banner

GDTrH – Phỏng vấn cựu học sinh chuyên Toán THPT Chuyên Lê Quý Đôn khóa 1998- 2001, hiện đang làm việc tại Công ty Job Seeker, Sydney - Australia.

Thứ năm - 23/05/2013 20:20
Dienbien.edu.vn – Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn tỉnh Điện Biên có khá nhiều học sinh nay đã thành đạt trong cuộc sống ở cả trong nước và nước ngoài. Dù đi đâu, ở đâu làm gì, cũng như bao người con đất Việt khác, trái tim các bạn luôn hướng về tổ quốc, về gia đình và đặc biệt một phần trong đó là mái trường mến yêu. Ban biên tập trân trọng giới thiệu bài trò chuyện giữa người bạn với Trần Thị Vân Anh, cựu học sinh chuyên Toán khóa 1998- 2001, hiện đang sống và làm việc tại Sydney, Úc.
Được biết trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn đang có ý tưởng tổ chức giao lưu trực tuyển giữa học sinh của trường với một số cựu học sinh đang sinh sống học tập và làm việc ở nước ngoài, đó quả là một cách làm hay. Trân trọng giới thiệu.
 
CD: Vân Anh thân mến, thời gian từ 2001 chúng ta rời ghế nhà trường phổ thông đến giờ đã phải tính bằng đại lượng rất lớn trong thời gian của đời người rồi. Cùng với sự trưởng thành, mỗi chúng ta đều đã có nhiều thay đổi. Hiện tại, công việc, cuộc sống của bạn như thế nào?

Vân Anh: Chào Dương! Ừ nhanh thật, vèo cái mà đã 12 năm từ khi bọn mình rời ghế nhà trường, vậy mà cảm giác những năm học phổ thông như rất gần đây. Hiện giờ mình đang sống và làm việc ở Sydney, Úc. Mình làm về lĩnh vực IT cho một công ty Tìm việc làm của Úc. Công ty có nhiều mảng ở nhiều nước trong đó có Việt Nam.

Cuộc sống ở Úc có nhiều khác biệt so với Việt Nam. Một trong những khác biệt lớn nhất là Úc là nước đa văn hóa nên mình có điều kiện được tiếp xúc với người dân và văn hóa của nhiều nước trên thế giới.  

CD: Ngày trước, khi nghe tin Vân Anh đi du học, bạn bè cùng khóa cảm thấy rất vui và tự hào. Ý tưởng đi du học đến với bạn từ lúc nào vậy? Và, con đường để đi tới đích nhắm ấy ra sao? Có gì thật bất ngờ không khi bạn từ Điện Biên bước chân về Hà Nội?

Vân Anh: Thực ra khi còn học cấp 3 mình cũng không có nhiều kế hoạch cho tương lai, chỉ cố gắng học tốt để có thể thi đậu đại học. Khi đó thi đậu đại học là áp lực lớn nhất rồi. Lớp 12 mình đăng ký thi đại học trường Sư phạm Hà Nội khoa Toán và trường Đại học Bách Khoa Hà Nội. Đến giữa năm lớp 12, thật may mắn là mẹ mình biết tin chị Phạm Thanh Huê (khóa đầu tiên trường mình) thi được học bổng đi du học Úc. Lúc đó mình không nghĩ là mình có thể đạt được, nhưng có đặt mục tiêu là sẽ cố gắng hết sức mình. Mà cũng chẳng dám nói với ai về kế hoạch đó vì nghĩ nó còn xa vời lắm, chỉ đăng kí thi thử sức thôi. Học bổng này của Chính phủ Úc dành cho sinh viên Việt Nam sang du học bậc đại học ở nhiều ngành nghề. Học bổng được xét dựa trên thành tích học tập của học sinh. Nếu ai qua được vòng loại sẽ được gọi đi thi tiếng Anh. Thật đáng tiếc là học bổng này giờ không cấp cho bậc đại học nữa, mà chỉ cho bậc học thạc sỹ hoặc tiến sỹ. Đó là một bước ngoặt lớn. Có lẽ, nếu không biết đến học bổng đó giờ mình cũng là giáo viên dạy Toán đấy. 
 
Khó khăn lớn nhất của mình lúc đó là tiếng Anh. Bạn biết điều kiện thiếu thốn của học sinh Điện Biên những năm đó thế nào rồi - thiếu sách vở, thiếu tài liệu. Hồi đó còn chưa có Internet để truy cập thông tin dễ dàng như bây giờ. Tiếng Anh của mình học theo chương trình hệ 3 năm, mà học xong cũng chưa biết gì mấy, nghe, nói, đọc, viết đều hạn chế. Nên, thi đại học tháng 7 xong là mình ở lại dưới Hà Nội quyết tâm ôn luyện thêm tiếng Anh. Mình tìm đến tất cả các “lò luyện” tiếng Anh có tiếng mà đọc được từ báo Hoa Học Trò. Rồi cũng đăng kí học hết tất cả các nơi. Mà đi học thì thấy tự ti lắm, vì thấy các bạn Hà Nội nói tiếng Anh như gió, làm bài test vèo vèo, mình không biết nên cứ vào lớp là “buồn ngủ”, vì có hiểu gì đâu.

Thi đỗ cả 2 trường đại học, nhưng mình quyết định học Bách khoa để có thể xin được học bổng. Hồi đó, nhờ điểm thi đầu vào Đại học Bách khoa cao nên mình được xếp vào lớp Kỹ sư Việt - Pháp. Nhưng, xét thấy chương trình học quá nặng, mà mình lại đang quyết tâm ôn luyện tiếng Anh, nên đành xin chuyển qua lớp thường học. Đấy cũng là quyết định táo bạo. Bố mẹ, bạn bè cùng lớp cũ khuyên đừng bỏ vì học ở lớp đó có nhiều cơ hội tốt. Nhưng mình nghĩ, cơ hội chỉ có một, mình không thể ôm đồm được nhiều thứ một lúc. Cũng may, nhờ đó mà mình có trọn vẹn 5 tháng tập trung cho tiếng Anh (học sinh muốn du học Úc thì phải thi bài tiếng Anh IELTS) và thi vừa đủ điểm sàn để được học bổng. Sau đó mình được đi học ôn tiếng Anh thêm một năm ở Việt Nam, rồi thi thêm tiếng Anh (IELTS) một lần nữa được 6.5 điểm, đủ để chính thức được cấp học bổng sang du học Úc năm 2003.

CD: Mình thấy Vân Anh có khả năng chịu áp lực thật tốt! Có nhiều học sinh Điện Biên khi bắt đầu tiếp xúc với môi trường học ở dưới xuôi là thấy đuối, là nản, và vì thế sau đó ngại phấn đấu. Thế còn hành trình học tập và làm việc bên Úc của bạn thì sao?

Vân Anh: Áp lực ấy cho mình thấy, chỉ có một con đường là phải tiến thôi, dừng lại là mất hết. Nếu chúng ta bị áp lực đè xuống thì có nghĩa, vẫn có một khả năng nữa là đẩy áp lực ấy ra khỏi ta!
Sang Úc, mình học trường Đại học Kỹ thuật Sydney (University of Technology Sydney- UTS). Trong quá trình học đại học, mình cũng không có nhiều khó khăn lắm, vì học ở bên này là cả một quá trình, có rất nhiều bài kiểm tra trong cả kỳ học, nên chỉ cần chăm chỉ học theo đúng tiến độ của trường là được.

Sau khi tốt nghiệp, mình lập gia đình và sang Singapore làm việc một thời gian. Một lần nữa may mắn biết được tin trường đại học Carnegie Mellon University (CMU) của Mỹ đăng quảng cáo học bổng thạc sỹ gửi qua thư điện tử. Học bổng này do trường tài trợ và xét dựa vào thành tích học tập cũng như kinh nghiệm làm việc của sinh viên. Khóa học thạc sỹ gói gọn trong vòng 10 tháng chia làm 3 kỳ, học đến 6 môn một kỳ. Đây là giai đoạn “khủng khiếp” cho tất cả các học viên theo học, vì chương trình học rất nặng, giảng viên đòi hỏi cao, và lại gấp rút trong vòng có 10 tháng.

Sau khi học xong, mình quay lại Sydney, làm chuyên về IT cho các công ty về nhiều lĩnh vực khác nhau bao gồm giáo dục, quản lý dự án, kiểm toán, và giờ thì là công ty về việc làm. Lợi thế của ngành IT là bạn có thể làm ở nhiều công ty, nhiều nước, và nhiều lĩnh vực khác nhau. Đi đến đâu thì ngành IT cũng luôn có nhiều việc (“high demand” job).

CD: Như vậy, nhìn lại hành trình của mình, Vân Anh nhận thấy cần có những trang bị nào, trong đó trang bị nào cần thiết nhất sau khi rời ghế nhà trường để có thể đi du học?

Vân Anh: Mình nghĩ, thứ nhất là hãy cố gắng học phổ thông tốt để có kiến thức nền tảng (ví dụ, sinh viên Việt học toán tốt, nên khả năng tư duy tốt, tiếp nhận kiến thức rất nhanh). Sau đó, cần xác định tiếng Anh là một công cụ không thể thiếu. Điều kiện đầu tiên để bạn xin được học bổng du học là phải thi được tiếng Anh (IELTS hoặc TOELF tùy theo nước đến). Tất nhiên, nếu bạn muốn đi học các nước khác như Pháp, Nhật thì phải biết cả tiếng nước đó. Nhưng mình nghĩ ngay cả như thế, thì biết tiếng Anh vẫn là lợi thế. Có vốn tiếng Anh tốt, thì bạn có thể tự truy cập thông tin học hỏi trên mạng.
CD: Nếu so sánh người trẻ Việt Nam với người trẻ ở các nước phương Tây và các châu lục khác mà bạn biết thì có thể kết đọng lại ở những điểm mấu chốt nào? So sánh mình của bây giờ với mình của ngày xưa (khi còn là học sinh, ở Việt Nam), về mặt nhận thức, bạn thấy có gì thay đổi cơ bản không?
Vân Anh: Nói chung, mình thấy sinh viên Việt giỏi, thông minh, chịu khó và khả năng nhận thức nhanh. Điểm yếu hơn các bạn Úc là ở khả năng nói (hùng biện) và tư duy phản biện (critical thinking). Hai cái này mình thấy khá quan trọng.
Quá trình học ở bên này giúp mình tự lập hơn nhiều. Đi học, đi làm, mình học thêm được nhiều thứ, hiểu biết hơn.
CD: Giữa việc đi du học với việc xác định sống và làm việc ở một đất nước không phải Việt Nam mình có liên hệ với nhau như thế nào?
Vân Anh: Thực ra, lúc được học bổng, trong suốt quá trình học ở Úc thì mình cũng không nghĩ là sẽ định cư ở Úc. Nhưng đến khi sang Singapore thì lại nhen nhóm mong muốn quay trở lại Úc. Có lẽ vì cả thời sinh viên đẹp nhất ở Úc, cảm thấy gắn bó với nước Úc. Cũng giống như nếu bạn học đại học ở Hà Nội, thì học xong sẽ thấy gắn bó và muốn ở lại Hà Nội hơn. Theo kiểu mà người Việt mình vẫn hay nói là “ở đâu âu đấy”!

CD: Mình cho rằng, hiện tại của bạn rất đáng mơ ước. Có lẽ chúng ta nên nhớ về “ngày xưa” một chút nhỉ? Trong bảng vàng ghi danh các học sinh giỏi quốc gia của nhà trường có tên của Vân Anh, các em học sinh rất ngưỡng mộ. Là một học sinh giỏi quốc gia, lại là một học sinh học chuyên về Toán, sau khi được tiếp xúc ở những chân trời rộng hơn, theo bạn, muốn làm nên điều kì diệu trong kì thi học sinh giỏi quốc gia, cần có điều kiện nào?

Vân Anh: Ngoài những câu chuyện liên quan đến tố chất học sinh, quá trình tự học, rèn luyện không ngừng, thì thực lòng mà nói, mình thấy giáo viên là yếu tố quan trọng. Còn nhớ hồi năm lớp 10, khi thầy Phạm Quang Tể (bây giờ thầy là Nhà giáo ưu tú, trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục – Sở Giáo dục và Đào tạo Điện Biên – Ban biên tập) từ Thái Bình lên, lớp mình đã rất vui vì có giáo viên dạy Toán tốt. Thầy đã làm thay đổi hẳn chất lượng học Toán của bọn mình. Thật tiếc là mình đã không đi theo nghề sư phạm để có thể giúp được nhiều hơn cho trường mình.
 

Vân Anh cùng chồng
CD: Lại nói đến chuyện tự học, mình vẫn nhớ cách học của Vân Anh ngày xưa, qua lời kể của bạn về việc mỗi ngày bỏ ra nhiều giờ mày mò làm các bài tập toán trong các sách tham khảo, nâng cao. Đến ngày hôm nay, Vân Anh vẫn được các thế hệ thầy cô của trường mình đánh giá là một trong những học sinh xuất sắc nhất các khóa, trên cả phương diện thành tích và chỉ số IQ. Bạn chia sẻ một chút về kinh nghiệm học tập của mình nhé? Ai là người tạo động lực lớn nhất để bạn học tập tốt?

Vân Anh: Mình khá kiên trì và chịu khó. Nói chung nên học ngay từ đầu học kì, học đến đâu ôn luyện đến đó để không bị dồn ứ lại đến trước các bài kiểm tra hay kì thi. Học phần cơ bản trước, rồi mới đến nâng cao. Hồi phổ thông mình không bỏ qua bài tập nào trong quyển sách giáo khoa và sách bài tập, xong xuôi mới qua các loại sách tham khảo.

Động lực lớn nhất của mình là gia đình. Bố mẹ và em gái tạo mọi điều kiện tốt nhất cho mình học tập, ngay cả những khi điều kiện gia đình rất khó khăn. Mình luôn tự nhủ phải học tốt để làm vui lòng bố mẹ.

CD: Đúng vậy, học, quý ở sự kiên trì. Phải có độ bền mới có sức để bật cao và xa. Ngoài chỉ số IQ (chỉ số thông minh), mình cho rằng Vân Anh là trường hợp sở hữu cả chỉ số AQ (chỉ số vượt khó) rất cao. Xin bạn cho các em học sinh của trường Lê Quý Đôn một vài lời khuyên?

Vân Anh: Để thành công, hãy luôn cố gắng trong mọi trường hợp, ngay cả khi bạn có thể không đạt được điều như mong muốn. Phương châm sống của mình là “luôn cố gắng để không bao giờ phải hối hận” - hối hận vì mình đã không cố gắng hết sức mình. Cũng đừng sợ nếu thất bại, vì ngay cả khi thất bại thì mình cũng đã học được nhiều từ thất bại đó rồi. Còn em học sinh nào muốn đi du học, thì hãy xác định ngay từ đầu, tiếng Anh là công cụ hữu hiệu. Các em cũng nên tham gia các họat động ngoại khóa để tăng hiểu biết xã hội, khả năng hùng biện. Mình có trang này viết về các học bổng du học bậc đại học cho sinh viên Việt Nam. Hi vọng sẽ hữu ích cho các em muốn tìm hiểu về xin học bổng du học.

CD: Vân Anh thân mến, nếu bây giờ được bày tỏ một điều với các thầy cô giáo đã từng dạy bạn, bạn sẽ nói gì? Bạn có muốn làm gì đó cho trường không?

Vân Anh: Mình muốn cảm ơn tất cả các thầy cô giáo trường chuyên Lê Quý Đôn đã giúp cho không chỉ mình mà cả bao thế hệ học sinh Điện Biên có nền tảng vững chắc cho các chặng đường dài sau phổ thông.

Mình cũng muốn làm điều gì đó cho trường mà chưa có cơ hội. Mình đang nghĩ, các cựu học sinh Lê Quý Đôn thành công trên nhiều lĩnh vực, ngành nghề, và đang sống ở nhiều nơi trong và ngoài nước có thể, theo một hình thức nào đó, chia sẻ kinh nghiệm về ngành nghề hoặc kiến thức cho các em học sinh đang học. Có thể trường mình tổ chức giao lưu thảo luận trực tuyến (video conference), mời các cựu học sinh tham gia nói chuyện với các em học sinh, giải đáp các thắc mắc, tư vấn về ngành nghề. Không biết có ai có cùng ý tưởng, nguyện vọng đó để làm cùng mình không? Về mặt kỹ thuật thì đơn giản lắm, có thể chỉ cần dùng Skype chẳng hạn là có thể có những cuộc trò truyện trực tuyến hữu ích tạo thêm động lực cho các em học sinh rồi. Nếu nhà trường thấy cách này phù hợp, mình có thể xung phong làm đầu (nếu không có bạn nào muốn làm trước).

Mình còn nhớ năm lớp 10, có một hôm đến nhà bạn cùng lớp dự sinh nhật. Bạn ấy chỉ cho mình tấm ảnh cậu ruột bạn ấy - là người Điện Biên, học Đại học Ngoại thương xong đang đi làm ở Bộ Ngoại giao và hay được đi nước ngoài. Hôm đó về, mình cảm thấy có thêm nhiều động lực để phấn đấu học tốt hơn, đi xa hơn nữa. Thế nên, mình nghĩ, nếu có thể được, thì được trò chuyện, gặp gỡ (nếu có thể) và giao lưu với các cực học sinh Lê Qúy Đôn cũng sẽ giúp ích rất nhiều cho các em học sinh, giúp các em có thêm động lực.

CD: Hiện giờ, nhà trường đã làm việc đó rồi bạn ạ! Những năm gần đây, trường vẫn tổ chức giao lưu và tư vấn giữa học sinh các khóa, nhưng chủ yếu là giữa các em học sinh lớp 12 với các anh chị vừa thi đỗ đại học điểm cao, nghĩa là chủ yếu chia sẻ kinh nghiệm học tập, thi cử, còn tư vấn nghề nghiệp và các kĩ năng thực tế thì có lẽ tới đây cần tính toán tiếp để thực hiện. Những học sinh có năng lực học chuyên sâu rất tốt các môn tự nhiên, theo bạn, trong thời điểm hiện tại, nên chọn ngành nghề nào (nghề ở Việt Nam và thế giới) để dừng chân và cống hiến hữu ích?
Vân Anh: Có rất nhiều ngành nghề, ngành nào cũng hay và hữu ích cho xã hội. Mình nghĩ yếu tố đầu tiên là các em thích gì. Ngành nào cũng có cái khó, cái dễ của nó cả. Ngay bản thân mình làm IT nhưng cũng có những giai đoạn khó khăn vất vả, có những lúc tự hỏi mình có thích hợp với nghề này không, có nên chuyển nghề khác không. Hiện giờ thì mình thích nghề IT này.
Có lẽ để trả lời câu hỏi này thì mình nghĩ có những cuộc trò truyện trực tuyến với các cựu học sinh Lê Qúy Đôn là rất hữu hiệu, các em sẽ được hỏi sâu hơn từ những người trong nghề. Riêng lớp 12C1 của mình chuyên về các môn tự nhiên thì đã có nhiều nghề rồi: IT, viễn thông, giao thông, tài chính - kế toán, kinh tế, sư phạm, xây dựng, mỏ, vv…

CD: Chắc chắn nhà trường sẽ rất ủng hộ phương án này!

Còn bây giờ là một chút riêng tư. Đối với bạn, điều gì là quý giá nhất trong công việc, và trong cuộc sống? Bạn có tiếc nuối điều gì trong quá khứ không? Quãng thời gian nào đáng nhớ nhất trong đời bạn?

Vân Anh: Trong công việc, đó là cảm thấy yêu thích công việc mình làm và năng lực của mình được đánh giá đúng mức. Trong cuộc sống, gia đình và sức khỏe là hai thứ vô cùng quan trọng với mình. Luôn suy nghĩ tích cực giúp bạn hạnh phúc (cái này hơi khó đó, nhiều khi mình cũng chưa thực sự suy nghĩ tích cực lắm, nhưng cần cố gắng để đạt điều đó).
Nói chung mình làm việc gì cũng luôn cố gắng hết sức mình, nên ngay cả khi thất bại thì cũng không nuối tiếc nhiều. Trong mỗi hành trình mình đã đi qua đều có rất nhiều kỷ niệm. Mình hay nhớ về thời học sinh mơ mộng, cùng bạn bè chỉ biết học và chơi, chưa phải suy nghĩ lo toan gì nhiều. Ngay cả giờ, thỉnh thoảng mình vẫn ngủ mơ về bạn bè cấp 3 và trường Lê Qúy Đôn đó. Mình cũng nhớ về những năm tháng vất vả ôn thi đại học, ôn thi tiếng Anh để xin du học. Mình nhớ về những năm tháng sinh viên đẹp, yêu đương lãng mạn nơi xa xứ, nhớ những tháng ngày hai vợ chồng vất vả học và làm. Dường như những quãng thời gian khó khăn vất vả nhưng đem lại kết quả tốt thì mình nhớ nhiều hơn!  
 

Nhà hát Opera ở Australia (ảnh minh họa từ internet)
CD: Ngày xưa, khi còn học cùng nhau, một năm nhỉ (lớp 9, năm đó lớp văn và toán chung làm một), mình đã luôn cảm nhận Vân Anh là một người lạc quan và tích cực. Mình nghe nói, Vân Anh lập gia đình, đã có một cháu gái và một người chồng lý tưởng. Theo bạn, là nữ, lại là nữ có nhiều đam mê và khát vọng thì việc chọn được người chồng đúng như mơ ước có khó khăn không? (câu này hơi riêng tư tí).

Vân Anh: Mình nghĩ tình yêu và hôn nhân có duyên có số. Mình chưa bao giờ đặt ra tiêu chuẩn cho người yêu và người chồng. May mắn là mình gặp được đúng người hợp với mình thôi. Mà thực ra có người yêu và lập gia đình cũng giúp rất nhiều cho việc học và sự nghiệp của mình. Hai vợ chồng làm cùng nghề cũng có nhiều thuận lợi.

CD: Tới đây, 20 thành lập trường - năm 2015, bạn có dự định về thăm trường cũ không?

Vân Anh: Nhanh quá! Thế mà cũng sắp 20 năm nhỉ. Mình sẽ cố gắng, sẽ thật tuyệt vời nếu mình về được. Nhưng mình cũng không dám nói tuyệt đối 100%, vì bây giờ còn công việc và gia đình nữa.

CD: Món quà mà tập thể lớp Vân Anh – chuyên Toán khóa 1998 – 2001- tặng nhà trường cách đây mấy năm (tượng nhà Bác học Lê Quý Đôn) rất có ý nghĩa! Rất cảm ơn bạn đã dành thời gian cho trường, cho các em học sinh. Hẹn gặp lại bạn trong kế hoạch sắp tới của chúng ta!
 
Trần Chinh Dương – THPT Chuyên Lê Quý Đôn thực hiện

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập326
  • Máy chủ tìm kiếm4
  • Khách viếng thăm322
  • Hôm nay24,297
  • Tháng hiện tại897,937
  • Tổng lượt truy cập135,376,230
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi