy giáo cũ tình cờ tôi nghe được câu chuyện của một cô giáo dạy môn Ngữ văn kể về học sinh lớp mình chủ nhiệm: "Trong giờ Vật lý, khi cô giáo đang giảng bài, em Minh Tâm vẫn ngỗi dưới lớp nghịch, mất tập trung. Chi, cô giáo Vật lý đã nhiều lần nhắc nhở nhẹ nhàng, nhưng Tâm vẫn “phớt” lời, thậm chí, còn cười đùa rất vô duyên. Không kiềm chế được nữa, cô đập bàn quát: “Em Tâm! Không học thì ra ngoài ngay, đừng có cái kiểu coi thường giáo viên như thế”. Trong tiếng ồn ào của lớp học, tiếng Tâm vang lên rõ mồn một: “Tiên sư đứa nào chửi tao”.

Cách xử lý tình huống thực tế của giáo viên
Cô Chi lặng người! 34 tuổi đời, 11 năm tuổi nghề, cô chưa bao giờ ở trong tình thế này. Cố gắng kìm lại cơn giận, cô nói nhẹ nhàng nhưng kiên quyết: “Em nào vừa nói, đứng dậy!”. Lớp lặng im, không em học sinh nào lên tiếng, ngay cả Tâm. Cô vẫn tiếp tục nhẹ nhàng: “Tôi hỏi em nào vừa nói, tôi cho một cơ hội đứng dậy tự nhận lỗi”. Vẫn không ai lên tiếng, không khí lớp học căng thẳng vô cùng. Cô buồn bã lắc đầu: “Xin lỗi các em, tôi không thể tiếp tục dạy tiết học này. Phần còn lại của giờ học, tôi yêu cầu lớp tự sinh hoạt”. Rồi cô lặng lẽ xách cặp đi ra khỏi lớp.

Không biết, các em đã tự sinh hoạt, thảo luận những gì. Nhưng đến cuối giờ học, em lớp trưởng xuống phòng chờ giáo viên mời cô lên lớp.
Trong lớp học, Tâm với đôi mắt đỏ hoe, nức nở khóc và xin lỗi cô giáo. Cô vẫn nói với Tâm bằng những lời nhẹ nhàng, không hề trách mắng.
Bất chợt cô quay sang tôi hỏi: "Thế nào, cô giáo tương lai nếu là cháu trong tình huống đó cháu sẽ xử lí như thế nào". Tôi chỉ cười vì thực tế lúc đó tôi cũng không nghĩ ra cách gì nếu gặp phải tình huống như cô Chi.

 Đã hơn 10 năm qua nhưng câu chuyện về cô giáo Chi trong giờ Vật lí vẫn còn in đậm trong trí nhớ của tôi, bởi lẽ cách cô giáo dục đạo đức cho học sinh không phải ai cũng có thể làm được.
Thực trạng những mặt xấu của xã hội, sự thiếu quan tâm của gia đình, những éo le trong cuộc sống gia đình ảnh hưởng rất lớn đến đạo đức học sinh. Tình huống này, vai trò người thầy rất quan trọng trong việc rèn luyện giáo dục các em chưa ngoan trở thành học sinh ngoan. Tác động của thầy cộng hưởng với năng lực tự học, tự rèn luyện của trò tạo ra chất lượng hiệu quả cao. Điều đáng lo ngại cho giáo viên là tỉ lệ học sinh chưa tốt về mặt đạo đức tương đối cao. Theo tôi, có nhiều nguyên nhân trong đó có nguyên nhân là ý thức và suy nghĩ của các em còn non nớt. Tôi cho rằng, các em làm việc gì đó nếu có sai trái xuất phát có thể do bản năng hoặc bệnh a dua, lấy lệ… nên khi làm không lường được hậu quả việc làm sai trái của mình. Thậm chí các em còn nghĩ làm như vậy là không sai!

Khi đạo đức yếu kém thì học lực cũng tỉ lệ thuận với nó. Điều này sẽ dẫn đến hậu quả là kiến thức của các em bị hổng dẫn đến mất căn bản; điểm kiểm tra thấp so với các bạn cùng lớp làm các em mặc cảm đưa đến hiện tượng sợ bị kiểm tra, tiếp theo là chán học và cuối cùng nảy sinh bỏ học. Những em này phát sinh tính xấu là nói dối thường xuyên nhằm tìm cách che đậy hoặc chối tội. Chính từ hiện tượng đó đã cho tôi những suy nghĩ và phải tìm biện pháp giúp các em lấy lại kiến thức căn bản, tinh thần học tập và ngoan ngoãn hơn.
 

Qua nhiều năm là công tác chủ nhiệm tôi đã tìm ra được một số biện pháp giáo dục đạo đức cho học sinh như: Giáo viên quan tâm, tìm hiểu tâm sinh lí lứa tuổi của học sinh thông qua sách báo, tìm hiểu tâm tư tình cảm của học sinh bằng cách thường xuyên quan tâm trò chuyện với học sinh

Giáo dục đạo đức học sinh thông qua truyện kể: Thông qua nội dung các câu chuyện các em sẽ rút ra những bài học bổ ích cho bản thân, tự định hướng những hành vi của mình, giúp các em có những phút sinh hoạt thoải mái, mới mẻ.  Ngoài những mẩu chuyện hay, đôi lúc cần nêu những hiện tượng xấu mà xã hội lên án để học sinh biết lựa chọn cho mình những hướng đi đúng trong tương lai.

Nhà trường phối hợp với GVCN, gia đình để giáo dục hướng dẫn học sinh đi đúng hướng. GVCN phối kết hợp với tổng phụ trách đội tạo ra nhiều sân chơi lành mạnh cho học sinh như: Tổ chức các trò chơi dân gian, định hướng cho các em luôn có ý thức trong việc rèn luyện đạo đức cũng như trong học tập thông qua các phong trào như: “Vượt khó học tốt”, “Học đều, học đủ, học chăm”, “ Học đi đôi với làm”, “Học thực chất -thi nghiêm túc”, từ đó khuyến khích các em xây dựng cho mình được kế hoạch, phương pháp phù hợp với khả năng của từng học sinh.
 
Tình huống 2: “Thuốc lá có hại cho sức khỏe” của cô giáo Lê Thị Thoa, trường THCS Thanh Hưng - huyện Điện Biên.
Hoạt động Giáo dục ngoài giờ lên lớp là một hoạt động đầy bổ ích đối với mỗi học sinh. Hoạt động này thiết thực và cuốn hút đông đảo học sinh tham gia. Tổ chức hoạt động ngoài giờ lên lớp sẽ giúp các em ứng phó được với nhiều tình huống trong cuộc sống. Để tổ chức được người giáo viên phải có sự hiểu biết rộng, có cách ứng xử nhanh với nhiều tình huống sư phạm xảy ra. Sau đây là một tình huống xảy trong quá trình hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp và cách ứng phó của giáo viên.

Giờ hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp đang diễn ra sôi nổi, các bạn đã thảo luận xong phần thi “Những chất độc ở trong thuốc lá” và tiếp theo là đến phần thi của khán giả. Giáo viên đưa câu hỏi sau:

Theo em những đối tượng nào thường xuyên mắc hút thuốc lá, lí do họ mắc?
Câu hỏi vừa đưa ra, học sinh muốn trả lời rất nhiều và có một học sinh lớp 6 đã có ý kiến: Thưa cô em thấy Bác Hồ cũng hút thuốc lá ạ!
Cô giáo liền hỏi: Dựa vào đâu mà em nói như vậy?
Học sinh trả lời: Thưa cô em nhìn thấy trong ảnh ạ!

Cách xử lý tình huống thực tế của giáo viên
Ngừng lại trong giây lát, cô giáo liền nói: Hút thuốc lá có hại cho sức khỏe song có rất nhiều người đã hút đặc biệt là những người lao động bằng trí óc và trong đó có cả Bác Hồ. Nhưng Bác Hồ kính yêu của chúng ta cũng là người đi đầu trong phong trào bỏ thuốc lá. Em nào biết về điều này thì kể lại cho các bạn cùng nghe!

Cô giáo vừa nói dứt lời thì một học sinh khác ở lớp 7 nói: Thưa cô em biết đó là câu chuyện: “Bác hồ bỏ thuốc lá ạ!” Em xin kể để cô và các bạn cùng nghe. Em học sinh say sưa kể chuyện, tất cả các bạn đề lắng nghe. Lời kể vừa dứt, cả lớp vỗ tay hoan nghênh, cô giáo cảm ơn bạn và mời bạn ngồi xuống và hỏi: Em thấy việc bỏ thuốc lá của Bác diễn ra như thế nào?
 
Nữ sinh THPT Phan Đình Giót tham gia các hoạt động lớn của ngành
 
Học sinh trả lời: “Việc bỏ thuốc lá của Bác Hồ không phải nói là chấm dứt ngay được mà phải trải qua một quá trình như khi làm bất cứ một việc gì. Đó là phải đặt ra kế hoạch, có quyết tâm và biện pháp thực hiện. Người nói: "Quyết tâm một, kế hoạch mười, thì biện pháp phải hai mươi, có như vậy mới thực hiện được và bỏ hút thuốc cũng vậy”.

Cô giáo nói tiếp: Trong cuộc sống ai cũng có thể mắc phải những thói quen không tốt, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe: như hút thuốc lá hay uống rượu...nhưng cái quan trong là biết nhận ra và bỏ đi thói quen đó như Bác Hồ của chúng ta vậy.

Biết về tác hại của thuốc lá, cô mong rằng các em sẽ phòng và tránh được và sẽ là những thành viên tích cực trong việc tuyên truyền “Không hút thuốc lá vì sức khỏe cộng đồng” như lời Bác đã nói:
"Thuốc kiêng, rượu cữ đã ba năm,
Không bệnh là tiên sướng tuyệt trần.
Mừng thấy miền Nam luôn thắng lớn,
Một năm là cả bốn mùa xuân".
Trên đây là một tình huống sư phạm xảy ra bất ngờ và người giáo viên đã chủ động ứng phó nhịp nhàng để học sinh học tập và làm theo lời Bác, tránh được những hiểu sai lệch về Bác./.
      
                Tổng hợp: Tạ Xuân Chính – Chuyên viên phòng Giáo dục trung học. 

Tổng số điểm của bài viết là: 40 trong 11 đánh giá

Xếp hạng: 3.6 - 11 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập211
  • Máy chủ tìm kiếm9
  • Khách viếng thăm202
  • Hôm nay28,433
  • Tháng hiện tại878,514
  • Tổng lượt truy cập135,356,807
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi