banner

GDTrH – Sở Giáo dục và Đào tạo Điện Biên tổ chức thí điểm mô hình hỗ trợ tăng chất lượng, hiệu quả làm việc tại trường để giảm áp lực làm việc tại nhà đối với viên từ năm học 2013-2014.

Thứ năm - 26/09/2013 20:35
Dienbien.edu.vn - Với mỗi giáo viên cấp THCS theo quy định sẽ giảng dạy 19 tiết mỗi tuần, mỗi tháng số tiết vào khoảng 76 tiết. Còn giáo viên cấp THPT là 18 tiết mỗi tuần hay 72 tiết mỗi tháng. Các nhà giáo cần trung bình cũng khoảng thời gian đó cho soạn bài, đó là chưa kể các thầy cô có dạy thêm, dạy phụ đạo cho học sinh học yếu, dạy bồi dưỡng nâng cao cho học sinh khá giỏi, học sinh có năng khiếu.
Như thế với giáo viên Trung học trung bình soạn giảng khoảng 38 đến 42 giờ mỗi tuần, chưa kể các công tác chuyên môn như họp, sinh hoạt chuyên môn, chấm bài, nghiệp vụ khác….. Quy định của nhà nước như hiện nay là hợp lý, tương đương với công chức làm việc 5 ngày với 40 giờ mỗi tuần, mặc dù các thầy cô không được nghỉ ngày thứ bảy.

Trước thực tế đó, nhiều trường đã rất linh hoạt tạo điều kiện cho nhà giáo trong việc xếp lịch dạy học hàng tuần, hàng tháng, cố gắng để có thêm 02 buổi không có giờ ở trường, tạo ra ngày “chủ nhật thứ hai” hay “chủ nhật xanh”. Qua đó các nhà giáo có thời gian để chăm sóc gia đình, nghỉ ngơi, tham gia các công tác xã hội, chuyên môn khác. Đặc biệt nhiều thầy, cô xa vợ hoặc cồng, công tác xa nhau cả trăm cây số có dịp đoàn tụ, xây dựng hạnh phúc gia đình, chăm sóc con cái, điều đó thật đáng quý.

Tuy nhiên, hiện quản lý, giảng dạy trong nhà trường không còn đơn giản như “những ngày xưa” nữa, giờ đây các nhà giáo có rất nhiều các hoạt động chuyên môn sâu với khối lượng công việc lớn hơn, yêu cầu cao hơn và thường xuyên cập nhật kiến thức, thông tin mới. Người giáo viên hiện nay yêu cầu cao hơn và toàn diện hơn. Bên cạnh việc trực tiếp giảng dạy là tập huấn bồi dưỡng, công tác xã hội, đoàn thể, công tác chủ nhiệm, nghiên cứu khoa học, gặp gỡ gia đình học sinh, thăm vận động học trò tới trường, quản lý nội trú, xây dựng phong trào văn hóa văn nghệ thể thao….nói chung là vô cùng phong phú và đa dạng, điều đó chứng tỏ công tác giáo dục đã và đang có những bước tiến rất lớn, vượt xa so với trước đây đáp ứng những yêu cầu, nhu cầu của xã hội đòi hỏi ngày một cao hơn.

Các nhà trường làm thế nào để mỗi nhà giáo có thể cơ bản giải quyết hết khối lượng công việc ngay tại ngôi trường – ngôi nhà thứ hai của mình, để rồi khi về nhà họ yên tâm với việc nghỉ ngơi, tái sản xuất sức lao động, chăm sóc cha mẹ, con cái, dành nhiều thời gian hơn cho vợ hoặc chồng, đặc biệt là những người chồng là công an, biên phòng, những người mà thường xuyên xa nhà. Về với gia đình họ cần được bớt đi những lo toan vất vả việc chuyên môn trường, lớp…..để nghề dạy học bớt đi một cách thực sự và thay đổi quan niệm của rất nhiều người là nghề rất vất vả, ngày lên lớp, tối soạn bài, chấm bài….
         
Phòng làm việc của nhóm giáo viên tại một trường THPT
 
Với thực tế trên, từ năm học 2013-2014 Sở Giáo dục và Đào tạo đã ban hành văn bản chỉ đạo tổ chức thí điểm mô hình hỗ trợ tăng chất lượng, hiệu quả làm việc tại trường để giảm áp lực làm việc tại nhà đối với viên. Theo đó, có 4 trường tham gia thí điểm, là các trường có đủ điều kiện cần thiết gồm THPT Phan Đình Giót, Phổ thông DTNT tỉnh, THCS Nam Thanh (thành phố) và THCS Thanh Xương (huyện Điện Biên). Các trường này sẽ từng bước tăng cường đầu tư, quản lý cơ sở vật chất, cảnh quan môi trường tạo điều kiện thuận lợi để giáo viên có không gian môi trường làm việc cá nhân, làm việc nhóm tại trường; xây dựng phong cách làm việc khoa học, hiện đại, hiệu quả. Mục tiêu cuối cùng là hạn chế được việc giáo viên làm việc ngoài giờ và tại nhà ở; tăng điều kiện nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác, cuộc sống của gia đình và cá nhân giáo viên.

Ngày 13 tháng 9, Sở đã tổ chức cuộc Hội thảo nhỏ triển khai mô hình thí điểm này với lãnh đạo 4 trường, 2 phòng Giáo dục và Đào tạo, thống nhất cách hiểu mô hình, cách thức triển khai, hướng giải quyết một số vướng mắc, khó khăn khi bước đầu triển khai mô hình.
                        
        
Một không gian khác để giáo viên làm việc tại trường ngoài giờ dạy trên lớp.
 
Chúng ta hãy cùng nhau bàn bạc cách làm này, ở đây cần có sự quan tâm sát sao của các cán bộ quản lý, cùng với các nguyên tắc chung thì phải có tình yêu rất lớn với giáo dục, với ngôi trường, với mỗi con người, yêu quý chăm sóc ngôi trường như ngôi nhà của mình, sự chung tay ủng hộ nhiệt tình của mỗi nhà giáo mới có thể thành công. Sự thành công này bắt đầu từ thay đổi nhận thức, thói quen cố hữu từ hàng chục năm nay. Có lẽ không quá lớn lao gì đâu, chúng ta bắt đầu thử xem:

Cùng nhau tạo dựng một môi trường làm việc với đủ các điều kiện cần thiết cho các thày cô giáo, với không gian thân thiện, an toàn, tạo hứng thú làm việc, kích thích ý tưởng mới, cách làm mới mang tính sáng tạo tại trường. Mỗi trường việc đầu tiên là xác định có đủ phòng làm việc cho các bộ phận chuyên môn (văn phòng, thủ quỹ, kế toán, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, đoàn thanh niên – đoàn đội, kho, thư viện, thiết bị, y tế, bảo vệ - thường trực…) và bây giờ là phòng làm việc cho giáo viên. Đây không phải là phòng họp chung của trường, của hội đồng giáo dục kết hợp phòng truyền thống như lâu nay đang làm, mà đích thực là phòng làm việc của các thày cô giáo.

Tất nhiên chỉ những trường có đủ điều kiện về phòng mới thực hiện thí điểm được. Nếu trường bạn có khoảng 40 giáo viên thì cần khoảng 8 phòng đơn (kích thước 3 x 5 m), trường hợp có phòng rộng có thể ngăn ra một cách phù hợp. Mỗi phòng đơn bố trí chỗ ngồi làm việc cho tối đa 6 người. Các phòng làm việc đơn không nhất thiết ở gần nhau mà có thể nằm trong các tòa nhà khác nhau nếu điều kiện không cho phép, nhưng sẽ tốt hơn nếu không quá gần lớp học vì sẽ bị ồn và mất đi tính tập trung.

Trong mỗi phòng cần có không gian thoáng đãng, có cửa sổ, đủ ánh sáng tự nhiên với các đồ dùng tối thiểu gồm: bóng điện, quạt trần hoặc quạt tường hoặc máy điều hòa (để không chiếm nhiều không gian gây cảm giác chật chội), tranh ảnh trang trí (nên treo ảnh phong cảnh có gam màu gần gũi với thiên nhiên), trên tường hoặc giỏ hoa, treo bằng khen, giấy khen, giấy chứng nhận….một cách hài hòa và tùy theo sở thích, gu thẩm mỹ của từng người, nhóm người. Có bình nước dùng chung, có ấm chén, bình đun nước, thùng rác, chổi, máy thu hình, điện thoại cố định….đủ để anh em có thể chủ động khai thác sử dụng, tự phục vụ mình trong quá trình làm việc, đầm ấm, tiện ích gần gũi như ở nhà như nghe nhạc (có thể qua tai nghe), uống nước, trà, cà phê theo sở thích. Nếu thiết kế được chậu rửa, vòi nước thì càng tốt.

Hệ thống bàn ghế văn phòng đẹp, tiện ích, hiện đại, màu sắc phù hợp, nhiều ngăn kéo. Hệ thống tủ gỗ hoặc sắt đựng đồ cá nhân có màu sắc hài hòa, kích thước phù hợp cho từng cá nhân, có thể dùng tủ nhiều ngăn có khóa an toàn. Cách bố trí bàn ghế có thể chia ô độc lập với không gian mỗi người có bức ngăn (hiện các Công ty, các ngân hàng đang ưa chuộng), cũng có thể mỗi người có 01 bộ bàn ghế độc lập riêng biệt không có vách ngăn. Hệ thống wifi hay cổng kết nối internet đường truyền tốc độ cao.

Khuyến khích mỗi giáo viên tự đầu tư trang trí góc, khu làm việc của mình theo sở thích nhưng không ảnh hưởng tiêu cực tới người khác như: máy tính (để bàn, lap top), loa, tai nghe; lọ hoa, cây cảnh nhỏ, gương lược, tranh ảnh theo sở thích, lịch bàn, lịch tường; đồ dùng văn phòng: giấy, bút, thước, cặp, kép, dập gim, keo dán; đồ dùng chuyên môn như sách giáo khoa, sách tham khảo, đồ dùng cá nhân khác dày, dép, dụng cụ thể thao….như thế là mỗi giáo viên đã có một góc làm việc riêng vừa mang tính sở hữu, độc lập cao, vừa hòa quyện hài hòa trong không gian chung của tập thể đồng nghiệp.

Về nhận thức mỗi giáo viên cần thấy được trách nhiệm phát huy sử dụng tối đa công năng của phòng làm việc, có trách nhiệm tôn tạo, giữa gìn, làm đẹp, vệ sinh sạch sẽ, sử dụng thường xuyên hiệu quả khu làm việc dành cho mình. Có ý thực trực nhật, bảo quản thiết bị dùng chung, tài sản cá nhân của người khác. Tăng thời gian làm việc ở trường tại vị trí được giao. Tại đây rất nhiều công việc chuyên môn của người giáo viên được thực hiện, điển hình là soạn bài cho hôm sau, chấm bài của học trò, vào điểm số điểm cá nhân, sổ lớn, cập nhật thông tin qua tài liệu, internet, nghiên cứu sách tham khảo…..hẹn gặp học sinh, cha mẹ học sinh để giải quyết công việc, làm việc với các đồng nghiệp, cấp dưới, phối hợp giải quyết công tác đoàn thể, xây dựng mối quan hệ đồng nghiệp, với học trò gắn bó, sâu sắc…..nói chung là mọi việc có thể.

Bổ trợ cho không gian phòng làm việc là đầu tư tôn tạo làm đẹp không gian các lớp học và không gian khuôn viên trường theo hướng “mùa nào thức ấy”, thoáng mát vào mùa hè, ấm áp vào mùa đông, trong đó sự sạch sẽ, trong lành về không khí, nhiều màu xanh, đa dạng về chủng loại của cây cối là tiêu chí đầu tiên, sau đó là các trang thiết bị bổ trợ như ghế đá, cây cảnh, sự tiện ích về đường đi lại nội bộ, việc bố trí các bộ phận chuyên môn, phục vụ khác đảm bảo tính liên kết khoa học, thuận lợi trong giao dịch. Việc bố trí khuyến khích các trường có cách làm, bố cục, nét riêng đặc sắc, tránh việc học hỏi hay chỉ đạo quá cứng nhắc, máy móc để rồi không gian trường nào cũng “hao hao” trường nào, dẫn tới sự nhàm chán, đơn điệu.

Mô hình giáo viên tăng thời lượng làm việc tại trường, giảm hoặc không làm việc chuyên môn tại nhà không mới ở các nước phát triển, ở đó người giáo viên thường đi làm từ sáng đến chiều, ăn trưa tại trường, và gần đây nước ta có thêm quy định có phòng làm việc riêng cho các chức danh, học vị, học hàm cao như giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ. Việc tạo dựng không gian này ít nhiều đòi hỏi hai yếu tố chính về góc độ người quản lý và tổ chức, thứ nhất là cơ chế, tính thống nhất cao về cách thức và thứ hai là điều kiện về không gian, phòng làm việc và đầu tư trang thiết bị. Yếu tố thứ nhất cần có sự nhận thức và đồng thuận cao, mang tính tự nguyện, tránh gò ép cứng nhắc. Yếu tố thứ hai, chỉ thực hiện với các trường có đủ phòng làm việc, còn việc đầu tư không quá lớn từ ngân sách chi thường xuyên do cơ quan cấp trên cấp, các nguồn kinh phí xã hội hóa, sự tự giác của mỗi giáo viên. Và chúng ta cũng không nên cầu toàn đòi hỏi phải đầy đủ hoàn thiện và đẹp đẽ ngay mà nên từng bước theo lộ trình, có thể 1, 2 năm sau mô hình mới đi vào ổn định và nền nếp.
     
    
Tuyên truyền giáo dục về chủ quyền biển đảo Việt Nam cần được tăng cường trong nhà trường.
 
Trong các đơn vị trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo Điện Biên hiện nay, các trường có đủ điều kiện tối thiểu ban đầu để thí điểm có thể là THPT Phan Đình Giót, Phổ thông DTNT tỉnh và tiếp sau đó là THPT Thành phố, THPT chuyên Lê Quý Đôn (sau khi đầu tư bổ sung một số hạng mục từ năm 2013), THPT Thanh Chăn, THPT Huyện Điện Biên – những trường có nhiều giáo viên xa trường 5-10 km.

Để tạo dựng cách làm việc chuyên nghiệp, cán bộ quản lý các trường cần xây dựng bổ sung quy chế làm việc tại cơ quan, giáo viên cần có lịch làm việc khoa học, nghiêm túc. Ví dụ như hết tiết, có tiết trống đã xác định mình sẽ làm gì, buổi không có tiết dạy vẫn có thể đến làm việc. Coi không gian làm việc ở trường là môi trường chính, quan trọng mang tính chuyên nghiệp rất cao. Tại đây bạn có thể tự do, tự chủ trong nhiều hoạt động cá nhân trong khuôn khổ một cơ quan nhà nước, một môi trường giáo dục mang tính tương tác cao. Cuối giờ bạn có thể chơi thể thao trong khuôn viên trường với đồng nghiệp, giao lưu với các đơn vị bạn. Khi tất cả có tiếng nói chung, đồng thuận và trách nhiệm cao thì sẽ có không gian làm việc hiệu quả, thân thiện và tối ưu.

Khi khối lượng công việc chuyên môn về cơ bản đã được giải quyết ở trường, về nhà bạn hạn chế tối đa hoặc thậm chí sẽ không làm việc gì liên quan tới chuyên môn nữa mà thuần túy là việc gia đình, nghỉ ngơi, giải trí, tham gia nhiều hoạt động của công đồng dân cư.  Khi đó cuộc sống giữa gia đình, nhà trường, các mối quan hệ sẽ hài hòa hơn, các giá trị cuộc sống được nâng cao hơn, đem lại sinh khí mới cho môi trường giáo dục của chúng ta. Nếu thực hiện thành công nội dung này sẽ góp phần quan trọng vào sự thành công của phong trào thi đua Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực.

Một số ý kiến cho rằng, khó thay đổi được quan niệm đã “ăn sâu” vào suy nghĩ của nhà giáo, đó là soạn bài, chấm bài ở nhà, trống tiết thì ngồi nói chuyện, đi chợ…..đúng vậy không dễ nhưng nếu sự thay đổi là đúng đắn thì cần có quyết tâm, sự thành công của mô hình này phải bắt đầu từ thay đổi nhận thức, thói quen từ hàng chục năm nay. Và với sự quyết tâm, đồng thuận của tập thể 4 trường thí điểm, chúng ta tin tưởng mô hình sẽ bước đầu thành công, đem lại hiệu quả trong quá trình công tác của mỗi nhà giáo./.
 
                                               Thái Đình Huyên – Phòng Giáo dục trung học.

Tổng số điểm của bài viết là: 25 trong 5 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 5 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập149
  • Máy chủ tìm kiếm6
  • Khách viếng thăm143
  • Hôm nay28,433
  • Tháng hiện tại878,396
  • Tổng lượt truy cập135,356,689
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi